(Baothanhhoa.vn) - Trẻ em cần được sống trong môi trường đẹp đẽ, bởi lẽ, những điều trẻ thấy không chỉ được ghi nhớ, mà sẽ góp phần định hình tâm hồn và nhân cách của trẻ. Và rằng, chúng ta muốn tương lai trở nên như thế nào, thì hãy đối xử với con trẻ như vậy!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tạo dựng môi trường lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện

Trẻ em cần được sống trong môi trường đẹp đẽ, bởi lẽ, những điều trẻ thấy không chỉ được ghi nhớ, mà sẽ góp phần định hình tâm hồn và nhân cách của trẻ. Và rằng, chúng ta muốn tương lai trở nên như thế nào, thì hãy đối xử với con trẻ như vậy!

Tạo dựng môi trường lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện

Một tiết mục văn nghệ do các em thiếu nhi biểu diễn tại lễ hội Mường Xia.

Đó chẳng phải triết lý sâu xa gì, càng không phải khẩu hiệu dùng để... kêu gọi. Đó đơn giản là điều chúng ta cần nhìn nhận, để có thể thấu đáo và sâu sắc hơn nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với đồng chí Nguyễn Hữu Tuất, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Thanh Hóa.

Xây dựng lực lượng kế cận

Phóng viên: Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được xem là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong nhiều hoạt động của đoàn thanh niên. Vì sao vậy thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuất: Trẻ em là tương lai của đất nước và là đối tượng cần được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục đặc biệt. Do đó, đoàn thanh niên luôn xác định, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Điều này xuất phát từ Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các quy định của Luật Trẻ em. Đồng thời, Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh chính là đội dự bị của đoàn. Cho nên, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, bảo vệ thiếu niên, nhi đồng, giúp các em được học tập, rèn luyện và tu dưỡng, để trở thành đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cũng chính là giúp cho tổ chức đoàn xây dựng được lực lượng kế cận.

Phóng viên: Để phát huy vai trò nòng cốt trong công tác trẻ em, được biết Tỉnh đoàn đã có nhiều hoạt động thiết thực, nhiều cách làm sáng tạo và nhiều mô hình hết sức ý nghĩa, phải vậy không thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuất: Đúng vậy. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác giáo dục thiếu niên nhi đồng, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch gắn với các phong trào, hoạt động thiết thực và phù hợp với tâm lý lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Trong đó phải kể đến các phong trào “Kế hoạch nhỏ”, “Vòng tay bạn bè”, “Giúp nhau vượt khó”, “Giúp bạn đến trường - cùng hướng tới tương lai”, “Nhà khăn quàng đỏ”; tổ chức các hoạt động về nguồn như “Ðền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Hành trình đến với địa chỉ đỏ”, “Áo lụa tặng bà”.

Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp bộ đoàn và toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là thực hiện Luật Trẻ em. Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức hoạt động gặp gỡ, đối thoại với thiếu nhi; tổ chức các hoạt động phát huy quyền tham gia của trẻ em vào những vấn đề liên quan; mở các lớp tập huấn kỹ năng an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em... Đặc biệt, việc duy trì hiệu quả các mô hình “Học kỳ Quân đội”, “Học làm người có ích” đã tác động sâu sắc đến từng đội viên thiếu nhi. Từ đó, góp phần khơi dậy tinh thần hướng về cội nguồn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và gia đình. Đồng thời, giúp các em rèn luyện kỹ năng, hình thành phẩm chất, nhân cách, cùng lối sống tốt đẹp.

Phóng viên: Những việc làm thiết thực và ý nghĩa của đoàn đã và đang tác động và mang lại kết quả tích cực ra sao trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuất: Với vai trò là tổ chức đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em, tổ chức Đoàn thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của trẻ em, chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền. Nhờ đó, nhiều vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo hành trẻ em đã được quan tâm giải quyết kịp thời. Đồng thời, thông qua các hoạt động trao tặng học bổng, xây nhà khăn quàng đỏ, giáo dục kỹ năng sống... đã kịp thời giúp đỡ và động viên các em trong học tập và cuộc sống. Ngoài ra, các cấp bộ đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của các em. Từ đó, giúp các em rèn luyện đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội, góp phần giúp các em phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.

