(Baothanhhoa.vn) - Những bức thư động viên, khen ngợi đến những lần Bác Hồ về thăm và làm việc tại Thanh Hóa luôn là động lực để Thanh Hóa nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế; đoàn kết một lòng góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bác Hồ với quê Thanh (Bài 1): Từ động viên, ghi nhận đến những lời căn dặn

Những bức thư động viên, khen ngợi đến những lần Bác Hồ về thăm và làm việc tại Thanh Hóa luôn là động lực để Thanh Hóa nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế; đoàn kết một lòng góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bác Hồ với quê Thanh (Bài 1): Từ động viên, ghi nhận đến những lời căn dặn

Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Yên Trường (Yên Định) với rất nhiều tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những bức thư - Di sản lịch sử

Trong lịch sử thế giới không có một lãnh tụ nào mà viết thư khen ngợi động viên Nhân dân nhiều như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chưa có thống kê đầy đủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã viết bao nhiêu bức thư. Nhưng có một điều chắc chắn, Người không kể tầng lớp, giai cấp, không kể người già người trẻ, tôn giáo đảng phái, không tính việc riêng hay việc công, không kể binh vận, quân sự, ngoại giao hay dân vận... lúc nào, việc gì có thể viết thư là Người sẽ dùng thư.

Xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, là gốc rễ của mỗi quốc gia dân tộc, nên khi đất nước vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ ngay đến việc xóa bỏ nền giáo dục nô lệ, xây dựng một nền giáo dục tự cường, tự lập. Vì thế cùng với phong trào diệt giặc đói và giặc dốt, ngày 5/9/1945, chỉ sau hai ngày đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho ngành giáo dục trong buổi khai trường đầu tiên với nhiều điều nhắn nhủ các thế hệ tương lai của đất nước, rất nhiều ý tứ nhấn mạnh giá trị và ý nghĩa của việc học tập, nâng cao dân trí.

Đối với Thanh Hóa, trong “Thư gửi giáo sư và sinh viên Trường dự bị đại học ở Thanh Hóa” viết vào tháng 4/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: “Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc. Vậy giáo dục cần nhằm vào mục đích là thật thà phụng sự Nhân dân; Các cháu thì học tập cần gắn liền với thực hành để mai sau thực hiện mục đích cao quý: Thật thà phụng sự Nhân dân.

Suy cho cùng, dù làm gì, dù cách thực hiện có khác nhau nhưng mục đích cuối cùng là dạy, học và thực hành để “phụng sự Nhân dân”.

Hiểu hơn ai hết cuộc chiến tranh chống Mỹ để thống nhất nước nhà còn dài, chỉ trong ngày 2/3/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen Hợp tác xã (HTX) Đông Phương Hồng thâm canh lúa giỏi. Người viết: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các xã viên và cán bộ Đông Phương Hồng đã ra sức thi đua tăng năng suất lúa”. Nhưng Bác cũng căn dặn: “Xã viên và cán bộ không nên chủ quan, thỏa mãn, mà cần phải cố gắng hơn nữa, nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, đoàn kết chặt chẽ, thực hành dân chủ, tài chính công khai, nêu gương tiết kiệm, vượt qua mọi khó khăn để đạt nhiều thành tích to hơn nữa về các mặt như chăn nuôi, hoa màu...”.

Đồng thời, Người gửi thư khen HTX Thắng Lợi thâm canh lúa giỏi: Trong mấy năm qua, Thắng Lợi đã cố gắng xây dựng tốt HTX, áp dụng kinh nghiệm sản xuất tiên tiến, cho nên đã đạt được năng suất lúa khá cao. Năm 1965, năng suất lúa cả năm đã đạt được 6.754kg/ha. Do đó, đời sống xã viên đã được cải thiện, HTX đã bán thóc theo giá khuyến khích cho Nhà nước nhiều hơn năm 1964. Như vậy là tốt.

Và ngay cả đến những ngày rất gần trước khi Người ra đi mãi mãi, ngày 24/7/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tặng Bằng khen cho HTX Ngọc Sơn, huyện Yên Định có nhiều thành tích sản xuất. Người viết: "Thân ái khen đồng bào và cán bộ Ngọc Sơn đoàn kết tốt, sản xuất tốt, hoàn thành nghĩa vụ của công dân. Mong các nơi khác thi đua làm tốt như Ngọc Sơn”.

Đọc thư của Người, dù là ai cũng đều cảm nhận được tình cảm chân thành và gần gũi. Trong chung có riêng, trong riêng có chung, việc nước việc nhà đan xen, tình yêu đất nước, tình đồng chí, đồng bào và tình thân gia đình cũng hòa trộn vào nhau.

Bác Hồ với quê Thanh (Bài 1): Từ động viên, ghi nhận đến những lời căn dặn

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bằng khen cho gia đình ông, bà Ngô Thọ Lạn và Nguyễn Thị Vy vì đã tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần vào chiến thắng chung trong trận đánh máy bay Mỹ ngày 26/5/1965.

