Bản Dao thoát nghèo nhờ cây dược liệu
Đồng bào dân tộc Dao ở huyện Mường Lát nhiều đời đã biết tận dụng dược liệu của núi rừng bào chế ra các bài thuốc để phòng và chữa bệnh... Ngày nay, dược liệu không chỉ giúp họ vượt qua bệnh tật, ốm đau mà còn mang giá trị kinh tế cao; giúp bà con từng bước vươn lên làm giàu.
Ông Triệu Văn Lĩu, ở bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi (Mường Lát) chia sẻ về những bài thuốc hay của dân tộc mình.
Những bài thuốc hay...
Bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi nằm yên bình giữa những dãy núi cao. Sau cơn mưa, trời hửng nắng cũng là lúc những cây dược liệu phát triển mạnh, ông Triệu Văn Lĩu, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Hạ Sơn tranh thủ vào rừng tìm nguyên liệu cho những đơn thuốc khách hàng đã đặt. Ông bảo: “Để hái được những cây thuốc quý, phải đi đến những ngọn đồi cao, giáp biên giới”.
Hỏi ông, rừng ở huyện Mường Lát có bao nhiêu cây có thể dùng để chữa bệnh? Ông Lĩu trầm ngâm giây lát rồi lắc đầu: “Tôi không biết rõ nhưng chắc chắn phải hàng trăm”. Bởi, ngoài những cây thuốc có thể gọi bằng tên, còn rất nhiều loại cây mà ông nhận dạng được nhưng không biết tên. Song, ông biết chắc những cây thuốc đó có thể chữa được bệnh gì. Thứ cây đáng quý nhất mà ông muốn kể đến là: cây xạ đen, cây cỏ máu, hà thủ ô, trà hoa vàng, sâm xuyên đá, củ tài lệch, cỏ chân vịt, cỏ chân ngỗng, sâm cau... Chúng là những vị thuốc lành và mỗi thứ lại mang một công dụng riêng chữa trị các bệnh thông thường, như: thiếu máu, bạc tóc sớm, rắn cắn, mất ngủ, cảm hàn, đau lưng, đau gan, viêm khớp, đại tràng, đau dạ dày, ăn khó tiêu, ngộ độc... Ưu điểm của những loại thuốc này là khi uống không để lại phản ứng phụ, dễ nấu, dễ uống.
Ngoài những tác dụng khi được sử dụng độc lập, những loại lá, vỏ, rễ cây rừng trên khi kết hợp lại sẽ tạo ra vô vàn bài thuốc chữa bệnh khác. Theo ông Lĩu, với người Dao ở Mường Lát, họ nổi tiếng nhất là những bài thuốc chữa trị các bệnh cho phụ nữ, như: hậu sản, điều hòa kinh nguyệt và thuốc tắm cho phụ nữ sau khi sinh...; các bệnh về da, như: sởi, phỏng dạ, zona thần kinh, thủy đậu, chân tay miệng...
Được biết, gia đình ông Lĩu là một trong 10 gia đình của bản Hạ Sơn được cấp chứng chỉ hành nghề y học cổ truyền. Hơn 60 tuổi, ông đã có hơn 30 năm làm nghề, đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người. Nhiều bài thuốc gia truyền của gia đình được giới chuyên môn nghiên cứu, ghi nhận, đánh giá cao.
Bản Hạ Sơn có hơn 50 hộ dân, 100% đều là người dân tộc Dao nên hầu như nhà nào cũng biết làm thuốc và bốc thuốc. Trước đây, những bài thuốc nam chỉ dùng chữa bệnh cho những người trong gia đình và bà con làng xóm. Lâu dần công dụng của những bài thuốc hay được lan truyền, người ở xa đến xin thuốc ngày một nhiều, bà con mới bắt đầu nghĩ đến việc phát triển nghề thuốc, người già truyền cho người trẻ, cứ như thế nghề bốc thuốc nam của đồng bào dân tộc Dao được lưu truyền, phát triển.
