Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025 - dư luận đồng tình ủng hộ
Ngày 30/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Thông tin vừa công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nhận được sự đồng tình của đa số người dân, nhất là các bậc phụ huynh có con đang “tuổi ăn, tuổi lớn”.
Thuốc lá điện tử, nung nóng đang quảng cáo tràn lan trên mạng (ảnh chụp màn hình).
Thực trạng đáng lo ngại
Trong ngày làm việc thứ 18, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, TLĐT và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh về số người sử dụng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ. Qua điều tra liên quan đến sử dụng TLĐT, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi thấy rằng, nhu cầu và việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là đối với trẻ em gái cũng tăng lên. Tỷ lệ sử dụng TLĐT trong nhóm học sinh từ 13 – 17 tuổi cũng tăng 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023...
Tại tỉnh ta đã xuất hiện tình trạng học sinh sử dụng TLĐT và đây đang là vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Nhiều lần chứng kiến học sinh hút Pod (một dạng thiết bị thuốc lá điện tử (vape) nhỏ gọn, được thiết kế để cung cấp nicotine hoặc các hương liệu khác qua hình thức hơi nước) trong các quán ăn vặt, quán coffee gần các cổng trường học, hoặc trong các công viên, hồ Đồng Chiệc... trên địa bàn TP Thanh Hóa; thậm chí các em còn “vô tư” vừa điều khiển xe máy điện vừa hút TLĐT dọc đường mà thấy lo lắng cho một thế hệ trẻ, bởi những nguy cơ tiềm ẩn từ loại thuốc này mang lại.
Nhìn thấy 3 học sinh THPT vừa điều khiển xe máy điện, lạng lách, đánh võng trên đường, vừa hút TLĐT, con trai tôi ngồi trong xe nói “Các anh ấy đang hút Pod đấy mẹ. Pod dùng một lần có nhiều hương vị khác nhau, như: trái cây, bạc hà, sô cô la, sữa, đến các loại bánh ngọt... rất hấp dẫn. Vì thế mà, ngồi bên cạnh người hút Pod cũng rất muốn hút vì mùi thơm ngọt ngào và rất dễ chịu, tạo cảm giác như ăn một ly trái cây tươi mát ấy!... Có lần, các bạn đã dụ con hút thử nhưng con cương quyết từ chối nên lần sau các bạn không dụ nữa".
Thấy con trai đang học THCS nói thế, tôi vô cùng lo lắng nên vào máy tính gõ cụm từ khóa “thuốc lá điện tử” trên công cụ tìm kiếm Google, tôi nhận được nhiều kết quả liên quan đến các khía cạnh khác nhau của sản phẩm này. Và, trên các nền tảng như facebook, Instagram, hàng loạt quảng cáo và tin rao bán sản phẩm TLĐT với đủ các chủng loại và giá cả khác nhau.
Qua trò chuyện với anh Nguyễn Đăng Khôi, ở TP Thanh Hóa - người thường xuyên dùng và am hiểu về TLĐT, anh giải thích: Giá TLĐT trên thị trường hiện nay rất đa dạng, dao động tùy thuộc vào thương hiệu, thiết kế, chức năng, và loại sản phẩm (pod dùng một lần, pod hệ thống mở, hoặc thiết bị TLĐT cao cấp).
Đối với Pod dùng một lần, loại pod này đã được nạp sẵn tinh dầu và không thể nạp lại. Thường nhỏ gọn và tiện dụng, có giá từ 80.000 - 400.000 đồng/chiếc. Đối với Pod hệ thống mở (nạp lại tinh dầu), loại này có thể tái sử dụng bằng cách nạp thêm tinh dầu và thay lõi đốt, giá dao động từ 300.000 - 2.000.000 đồng. TLĐT cao cấp (mod kit), thiết bị phức tạp hơn, có thể điều chỉnh công suất và dung lượng pin lớn hơn, có giá từ 1.000.000 - trên 3.000.000 đồng. Hàng xách tay hoặc nhập khẩu chính hãng có giá cao hơn hàng không rõ nguồn gốc...
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Đăng Khôi, việc hút TLĐT có thể gây nghiện do các yếu tố liên quan đến thành phần và cách thức hoạt động của nó. Bởi, khi hút TLĐT, nicotine sẽ được hấp thụ vào cơ thể qua phổi, gây kích thích hệ thần kinh trung ương và tạo cảm giác thỏa mãn, thư giãn, hoặc tỉnh táo. Do đó, việc sử dụng nicotine có thể tạo ra một cảm giác “sướng” ngắn hạn, khiến người dùng có xu hướng muốn lặp lại hành vi này, từ đó hình thành thói quen và dễ dẫn đến nghiện.
