(Baothanhhoa.vn) - Chẳng phải ngẫu nhiên mà mảnh đất Thiệu Dương từ xa xưa đã được biết đến như là một nơi “sơn kỳ thủy tú”, vừa mang những nét chung của làng cổ truyền thống ở nước ta, vừa mang những nét riêng biệt, không thể nhầm lẫn của làng cổ vùng châu thổ sông Mã. Từ đại ngàn bao la, sông Mã băng mình qua bao thác, ghềnh gặp sông Chu tại địa phận làng Giàng – Dương Xá (nay là xã Thiệu Dương) làm nên ngã ba Đầu mênh mông sóng nước. Khi tìm hiểu, nghiên cứu về những giá trị văn hóa – lịch sử của mảnh đất này, nhiều ý kiến đánh giá đã chỉ ra mối quan hệ giữa đất và người nơi đây: “Vùng đất cổ Dương Xá nằm ở vị trí đắc địa, nơi hội tụ linh thiêng trời – đất – con người; nơi dòng lịch sử đi qua và lắng tụ lại như một thiên định dành riêng cho mảnh đất nhỏ bé nhưng quan trọng”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thiệu Dương – vùng đất của lịch sử

Chẳng phải ngẫu nhiên mà mảnh đất Thiệu Dương từ xa xưa đã được biết đến như là một nơi “sơn kỳ thủy tú”, vừa mang những nét chung của làng cổ truyền thống ở nước ta, vừa mang những nét riêng biệt, không thể nhầm lẫn của làng cổ vùng châu thổ sông Mã. Từ đại ngàn bao la, sông Mã băng mình qua bao thác, ghềnh gặp sông Chu tại địa phận làng Giàng – Dương Xá (nay là xã Thiệu Dương) làm nên ngã ba Đầu mênh mông sóng nước. Khi tìm hiểu, nghiên cứu về những giá trị văn hóa – lịch sử của mảnh đất này, nhiều ý kiến đánh giá đã chỉ ra mối quan hệ giữa đất và người nơi đây: “Vùng đất cổ Dương Xá nằm ở vị trí đắc địa, nơi hội tụ linh thiêng trời – đất – con người; nơi dòng lịch sử đi qua và lắng tụ lại như một thiên định dành riêng cho mảnh đất nhỏ bé nhưng quan trọng”.

Thiệu Dương – vùng đất của lịch sử

Đền thờ anh hùng Dương Đình Nghệ trên đất Thiệu Dương. Ảnh: Nguyên Linh

Ngay từ buổi bình minh của loài người, Thiệu Dương đã trở thành cái nôi của người Việt cổ. Cùng với di chỉ khảo cổ học: Núi Đọ - di chỉ khảo cổ học thời đại đồ đá cũ, di chỉ khảo cổ học Thiệu Dương (hay còn gọi là di chỉ khảo cổ học Đồng Khổ) thuộc thời kỳ đồng thau như là những minh chứng tiêu biểu nhất về sự có mặt từ rất sớm của con người tại đây. Những cứ liệu khảo cổ học tại đây đã cung cấp nhiều tư liệu khoa học cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hoá dân tộc, đồng thời minh chứng cho giai đoạn chuyển tiếp từ thời đại đồ đá bước sang một nền văn minh mới – thời đại đồ đồng.