... trở thành sinh kế bền vững
Những năm gần đây, nhờ chăm sóc và buôn bán các loại cây dược liệu, như: sâm đất, thảo quả,... mà người dân trong bản có điều kiện thay đổi cuộc sống. Những ngôi nhà mới khang trang được dựng lên, trẻ con được đầu tư ăn học đến nơi đến chốn.
Tại bản Hạ Sơn hiện có hơn 10 hộ được cấp chứng chỉ hành nghề bốc thuốc nam. Gia đình nào có chứng chỉ thì theo nghề bốc thuốc trị bệnh; còn các gia đình khác vào rừng hái cây thuốc bán lại hoặc trồng thuốc, băm, thái và sơ chế thuốc... để có thu nhập. Ông Lĩu thống kê, trung bình mỗi tháng, nghề làm thuốc nam cho người dân ở đây có nguồn thu nhập ổn định từ 3 - 5 triệu đồng. Năm 2024, tổng thu nhập bình quân đầu người tại bản Hạ Sơn đạt hơn 37 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2%.
Tuy nhiên, theo Trưởng bản Triệu Văn Lĩu, đa số các “thầy thuốc” ở Hạ Sơn là “thầy thuốc” của gia đình, thương hiệu và uy tín mới chỉ dừng lại ở mức truyền miệng, chứ các thầy vẫn chưa được kiểm tra về trình độ nên nghề thuốc ở đây vẫn chỉ phát triển ở quy mô nhỏ lẻ. Ở một khía cạnh khác, việc người dân đổ xô vào rừng lấy thuốc một cách bừa bãi, cây thuốc quý hiếm sẽ vì thế mà cạn kiệt. Ngày nay, nhiều người ví việc vào rừng lấy thuốc không còn là “hái” nữa mà giống như đi “săn”. Để tìm được một số cây thuốc quý có nguy cơ tuyệt chủng hoặc còn rất ít, họ phải lên tận núi cao, công việc hết sức vất vả. Thêm vào đó, việc thiếu diện tích canh tác cùng những khó khăn về kinh tế, người dân chỉ khai thác mà chưa chú ý đến việc trồng và bảo vệ nguồn thuốc quý hiếm. Vì thế, mỗi lần ông vào rừng hái thuốc thấy loài cây nào mọc nhiều ông đều nhổ lấy một nhánh nhỏ về trồng, loại nào giâm được cành là ông mang về. Mảnh vườn trồng dược liệu quanh nhà là kết quả hàng chục năm vào rừng tìm thuốc của ông.
Được biết, thời điểm hiện tại người dân Hạ Sơn đã chủ động trồng được 50% nguồn nguyên liệu, còn lại vẫn phải vào rừng tìm kiếm cây thuốc.
Cũng như nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác, ông Lĩu mong muốn có được những lớp học nhằm giới thiệu về cây thuốc và HTX chuyên trồng, chế biến thuốc nam, nhằm góp phần bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc cũng như các bài thuốc quý của dân tộc.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2025-05-24 17:16:00
Khơi dậy đồng Quan
-
2025-05-24 15:42:00
Tiếp nhận và hồi hương 21 hài cốt về nước an táng
-
2025-05-24 06:34:00
Hanoi Metro lên tiếng sự cố tàu Nhổn-Ga Hà Nội đang chạy bỗng dừng đột ngột
Phân luồng giao thông phục vụ Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao hỗ trợ sinh kế và xây nhà ở cho ngư dân nghèo
Niềm vui trong những ngôi nhà mới
40 hộ khó khăn của huyện Quan Sơn được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở theo Chỉ thị 22
Tổ chức cuộc thi Rung chuông vàng năm thứ 3 với chủ đề: “Thành Nhà Hồ - 10 năm kinh đô, 2 vương triều, 1 điểm đến”
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo
[WOW! THANH HÓA] Trải nghiệm làm gốm nhà Horus
Thủ tướng: Thực hiện trực tuyến 100% thủ tục hành chính liên quan doanh nghiệp
Hiểu đúng về sử dụng đất kết hợp đa mục đích