(Baothanhhoa.vn) - Lễ hội đền Mưng là lễ hội truyền thống có lịch sử tồn tại đã gần 1.400 năm. Là một trong những lễ hội lớn, đặc sắc trên địa bàn huyện Nông Cống, qua việc kết hợp giữa các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như: đua thuyền, hát chèo thờ (chèo cổ) trên sông Lãng, thi chọi gà, bắt vịt trên sông... và các môn thi đấu thể thao hiện đại như: bóng chuyền, bóng bàn... nhằm lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Lễ hội đền Mưng - nét đẹp truyền thống đậm đà bản sắc xứ Thanh

Lễ hội đền Mưng là lễ hội truyền thống có lịch sử tồn tại đã gần 1.400 năm. Là một trong những lễ hội lớn, đặc sắc trên địa bàn huyện Nông Cống, qua việc kết hợp giữa các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như: đua thuyền, hát chèo thờ (chèo cổ) trên sông Lãng, thi chọi gà, bắt vịt trên sông... và các môn thi đấu thể thao hiện đại như: bóng chuyền, bóng bàn... nhằm lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Lễ hội đền Mưng - nét đẹp truyền thống đậm đà bản sắc xứ ThanhHát chèo tại lễ hội đền Mưng, xã Trung Thành (Nông Cống). Ảnh: Hà Hiệp

Truyền thuyết về lễ hội đền Mưng

Làng Mưng xưa đã có những sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Nơi đây không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể mà còn bảo lưu văn hóa phi vật thể. Đó là một quần thể đền, đài, miếu mạo cùng với những lễ hội đặc sắc, trong đó nét văn hóa nổi trội là lễ hội đền Mưng - nơi thờ Thánh Lưỡng Tham Xung Tá Quốc, húy danh Lê Hữu - con trai út của Lê Ngọc (tên thật là Lê Cốc), làm Thái thú quận Cửu Chân dưới thời Tùy Đại Nghiệp, vì không phục nhà Đường mà cố kết lòng dân chống Đường, lấy quận Cửu Chân làm căn cứ. Trong chiến đấu, cha con Lê Ngọc thất bại, người con út bị chém rơi đầu nhưng “Ông đã biến hóa ôm đầu nhảy lên ngựa chạy, đến bờ sông Cổ Định thì hóa”(1). Người chị gái đi tìm em, đến bờ sông Cổ Định (tức sông Lãng) biết em đã hy sinh nên nhảy xuống sông tự vẫn, xác trôi đến ngã ba sông, được dân sở tại vớt lên lập đền thờ. Ghi nhớ công ơn của cha con ông, Nhân dân trong vùng đã lập bàn thờ để hương khói. Đến thời Hậu Lê được Nhân dân xây dựng thành đền thờ gọi là đền Mưng, thuộc làng Mưng, tức làng Côn Sơn, xã Trung Thành, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa ngày nay.

Ngôi đền Mưng thờ Thánh Lưỡng xưa kia nguy nga đồ sộ nhất vùng. Theo các cụ kể lại thì đền xưa có hậu cung chính tẩm, 5 gian tiền tế, có sân chầu rộng thênh thang, có giải vũ hai bên và tường bao quanh, có nghi môn tam quan. Đền Mưng bị thực dân Pháp ném bom phá hoại trong kháng chiến “chín năm”. Với sự nỗ lực của Nhân dân làng Côn Sơn nhằm khôi phục lại các hoạt động của lễ hội đền Mưng, đến năm 1994, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Bằng công nhận đền Mưng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Khu di tích đã được đầu tư xây dựng mới 3 gian chính tẩm, 5 gian tiền đường, 3 gian nhà khách phía Tây và nâng cấp toàn bộ hệ thống khuôn viên nhà đền. Bên cạnh đó địa phương cũng đã duy trì nhiều phong tục truyền thống như: việc cúng tế, hát chèo thờ trên sông và trên cạn; rước cỗ của các ngõ xóm, dòng họ, các bản hội và 5 chi kỵ trong vùng Cầu Quan. Thông qua lễ hội đền Mưng đã góp phần tạo nên sự phong phú trong đời sống tâm linh của Nhân dân làng Côn Sơn, đồng thời tạo được sự gắn kết cộng đồng với các làng lân cận.

Hát chèo thờ trong lễ hội đền Mưng

Theo tục lệ, lễ hội đền Mưng một năm tổ chức hai lần. Lần thứ nhất là lễ hội bơi thờ (đua thuyền trên sông Lãng đoạn gần đền Mưng); lần thứ hai là chính kỵ và lễ hội chèo thờ.

