Bước chuyển nơi miền biên viễn
Câu chuyện nghèo, khó của xã biên giới Yên Khương (Lang Chánh) đã và đang lùi dần vào quá khứ. “Cần câu” đã có, cơ hội cũng đã mở, mùa thu biên giới bình yên, hứa hẹn bao điều mới mẻ!
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khương Vi Văn Thu (bên phải) - một trong những người tiên phong trong phong trào đưa cây vầu về Yên Khương.
Vùng xanh biên cương
Tháng chín, trời biên giới trong xanh. Yên Khương - miền đất từng rất xa xôi trong ký ức, nay xe ô tô chạy chỉ vài tiếng là tới. Tuy nhiên, đường vẫn hẹp, ngoằn ngoèo và xóc.
Yên Khương là xã biên giới duy nhất của huyện Lang Chánh với 7km đường biên. Cùng với 17,6km đường biên giới thuộc xã Bát Mọt (Thường Xuân), Yên Khương khép liền một dải biên cương rộng dài tiếp giáp với huyện Sầm Tớ, nước bạn Lào. Dọc theo hai bờ sông Thao, một chi lưu của sông Âm, nơi đây cây nhỏ, cây to mọc chen chúc nhau như thành lũy. Đường lên cột mốc 349 cũng vậy, cũng một màu xanh của những ngọn vầu đang trong quá trình sinh trưởng, lớp này chồng lớp khác.
Luồng, tre, vầu xuất hiện khắp nơi trong đời sống của người dân Yên Khương.
Trước khi đi Lang Chánh, tôi đã được anh Ngọc Thỏa ở Đài Truyền thanh huyện Lang Chánh giới thiệu nhiều về cây thoát nghèo làm biến đổi cả xã biên giới này, và bây giờ thì tôi đang ngụp lặn trong sinh quyển của nó. Cây vầu vốn là một thứ cây trời cho, mọc tự nhiên trong rừng. Tuy nhiên, vầu trong rừng không vô tận, khai thác mãi thì cũng phần nào vơi cạn. Vì thế, những người con của rừng đã ứng dụng khoa học nông - lâm nghiệp, chủ động ươm giống và trồng vầu khắp dải biên cương từ Quan Sơn, Quan Hóa đến Lang Chánh. Bởi ưu điểm của giống cây này là dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và sinh trưởng nhanh, vòng đời sau 3 đến 4 năm trồng là bắt đầu cho thu hoạch và thời gian thu hoạch kéo dài lên tới 60 năm. Không những vậy, loại cây này thân thiện với môi trường, có khả năng giữ ẩm, giữ mạch nước ngầm tốt...
Trái ngọt từ vầu đắng
Cây vầu đã khẳng định vị trí của mình trên đất Quan Sơn từ nhiều năm về trước, tuy nhiên đất Yên Khương sát bên lại nhiều lần “lỡ hẹn”. Không phải người dân Yên Khương chưa từng nghĩ đến việc trồng vầu. Năm 2015, thông qua các nguồn vốn từ Chương trình 30a, 135, chương trình giảm nghèo, xã đã đưa vào trồng thử nghiệm 45ha cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhưng do một thời gian dài không được chú trọng chăm sóc nên cây vầu bị suy thoái.
Năm 2018, sau khi được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Yên Khương, Trung tá biên phòng Lò Văn Cần trăn trở với câu hỏi: “làm gì để bà con thoát nghèo?”. Đó là câu hỏi lớn. Lâu nay không nói nhiều người cũng rõ mảnh đất vùng biên Yên Khương gặp nhiều khó khăn. Là xã đông dân trong khi quỹ đất sản xuất cho nông nghiệp hạn chế, đất đồi rừng kém hiệu quả... Thiếu đất sản xuất là một phần nguyên nhân dẫn tới đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhận thấy cây vầu có nhiều điểm nổi bật, lợi ích kinh tế cao lại phù hợp với thổ nhưỡng của Yên Khương, anh Cần nghĩ đến thế mạnh của quê anh với nghề trồng và khai thác cây vầu. Vì thế, anh đã bàn với lãnh đạo xã lập dự án phát triển cây vầu tại Yên Khương.
Nhiều diện tích canh tác kém hiệu quả đã được người dân Yên Khương chuyển đổi sang trồng vầu.
Toàn bộ các thôn của Yên Khương đều được triển khai việc trồng vầu với mức hỗ trợ giống quy ra tiền là 15 triệu đồng một thôn, bản từ nguồn vốn của dự án. Quyết tâm mang lại sức sống mới cho cây vầu tại Yên Khương, anh Cần về quê tìm hiểu một cách có hệ thống việc trồng và phát triển cây vầu. Sau đó, anh đầu tư khoảng 40 - 50 triệu đồng lập hai vườn ươm cây giống ở Quan Sơn và Lang Chánh.
