(Baothanhhoa.vn) - “Thanh Hóa là một trong những địa phương vinh dự được Tổng Bí thư dành những tình cảm, sự quan tâm sâu sắc và kỳ vọng lớn lao. Qua những lần về thăm và làm việc tại Thanh Hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã định hướng, gợi mở những đường hướng, giải pháp lớn để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thanh Hóa tháo gỡ khó khăn, vươn lên phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước”. Đó là chia sẻ của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khi nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

“Thanh Hóa là một trong những địa phương vinh dự được Tổng Bí thư dành những tình cảm, sự quan tâm sâu sắc và kỳ vọng lớn lao. Qua những lần về thăm và làm việc tại Thanh Hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã định hướng, gợi mở những đường hướng, giải pháp lớn để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thanh Hóa tháo gỡ khó khăn, vươn lên phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước”. Đó là chia sẻ của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khi nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Khu Kinh tế Nghi Sơn. Ảnh tư liệu của Minh Hiếu

Đồng chí Hoàng Văn Hoằng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàm Rồng rất vinh dự khi được gặp gỡ và làm việc với đồng chí Nguyễn Phú Trọng tới 4 lần. Đồng chí Hoàng Văn Hoằng chia sẻ: “Lần thứ nhất vào năm 1997, khi tôi đang làm Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa và được tháp tùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản vào thăm đình Phú Khê ở xã Hoằng Phú - một công trình kiến trúc nghệ thuật rất độc đáo và tiêu biểu của huyện Hoằng Hóa. Hôm ấy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nghiên cứu rất kỹ về lịch sử, về nét đẹp văn hóa truyền thống của ngôi đình và tín ngưỡng thờ cúng của người dân làng Phú Khê. Ngay từ buổi đầu tiếp xúc, cảm nhận trong tôi về đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người rất nghiêm túc trong công việc nhưng cũng rất thân thiện, gần gũi và hết sức tình cảm”.

Trong bộn bề công việc chung của đất nước nhưng Tổng Bí thư vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với xứ Thanh. Từ khi giữ chức Chủ tịch Quốc hội và sau là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã 3 lần về thăm Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thanh Hóa. Cả 3 lần ấy, đồng chí Hoàng Văn Hoằng đều được làm việc với đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

Xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đồng chí Hoàng Văn Hoằng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàm Rồng rất vinh dự khi 4 lần được gặp gỡ và làm việc với đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

Trong mạch nguồn câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Hoàng Văn Hoằng, cho biết: “Những lần về thăm và làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh nhà, Tổng Bí thư đều gợi mở nhiều vấn đề để Thanh Hóa phát triển ở cả 3 vùng miền. Đối với khu vực miền núi, trong chuyến thăm và làm việc tại huyện Mường Lát năm 2011, Tổng Bí thư đã lý giải nguyên nhân của đói nghèo, lạc hậu, từ đó định hướng những giải pháp phù hợp để đưa Mường Lát thoát nghèo nhanh, bền vững. Riêng đối với Mường Chanh, Tổng Bí thư lưu ý lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần tập trung nguồn lực xây dựng Mường Chanh thành xã điểm thoát nghèo của huyện Mường Lát”. Với sự chỉ đạo và định hướng rất rõ ràng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thanh Hóa đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Nhân dân Mường Lát trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc; Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Quân khu 4) được giao nhiệm vụ hỗ trợ đồng bào Mường Lát chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lấy nông nghiệp, lâm nghiệp làm nền tảng và tăng cường bảo vệ an ninh - quốc phòng vùng biên.

Xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Song song với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã điều động, luân chuyển những cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm giữ các chức vụ chủ chốt của huyện để tìm ra những đường hướng mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội với nhiều công trình, dự án quy mô lớn được triển khai. Đặc biệt, để tạo “cú hích” mạnh mẽ, ngày 29/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết riêng cho “vùng đất khó” - Nghị quyết 11-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”... 13 năm thực hiện nhiệm vụ được Tổng Bí thư giao, các cấp, ngành tỉnh Thanh Hóa luôn dành mọi nguồn lực để hỗ trợ huyện Mường Lát và xã Mường Chanh phát triển đi lên. Nhờ đó, Mường Lát hôm nay đã có bước phát triển vượt bậc, diện mạo vùng biên ngày càng khởi sắc. Nhiều thôn, bản khó khăn trước đây không có đường ô tô, giờ đây đường bê tông kiên cố đã về tận nơi. Điện lưới phủ khắp nhiều bản làng, đưa ánh sáng và sóng điện thoại phủ khắp các nếp nhà. Hệ thống trường lớp học, trạm y tế được đầu tư kiên cố. Đặc biệt, trên địa bàn huyện không còn cảnh đói nghèo, thiếu ăn như trước. Tỷ lệ hộ nghèo của Mường Lát năm 2023 giảm còn 36,96% (thấp hơn 19,33% so với năm 2011). Nhiệm vụ xây dựng xã Mường Chanh thành xã điểm thoát nghèo được quan tâm, toàn xã đã hoàn thành 17/19 tiêu chí NTM, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,82% (giảm 49,4% so với năm 2011).