Không chỉ gửi thư, Bác Hồ còn động viên, khen thưởng tới từng trường hợp cụ thể. Cuộc chiến đấu của Nhân dân Hàm Rồng - Nam Ngạn vô cùng ác liệt và gian nan. Ngay những ngày đầu của cuộc chiến đấu giữ cầu Hàm Rồng, Bác đã có lời khen: “Giỏi lắm, Nhân dân Hàm Rồng giỏi. Công nhân Hàm Rồng giỏi, nông dân Hàm Rồng cũng giỏi. Cả Bộ đội dân quân Hàm Rồng đều giỏi”. Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng Bằng khen cho gia đình ông, bà Ngô Thọ Lạn và Nguyễn Thị Vy, tiểu khu Nam Ngạn, thị xã Thanh Hóa đã tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần vào chiến thắng chung trong phong trào đánh máy bay Mỹ ngày 26/5/1965, nêu gương “Cả nhà quyết tâm chống Mỹ” cho mọi người noi theo. Trong số 4 người con của cụ Ngô Thọ Lạn tham gia chiến đấu, Ngô Thọ Sáu đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Đến gia đình liệt sĩ Ngô Thọ Sáu, gặp anh Ngô Thọ Hiệp, chúng tôi thật xúc động vì dù sau 60 năm nhưng tấm Bằng khen do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày nào, nay vẫn còn được giữ gìn trang trọng. Anh Ngô Thọ Hiệp nói: Thời gian quá lâu, mất mát quá nhiều nhưng gia đình tôi luôn tự hào vì những gì cha ông để lại, vì vinh dự được Bác Hồ trao Bằng khen. Niềm tự hào ấy theo chúng tôi mãi, để một cuộc đời tử tế, lương thiện.

Và những lời căn dặn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có 4 lần về thăm làm việc với Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa. Trong mỗi lần về thăm, Bác đều có những lời căn dặn ân cần chứa chan sự quan tâm.

Hai tháng sau khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 20/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa. Người đã làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh; gặp gỡ các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào. Tại buổi nói chuyện này, Người căn dặn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu: “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”; “Tôi kêu gọi đồng bào trong tỉnh xắn tay áo làm đi, lần sau về đây, tôi sẽ thấy mỗi người là một người kiểu mẫu”.

Lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng Bác Hồ về thăm Thanh Hóa năm 1961 trong 2 ngày 11 và 12/12. Bác đã đến thăm Nhà máy Cơ khí Thanh Hóa, HTX Thành Công, HTX nông nghiệp Yên Trường (Yên Định)...

Khen ngợi những thành tích mà Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã đạt được khi nói chuyện với đồng bào, cán bộ, Bác khẳng định: “... Tỉnh ta có ngót 12 vạn đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động, đó là một lực lượng rất lớn. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên cần phải thực sự xung phong gương mẫu tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu mệnh lệnh, chống lãng phí, tham ô... Ra sức phát triển và củng cố tốt Đảng và Đoàn; đoàn kết toàn dân cùng nhau thi đua tiến bộ. Làm được như thế thì Thanh Hóa chắc sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Thanh Hóa - vùng đất “địa linh, nhân kiệt” những tình cảm nồng ấm, yêu thương. Từ năm 1947, Bác đã gửi gắm niềm tin và kỳ vọng Thanh Hóa sẽ sớm trở thành một “tỉnh kiểu mẫu”. Trân trọng tình cảm của Bác dành cho quê Thanh mà người xứ Thanh luôn ghi lòng, tạc dạ và biết ơn vị cha già của dân tộc.

Về khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Yên Trường (Yên Định), nhìn ngắm chiếc áo của Bác, những huy hiệu Bác tặng, những hình ảnh về hoạt động sản xuất của Yên Trường và nhiều hiện vật khác càng cảm nhận được tình cảm trân quý của người dân nơi đây với Bác Hồ. Tình cảm ấy vừa là sự khắc ghi, đồng thời là động lực để “người dân Yên Trường khơi dậy khát vọng quyết tâm sớm trở thành xã NTM kiểu mẫu” như lời của ông Bùi Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã.

Đồng thời, những lời căn dặn qua 4 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc là nguồn động viên, sức mạnh để Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa luôn nỗ lực, phấn đấu cùng cả nước dựng xây quê hương. Mỗi lần nghe 2 chữ “tỉnh ta” mà Bác nói, dù đã cách đây hàng chục năm nhưng ai cũng thấy thân thương, gần gũi như ruột thịt... Và bài ca “Kết đoàn” Bác bắt nhịp cho đồng bào và Nhân dân Thanh Hóa tại Sân vận động tỉnh (ngày 12/12/1961) đến nay vẫn còn chan chứa tình cảm, kết nối mọi người với một quyết tâm xây dựng Thanh Hóa đến năm 2030 trở thành một trung tâm lớn của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]