(Baothanhhoa.vn) - Tiếp đón chúng tôi trong tâm trạng phấn khởi, ông Hà Văn Đượng, bản Phố Mới, xã Nam Tiến (Quan Hóa), cho biết: Năm 2016, gia đình được thụ hưởng chính sách phát triển vùng luồng thâm canh của tỉnh. Sau hơn 5 năm tham gia chương trình, diện tích rừng luồng của gia đình sinh trưởng tốt, cho năng suất và thu nhập cao hơn trước. “Phát cành, dọn vệ sinh, bón phân cho cây luồng, trồng rừng bằng hom cành cây luồng là việc làm quá xa lạ với người dân chúng tôi. Nhưng khi được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, gia đình đã hiểu và thực hiện. Hiện nay, hơn 4 ha rừng luồng của gia đình được bón phân nên ra măng sớm, nhiều và khỏe hơn so với luồng không được chăm sóc. Cây to và thẳng, dóng dài, bán được giá hơn” - ông Đượng chia sẻ.

Phát triển bền vững rừng luồng

Tiếp đón chúng tôi trong tâm trạng phấn khởi, ông Hà Văn Đượng, bản Phố Mới, xã Nam Tiến (Quan Hóa), cho biết: Năm 2016, gia đình được thụ hưởng chính sách phát triển vùng luồng thâm canh của tỉnh. Sau hơn 5 năm tham gia chương trình, diện tích rừng luồng của gia đình sinh trưởng tốt, cho năng suất và thu nhập cao hơn trước. “Phát cành, dọn vệ sinh, bón phân cho cây luồng, trồng rừng bằng hom cành cây luồng là việc làm quá xa lạ với người dân chúng tôi. Nhưng khi được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, gia đình đã hiểu và thực hiện. Hiện nay, hơn 4 ha rừng luồng của gia đình được bón phân nên ra măng sớm, nhiều và khỏe hơn so với luồng không được chăm sóc. Cây to và thẳng, dóng dài, bán được giá hơn” - ông Đượng chia sẻ.

Phát triển bền vững rừng luồngNgười dân xã Hiền Chung (Quan Hóa) bón phân cho rừng luồng. Ảnh: Thu Hòa

Xã Nam Tiến có 3.639,3 ha rừng luồng. Để thay đổi nhận thức, cũng như cách làm của bà con trong việc trồng và chăm sóc rừng luồng, UBND huyện Quan Hóa đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh xuống thôn, bản phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân phục tráng rừng luồng. Kết quả, xã Nam Tiến đã thâm canh, phục tráng được 685 ha luồng. Cây luồng được bón phân, hệ số sinh măng tăng gấp 1,5 lần, măng to hơn và dóng dài hơn, giá trị cây luồng đã được nâng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Có nguồn thu từ bán luồng, nhiều hộ trong xã xây dựng được nhà kiên cố, cao tầng, đầu tư cho con em đi học, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt và góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Đến nay, huyện Quan Hóa có 27.268,6 ha rừng luồng. Theo Quyết định 502/QĐ-UBND ngày 23-2-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Quy hoạch vùng thâm canh luồng tập trung tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ 2011-2020, Quan Hóa là 1 trong 7 huyện nằm trong quy hoạch vùng luồng thâm canh của tỉnh. Huyện đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân phục tráng rừng luồng cho các hộ dân theo hướng bền vững...

Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa Trần Văn Hùng, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Quan Hóa đã thâm canh phục tráng được hơn 4.100 ha luồng, làm mới 16 km đường ô tô lâm nghiệp, tạo thuận lợi cho chăm sóc, khai thác, vận chuyển lâm sản đi tiêu thụ, giảm chi phí nhân công bốc vác thủ công. Nét nổi bật là huyện đã có 2.369,6 ha luồng được Tổ chức Quản lý rừng bền vững quốc tế cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Toàn bộ sản phẩm này được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn rừng trồng thông thường khoảng 20%. Trồng luồng theo chuẩn quốc tế đã đưa sản phẩm của địa phương đến một số thị trường khó tính như châu Âu, Bắc Mỹ... Nhận thức của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững rừng luồng được nâng lên. Cây luồng đã và đang là nguồn thu nhập chính cho nhiều nông dân trong huyện và doanh nghiệp chế biến. Công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng được các hộ, nhóm hộ và đại diện cộng đồng thôn bản tích cực tham gia. Cùng với chính sách của tỉnh, thời gian tới huyện Quan Hóa sẽ bố trí một phần ngân sách để hỗ trợ mở rộng diện tích vùng luồng thâm canh trên địa bàn. Tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng nói chung, rừng luồng nói riêng. Tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng các cơ sở chế biến luồng trên địa bàn, để có giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ luồng. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật thâm canh rừng luồng tạo sự liên kết bền vững giữa người dân và doanh nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm luồng để tạo thành chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chú trọng tới việc trồng luồng theo chuẩn quốc tế FSC....

