Các cơ sở y tế siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận ca bệnh dương tính với SARS-CoV 2, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch. Trong đó yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch, nhất là tổ chức sàng lọc kỹ các yếu tố dịch tễ đối với người vào, hạn chế số người thăm tại các khoa, phòng bệnh... nhằm ngăn dịch COVID-19 xâm nhập.
Các cơ sở y tế triển khai kiểm soát nghiêm người đến khám, chữa bệnh.
Là đơn vị đầu ngành, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân khám ngoại trú và 1.500 lượt điều trị nội trú. Ngay từ cổng ra vào, bệnh viện đã triển khai chốt kiểm tra thân nhiệt, phân luồng cửa ra vào dành riêng cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Tại đây, tất cả người dân đều bắt buộc khai báo y tế, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn. Nhân viên sẽ yêu cầu tất cả người vào cổng phải khai báo y tế, các thông tin về lịch trình di chuyển được bệnh viện nắm bắt chặt chẽ trước khi cho người dân vào khu vực bệnh viện. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ kiểm tra chặt chẽ người vào các khoa bệnh để hạn chế số người vào thăm. Tại các khu khám bệnh, hành lang các khoa, phòng, ở các vị trí dễ nhìn thấy đều có biển bảng thông báo các yêu cầu về phòng dịch.
Chị Lê Thị Mai (thị xã Nghi Sơn), đang chăm sóc mẹ tại Khoa Tim mạch cho biết: Ngay từ khi nhập viện, chúng tôi đã được cán bộ y tế của khoa yêu cầu mỗi bệnh nhân chỉ được một người nhà chăm sóc; cửa ra vào của khoa luôn có cán bộ trực để kiểm soát, nhắc nhở người nhà. Vì vậy gia đình tôi cảm thấy rất yên tâm dù phải ở viện trong thời gian dài giữa thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Trao đổi với Tiến sĩ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, được biết: Theo quy định của bệnh viện, mỗi bệnh nhân chỉ được một người nhà vào chăm sóc. Vì thế, các khoa, phòng đều bố trí nhân viên y tế túc trực ngay lối vào nhằm hạn chế tối đa số người nhà vào thăm. Đối với các khoa điều trị bệnh nhân nặng, bệnh viện sẽ thực hiện việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại bệnh viện. Về phía bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng được yêu cầu cần có sự phối hợp tốt khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh.
Tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay luôn duy trì và siết chặt công tác sàng lọc, phân luồng. Các bệnh nhân khi vào bệnh viện đều bảo đảm được khai thác đầy đủ các triệu chứng và yếu tố dịch tễ. Đặc biệt, cán bộ, nhân viên làm công tác sàng lọc có trách nhiệm nhắc nhở, yêu cầu mọi người khi vào bệnh viện đều phải mang khẩu trang và vệ sinh tay. Tại các khoa lâm sàng tuân thủ nghiêm túc việc giãn cách theo đúng quy định. Nhất là hiện nay bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân từ Bệnh viện K trở về. Do đó bệnh viện đã thực hiện nghiêm sàng lọc yếu tố nguy cơ, tiến hành xét nghiệm và áp dụng các biện pháp cách ly, theo dõi y tế phù hợp theo quy định.
BSCKI Nguyễn Quang Hưng, phó giám đốc bệnh viện, cho biết: Cùng với công tác sàng lọc, hiện nay, đơn vị đã cập nhật phác đồ điều trị, rà soát lại khu điều trị cách ly, thuốc, vật tư, thiết bị phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân có yếu tố dịch tễ nghi ngờ. Rà soát phương tiện, thiết bị cấp cứu, máy thở, cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện phòng hộ cá nhân phục vụ công tác phòng chống dịch. Bố trí nhân lực thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh tại các khoa hồi sức cấp cứu và người bệnh có chỉ định chăm sóc cấp I tại các khoa lâm sàng.
Tại các bệnh viện tuyến huyện cũng thực hiện chặt chẽ công tác sàng lọc, phân luồng bệnh nhân. Các đơn vị yêu cầu cán bộ, nhân viên bảo đảm vị trí trực, không rời vị trí khi các khoa không có bệnh nhân, trực thường trú. Đội ngũ y, bác sĩ thực hiện đi buồng theo nhóm, tránh đi lại nhiều. Các khoa tùy theo số lượng bệnh nhân để phân công làm việc theo ca kíp. Bên cạnh đó, yêu cầu mỗi bệnh nhân chỉ có 1 người nhà vào chăm sóc, hạn chế số người vào thăm.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, hiện nay, bệnh viện đã bảo đảm khu cách ly, nhân lực, vật tư y tế, hậu cần để sẵn sàng đáp ứng khi có tình huống cấp cứu và xử trí. Để phòng chống hiệu quả dịch bệnh, đối với cán bộ, y, bác sĩ, ban giám đốc yêu cầu thực hiện nghiêm thông điệp “5K”, đặc biệt là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng siết chặt quản lý người bệnh, người nhà, khách thăm ra vào bệnh viện; yêu cầu họ thực hiện đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay.