Đồng thời, xã Yên Khương đã tổ chức cho một số hộ nông dân về Quan Sơn tham quan, học hỏi kinh nghiệm và xin thêm tài liệu của Phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn và huyện Lang Chánh về nguyên cứu, từ kỹ thuật làm đất, vào bầu đến gieo hạt, chăm tưới. Những ngày ấy khắp các thôn, bản của Yên Khương bà con nhộn nhịp bàn tán về việc trồng vầu. Người nọ nhìn người kia, tất cả cùng học hỏi, cùng làm.
Một trong những người tiên phong trong phong trào đưa cây vầu về Yên Khương là Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khương Vi Văn Thu (SN 1983). Trong một chuyến đi tham quan các mô hình kinh tế cùng lãnh đạo huyện tại xã Tam Lư (Quan Sơn), anh đã vô cùng ấn tượng với sự giàu lên của những hộ dân trồng vầu và hình ảnh những xưởng sản xuất, những công nhân tất bật ngày đêm không hết việc trong những xưởng chế biến vầu. Trở về, hơn 10ha đất đồi của gia đình lâu nay hoang hóa, thu nhập kém hiệu quả, anh đã mạnh dạn phủ kín bằng cây vầu đắng. Anh Thu chia sẻ: “Để bà con thay đổi nhận thức, chúng tôi xác định phải xuất phát từ chính mình. Chúng tôi đã làm và thành công với cây vầu đắng, từ đó dân bản tin theo”.
Đến thời điểm hiện tại có khoảng 300 hộ dân trên địa bàn xã đang có thu nhập từ cây vầu, hộ ít cũng vài ha, hộ nhiều hơn chục ha. Vầu được trồng tập trung ở các bản: Giàng, Chí Lý, Bôn, Nặm Đanh, Tứ Chiềng... Chỉ trong vòng 6 năm, từ 22ha đầu tiên được trồng năm 2018, đến nay toàn Yên Khương đã có hơn 500ha vầu (gồm diện tích vầu tự nhiên và trồng mới). Dự kiến năm 2025, diện tích vầu ở Yên Khương sẽ đạt 600ha; phấn đấu nhân rộng lên khoảng 1.000ha vầu vào những năm tiếp theo.
Đường lên xã Yên Khương.
Cây vầu có thể sử dụng trong đan lát thủ công, làm tăm và vật liệu xây dựng nhà, quán cafe... nên được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt sự xuất hiện của Công ty CP Bamboo King Vina chuyên sản xuất tre và gỗ biến tính trên địa bàn huyện Lang Chánh càng đảm bảo cho đầu ra của cây vầu. Hiện tại, với mức dao động từ 1,8 - 2 triệu đồng/tấn, mỗi ha vầu cho thu nhập lên tới 70 triệu đồng/ha/năm. Nhờ cây vầu, thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể, điều này đồng nghĩa với tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống. Nếu như năm 2010 thu nhập bình quân của Yên Khương chỉ ở mức 8 triệu đồng/người/năm thì nay con số đã được nâng lên gần 40 triệu đồng.
Anh Cần, anh Thu và rất nhiều người dân Yên Khương đã dũng cảm bước qua “vùng an toàn” của bản thân, dũng cảm vượt qua những khó khăn để khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế của quê hương mà làm giàu. Điều đó thật đáng trân trọng và cần được tạo điều kiện để nhân rộng.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
- 2024-11-02 19:11:00
Thức dậy dòng sông để thêm thương nhớ hồn làng
- 2024-11-02 15:28:00
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội tỉnh Thanh Hoá và Bắc Ninh 2024
- 2024-09-08 18:02:00
Nông dân Thanh Hóa hối hả ra đồng cứu lúa sau bão Yagi
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Triển lãm “TECHFEST đổi mới sáng tạo mở Trường Đại học Hồng Đức”
Phân luồng giao thông qua vị trí sạt lở taluy âm, lún sụt nền mặt đường trên Quốc lộ 15C
Sân bay Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi đã mở cửa khai thác trở lại sau bão số 3
Tình quân dân, nghĩa đồng bào
Chùa Thanh Hà trao hơn 1.000 suất quà cho học sinh giỏi
Lắng nghe để suy xét
Bão số 3 ảnh hưởng đến Thanh Hóa sau khi vào đất liền
Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn hỗ trợ máy lọc nước cho hộ nghèo bản Co Me