(Baothanhhoa.vn) - Quãng thời gian hơn 5 năm kể từ ngày 19 xã, thị trấn thuộc các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn, Thiệu Hóa thực hiện chủ trương sáp nhập vào TP Thanh Hóa tuy chưa phải là dài nhưng cũng đủ làm nên bước “chuyển mình” với những tín hiệu đáng mừng về sự phát triển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ làng... lên phố

Quãng thời gian hơn 5 năm kể từ ngày 19 xã, thị trấn thuộc các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn, Thiệu Hóa thực hiện chủ trương sáp nhập vào TP Thanh Hóa tuy chưa phải là dài nhưng cũng đủ làm nên bước “chuyển mình” với những tín hiệu đáng mừng về sự phát triển.

Hệ thống cơ sở hạ tầng của xã Thiệu Khánh được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: T.N

Từ những xã nông thôn e dè, ngơ ngác nép mình trông theo nhịp sống năng động, tốc độ phát triển nhanh chóng của thành phố như một kẻ ngoài cuộc; giờ đây, 19 xã, thị trấn này đã hòa mình vào dòng chảy chung ấy, nỗ lực thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn nhằm bắt nhịp nhanh chóng với tình hình, nhiệm vụ mới.

Về thăm xã Hoằng Đại (TP Thanh Hóa), hôm nay nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi sự “thay da đổi thịt” của mảnh đất thuần nông này. So với 19 xã, thị trấn thuộc các huyện cùng thời điểm sáp nhập vào thành phố, có thể nói, xã Hoằng Đại được đánh giá là xã có xuất phát điểm thấp nhất. Hoạt động sản xuất chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, diện tích đất canh tác nhiều nhưng kém hiệu quả. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: Điện, đường, trường, trạm... thiếu sự đầu tư do nguồn ngân sách xã còn hạn hẹp. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở ngưỡng cao. Lúc bấy giờ, danh hiệu “đạt chuẩn nông thôn mới” chỉ như một giấc mơ trong khao khát của lãnh đạo và nhân dân xã Hoằng Đại. Tuy nhiên, kể từ khi sáp nhập vào thành phố (7-2012) cho đến nay, được sự quan tâm, giúp đỡ của Thành ủy, UBND TP Thanh Hóa cùng với sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, xã Hoằng Đại có sự thay đổi rõ rệt, thể hiện ở kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Năm 2017, tổng diện tích gieo trồng của xã là 581,1 ha với tổng sản lượng lương thực đạt 1.911,4 tấn. Giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp và thủy sản ước đạt 19.919,4 triệu đồng. Thương mại và dịch vụ, vận tải phát triển nhanh chóng, ước đạt 55,588,2 triệu đồng. Gía trị sản xuất các ngành tiểu thủ công nghiệp, xây dựng ước đạt 64.978,5 triệu đồng. Các hộ kinh doanh nghề mộc dân dụng, cơ khí gò hàn, xây dựng đã phát huy được lợi thế xu hướng thị trường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động với mức thu nhập khá. Đây được xem là điểm sáng trong phát triển kinh tế của xã Hoằng Đại kể từ khi sáp nhập về thành phố. Các chỉ tiêu về văn hóa – xã hội cũng được đảm bảo. Xã Hoằng Đại đã có 5 thôn được công nhận thôn văn hóa và xã đã được công nhận là xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Toàn xã có 3.476 người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 87%. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm. Đánh giá về những thuận lợi, khó khăn của xã Hoằng Đại khi sáp nhập vào thành phố, ông Phạm Hùng Thảo, Chủ tịch UBND xã Hoằng Đại cho biết: “Kể từ khi sáp nhập vào thành phố, xã Hoằng Đại luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo thành phố, đặc biệt là vấn đề đầu tư ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng; chủ trương kích cầu trong phát triển nông nghiệp; người dân được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao”.

