Xã vùng sâu Xuân Thái tăng tốc cán đích nông thôn mới
Được xem là khó khăn bậc nhất ở huyện Như Thanh, nhưng chính quyền và Nhân dân xã Xuân Thái đã khơi dậy được tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Đến đầu tháng 10 này, Xuân Thái là xã “vùng 3” thuộc diện đặc biệt khó khăn đầu tiên trong số 21 xã của Thanh Hóa cán đích NTM.
Tuy chiều dài từ đầu đến cuối xã tới 20km, nhưng các tuyến đường giao thông liên thôn ở Xuân Thái được đầu tư kiên cố.
20km từ trung tâm thị trấn huyện về xã vùng sâu Xuân Thái không còn lởm chởm đá hộc với những dốc cao, đường trơn trượt như trước. Nay, ô tô đã băng băng trên con đường nhựa rộng mở. Thuận lợi giao thông chính là điều kiện để Xuân Thái phát triển kinh tế - xã hội, tăng tốc XDNTM thành công. Trong thực hiện tiêu chí giao thông, xã gặp nhiều khó khăn bởi đây là vùng miền núi, diện tích rộng, địa hình đi lại khó khăn, dân số sinh sống thưa thớt không được tập trung. Hiếm có địa phương nào ở các huyện miền núi thấp của tỉnh có chiều dài từ đầu đến cuối xã tận 20km như Xuân Thái. Những thách thức ấy dần được tháo gỡ nhờ sự hỗ trợ từ các cấp và đồng lòng góp sức của Nhân dân địa phương. Đến nay, trong tổng số 60 tuyến đường lớn nhỏ của địa phương, 100% đường trục xã, gần 93% đường trục thôn đã được bê tông và nhựa hóa khang trang. 30 tuyến ngõ xóm và các tuyến giao thông nội đồng của địa phương cũng được người dân hiến đất mở rộng, đa phần được cứng hóa, bảo đảm cho các phương tiện lưu thông, bảo đảm nhu cầu phát triển sản xuất và dân sinh.
Thực hiện tiêu chí số 4 về hạ tầng điện, Xuân Thái cũng có bước tiến nhanh và hiệu quả. Tuy dân cư phân bố thưa thớt, nhiều đồi núi phức tạp, xong ngành điện và địa phương đã thay toàn bộ cột bê tông đạt tiêu chuẩn, an toàn. Đến nay, 1.016 hộ dân trên địa bàn xã đã được cung cấp nguồn điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt, đạt 100%. Hệ thống hạ tầng thông tin truyền thông ở xã vùng cao này cũng đáp ứng được các yêu cầu phát triển với bưu điện, đường truyền Internet, dịch vụ viễn thông đến tất cả 10 thôn của xã. Đài truyền thanh và hệ thống loa truyền thanh tỏa về các thôn, hoạt động hiệu quả, trở thành kênh tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn phát triển sản xuất và mọi hoạt động của chính quyền. Trong lĩnh vực giáo dục, cả 3 trường học trên địa bàn xã vùng sâu này đều đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2.
Xuyên suốt hành trình XDNTM, Xuân Thái xác định phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nội dung quan trọng, mang tính ổn định bền vững, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của chương trình. Ngoài việc xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích xây dựng hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội, xã còn khuyến khích người dân ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong những năm qua, xã Xuân Thái đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp, tích tụ, tập trung đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 11/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Là địa phương có tiềm năng đất đồi rừng lớn, người dân trong xã đẩy mạnh hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình. Tổng sản lượng lương thực có hạt hàng năm của xã đạt hơn 1.850 tấn; chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng thịt hơi xuất chuồng hằng năm đạt trên 200 tấn.
Trên địa bàn xã có HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Xuân Thái hoạt động hiệu quả và theo Luật HTX năm 2012, phát triển các dịch vụ thủy lợi, cung ứng vật tư nông nghiệp, liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi. Hàng năm, UBND xã xây dựng kế hoạch trồng và phát triển lúa nếp hạt cau và Thiên Ưu 8 trên các diện tích đất nông nghiệp của các thôn Cây Nghia, Đồng Cốc, Thanh Xuân, cho thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng/ha và có thị trường tiêu thụ ổn định. HTX bao tiêu sản phẩm cho nông dân trên địa bàn, đến nay, sản phẩm lúa đã được công nhận tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm lúa nếp hạt cau Đồng Cốc cũng được ký hợp đồng bao tiêu lâu dài. Tổng hợp từ UBND xã Xuân Thái, giá trị sản xuất các ngành chủ yếu trong 6 tháng đầu năm 2024 của xã đạt hơn 136 tỷ đồng, dự kiến cả năm đạt hơn 232 tỷ đồng.
Các hoạt động sản xuất phát triển, đưa thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã liên tục tăng. Nếu năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 18,3 triệu đồng, đến đầu năm 2024 đã đạt 45,21 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm nhanh, hiện còn 6%. Kinh tế phát triển chính là điều kiện để xã huy động nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng và các tiêu chí XDNTM. Thống kê từ UBND xã Xuân Thái, từ năm 2013 đến nay, tổng kinh phí thực hiện XDNTM của địa phương đã đạt 348,3 tỷ đồng. Ngoài các nguồn vốn được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh và huyện, xã Xuân Thái cũng lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực tại chỗ gần 248 tỷ đồng để từng bước hoàn thiện các tiêu chí.
Đạt chuẩn NTM chính là bước ngoặt mới để đồng bào Thái, Kinh và Mường ở xã Xuân Thái tiếp tục chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp. Những dự án du lịch liên quan đến Vườn quốc gia Bến En, hồ Sông Mực và các hoạt động liên quan cũng đang manh nha, sẽ là điều kiện tốt để xã cất cánh, phát triển giàu mạnh trong tương lai.
Bài và ảnh: Linh Trường
{name} - {time}
-
2024-12-15 13:09:00
Xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Thiệu Quang
-
2024-12-13 15:53:00
Thiệu Toán tăng tốc về đích nông thôn mới nâng cao
-
2024-10-09 10:12:00
Lấy sự hài lòng của người dân làm “thước đo” trong xây dựng nông thôn mới
Như Thanh và chặng “nước rút” về đích NTM
Dấu ấn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở Hoằng Hóa
Công nhận 11 xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao năm 2024
Xã miền núi Minh Tiến tăng tốc để về đích NTM
Góp phần xây dựng các vùng quê nông thôn mới
Thị trấn Thiệu Hóa hoàn thành các tiêu chí xây dựng đô thị văn minh
Người cao tuổi xã Thọ Phú chung sức xây dựng nông thôn mới
Yên Thái khởi sắc từ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao
Yến Sơn quyết tâm bứt phá xây dựng xã nông thôn mới nâng cao