Đến tháng 7-2021, Thanh Hóa có khoảng 79.000 ha luồng. Thu nhập từ tre, luồng chiếm hơn 50% tổng thu nhập của người dân khu vực miền núi Thanh Hóa. Vì vậy, tre, luồng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của người dân.

Đồng chí Thiều Văn Lực, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 151/2015/NQ-HĐND ngày 11-12-2015 của HĐND tỉnh về việc ban hành cơ chế chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, hàng năm Chi cục Kiểm lâm đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc các huyện thuộc quy hoạch vùng luồng thâm canh của tỉnh hoàn thành kế hoạch giao thâm canh, phục tráng rừng luồng đạt hiệu quả cao; phối hợp với các địa phương tuyên truyền đến người dân chính sách hỗ trợ phát triển luồng thâm canh; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân... phục tráng luồng. UBND các huyện miền núi trọng điểm trồng luồng đã khảo sát để lựa chọn các tuyến đường ô tô lâm nghiệp cần nâng cấp hoặc làm mới; lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán phục vụ thi công nâng cấp và làm mới đường ô tô lâm nghiệp. Từ năm 2016 các hộ đã được hỗ trợ kinh phí mua phân bón cho năm thứ nhất và năm thứ 2 thực hiện thâm canh phục tráng rừng luồng (2 triệu đồng/ha/năm) và hỗ trợ 230 triệu đồng/1 km đường lâm nghiệp nâng cấp hoặc làm mới (200 ha rừng luồng tập trung được hỗ trợ 1 km đường).

Đến tháng 7-2021, các huyện vùng thâm canh luồng tập trung, gồm Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Cẩm Thủy thực hiện phục tráng, thâm canh được 13.750 ha rừng luồng; làm mới 59,3 km đường ô tô lâm nghiệp, mở 229 lớp tập huấn cho 13.395 người dân kỹ thuật chăm sóc, bón phân... thâm canh, phục tráng luồng. Hiệu quả của chính sách phát triển vùng luồng thâm canh của tỉnh đã cơ bản nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững rừng luồng. Thay đổi từ tập quán canh tác quảng canh, không bón phân chăm sóc sang canh tác thâm canh, bón phân và chăm sóc rừng luồng. Phục tráng rừng luồng kém chất lượng đã giúp năng suất, chất lượng rừng luồng nâng lên rõ rệt. Những tuyến đường ô tô lâm nghiệp đã được làm mới, tạo thuận lợi cho chăm sóc, khai thác, vận chuyển, giảm chi phí nhân công bốc vác thủ công. Nhiều tuyến đường lâm nghiệp kết hợp với dân sinh tạo điều kiện thuận lợi giao thông tại các thôn, bản và xã, huyện. Từ đó, giá trị cây luồng đã được nâng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều nông dân trồng luồng các huyện miền núi tỉnh nhà và doanh nghiệp chế biến luồng.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế và trao đổi với nhiều cán bộ và người dân các huyện miền núi, chúng tôi được biết: hầu hết diện tích luồng thâm canh phục tráng từ năm 2020 trở đi nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình cao, dốc, đất cằn cỗi, tỷ lệ đá lẫn cao, giao thông xuống cấp gây nhiều khó khăn cho việc cuốc lật đất, bón phân... Nguồn vốn phân bổ để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh của tỉnh còn hạn chế, thấp so với khối lượng, kế hoạch đề ra.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu trình UBND tỉnh một số chính sách phát triển lâm nghiệp trong giai đoạn 2021-2025, trong đó có việc kéo dài chính sách phát triển vùng luồng thâm canh đến năm 2025. Thiết nghĩ, cùng với chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh của tỉnh, UBND các huyện trong vùng luồng thâm canh cần quan tâm bố trí một phần ngân sách địa phương để hỗ trợ mở rộng diện tích vùng luồng thâm canh trên địa bàn. Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng nói chung, rừng luồng nói riêng. Tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng các cơ sở chế biến luồng trên địa bàn, để có giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ luồng; cam kết không thu mua, tiêu thụ luồng non. Xây dựng nhiều mô hình HTX sản xuất, kinh doanh luồng, tạo vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn và là cầu nối để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật thâm canh rừng luồng, góp phần xây dựng phương án quản lý rừng luồng bền vững để cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) cho rừng luồng. Tạo sự liên kết bền vững giữa người dân và doanh nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm luồng để tạo thành chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi.

Thùy Dương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]