(Baothanhhoa.vn) - Năm 2018, cùng với kỳ vọng về sự khởi sắc của nền kinh tế, thì mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển doanh nghiệp, gắn với nâng cao hiệu quả, quy mô hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo hướng bền vững, cũng được tỉnh ta đặt ra như một trong những mục tiêu quan trọng. Mặc dù vậy, những khó khăn, thách thức đặt ra cho việc hoàn thành mục tiêu này là không hề nhỏ. Để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó Giám ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tháo gỡ khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển doanh nghiệp

Năm 2018, cùng với kỳ vọng về sự khởi sắc của nền kinh tế, thì mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển doanh nghiệp, gắn với nâng cao hiệu quả, quy mô hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo hướng bền vững, cũng được tỉnh ta đặt ra như một trong những mục tiêu quan trọng. Mặc dù vậy, những khó khăn, thách thức đặt ra cho việc hoàn thành mục tiêu này là không hề nhỏ. Để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Công nhân Công ty TNHH May Thiệu Đô (Thiệu Hóa) trong ca sản xuất. Ảnh: Lê Dung

Triển vọng hoàn thành mục tiêu...

Phóng viên: Xin ông cho biết, kết quả đăng ký thành lập doanh nghiệp mới trong 6 tháng đầu năm 2018? So với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp thành lập mới và tổng vốn điều lệ có xu hướng tăng/giảm ra sao?

Ông Lê Thanh Hải: Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh có 1.276 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn điều lệ đăng ký là 17.011 tỷ đồng, tăng 18% về số doanh nghiệp và gấp 2,1 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Tuy mới đạt 42,5% kế hoạch năm, nhưng là kỳ có số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Với kết quả kể trên và nhiều giải pháp đang được triển khai, dự báo chỉ tiêu thành lập mới doanh nghiệp trong năm 2018 có nhiều triển vọng hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

Phóng viên: Không chỉ cần đạt về mặt số lượng, mà việc đẩy nhanh tốc độ phát triển doanh nghiệp phải gắn với nâng cao hiệu quả, quy mô hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo hướng bền vững. Mục tiêu này liệu đã đạt được chưa nếu nhìn vào thực trạng của các doanh nghiệp mới và doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn hiện nay, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Phát triển doanh nghiệp gắn với nâng cao hiệu quả, quy mô hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo hướng bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 20.000 doanh nghiệp hoạt động, đạt tỷ lệ 56 doanh nghiệp/10.000 dân. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp đang hoạt động của tỉnh ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa; năng lực quản trị điều hành doanh nghiệp nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu vốn đầu tư để đổi mới, nâng cao công nghệ sản xuất, nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu nên năng suất thấp, tiêu hao nhiều nguyên liệu và nhân công, giá thành cao, sức cạnh tranh kém...

Phóng viên: Xin ông cho biết những khó khăn đặt ra trong thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh?

Ông Lê Thanh Hải: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tương đối toàn diện. Tuy nhiên, việc chậm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật cũng như các thủ tục hành chính, đã khiến cho việc tuyên truyền, vận động thành lập doanh nghiệp, nhất là vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, địa bàn đăng ký, hoạt động và lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp phát triển không đồng đều; doanh nghiệp thành lập mới ở khu vực miền núi còn thấp; đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác trợ giúp phát triển doanh nghiệp còn hạn chế cả về năng lực và kinh nghiệm trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Phóng viên: Để có thể đạt được mục tiêu phát triển doanh nghiệp trong năm 2018, những giải pháp toàn diện và khả thi nào đã và đang được triển khai, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Mục tiêu của tỉnh trong năm 2018 là thành lập mới 3.000 doanh nghiệp. Để hoàn thành được mục tiêu trên, trước hết cần chú trọng giải pháp tuyên truyền về phát triển kinh tế tư nhân - nòng cốt là phát triển nhanh các loại hình doanh nghiệp, nhằm thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các nghị quyết của Chính phủ, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Cùng với đó là dành nguồn kinh phí thỏa đáng và thực hiện hiệu quả kế hoạch đào tạo khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân năm 2018.