Là một trong những xã trước đây của huyện Hoằng Hóa nay sáp nhập vào thành phố nhưng so với mặt bằng chung của các xã còn lại, xã Hoằng Long được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Xã tiếp giáp với Khu Công nghiệp và Đô thị Hoàng Long; lại có tuyến tỉnh lộ 510 và đường sắt Bắc – Nam sát Quốc lộ 1A và Quốc lộ 10 nên các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ tương đối phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình sáp nhập vào thành phố, xã cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách, chủ yếu là vấn đề điều chỉnh quy hoạch phân khu theo quy hoạch đô thị và vấn đề nguồn kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc thu hồi 100 ha đất nông nghiệp để mở rộng Khu Công nghiệp và Đô thị Hoàng Long gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động của địa phương. Trải qua quãng thời gian hơn 5 năm kể từ ngày sáp nhập vào thành phố, đến nay, xã Hoằng Long đã chủ động, tích cực vươn lên khắc phục những mặt còn hạn chế và thu được những kết quả đáng tự hào. Về lĩnh vực trồng trọt, tuy chỉ còn hơn 30 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhưng địa phương đã tập trung quy hoạch chỉ đạo sản xuất, tạo điều kiện cho các hộ mở mang mô hình trang trại và bán trang trại, mô hình sản xuất kết hợp chăn nuôi, như: Cá – lúa kết hợp, cá – lúa kết hợp chăn nuôi, chăn nuôi kết hợp rau màu cao cấp... Các mô hình kể trên đã phần nào thu hút thêm lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khai thác có hiệu quả diện tích đất canh tác, giải quyết vấn đề việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân phát triển sản xuất, đa dạng hóa các loại ngành nghề, như: Vận tải, cơ khí, nghề mộc, may mặc, dịch vụ, chế biến thực phẩm... Nhờ vậy, trên địa bàn xã hiện có 22 doanh nghiệp trong đó phát triển mới 6 doanh nghiệp, đạt 100% chỉ tiêu thành phố giao. Kết quả đẩy mạnh tổ chức sản xuất, khai thác hiệu quả nguồn thu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ đã góp phần đưa tốc độ gia tăng giá trị sản xuất bình quân của xã Hoằng Long lên 16,2% (năm 2017), đời sống nhân dân được cải thiện. Chia sẻ về những nỗ lực phát triển trong tương lai của xã Hoằng Long, ông Nguyễn Hữu Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Long cho biết: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoằng Long sẽ tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt là vấn đề xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh góp phần thực hiện thắng lợi chủ đề năm 2018 của thành phố trong việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên và người dân thành phố; thực hiện thành công Đề án xây dựng TP Thanh Hóa trở thành đơn vị anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”.

Cũng như các xã Hoằng Đại, Hoằng Long hay các xã còn lại trong 19 xã, thị trấn sáp nhập vào thành phố năm 2012, xã Thiệu Khánh cũng có những mặt thuận lợi và khó khăn riêng. Được xem là một trong những xã phát triển của huyện Thiệu Hóa nhưng so với mặt bằng chung của các xã, phường thuộc thành phố thì xã Thiệu Khánh “đuối” hơn về mọi mặt, nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng của xã đều ở trong tình trạng xuống cấp. Khi sáp nhập vào thành phố, được sự quan tâm hỗ trợ ngân sách kịp thời, xã Thiệu Khánh đã thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm, như: Công sở xã; nhà bia tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ; tuyến đường vào chùa Vồm; cầu phao Vồm bắc qua sông Chu; hệ thống điện chiếu sáng tuyến đoạn 502; trạm y tế xã; Trường Tiểu học Thiệu Khánh; khởi công xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao xã... Bộ mặt cơ sở vật chất của xã Thiệu Khánh gần như thay đổi hoàn toàn. Công tác phát triển lĩnh vực công nghiệp – xây dựng được xã đặc biệt chú trọng. Vì vậy, đến nay, toàn xã có 896 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, trong đó có 55 hộ sản xuất mộc, đồ gỗ mỹ nghệ; hơn 10 tổ thầu xây dựng được duy trì ổn định, tạo công ăn, việc làm cho 350 – 400 lao động. Thu nhập bình quân đầu người từ 8 – 10 triệu đồng/tháng. Xã Thiệu Khánh có trên 350 – 400 hộ đang buôn bán tại nước bạn Lào, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế địa phương.

Một thực tế dễ dàng nhận thấy trong bất kỳ một cuộc chuyển giao tập thể nào đó là sự không đồng đều về xuất phát điểm. 19 xã, thị trấn thuộc các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn, Thiệu Hóa ở thời điểm sáp nhập về TP Thanh Hóa cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, chung sức đồng lòng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã cũng như sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cấp, ban, ngành, lãnh đạo thành phố, các xã đều đã có những bước “chuyển mình” đáng khích lệ, dẫu rằng sự “chuyển mình” ấy vẫn còn thiếu một chút sự mạnh mẽ, đồng bộ để tạo nên những đột phá bất ngờ. Vấn đề khó khăn trong giải quyết các thủ tục hành chính hay băn khoăn về mức tăng trong chi phí đóng góp, các khoản thu.... vẫn hiện hữu trong những trăn trở của người dân.


Thảo Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]