Đối với vùng biển, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều sự quan tâm cho Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS). Đồng chí Hoàng Văn Hoằng nhớ lại: “Trong chuyến thăm và làm việc tại KKTNS năm 2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh vai trò hạt nhân và động lực của KKTNS đối với tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung và đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện để phát triển KKTNS cũng như các khu công nghiệp lớn của tỉnh, coi đây là khâu đột phá, là hướng đi đúng, đưa Thanh Hóa không ngừng bứt phá đi lên”. Bằng nhiều chính sách “trải thảm đỏ” thu hút, kêu gọi đầu tư của tỉnh Thanh Hóa và cả Chính phủ, Nghi Sơn đã, đang đón những thời cơ mới, những vận hội chưa từng có để vươn mình lớn mạnh, xứng đáng với sự quan tâm và kỳ vọng của Tổng Bí thư.

Từ Nghi Sơn - nơi những nhà máy đang ngày đêm vận hành hết công suất, các sản phẩm xăng dầu, điện, thép, xi măng... đang vượt biển đi khắp trong Nam ngoài Bắc và vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ quốc gia, tạo sức bật và đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế của tỉnh.

“Nhìn lại chục năm về trước, khi Tổng Bí thư về thăm và làm việc tại tỉnh ta, Thanh Hóa vẫn chỉ là vùng đất nghèo, thu chưa đủ chi, thu nhập bình quân đầu người dưới mức bình quân chung của cả nước như Tổng Bí thư từng trăn trở. Thế nhưng 10 năm sau, với quyết tâm chính trị ở mức cao nhất, KKTNS đã khẳng định vị thế vững chãi trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa, giúp Thanh Hóa ghi nhiều dấu ấn đậm nét trên thang bậc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, đồng chí Hoàng Văn Hoằng phấn khởi chia sẻ.

Xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tuy giá trị sản xuất không cao như ngành công nghiệp, vai trò tạo đột phá chưa được khẳng định như thương mại - dịch vụ, song việc lấy nông nghiệp làm gốc rễ cho sự phát triển cũng đã được Tổng Bí thư nhấn mạnh trong chuyến thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2014. Được gặp gỡ, làm việc với Tổng Bí thư nhiều lần khi còn đang đương chức, đồng chí Đinh Tiên Phong, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thanh Hóa, cho biết: “Nếu ngành công nghiệp là “chìa khóa” để mở ra cánh cửa của sự thịnh vượng thì nông nghiệp được xem là nền tảng cho sự phát triển. Vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Thanh Hóa phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp; gắn chặt sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chế biến và xuất khẩu để nâng cao đời sống cho người nông dân”. Bám sát sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thanh Hóa đã nghiêm túc thực hiện với nhiều chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách được ban hành và đi vào cuộc sống. Trong đó, Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 11/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã tạo bước chuyển biến lớn cho toàn ngành nông nghiệp. Từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, các địa phương đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đem lại hiệu quả và sức cạnh tranh cho các sản phẩm. Công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp, liên kết để tổ chức sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao, chuỗi giá trị được đẩy mạnh; diện tích đất được tích tụ đạt tiêu chuẩn công nghệ cao tăng nhanh. Với 508 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm vươn tầm quốc tế đã khẳng định tên tuổi, vị thế của Thanh Hóa khi nằm trong tốp đầu của cả nước. Con số tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2023 đạt 4,16%, cao nhất từ trước đến nay; quy mô tổng giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá thực tế đạt 66.280 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước là minh chứng sống động cho sự thành công của nông nghiệp Thanh Hóa, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội ở hầu khắp các vùng, miền trong tỉnh.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều này cũng được Tổng Bí thư nhắn nhủ, căn dặn trong các chuyến thăm, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. “Quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trọng tâm là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở. Tiếp tục khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém đã chỉ ra sau kiểm điểm theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng” là chỉ đạo cụ thể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm và làm việc năm 2014, đồng chí Đinh Tiên Phong cho biết.

Xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đồng chí Đinh Tiên Phong, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thanh Hóa từng được gặp gỡ và làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần.

Điều đọng lại sâu sắc nhất trong tâm trí đồng chí Đinh Tiên Phong là mỗi lần làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tổng Bí thư đều căn dặn “Cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thanh Hóa phải đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong dân, bởi đoàn kết là sức mạnh để giúp nhau cùng phát triển”. Đáp lại sự quan tâm chỉ đạo của Tổng Bí thư, với tinh thần đoàn kết “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận. Nền kinh tế của tỉnh những năm gần đây luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá và toàn diện, năng lực cạnh tranh được nâng cao và luôn đứng trong tốp đầu cả nước. Thanh Hóa đang tiến những bước dài trong sự phát triển khi hàng loạt những công trình “sừng sững” mang tầm vóc thế kỷ được hình thành và hoạt động hiệu quả; những tuyến giao thông lớn, trọng điểm đã hoàn thành và đang tiếp tục được xây dựng; những khu đô thị hiện đại mọc lên khắp nơi hay những nhà máy, xí nghiệp “tầm cỡ” được lần lượt ra đời... Thanh Hóa hoàn toàn có quyền tự hào khi trở thành điểm sáng của cả nước với nhiều chỉ tiêu quan trọng đã xác lập những con số ấn tượng chưa từng có.

Tình cảm sâu nặng và niềm tin của Trung ương Đảng, của cá nhân đồng chí Tổng Bí thư dành cho Thanh Hóa đã đúc kết trong Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Tổng Bí thư ký ban hành ngày 5/8/2020. Nghị quyết ra đời đã tạo khí thế mới, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nỗ lực cố gắng, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững, tỉnh thịnh vượng, “kiểu mẫu”, xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho mảnh đất xứ Thanh anh hùng.

Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]