Ngoài ra, tiếp tục duy trì việc tiếp doanh nghiệp định kỳ hằng tháng của Chủ tịch UBND tỉnh. Các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền. Đồng thời, tập trung rà soát các điều kiện kinh doanh, gia nhập thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp được thành lập, cá nhân khởi nghiệp và triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Phóng viên: Được biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều chính sách kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, nhằm giải cơn “khát vốn” của doanh nghiệp. Vậy, xin ông cho biết, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp cận các dòng tín dụng ra sao? Mức lãi suất liệu đã phù hợp và đủ để kích thích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh?

Ông Lê Thanh Hải: Thực hiện nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của NHNN về các giải giáp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp; đến nay, tỉnh ta đã có trên 5.000 lượt doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, với dư nợ đạt khoảng 37.500 tỷ đồng, tăng 4,01% so với năm 2017. Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến với các lĩnh vực ưu tiên ở mức từ 6-6,5%/năm đối với vay ngắn hạn và 9-10%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Mức lãi suất như trên là tương đối phù hợp; song, theo đánh giá của NHNN - Chi nhánh Thanh Hóa, thì việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp thiếu tài sản bảo đảm; phương án sản xuất, kinh doanh chưa có tính khả thi hoặc tính khả thi thấp; năng lực quản trị của doanh nghiệp còn yếu, thông tin của doanh nghiệp còn thiếu, độ tin cậy thấp...

Phóng viên: Người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Với Thanh Hóa thì sao thưa ông, tỉnh ta đã có những giải pháp như thế nào nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo sự bình đẳng trong kinh doanh?

Ông Lê Thanh Hải: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định việc “đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh” là một trong 4 khâu đột phá chiến lược của nhiệm kỳ. Theo đó, để cụ thể hóa nội dung của nghị quyết, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện. Đồng thời, các cấp, ngành và đơn vị liên quan tập trung rà soát, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết công việc; tăng cường áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả... Đặc biệt, tỉnh đã đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh, nhiều huyện đã đưa vào hoạt động trung tâm hành chính công cấp huyện. Từ đó, quy trình giải quyết được quy định rõ ràng, xác định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cán bộ, công chức trong xử lý hồ sơ; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp ngày càng chặt chẽ hơn, khắc phục tình trạng quan liêu, phiền hà, sách nhiễu của cán bộ, công chức...

Phóng viên: Có nhiều ý kiến cho rằng, không nên đưa ra các chính sách hỗ trợ có tính cào bằng, chung chung mà cần lựa chọn những ngành, nhóm, doanh nghiệp có tiềm năng phát triển. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Lê Thanh Hải: Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp cần phải bình đẳng, minh bạch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp gia nhập thị trường. Song, để phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực cho phát triển kinh tế thì việc lựa chọn những ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực để hỗ trợ nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, từng bước hình thành các chuỗi giá trị liên kết và nâng cao giá trị sản xuất là thật sự cần thiết. Ngay trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngoài các chính sách hỗ trợ chung, để phát huy các sản phẩm trí tuệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, luật cũng đã đưa ra một số chính sách mang tính trọng tâm như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...

Phóng viên: Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ và địa phương trong việc tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp gia nhập thị trường, theo ông, bản thân các doanh nghiệp cần có sự chủ động và nỗ lực ra sao nhằm phát triển ổn định, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh?

Ông Lê Thanh Hải: Hỗ trợ của Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo đòn bẩy và khả năng kiến tạo; song, Nhà nước không làm thay cho doanh nghiệp. Vì vậy, để tồn tại và phát triển, bản thân các doanh nghiệp cần chấp hành tốt các quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý và kinh doanh; nâng cao trình độ quản trị, điều hành doanh nghiệp thông qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần quan tâm ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; tổ chức lại sản xuất, cơ cấu sản phẩm, tăng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt, cần chủ động sáng tạo, tranh thủ tốt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời, tích cực tham gia hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp, nhằm nắm bắt, trao đổi thông tin, tạo sự liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]