Cần phải xử phạt nặng
Khi nghe tin Quốc hội thông qua nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng TLĐT, thuốc lá nung nóng từ năm 2025, chị Phạm Thị Hằng, ở phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa cho rằng, đây là quyết định “đúng”, “trúng”, “hợp lòng dân” trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là bảo vệ thế hệ trẻ khỏi nguy cơ nghiện. Bởi, trong gia đình chị cũng có đứa con “nghiện” TLĐT. Chị Hằng cho biết, năm cuối con gái học THCS, trong một lần đi làm về giữa giờ, chị thấy cháu cầm hộp nhựa màu tím hút. Thời điểm đấy, chị còn chưa biết đó là TLĐT nên cũng không quan tâm nhiều. Đến khi con gái lên THPT, thỉnh thoảng chị thấy cháu hút, và chị cũng nghe mọi người nói cháu đang hút TLĐT - loại thuốc có thể gây nghiện. Lúc này, chị mới giật mình và tìm hiểu về tác hại của loại thuốc này. Từ đó, cả nhà phân tích, thậm chí bố cháu còn tìm thiết bị TLĐT đập nát đi và quát, đánh cháu. Nhưng, chị nghĩ chỉ cấm cháu hút được ở nhà, chứ cháu đi ra ngoài thì khó mà kiểm soát được. Việc cháu đua đòi hút TLĐT đang làm cho gia đình chị bất an. Giờ cấm triệt để dạng thuốc lá này có thể giúp ngăn chặn một thế hệ trẻ nghiện ngập.
“Ngoài việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển thì cũng phải có chế tài xử phạt thật nặng người hút TLĐT giống như xử phạt nồng độ cồn để tạo tính răn đe và giảm sự phổ biến của TLĐT trong xã hội” - chị Hằng kiến nghị.
Cùng quan điểm xử phạt nặng người hút TLĐT, anh Nguyễn Văn Thắng, ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, cho biết: Xử phạt nặng những người hút TLĐT có thể làm giảm sự phổ biến của TLĐT trong cộng đồng, đặc biệt là trong các khu vực như trường học, nơi các bạn trẻ có thể dễ dàng bị lôi kéo vào việc sử dụng để thể hiện mình hoặc theo trào lưu.
Ở một số quốc gia như Singapore, Ấn Độ, Thái Lan đã áp dụng hình thức cấm và xử phạt nghiêm khắc đối với việc sử dụng TLĐT nhằm giảm sự phổ biến trong giới trẻ và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Những quốc gia này đã thành công trong việc hạn chế sự phát triển của thói quen sử dụng TLĐT...
Giới trẻ đang sử dụng TLĐT như một trào lưu, hay muốn thể hiện sự “ngầu”, “thời thượng” mà không nhận thức được hết các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh cho rằng bên cạnh việc xử phạt nghiêm việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng TLĐT, thuốc lá nung nóng thì việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho giới trẻ cũng rất quan trọng, đặc biệt là phải tạo ra một chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ và toàn diện trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các nền tảng xã hội và tại các trường học, nhằm cung cấp thông tin về tác hại sức khỏe, rủi ro nghiện, và quy định pháp lý liên quan đến TLĐT. Qua đó, không chỉ có thể tạo ra một rào cản pháp lý mạnh mẽ đối với hành vi sử dụng TLĐT, mà còn giúp thay đổi nhận thức và hành vi lâu dài của cộng đồng. Từ đó, họ sẽ tự giác hơn trong việc tránh xa sản phẩm TLĐT.
Bài và ảnh: Ngân Hà
{name} - {time}
-
2025-01-10 17:27:00
Chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng” năm 2025 tại Hoằng Hóa
-
2025-01-10 16:56:00
Phiên chợ đặc biệt dành cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
-
2024-12-06 07:03:00
Từ ngày 10/1/2025 cơ sở dữ liệu về cư trú bao gồm 15 trường thông tin
Trẻ em “nghiện” mạng xã hội: Hệ lụy khôn lường (Bài cuối) - “Lá chắn” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Hưởng ứng chiến dịch 60 ngày - đêm tăng tốc, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công
Bất cập tại các tòa nhà chung cư
Phát triển đô thị xanh, hiện đại, thông minh
Lan tỏa nhận thức, hiểu biết về chăm lo cho người lao động, người yếu thế
Trẻ em “nghiện” mạng xã hội: Hệ lụy khôn lường (Bài 2) - Con dao hai lưỡi!
Ngành Đường sắt đã bán hơn 137.000 vé tàu Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Phòng, chống bạo lực gia đình góp phần xây dựng môi trường văn hóa
Minh Tiến giảm nghèo từ những mô hình phát triển kinh tế