(Baothanhhoa.vn) - Đất và người - ngoài mối liên hệ máu thịt, “chôn nhau cắt rốn” thì vẫn còn tồn tại một sợi dây liên kết vô hình nhưng bền chặt, khăng khít, thiêng liêng không kém, đó chính là tâm hồn. Điều đó lý giải vì sao, những địa danh sông Mã, Mường Lát, Sài Khao hiện lên thật đẹp qua những vần thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. Và ngược lại, trải qua bao nhiêu năm tháng, ký ức, hình ảnh về “đoàn binh không mọc tóc” - đoàn binh Tây Tiến vẫn ghi đậm dấu ấn nơi miền Tây xứ Thanh.

Miền Tây xứ Thanh theo bước đoàn binh Tây Tiến

Đất và người - ngoài mối liên hệ máu thịt, “chôn nhau cắt rốn” thì vẫn còn tồn tại một sợi dây liên kết vô hình nhưng bền chặt, khăng khít, thiêng liêng không kém, đó chính là tâm hồn. Điều đó lý giải vì sao, những địa danh sông Mã, Mường Lát, Sài Khao hiện lên thật đẹp qua những vần thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. Và ngược lại, trải qua bao nhiêu năm tháng, ký ức, hình ảnh về “đoàn binh không mọc tóc” - đoàn binh Tây Tiến vẫn ghi đậm dấu ấn nơi miền Tây xứ Thanh.

Miền Tây xứ Thanh theo bước đoàn binh Tây TiếnĐài tưởng niệm đoàn binh Tây Tiến được xây dựng trong khuôn viên Nhà văn hóa thị trấn Mường Lát (Mường Lát).

Trung đoàn 52 - Tây Tiến được thành lập ngày 27-2-1947 với nhiều thành phần, giai cấp nhưng cùng chung mục đích, lý tưởng, tinh thần nồng nàn yêu nước. Tây Tiến là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, lập nên nhiều thành tích đáng tự hào, góp phần vào việc đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược khỏi 3 nước Đông Dương.

Lần theo những trang hồi ký của nhà thơ Quang Dũng ghi lại những năm tháng tham gia đoàn binh Tây Tiến (“Đoàn binh Tây Tiến - Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt”, Nxb Kim Đồng, 2019), theo bước quân hành của binh đoàn Tây Tiến cùng các địa danh: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Sầm Nưa (Lào), miền Tây xứ Thanh vinh dự và tự hào lưu dấu ấn đậm nét, chân thực, sinh động.

Thị trấn Hồi Xuân – bình yên giữa núi rừng

“Ô, những nóc nhà ngói!”,... “một cái phố anh em ơi! Có những nhà ngói như miền xuôi”...

... Hồi Xuân - cái thị trấn miền núi hiện ra trước mắt đoàn binh Tây Tiến như “một liều rượu mạnh” kích thích tinh thần, xoa dịu những nhọc nhằn, vất vả. Đoàn binh ấy đã “đi hết những chiều rét buốt của mùa xuân” trong cái không gian chỉ bạt ngàn màu xanh của hun hút rừng già, “chỉ trông thấy mây và những đỉnh núi”, “chỉ leo lên những dốc ngược đứng, chỉ trườn xuống những dốc như muốn chùn đầu gối”, “mấy tháng chỉ ở những nhà sàn, mùi phân trâu bò ngập ngụa những hôm trời mưa”, đối diện với “những đỉnh núi lặng im cao cả, những người dân Thái, Mán, Mèo có cuộc sống hồn nhiên ít nói...”. Bởi vậy, không ai có thể hình dung hết niềm vui sướng vỡ òa của đoàn binh khi bất chợt nhìn thấy một phố, một thị trấn nhỏ của miền núi - thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) - địa danh mà dẫu chỉ mới nghe tên gọi thôi cũng đủ gợi lên sự thanh bình, tươi mới.