Cộng đồng trách nhiệm

Phóng viên: Có nhận định cho rằng, hiện nay, nguồn lực xã hội dành cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Vậy thưa đồng chí, đây có phải là khó khăn mà đoàn thanh niên đang gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến công tác trẻ em?

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuất: Nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế thì nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em hiện nay, vẫn chưa thực sự bảo đảm, nhất là ở tổ chức đoàn các cấp. Để triển khai các hoạt động vui chơi, học tập dành cho trẻ em, nếu sử dụng nguồn ngân sách được cấp là không đủ. Do đó, trong công tác này hiện rất cần sự tham gia hay xã hội hóa từ các nguồn lực xã hội.

Phóng viên: Lâu nay chúng ta vẫn luôn nhấn mạnh đến vai trò của bộ ba “chân kiềng” gia đình – nhà trường – xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, mối quan hệ ấy dường như vẫn chưa thực sự gắn kết bền chặt và mang lại hiệu quả như mong đợi. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này?

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuất: Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác trẻ em phải là một nguyên tắc cơ bản. Vấn đề là phải tạo ra sự phối hợp chặt chẽ của cả ba môi trường giáo dục này. Trước hết là bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức và hành động, để giáo dục cùng một hướng, một mục đích, một tác động tổ hợp. Đồng thời, tất cả các lực lượng giáo dục phải phát huy tinh thần trách nhiệm, vì mục tiêu giáo dục thế hệ trẻ trở thành công dân hữu ích cho đất nước.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, không người lớn nào có thể gánh thay gánh nặng của trẻ nhỏ, hay lớn lên thay cho nó. Song, không thể phủ nhận, chúng ta là những người chịu trách nhiệm cho mọi sự “lớn lên” – hoặc lành lặn, hoặc méo mó - của con trẻ. Đồng chí nghĩ sao về vấn đề này?

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuất: Môi trường sống từ trong gia đình đến ngoài xã hội, luôn luôn ảnh hưởng đến mọi sự phát triển của đứa trẻ. Điều đó đồng nghĩa với việc, môi trường sống lành mạnh, an toàn sẽ là cơ sở để trẻ hình thành nhân cách tốt và phát triển toàn diện; ngược lại, môi trường ẩn chứa nhiều tai, tệ nạn sẽ khiến quá trình trưởng thành của đứa trẻ rất có thể trở nên lệch lạc. Chính vì lẽ đó, tạo dựng môi trường sống tốt đẹp dành cho trẻ em là trách nhiệm của người lớn chúng ta. Nói cách khác, mỗi người hãy nhìn nhận công tác trẻ em giống như cách chúng ta mong muốn bảo vệ chính đứa con của mình. Có như vậy, mỗi người trong chúng ta mới tích cực và tự giác thay đổi cả nhận thức và hành động, nhằm giúp trẻ em được lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc.

Phóng viên: Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 gắn liền với nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến công tác trẻ em. Nếu có thể gửi gắm một thông điệp liên quan về quyền được sống an toàn, lành mạnh cho trẻ, điều đồng chí tâm huyết là gì?

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuất: “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng chống đuối nước trẻ em”, là chủ đề xuyên suốt, thể hiện sự quan tâm và hành động trách nhiệm của chúng ta, trước những nguy cơ tác động đến trẻ em. Muốn thay đổi thực trạng trên, không cách nào khác là phải xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh để mọi trẻ em được phát triển toàn diện. Cá nhân tôi cho rằng, để có môi trường sống phù hợp với trẻ em, thì ngay từ bây giờ cả xã hội cần chung tay vào. Nghĩa là, không một cá nhân, tổ chức, cơ quan hay đơn vị nào được phép đứng ngoài cuộc trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]