Suốt thời phong kiến, đền Mưng luôn là ngôi đền được xếp vào hàng “Quốc tế” (tức được triều đình cử quan đại thần về để tế) thu hút cả một vùng rộng lớn từ Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống hướng về lễ hội. Riêng Nông Cống có tới 18 làng trực tiếp tham gia lễ hội với tất cả niềm thành kính. Từ lễ hội đã lan tỏa những nét sinh hoạt văn hóa tốt đẹp. Đó là các hình thức chèo thuyền (trong phần hội) như: chèo bơi, chèo đua, chèo cạn, chèo thờ, vừa thể hiện tính văn hóa đặc sắc qua múa hát, vừa thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. Đặc biệt, nổi bật là “Trò hát chèo thờ làng Mưng” - một hình thức diễn xướng trong lễ hội đã trở thành môn nghệ thuật sân khấu độc đáo, riêng biệt của làng Mưng. Từ xa xưa tục chèo thờ được tổ chức 5 năm một lần: “Năm năm có một khóa chèo/ Nghèo thật là nghèo, vui thật là vui”. Vì vậy, hát chèo đền Mưng là một loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo, mang đậm sắc thái bản địa nên có những nét riêng và độc đáo. Hát chèo thờ đền Mưng chỉ được sử dụng trong lễ hội đền Mưng từ ngày mùng 5 đến mùng 8 tháng 3 âm lịch. Hát chèo thờ ở đây là hát hầu Thánh, hay còn gọi là thờ Thánh trong lễ hội đền Mưng. Như vậy, có lễ hội đền Mưng thì mới có hát chèo thờ. Với các vở chèo khá nổi tiếng như vở: Tống Trân Cúc Hoa, Thục Vân hiếu nghĩa, Tuấn Khanh, Lưu Quân Bình (bốn vở diễn này chỉ diễn ở đền Mưng trong dịp lễ Thánh). Vở diễn đưa ta về với các tích xưa, có trai tài gái sắc, đức hạnh chiến thắng xấu xa... Người dân vừa là khán giả, vừa là diễn viên biểu diễn mừng Thánh, qua đó đem lại niềm hạnh phúc sâu lắng, thiêng liêng trong cộng đồng.

Trong lễ hội chèo thờ rước Thánh, Nhân dân trong vùng thường thiết lập một đội chèo gồm 5 chiếc, hai chiếc Phát Đường, một chiếc đặt Hương Áng, một chiếc thuyền Thánh Ngự, một chiếc thuyền Phủ Giá. Người chèo thuyền được gọi là nữ quan. Đó là những thiếu nữ mới lớn, con nhà gia thế hoặc những gia đình có gia phong được Nhân dân trong làng tín trọng. Đoàn thuyền đi đến đâu đều vang lên những tiếng hò chèo thờ đến đó. Hò chèo thờ có hai điệu là chèo khoan và chèo đấu. Điệu chèo khoan thì khoan thai, nhịp nhàng người xướng ngân nga câu lục bát và tất cả hò dậm “Huầy! Dô huầy dô ta! Hò là dô huầy!”. Ngược lại, điệu hò chèo đấu lại có nhịp khẩn trương, gấp gáp, thể hiện không khí vui tươi, nhộn nhịp của lễ hội và được đệm là “Ớ khoan”.

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ hội người dân trong vùng lại tạm gác lại mọi công việc để kéo nhau đến dự lễ hội đền Mưng. Khi nghe hiệu lệnh phát ra từ trên án thờ, các quân bơi bước xuống thuyền, treo nón lên vách, ngồi vào ghế, tay cầm mái chèo son. Khi đoàn thuyền đi đến làng nào, các nữ chèo đều có các làn điệu hát vịnh và đối đáp với Nhân dân làng đó. Ví như, khi thuyền đến bến Đông, thuộc xã Trung Chính, nữ quan sẽ hát “Thuyền Rồng đã đến làng Đông/ Con gái làng Chợ xuống sông chào thuyền”. Và khi đến làng Vặng, thuộc xã Trung Ý (nay là xã Trung Chính), nơi có Vực Si, nữ chèo sẽ hát rằng “Thuyền Rồng đã đến Vực Si/ Con gái làng Vặng làm chi ở nhà?”. Trên bờ, trai gái trong làng ra xem thuyền chải hát đối đáp lại “Làng Vặng đang xáo cỏ cà/ Nghe tiếng thuyền chải em ra mừng thuyền”. Cứ như vậy, đoàn thuyền rước Thánh Lưỡng từ đền Mưng xuống đền Tam Giang cách đó khoảng 10 km. Sau khi xuống đến đền Tam Giang, Thánh Lưỡng được rước lên đền, tổ chức tế lễ, sau đó lại được rước về đền Mưng.

Lễ hội đền Mưng có một vị trí, vai trò nhất định đối với lịch sử của dân tộc, đặc biệt nó đã thấm vào máu thịt của các thế hệ Nhân dân làng Côn Sơn, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, làm phong phú đời sống tinh thần, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, giáo dục nhân cách, văn hóa tư tưởng, tạo nên sự đoàn kết đồng thuận trong Nhân dân. Với ý nghĩa và giá trị của di sản, lễ hội đền Mưng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4605/QĐ-BVHTTDL ngày 20-12-2019.

(1). Truyền thuyết này còn được kể với chi tiết “gặp bà hàng nước hỏi, quăng đầu rồi hóa” và gắn với một số dấu tích ở một số làng trong tỉnh.

Lê Hường (Trung tâm Văn hóa tỉnh)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]