Hiện nay dịch COVID-19 đang tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp. Tại Thanh Hóa đã phát hiện bệnh nhân dương tính với SARS-CoV- 2. Để chủ động ngăn chặn, phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, không để các cơ sở y tế trở thành ổ dịch COVID-19, ngành y tế chỉ đạo mỗi cơ sở y tế cần có phương án cụ thể trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế. Bởi, nếu chỉ một chút lơ là, mất cảnh giác, để “lọt” người nhiễm COVID-19 vào bệnh viện mà không được kiểm soát thì hậu quả sẽ rất nặng nề.
Giám đốc Sở Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch của bệnh viện để đáp ứng với các cấp độ dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 phương châm 4 tại chỗ; rà soát các điều kiện của khu điều trị cách ly tạm thời trong bệnh viện, sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp được coi là ca bệnh nghi ngờ đến khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện và các trường hợp khác do các bệnh viện chuyển tuyến đến; xây dựng, rà soát, hoàn thiện, bổ sung kế hoạch đáp ứng khi có quyết định cách ly, phong tỏa phòng chống dịch... Thực hiện nghiêm tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống COVID-19. Sàng lọc, phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn. Thực hiện giãn cách trong các cơ sở khám, chữa bệnh; hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Mỗi bệnh nhân chỉ được bố trí tối đa 1 người chăm sóc cố định trong thời gian nằm viện; tích cực triển khai chăm sóc toàn diện tại các khoa phòng, khu vực có bệnh nhân nặng; hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết; rà soát bố trí khoa, phòng; quy trình khám, chữa bệnh hợp lý... không để người bệnh phải nằm ghép. Bố trí khoảng cách đúng quy định giữa các giường bệnh. Bảo đảm thông khí tự nhiên trong buồng bệnh, khoa, phòng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Khuyến cáo người dân nên đến tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu để được khám, chữa bệnh. Triển khai đăng ký trực tuyến, đặt lịch hẹn trước khi đến khám, chữa bệnh và khuyến cáo người dân không nên đến sớm trước lịch hẹn.
Các bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi...) tiếp tục rà soát, củng cố, nâng cao năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để đáp ứng với các tình huống dịch. Các bệnh viện đa khoa khu vực sẵn sàng phương án về cơ sở vật chất, nhân lực và các điều kiện khác để có thể triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR trong thời gian ngắn nhất khi được Sở Y tế yêu cầu. Chỉ định xét nghiệm sàng lọc phát hiện SARS-CoV-2 đối với tất cả các trường hợp đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán là ca bệnh nghi ngờ theo Quyết định số 2008/QĐ-BYT ngày 26-4-2021 của Bộ Y tế. Thường xuyên tổ chức xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên cho nhân viên y tế ở các khu vực có nguy cơ cao: khu vực đón tiếp, khoa khám bệnh, bộ phận sàng lọc, phân luồng, cách ly cho người bệnh ở một số khoa, phòng có nguy cơ cao hoặc những người bệnh có thể chịu ảnh hưởng nặng khi nhiễm COVID-19: như người bệnh tại khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm...; phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện các hoạt động giám sát trọng điểm theo kế hoạch.
Với người bệnh mắc bệnh mạn tính, đã điều trị ổn định, thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú từ 1 đến 3 tháng, đồng thời bảo đảm cung cấp đủ thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh theo đơn thuốc cho đến lịch tái khám dự kiến tiếp theo.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạn chế chuyển tuyến, chỉ chuyển bệnh nhân tới bệnh viện tuyến cuối khi có diễn biến nặng vượt quá năng lực kỹ thuật của bệnh viện. Thông báo và thống nhất với bệnh viện tuyến cuối việc chuyển người bệnh đến trước khi chuyển tuyến theo hướng dẫn của các bệnh viện tuyến trung ương để phối hợp chuyển tuyến bệnh nhân khi cần thiết.
Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo toàn bộ nhân viên nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh COVID-19: thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K”, các biện pháp phòng hộ cá nhân, không đến các địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm như ăn tiệc buffet, đến công viên giải trí, đến rạp chiếu phim, đến quán bar, karaoke... Yêu cầu tất cả mọi người ra vào cơ sở y tế phải thực hiện check in/check out, khai báo y tế theo đúng quy định.
Bài và ảnh: Tô Hà
{name} - {time}
-
1 giờ trước
Nhộn nhịp phiên giao dịch tài chính cho hộ nghèo, gia đình chính sách
-
3 giờ trước
Để mọi người, mọi nhà đều có tết đầm ấm, đủ đầy
-
09:17 13/05/2021
LĐLĐ tỉnh làm việc với Công ty TNHH Giầy Venus Việt Nam và trao quà cho người lao động khó khăn
LĐLĐ tỉnh thăm, tặng quà cho gia đình người lao động tử vong do tai nạn lao động
Người dân miền núi Thanh Hóa hướng về ngày hội non sông
Khởi công xây dựng “Ngôi nhà Khăn quàng đỏ” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Nông Cống
Ngành Tòa án tích cực phòng, chống dịch COVID-19
Vinamilk tiếp tục chương trình hỗ trợ kinh phí mổ tim cho trẻ em nghèo trong năm 2021
Tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trên xe buýt
Công an thị xã Nghi Sơn giúp bé trai đi lạc hơn 100 km tìm lại người thân
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh thăm, tặng quà cho gia đình người lao động tử vong do tai nạn lao động
Thích ứng với trạng thái mới
Thời tiết
- 14°C - 18°CNhiều mây, có mưa, mưa rào
- 12°C - 19°CCó mây, không mưa