Vẹn nguyên ký ức ngày gặp Bác
Gần 60 năm trôi qua, giờ tóc đã bạc, lưng đã còng, nhưng ông Nguyễn Viết Dua vẫn nhớ như in hình ảnh giản dị, đôn hậu rất đỗi đời thường của Bác trong lễ mừng công quyết thắng năm ấy. Với ông đó là ngày tươi đẹp, vinh dự lớn lao nhất của cuộc đời, là tài sản quý báu dành lại cho con cháu đời sau.
Ông Nguyễn Viết Dua nâng niu tấm Huân chương Chiến công hạng Nhì do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng.
Trong ký ức của những cựu dân quân ở xã Hoằng Anh (Hoằng Hóa) tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng năm ấy mà chúng tôi may mắn được gặp, hình ảnh về Nguyễn Viết Dua vẫn hiện hữu. Ông chẳng những là người xã đội trưởng chân chất, mẫu mực, mà còn là người anh quả cảm, gan dạ, tài ba trong chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, truyền cảm hứng trực tiếp để họ xung phong, quên thân vì nước. Kể cả những chiến sĩ đơn vị pháo cao xạ chiến đấu ở bờ Bắc cầu Hàm Rồng năm ấy cũng vẫn nhắc đến ông với sự trân trọng, tự hào.
Ông Nguyễn Viết Dua, sinh năm 1937 ở làng Phượng Đình, xã Hoằng Anh (Hoằng Hóa), nay là phố Phượng Đình 1, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa). Năm 1960, ông nhập ngũ, biên chế tại Đại đội 5, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 57, Sư đoàn 304 (đóng quân tại Sầm Sơn), rồi được kết nạp Đảng năm 1962 tại đơn vị. Sau hơn 4 năm quân ngũ, ông trở về địa phương và được đại hội đảng bộ xã bầu tham gia ban chấp hành, làm xã đội trưởng từ tháng 5/1964. Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ do Mỹ dựng lên, nhận được mật lệnh của cấp trên, từ cuối năm 1964 ông đã ra sức tập hợp và huấn luyện dân quân trong xã sẵn sàng chiến đấu chống mọi tình huống leo thang của kẻ thù.
Ông kể: “Trước cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng từ ngày 3/4/1965, xã Hoằng Anh đã tổ chức được 2 trung đội dân quân, thành thục cách thức sử dụng súng trường cùng phương án tiếp tế lương thực, đạn dược, đưa chiến sĩ bị thương ra ngoài trận địa... Vậy nên, khi chiến sự xảy ra, dù rất ác liệt, nhưng tất cả mọi người không bị lúng túng, bất ngờ, ai nấy đều hừng hực khí thế chiến đấu”.
Ngày 3/4/1965 Mỹ chính thức leo thang đánh phá cầu Hàm Rồng thì những trận địa pháo cao xạ, súng trường của quân và dân ta đã ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ông Dua với vai trò là xã đội trưởng đã phải chạy đi chạy lại giữa bom đạn để chỉ huy cả hai trung đội dân quân chiến đấu, rồi huy động bà con tham gia tiếp lương, tải đạn, phục vụ các đơn vị bộ đội chủ lực ở bờ Bắc cầu Hàm Rồng.
Ông bảo: “Bình thường, súng trường rất khó bắn máy bay, vì tầm bắn thấp. Nhưng trận địa của chúng tôi được bố trí ở vị trí có thể bắn được máy bay khi chúng lao xuống bắn phá cây cầu. Nhờ cách bố trí hiệu quả, súng trường đã góp phần tạo nên lưới lửa phòng không bảo vệ vững chắc cây cầu”.
Hàm Rồng chiến thắng là một bản anh hùng ca chói ngời trong lịch sử đấu tranh vệ quốc trên vùng đất Thanh Hóa anh hùng. Dù tuổi đã cao, nhưng ông Dua vẫn kể tường tận, hào sảng về từng trận chiến. Bởi lẽ, chẳng lần đụng độ nào với giặc mà ông không tham gia ở bờ Bắc.
Ông cho biết, từ ngày 21 - 23/6/1966 là những ngày khốc liệt nhất. Mỗi ngày Mỹ huy động gần 100 máy bay hiện đại, lao vào hàng chục lượt đánh phá cây cầu. Trong 3 ngày ấy, các trung đội do ông chỉ huy chẳng những tham gia chiến đấu bằng súng trường, rồi tiếp tế cho các đơn vị chủ lực, mà còn xung phong lên ụ pháo thay thế chiến sĩ bị thương.