Thị trấn Hồi Xuân khi ấy, “chưa một dấu vết gì của chiến tranh lan tới đây. Phố xá còn nguyên vẹn. Ven bờ sông Mã, dòng nước trôi về xuôi mang bóng một thị trấn êm đềm có những mái nhà ngói sẫm trong lòng núi tím”. Cảnh phố xá êm ả, thanh bình: “Những căn nhà gạch, màu ngói nâu sẫm, một thứ màu gợi lên bao niềm thân mật của những phố huyện miền trung du”. Từng chuyển động, từng thanh âm cuộc sống đời thường nơi thị trấn ấy cũng đủ dấy lên trong lòng mỗi người lính viễn chinh nỗi lòng da diết nhớ quê hương. Tất cả nghe sao thật gần gũi, thân thuộc.

Không chỉ hiện lên với cảnh sắc thiên nhiên, không khí bình dị mà thân thương, gần gũi, thị trấn Hồi Xuân để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người lính Tây Tiến bởi tấm lòng hiếu khách, yêu quý bộ đội: “Bộ đội dừng lại. Tiếng hoan hô hai bên đường nổi lên. Đồng bào giơ tay vẫy, các em nhỏ phất cờ, nổi trống ếch...". Dẫu chỉ là một điểm đến trên chặng đường hành quân gian lao, thiếu thốn, cực khổ nhưng ân tình của người dân thị trấn đã trở thành nguồn động lực cổ vũ tinh thần cho đoàn binh vững bước, xông pha về phía trước.

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”

Sài Khao là một trong những địa điểm gắn liền với con đường hành quân của Trung đoàn 52 - Tây Tiến thời chống Pháp. Địa danh này cũng trở nên nổi tiếng khi xuất hiện trong bài thơ giàu âm điệu bi tráng, hào hùng nhưng không kém phần lãng mạn của nhà thơ Quang Dũng: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”.

Sài Khao nằm trên núi cao cheo leo của xã Mường Lý, vẫn mãi như nàng công chúa say ngủ giữa những tầng mây phủ. Vì lẽ đó nên tự bao đời nay, cảnh sắc nơi đây vừa hoang sơ, kỳ vĩ mà thơ mộng, trữ tình. So với thời điểm đoàn binh Tây Tiến đặt chân đến mảnh đất này, Sài Khao hôm nay vừa quen mà cũng vừa lạ. Quen thuộc bởi vẻ đẹp nơi đây, cảnh sắc thiên nhiên nơi đây bình yên, phảng phất chút dư vị man mác hiện hữu, hòa vào “miền mây thăm thẳm”. Và đương nhiên, làm sao tránh khỏi cảm giác lạ lẫm, ngạc nhiên khi Sài Khao hôm nay ít nhiều cũng đã có sự đổi thay. Đã không còn nữa “mùa hoa thuốc phiện nở”, “những bãi trồng thuốc phiện tim tím màu hoa”. Con đường dẫn vào bản đã bớt đi phần nào khúc khuỷu, chênh vênh. Cuộc sống của người dân cũng từng bước được cải thiện. Ngày nay, Sài Khao còn được biết đến là điểm lựa chọn của những người ưa thích du lịch trải nghiệm, khám phá văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên.

“Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Đường lên Mường Lát muôn trùng khó khăn, cách trở: lau cao, cỏ tranh mọc rậm rạp, cao hơn đầu người. Những quãng đường lội hàng hai giờ bì bõm ở suối nước, leo năm giờ liền một cái dốc để lại xuống, rồi lại lên một cái dốc khác, dốc ngược mãi lên. Thời tiết thì thật khắc nghiệt: “Ngày nắng thì nắng gắt, hơi đá, hơi cỏ nồng nực xông lên, ngày mưa thì mưa bất chợt giữa đường, quần áo, chăn màn ướt sũng”. Nơi đầu nguồn, con sông Mã được miêu tả như con ngựa bất kham: Tiếng nước ào ào réo, nước chảy như ngựa phi nước đại, “cái nước sông Mã này ở giữa dòng nó hỗn lắm”. Ngay cả những chuyến bè qua sông, tiếng reo hò hai bên bờ vang lên cũng không át nổi được tiếng nước réo, cũng không át nổi cái rùng rợn của bóng đêm đen sẫm trên dòng sông rộng, dữ dội này. Những vùng núi quanh Mường Lát đều ngọn chạm mây, đồng bào sinh sống ở nơi hẻo lánh, mỗi xóm ở xa nhau hàng non hai chục cây, món ăn độc nhất của những bản nghèo nàn nơi đây là ngô.

