(Baothanhhoa.vn) - Bằng tình yêu, nhiệt huyết với nghề cùng mong muốn góp sức mình nâng cao sức khỏe cho cộng đồng, dẫu đã nghỉ hưu nhiều năm, Thạc sĩ, bác sĩ đa khoa, đại tá Đỗ Thanh Long (71 tuổi, thôn Đông Cao, xã Trung Chính, Nông Cống) vẫn miệt mài khám, tư vấn, chữa bệnh miễn phí cho bà con trong làng, xã. Với ông, đó là niềm vui, hạnh phúc không đong đếm được.

Bác sĩ của làng

Bằng tình yêu, nhiệt huyết với nghề cùng mong muốn góp sức mình nâng cao sức khỏe cho cộng đồng, dẫu đã nghỉ hưu nhiều năm, Thạc sĩ, bác sĩ đa khoa, đại tá Đỗ Thanh Long (71 tuổi, thôn Đông Cao, xã Trung Chính, Nông Cống) vẫn miệt mài khám, tư vấn, chữa bệnh miễn phí cho bà con trong làng, xã. Với ông, đó là niềm vui, hạnh phúc không đong đếm được.

Bác sĩ của làngThạc sĩ, bác sĩ đa khoa, đại tá Đỗ Thanh Long nhiệt tình thăm khám bệnh, tư vấn cho người dân thôn Đông Cao. Ảnh: Thảo Linh

Nhà văn hóa thôn Đông Cao, xã Trung Chính (Nông Cống) rộn ràng tiếng nói, tiếng cười. Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thôn Đông Cao tổ chức sinh hoạt định kỳ. Mặc dù toàn người làng, đi ra ngõ đã chạm mặt, có khi ngày gặp nhau đôi, ba lần thế nhưng ai ai cũng hồ hởi hỏi han, chuyện trò. “Tình làng nghĩa xóm” là điều gì đó rất đặc biệt, chẳng thể cắt nghĩa rõ ràng, rành mạch. Ở một góc nhà văn hóa, tranh thủ chưa đến giờ sinh hoạt, nhiều người vừa xúm xít nói chuyện vừa chờ đến lượt khám bệnh. Vị bác sĩ già điềm đạm, chăm chú ngồi làm việc. Ông tỉ mỉ đo huyết áp cho bác gái ở phía đối diện, nhẹ nhàng nói: “Huyết áp của chị như vậy là đã ổn định. Nhưng không được chủ quan, phải chú ý theo dõi nhé”. Người phụ nữ vui mừng đứng lên, nhường chỗ cho người tiếp theo. Cứ thế, vị bác sĩ già tiếp tục bận rộn...

- Câu lạc bộ mình “hoành tráng” thế ạ? Mời cả bác sĩ về khám bệnh cho các thành viên - chúng tôi hào hứng hỏi trưởng làng.

Trưởng làng cười đáp: “Câu lạc bộ thì lấy đâu ra kinh phí để mời bác sĩ. Đây là Thạc sĩ, bác sĩ đa khoa, đại tá Đỗ Thanh Long, người làng Đông Cao chúng tôi. Sau nhiều năm công tác xa quê, ông nghỉ hưu rồi trở về làng sinh sống, tiếp tục khám chữa bệnh miễn phí cho bà con trong làng, xã”.

Chờ khi bác sĩ nghỉ tay, “vãn khách”, chúng tôi có dịp trò chuyện nhiều hơn với ông Long về câu chuyện nghề và việc làm đáng quý, đáng trân trọng của ông với bà con nơi đây. Ông Long bộc bạch: “Nhiệm vụ lớn lao nhất và mục đích cao cả nhất của người bác sĩ là chữa bệnh, cứu người. Dẫu thế nào cũng phải khắc cốt ghi tâm điều ấy”.

Được biết, Thạc sĩ, bác sĩ đa khoa, đại tá Đỗ Thanh Long đã có hơn 40 năm công tác trong ngành y tế. Trong suốt quá trình công tác, ông luôn được ghi nhận, đánh giá cao về chuyên môn, là “điểm tựa” vững vàng cho người bệnh trao niềm tin, hy vọng. Với kinh nghiệm dày dặn, thái độ làm nghề nghiêm túc, người bác sĩ khoác trên mình hai màu áo - áo blouse trắng và áo lính ấy - đã khám, tư vấn, chữa bệnh thành công cho rất nhiều người bệnh.

