(Baothanhhoa.vn) - Trong một thời gian dài, việc quản lý khai thác tài nguyên trên địa bàn tỉnh ở nhiều nơi bị buông lỏng, dẫn đến tình trạng khai thác vô tội vạ. Việc UBND tỉnh đồng ý và hỗ trợ cho Cục Thuế tỉnh thí điểm lắp đặt camera giám sát ngay tại các mỏ đã ngăn chặn được tình trạng sản lượng khai thác 10 nhưng chủ mỏ chỉ khai báo 4 – 5 như lâu nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đặt camera giám sát khai thác mỏ: Chặn đứng khai giảm sản lượng để trốn thuế

Trong một thời gian dài, việc quản lý khai thác tài nguyên trên địa bàn tỉnh ở nhiều nơi bị buông lỏng, dẫn đến tình trạng khai thác vô tội vạ. Việc UBND tỉnh đồng ý và hỗ trợ cho Cục Thuế tỉnh thí điểm lắp đặt camera giám sát ngay tại các mỏ đã ngăn chặn được tình trạng sản lượng khai thác 10 nhưng chủ mỏ chỉ khai báo 4 – 5 như lâu nay.

Đặt camera giám sát khai thác mỏ: Chặn đứng khai giảm sản lượng để trốn thuế

Nhiều bãi tập kết cát ven sông Chu qua huyện Thọ Xuân đã được giám sát sản lượng qua camera.

Giải pháp mới

Với việc cấp phép khai thác cho khoảng 200 mỏ đá, hơn 30 mỏ cát trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, hoạt động khai thác hai loại tài nguyên này trở nên nhộn nhịp. Sau khi có “lá bùa hộ mệnh” là giấy phép khai thác, nhiều chủ mỏ tìm cách đẩy nhanh tốc độ khai thác nhằm tận thu tài nguyên, thu lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Theo đó, cung cách khai thác kiểu “ăn xổi”, mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường cũng thường được áp dụng. Hàng chục vụ tai nạn chết người tại những mỏ đá; những vụ tranh giành ẩu đả, rồi hút cát tràn lan ra khỏi khu vực được cấp phép, làm hỏng đê, mất đất sản xuất của nhân dân ven các dòng sông đã trở thành nỗi bức xúc ở nhiều nơi. Đáng lo ngại không kém là tình trạng các chủ mỏ cố tình khai giảm sản lượng để trốn nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường theo quy định. Dẫu biết đó là “vấn nạn”, nhưng trong nhiều năm qua, các cơ quan thuế cấp huyện, cấp tỉnh cũng chỉ thu thuế qua việc khai báo sản lượng khai thác của các chủ mỏ. Thực tế, không ai có thể đứng canh cả ngày lẫn đêm tại các mỏ để đếm xem chủ mỏ khai thác bao nhiêu đá, bao nhiêu cát.

Nhằm khắc phục những hạn chế nói trên, tăng cường quản lý Nhà nước với hoạt động khai thác khoáng sản, đồng thời ngăn chặn tình trạng tài nguyên bán ra nhưng không xuất hóa đơn, từ giữa năm 2017, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đề án thí điểm “Giám sát khai thuế đối với hoạt động khai thác, tiêu thụ cát và đá tự nhiên tại các huyện: Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân”. Khi triển khai, chi cục thuế 3 địa phương nói trên đã tham mưu cho UBND các huyện Yên Định, Thiệu Hóa và Thọ Xuân ban hành quyết định thành lập đoàn giám sát liên ngành, gồm: Cơ quan thuế, phòng tài nguyên và môi trường, công an huyện và UBND xã có mỏ đang khai thác. Việc lắp đặt hệ thống camera và tiến hành kiểm tra, giám sát được bắt đầu triển khai từ tháng 5-2017, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và Phòng Tổng hợp dự toán của Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa được giao trích xuất camera theo dõi hằng ngày. Việc theo dõi sản lượng khai thác khoáng sản dựa trên căn cứ số lượng xe ô tô tải vào các bãi tập kết và khai thác chở khoáng sản đi tiêu thụ. Tuy vẫn còn mang tính chất tương đối bởi xác định khối lượng khoáng sản qua kích cỡ thùng và chủng loại xe, song đã cơ bản ngăn chặn được tình trạng khai gian lận của nhiều chủ mỏ như trước kia.

Đối với khai thác đá, tập trung chủ yếu tại xã Yên Lâm (Yên Định), đoàn công tác liên ngành đã thực hiện việc giám sát linh hoạt, kết hợp giữa hình ảnh camera với kiểm đếm trực tiếp và nắm bắt, tổng hợp thông tin từ nhiều kênh khác. Với khai thác cát, chủ yếu tại 2 huyện Thiệu Hóa và Thọ Xuân, ngoài theo dõi camera để kiểm đếm số lượng xe ô tô tải vận chuyển từ bãi tập kết, đoàn liên ngành còn kết hợp giám sát trực tiếp số lượng tàu hút cát lưu thông qua cầu phao Vồm. Kết quả thống kê qua camera được chốt hằng ngày và lập biên bản với người phụ trách tại các mỏ. Tổng sản lượng qua giám sát của từng tháng được doanh nghiệp hoặc chủ mỏ ký xác nhận và được gửi đến cơ quan thuế để quản lý thu thuế.