“Gần trưa 21/6/1966, giữa âm thanh gầm rú của máy bay giặc, tôi cùng các đồng chí dân quân đến tiếp lương thực, đạn dược cho các trận địa pháo thì phát hiện nhiều chiến sĩ bộ đội ta đã hy sinh hoặc bị thương. Tôi hô hào anh em trong trung đội nhanh chóng vận chuyển bộ đội ra vòng ngoài, và phân công 18 anh em khác lên điều khiển 6 khẩu pháo cao xạ của Trung đoàn 288 chiến đấu. Chúng tôi quên ăn uống, quên cả nỗi sợ, nên dù giặc Mỹ có huy động hàng trăm lượt máy bay lao vào bắn phá, nhưng cây cầu vẫn trụ vững”, ông Dua nhớ lại.
Trong khốc liệt ấy, ông Dua bị bom Mỹ vùi xuống hố sâu. Cả trung đội đào bới, tìm kiếm mới cứu được ông khi máu mũi, máu tai liên tục túa ra... Nhưng khi tỉnh lại, ông lại đòi lên ụ pháo tiếp tục chiến đấu.
Sau những năm tháng chiến đấu gan dạ, quả cảm, xã đội trưởng Nguyễn Viết Dua vinh dự được bầu đi tham gia lễ mừng công quyết thắng năm 1967 và được gặp Bác Hồ cùng với các anh hùng: Ngô Thị Tuyển, Nguyễn Thị Hằng ở bờ Nam cầu Hàm Rồng.
“Hôm đó, Bác đến trước rất nhiều so với thời gian buổi lễ được thông báo. Người đi khắp hội trường, gặp mặt, trò chuyện, thăm hỏi ân cần từng cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân. Tôi đã rất cảm động vì sự gần gũi, chan hòa của Bác. Tôi nhớ như in lời Người dặn dò hôm ấy: Các cháu phải phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, quả cảm, anh dũng trong chiến đấu để chúng ta giành nhiều thắng lợi hơn nữa. Khi Bác phát biểu xong, cả hội trường đang im phăng phắc đã vang lên những tràng pháo tay vang dội. Ai nấy đều phấn khởi vui mừng và trào dâng nguồn cảm hứng bất tận”, người cựu xã đội trưởng kể lại.
Trong buổi lễ hôm ấy, ông Dua được Bác trao Huân chương Chiến công hạng Nhì do Người ký tặng, một cái túi đựng tài liệu và đôi dép cao su. Những kỷ vật mà ông luôn gìn giữ, nâng niu, nhắc nhở bản thân luôn sống và cống hiến cho Tổ quốc, quê hương. Năm 2020 ông đã mang những kỷ vật ấy trao tặng lại Bảo tàng tỉnh với mong muốn đóng góp hiện vật phong phú về Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tiếp tục giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào trong các thế hệ tiếp nối.
“Lần được gặp Bác tuy ngắn ngủi, nhưng với tôi đó là một kỷ niệm vô cùng quý báu, rất đỗi thiêng liêng và tự hào. Tôi đã luôn tự sửa mình, sống chuẩn mực, gương mẫu cả trong công tác và lối sống theo lời dạy của Người”, ông Dua bộc bạch.
Giờ thì con cháu đủ đầy, khỏe mạnh, được hưởng hòa bình, độc lập, tự do, ông vui mừng vì quê hương ngày một đổi mới. Trong căn nhà nhỏ ở phố Phượng Đình 1, nơi đặt bài vị gia tiên, bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông treo cao nhất, bằng tất cả sự kính yêu và lòng biết ơn.
Bài và ảnh: Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2025-05-19 07:36:00
Khắc ghi lời Bác, Yên Định xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao
-
2025-05-18 14:20:00
Những tấm gương bình dị mà cao quý
-
2025-05-13 10:58:00
Thấm sâu và lan tỏa những việc làm theo gương Bác
Học và làm theo Bác ở Trường THPT Lê Lợi
Phụ nữ Thanh Hóa học và làm theo Bác
Những việc làm dung dị đem lại lợi ích lớn
Xác định nhiệm vụ trọng tâm để học và làm theo Bác
Như Xuân đề cao trách nhiệm nêu gương
Gương sáng giáo viên học tập và làm theo Bác
Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa học và làm theo Bác
Đảng bộ thị xã Nghi Sơn tạo sức lan tỏa trong học và làm theo Bác
Lực lượng vũ trang tỉnh học tập và làm theo Bác