Phát huy năng lực chuyên môn, khi đã nghỉ hưu nhiều năm, với mong muốn góp sức mình nâng cao sức khỏe cho cộng đồng, bác sĩ Long vẫn nhiệt tình khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con trong làng, trong xã. Bất kể trong trường hợp nào, khi bà con có nhu cầu khám, chữa bệnh, bác sĩ Long đều cố gắng hết sức mình. Không chỉ là đo huyết áp, nghe tim mạch, chẩn đoán, điều trị các bệnh thông thường, bác sĩ Long đã nhiều lần tiến hành sơ, cấp cứu cho người dân trong làng, xã, kịp thời đưa họ thoát khỏi tình huống nguy hiểm đến tính mạng trước khi chuyển đến bệnh viện tiếp tục theo dõi, điều trị.

Sơ cấp cứu là sự trợ giúp ban đầu, ngay lập tức, có ý nghĩa rất quan trọng đối với người bệnh hoặc nạn nhân (gọi chung là người bệnh). Nếu người thực hiện chậm trễ hoặc sơ cấp cứu không đúng cách sẽ khiến người bệnh mất đi cơ hội sống sót hoặc nếu còn cơ hội sống sót cũng sẽ gặp nhiều di chứng, gây tổn thất cho chính người bệnh, gia đình và xã hội. Nhận thức được điều đó, chúng ta càng thêm trân trọng, cảm mến trước tấm lòng, càng thấy rõ hơn ý nghĩa, giá trị nhân văn trong việc làm của bác sĩ Long.

Chị Đinh Thị Yến (48 tuổi) vừa nhanh nhẹn giúp bác sĩ Long ghi chép họ tên, nhịp tim, huyết áp, tình trạng bệnh của bà con trong làng, xã vừa góp chuyện với chúng tôi. Chị Yến kể: “Mới đây, tôi bị kiến ba khoang đốt, tưởng đơn giản thôi mà có ngờ đâu chuyển biến nặng lắm, nếu không có bác sĩ Long thì không biết xử trí thế nào”. Khi gia đình hớt hải gọi bác sĩ Long đến, chị Yến đã cảm thấy khó thở, buồn nôn, người phù nề, tím tái, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt. Bác sĩ Long đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu, truyền dịch, trợ thở oxy. Với sự tư vấn, cấp cứu kịp thời của bác sĩ Long, chị Yến dần hồi phục.

Bà con xung quanh kể chuyện ông Đinh Ngọc Thực bị tai biến, gia đình gấp gáp gọi bác sĩ Long. Khi đến thăm khám lâm sàng, tiên lượng tình trạng, bác sĩ Long đã đưa ra hướng xử lý kịp thời, đúng phương pháp, kỹ thuật giúp ông Thực qua cơn nguy kịch, ổn định tình hình để đưa đến cơ sở y tế tiếp tục chữa trị, không để lại di chứng.

Trước những lời cảm ơn chân thành mà bà con dành cho mình, bác sĩ Long cười hiền, nói: “Được tiếp tục phát huy năng lực, sở trường của mình để làm việc có ích cho bà con, cho cộng đồng là tôi thấy vui, hạnh phúc rồi. Đây là việc tôi nên làm”. Bác sĩ Long rất kiệm lời khi nói về mình.

Làng là “chỉ dấu” đặc biệt trong căn cước cuộc đời của biết bao thế hệ người dân đất Việt. Để dẫu bước chân đã đi góc bể chân trời vẫn không nguôi tình yêu, nỗi nhớ thương với vùng đất ấy. Làng - nơi chốn đầu tiên ta nghĩ đến, mong muốn được trở về sau khi đã miệt mài tháng năm với giấc mưu sinh, hoài bão “lập thân lập nghiệp”. Sau hơn 40 năm công tác xa quê, Thạc sĩ, bác sĩ đa khoa, đại tá Đỗ Thanh Long trở về nơi “chôn nhau cắt rốn”, tiếp tục cống hiến sức mình, mong góp phần nhỏ bé nâng cao sức khỏe cho bà con, cho cộng đồng. Đó là niềm vui, tấm lòng của bác sĩ Long và cũng là may mắn của bà con nơi này.

Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]