Từ thời thuộc Hán, trải qua hơn 2.000 năm, địa điểm đặt quận trị, trấn lỵ, tỉnh lỵ của Thanh Hóa chúng ta được di chuyển nhiều lần. Sử sách ghi lại và dấu vết khảo sát được gọi tên các địa danh xưa: Tư Phố - Đông Phố - trấn thành Dương Xá – Duy Tinh – Hạc Thành. Xuyên suốt hành trình với những địa danh ấy, lịch sử ghi nhận có tới 2 lần, vùng đất Thiệu Dương được lựa chọn. Nơi đây từng có thời kỳ giữ vai trò là trung tâm của đô thị cổ với tên gọi thành Tư Phố. Thành Tư Phố có bề dày lịch sử chỉ sau Loa thành - nơi An Dương Vương định đô. Trong suốt thời kỳ phong kiến tự chủ, Thiệu Dương vẫn là mảnh đất được lịch sử lựa chọn khi là thủ phủ của trấn Thanh Hoa từ thời Hậu Lê cho đến thời Tây Sơn với vai trò quan trọng của trấn thành Dương Xá. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Trấn thành cũ ở bãi sông Dương Xá, huyện Đông Sơn; từ Nhà Lê đến Tây Sơn trấn thành ở đây”... Sách “Đô thị cổ Việt Nam” có những đoạn ghi chép về thành: Thành đắp bằng đất, hình chữ nhật, chiều dài khoảng 1.000m, chiều rộng khoảng 800m, chân thành dày 10m, mặt thành rộng 8m, cao 2m, mặt ngoài thành dựng đứng, sườn phía trong thoai thoải... Trong khu vực thành, dân địa phương vẫn thường lượm được vò, lọ gốm thô, gốm sứ màu da lươn, gươm giáo bằng đồng, đạn tròn bằng gang. Kể từ khi đất nước trải qua thời kỳ tăm tối của một ngàn năm Bắc thuộc đến trước thời Nguyễn, xã Thiệu Dương đã 2 lần là đô thị, lỵ sở của tỉnh Thanh Hóa. Quá trình ra đời, phát triển rồi suy vong của đô thị Tư Phố, trấn thành Dương Xá cho thấy cả một quá trình hình thành và phát triển đất nước. Kể từ lúc lỵ sở chuyển về Thọ Hạc, Dương Xá của một thời đô hội nay đã trở thành một xã nông thôn mới Thiệu Dương thanh bình, no ấm.

Không chỉ được biết đến với đô thị cổ Tư Phố, trấn thành Dương Xá, lịch sử vùng đất cổ Thiệu Dương gọi tên những người anh hùng của dòng họ Dương đã một lần nữa làm nên thực tế sinh động về vai trò, vị trí của mảnh đất này trong lịch sử hình thành và phát triển quê hương, đất nước. Thế kỷ thứ X, sau khi họ Khúc đã khôi phục được quyền độc lập tự chủ, đất nước ta lại rơi vào ách đô hộ của quân xâm lược Nam Hán. Tại làng Giàng đã hình thành một trung tâm kháng chiến của cả nước do Dương Đình Nghệ, một tướng cũ của họ Khúc đứng đầu. Ông đã ra sức chiêu mộ nhân tài, tích lũy lương thực, rèn đúc vũ khí và ngày đêm luyện tập võ nghệ, công khai nuôi 3.000 “nghĩa tử” trong trang trại của ông, nuôi chí lớn chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống lại chính quyền đô hộ ở Giao Châu. Tháng 3 năm 931, Dương Đình Nghệ bất ngờ đem binh từ Ái Châu ra vây hãm Giao Châu. Thứ sử Lý Tiến vội vã cấp báo về chính quốc xin viện binh. Nhận được tin cấp báo, triều đình Nam Hán vội phái Thừa chỉ Trình Bảo dẫn quân sang tiếp viện, nhưng chưa đến nơi, thành Đại La đã bị nghĩa quân Dương Đình Nghệ chiếm giữ. Lý Tiến phá được vòng vây đem tàn quân trốn về nước nhưng bị vua Nam Hán giết chết. Dương Đình Nghệ đã dẫn quân đánh tan quân tiếp viện và giết tướng giặc Trình Bảo. Chính quyền Nam Hán hoàn toàn sụp đổ trước sức mạnh của nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Dương Đình Nghệ. Để tưởng nhớ công lao của vị tướng tài ba, sau khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ ngay tại quê hương. Từ đó, đền thờ Dương Đình Nghệ trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong vùng. Hằng năm, lễ hội đền thờ Dương Đình Nghệ là một trong những lễ hội lớn của làng Giàng. Năm 1996, đền thờ Dương Đình Nghệ được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Những giá trị văn hóa – lịch sử được lắng đọng tự ngàn đời xưa trên mảnh đất Thiệu Dương như những hạt bụi vàng dễ bị nhịp sống hối hả, xô bồ của đời sống thường nhật lơ đãng bỏ quên. Làm sao để những giá trị văn hóa – lịch sử ấy đủ sức nói lên câu chuyện của chính mình? Làm sao để những hạt bụi vàng kia đủ sức lấp lánh giữa muôn vàn thứ ánh sáng khác? Tất cả đều là những câu hỏi khó cho bài toán phát triển du lịch của xã Thiệu Dương, dẫu rằng nơi đây có đầy đủ tiềm năng, lợi thế trên các phương diện: Du lịch thắng cảnh, du lịch văn hóa – lịch sử, tâm linh, làng nghề...



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]