Hiệu quả rõ rệt

Đến hết tháng 6-2018 vừa qua, đề án thí điểm này đã được tổng kết để đánh giá rút kinh nghiệm sau 8 tháng triển khai. Với khai thác đá, qua giám sát và kiểm soát, đoàn liên ngành huyện Yên Định đã cơ bản kiểm soát được lượng đá mà các doanh nghiệp/chủ mỏ xuất bán ra, đồng thời phát hiện được lượng đá tồn kho của 17 doanh nghiệp khai thác tới gần 30.000 m3. Sau khi yêu cầu giải trình, các doanh nghiệp khai thác đã phải khai thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường bổ sung gần 900 triệu đồng. Riêng trong quý IV năm 2017, khi đề án bắt đầu được triển khai, sản lượng đá khai thác tại 34 mỏ được giám sát đạt gần 150.000m3, tăng tới 87,1% so với quý III năm 2017 khi chưa được giám sát. Theo đó, số thuế nộp ngân sách Nhà nước của 34 doanh nghiệp này tăng gần 1,1 tỷ đồng so với quý III năm 2017 – khi chưa đặt camera giám sát.

Việc giám sát khai thác đá tiếp tục được triển khai chặt chẽ trong 5 tháng tiếp theo của năm 2018 và đã thu được nhiều kết quả khả quan. Chỉ chưa đầy nửa năm, sản lượng đá khai thác được kiểm soát đạt gần 181.900 m3, bằng 110% so với 5 tháng cùng kỳ năm 2017. Theo đó, số tiền thuế thu về cho ngân sách Nhà nước cũng tăng thêm 823 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Qua toàn bộ giai đoạn triển khai đề án thí điểm cho thấy, một số doanh nghiệp khai rất thấp so với công suất khai thác. Mặt khác, đoàn giám sát đã phát hiện và lập biên bản ghi nhận đối với 13 cá nhân núp bóng doanh nghiệp để khai thác và tiêu thụ đá tự nhiên, qua đó đã lập bộ quản lý thu thuế khoán với tổng số thuế 75 triệu đồng/quý (trong 3 quý).

Với giám sát khai thác cát, đề án được triển khai với 11 doanh nghiệp trong đó, tại huyện Yên Định có 2 doanh nghiệp, tại huyện Thiệu Hóa 3 doanh nghiệp và huyện Thọ Xuân có 6 doanh nghiệp. Chỉ trong 8 tháng triển khai đề án, sản lượng khai báo của các chủ mỏ đạt gần 329.300 m3, cao hơn cả tổng sản lượng khai thác của cả năm 2017. Từ đó, cơ quan thuế đã thu thuế ngân sách 4,838 tỷ đồng, bằng 99% tổng số thuế thu được của cả năm 2017. Riêng trong quý IV năm 2017 khi đề án bắt đầu triển khai, việc giám sát camera mới được triển khai ở 4/11 doanh nghiệp khai thác cát, nhưng sản lượng khai thác qua giám sát đã đạt hơn 148.300 m3, gần bằng 1/2 sản lượng khai thác của cả năm 2017 của các doanh nghiệp này tự khai. Từ đó, số tiền thuế thu được đạt 2,106 tỷ đồng, tăng so với quý III năm 2017 (khi chưa được giám sát) tới 1,1 tỷ đồng. Riêng Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Minh Thịnh đã tự giác kê khai bổ sung sản lượng còn thiếu khi bắt đầu triển khai giám sát là 34.000 m3, tương đương số tiền thuế phải nộp bổ sung là 400 triệu đồng.

Trong 5 tháng đầu năm của năm 2018, việc giám sát tiếp tục được triển khai ở 8 mỏ và bãi tập kết cát tại 3 địa phương nói trên, tiền thuế thu về tăng thêm 1,689 tỷ đồng so với 5 tháng đầu năm năm 2017. Trong suốt thời gian giám sát trực tiếp, sản lượng khai báo hằng tháng với cơ quan thuế của các doanh nghiệp đều đạt cao so với sản lượng khai thác bình quân hằng tháng trước đó. Đáng chú ý nhất là Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Cường Mạnh (mỏ tại xã Thọ Trường, Thọ Xuân) có sản lượng khai thác trung bình tăng hơn 1.300%; Công ty TNHH Xây dựng Sơn Đào tăng 195%...

Ông Bùi Quang Anh, phó Phòng Tổng hợp Dự toán của Cục Thuế Thanh Hóa, cho biết: Công tác giám sát cũng gặp nhiều khó khăn nhưng cán bộ, nhân viên trong phòng đã rất nỗ lực. Thậm chí, buổi tối, nhiều anh em phải sử dụng điện thoại để theo dõi, giám sát. Nhiều hôm, tuy rất nhiều việc chuyên môn nhưng có cán bộ phải ngồi cả nửa buổi để tua và xem lại hoạt động của các mỏ trong nhiều giờ trước đó. Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi bộ camera cộng với cột và thuê bao Internet trực tuyến có chi phí khoảng 30 triệu đồng, nhưng hiệu quả mang lại cho nguồn thuế ngân sách thì rất lớn. Mong rằng việc triển khai thí điểm này tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài và ảnh: L.T



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]