Xúc động nhất có lẽ là lúc Mường Lát hiện ra trong hình ảnh những nấm mộ điêu tàn, đắp vội bởi “những bàn tay chỉ quen cầm súng, tìm hoa lá kết vụng về, đặt trên mả đồng đội” với “vòng hoa rừng đã úa hắc” rải rác bên đường trong sự tịch mịch vô cùng. Có lẽ, ai đã từng một lần đọc “Đoàn binh Tây Tiến” của Quang Dũng sẽ chẳng thể nào quên những câu nói chân thành, cảm động nhất mực mà những người lính ấy đã dành để nói về sự hy sinh, mất mát của đồng chí, đồng đội mình trên mảnh đất Mường Lát này: Các anh em... Đây đã là đất Mường Lát. Từ đây trở ngược lên là đất của giặc chiếm. Ngay từ chỗ này đã là những nơi chứng kiến bao cuộc tàn sát của giặc, bao cái cực khổ của dân hai nước Lào và Việt [...] Ở đoạn đường đầu biên giới này, những người đầu tiên mà chúng ta gặp lại là những anh em đã nằm dọc đường đây, dưới nấm mồ vùi đất còn mới. Sự im lặng của những nấm mồ gợi cho chúng ta liên tưởng đến cái nghĩa cao cả hy sinh của những bạn chiến đấu đã nằm xuống. Các anh ấy nằm đây. Chúng ta đi qua. Các anh ấy không nói được gì nữa, nhưng những nấm mồ đã nói nhiều... Cái im lặng, cái tịch mịch thiêng liêng của sự hy sinh ấy bảo chúng ta phải tiếp tục công việc của bạn chúng ta...

“Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy”...

Hành trình mà đoàn binh Tây Tiến đã đi qua chính là biểu tượng đẹp, cao cả của một thế hệ “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Nếu ví hành trình ấy như là bản anh hùng ca thì miền Tây xứ Thanh hiện diện như những nốt nhạc ngân vang, sống động, hào hùng. Đó là niềm vinh dự lớn lao.

Ngược miền rừng đến với miền Tây xứ Thanh hôm nay, ai cũng cảm nhận rõ ràng sự đổi thay từng ngày. Tuy nhiên, dẫu có bao nhiêu thay đổi thì những ký ức, hình ảnh và những dấu tích còn lưu lại về đoàn binh Tây Tiến vẫn luôn sống mãi trong lòng nhiều thế hệ người dân nơi đây.

Ngay tại khuôn viên Nhà văn hóa thị trấn Mường Lát, cách trụ sở UBND huyện khoảng 500m, Đài tưởng niệm đoàn binh Tây Tiến bình lặng đứng đó, minh chứng về một thời hào hùng, “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” của binh đoàn Tây Tiến và mối liên hệ, tình cảm thân thiết, gắn bó giữa binh đoàn với đất và người nơi đây. Và ý nghĩa lớn lao hơn nữa khi trên mảnh đất Sài Khao hôm nay, ngoài những dấu tích cũ còn lưu lại, đã có thêm tấm bia lưu niệm Tây Tiến được xây dựng như càng khắc sâu thêm mối liên hệ gắn bó thiêng liêng này.

Theo bước đoàn binh Tây Tiến, miền Tây xứ Thanh hiện lên thật đẹp. Đó không chỉ là vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, của tình người nồng hậu mà nó thể hiện tình cảm quân - dân thắm thiết, thủy chung trong một lòng nồng nàn yêu nước. Chính điều đó đã kết tinh, lắng đọng thành sức mạnh, thành trì vững chắc nơi miền biên viễn, góp phần làm nên thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]