(Baothanhhoa.vn) - Dù khói lò nung đã không còn, song dấu tích của nghề gốm “Vồm”, xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) hàng trăm năm tuổi vẫn hằn sâu trên các bức tường, con đường làng... và cả trong ký ức của những người dân trên vùng đất này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ký ức nghề gốm làng Vồm

Ký ức nghề gốm làng Vồm

Cụ Lê Thị Chơn (78 tuổi) bên bức tường được xây dựng bằng những chiếc vại sành bị lỗi, là một trong những dấu tích của một làng nghề phát triển hưng thịnh trong lịch sử.

Dù khói lò nung đã không còn, song dấu tích của nghề gốm “Vồm”, xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) hàng trăm năm tuổi vẫn hằn sâu trên các bức tường, con đường làng... và cả trong ký ức của những người dân trên vùng đất này.

Xã Thiệu Khánh vốn được chia làm 4 làng: Làng Đọ, làng Vồm, làng Chành và làng Hến. Gọi là gốm “Vồm” nhưng làng Vồm thực ra không phải là quê hương của nghề làm gốm mà chỉ là nơi tiêu thụ các sản phẩm, bởi đây là một sản phẩm lâu đời của làng Chành kế bên. Có lẽ, đó cũng là cách gọi khiến người ta nhớ lâu hơn về một làng nghề truyền thống chế tác gốm trên đất xứ Thanh.

Là một gia đình có 4 đời làm nghề gốm, trong ký ức của cụ Lê Thị Chơn (78 tuổi, làng Chành hay còn gọi là làng Dinh Xá), ngay từ thuở lên chín, lên mười cụ đã theo cha vào lò gốm. Cả tuổi thơ của cụ gắn liền với các trò chơi được nặn từ đất sét. 15 tuổi cụ đã biết làm ra những chiếc vung niêu, những cái ấm tích... Và bài học đầu đời về cách thức làm gốm của những người cùng thế hệ cụ Chơn đều được đúc kết như thế!

Bên ngôi nhà cấp 4 còn in dấu tích xưa, cụ Lê Thị Chơn đưa chúng tôi về miền ký ức thời kỳ huy hoàng, rực rỡ của nghề gốm. Ánh mắt ánh lên niềm tự hào, kiêu hãnh, cụ bảo: “Làng Chành xưa kia gồm 3 xóm: Xóm Đồng, xóm Nghè và xóm Lò. Nghề nghiệp chính của làng là sản xuất nông nghiệp, kết hợp với việc chăn nuôi gia súc. Làng còn có nghề thủ công làm đồ gốm, nhưng nghề này chỉ có duy nhất ở xóm Lò, cả xóm làm nghề gốm nên không có gia đình nào làm ruộng”.

Theo cụ Chơn, nghề gốm của xóm Lò được du nhập từ một bộ phận người di cư đến từ Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) vào khoảng 200 năm trước. Ban đầu, họ sinh sống và làm nghề ở khu vực chợ Vồm, qua thời gian nghề dần dần được đưa vào làng Chành.

Đất Dinh Xá có kẻ Vồm, kẻ Chành nằm bên bờ hữu ngạn sông Chu, nơi hợp lưu của hai dòng sông lớn nhất xứ Thanh là sông Mã và sông Chu. Chợ Vồm nằm tại vùng ngã Ba Đầu, các sản phẩm gốm khi ra lò về tới chợ rồi ngược xuôi theo hai dòng sông lớn tỏa đi khắp các vùng trong và ngoài tỉnh. Quả là “nhất cận thị, nhị cận giang”, hơn nữa thổ nhưỡng ở đây tạo nên các “mỏ” đất sét trắng, đó là các yếu tố thuận lợi nhất để nghề gốm ra đời và phát triển.

Không trực tiếp tạo ra các sản phẩm như cụ Chơn, nhưng lại là người tận tay đưa các sản phẩm gốm của quê nhà ra ngoài thị trường tiêu thụ. Nhắc đến thời kỳ vàng son của nghề gốm làng mình, cụ Lê Ngọc Huỳnh (79 tuổi, làng Chành), nhớ lại: Gốm Vồm nổi tiếng là sản phẩm gốm nhẹ lửa, bằng chất liệu đất sét trắng mềm, dẻo, ít pha tạp. Chủng loại gồm nồi, ấm, siêu, chõ... có chất lượng tốt, hình thức đẹp, giá trị sử dụng cao, từng chiều lòng được nhiều khách hàng khó tính ở trong và ngoài tỉnh. Năm 1958, nghề gốm được xây dựng thành HTX thủ công nghiệp Dinh Thắng, sản xuất hàng gốm cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh bạn như: Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội...

Để có những sản phẩm bền đẹp, ngoài ưu thế về chất đất, nghệ nhân và những người thợ giỏi nơi đây còn phải công phu từ khâu khai thác nguyên liệu, chuẩn bị dụng cụ đến kỹ thuật trong các cung đoạn luyện đất, chuốt trên bàn xoay và nung gốm... Nứa được khai thác từ các huyện miền núi xứ Thanh là chất liệu đốt duy nhất được các nghệ nhân nơi đây lựa chọn. Dày dặn trong kinh nghiệm, tinh xảo trong kỹ thuật, vốn sống trải nghiệm và đặc biệt là bí quyết “cha truyền con nối” đã tạo thương hiệu cho sản phẩm gốm “Vồm”.

Cụ Lê Ngọc Huỳnh cho biết, người dân nơi đây vốn cần cù, khéo léo và giàu tính sáng tạo. Vì vậy, những sản phẩm làm ra nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường. Những chiếc nồi đất, niêu đất, ấm đất, chõ đất đã từng làm dậy lên những hương vị dẻo thơm của nếp cái hoa vàng của vùng đất Hà Trung; bùi nhừ của cá rô Đầm Sét hay sóng sánh thơm mát như ly chè xanh Sánh Lược (Thọ Xuân)... Những hương vị độc đáo được tạo bởi tinh hoa của đất trời và con người nơi đây đã tạo nên cho xứ Thanh những sản phẩm độc đáo ít nơi nào có được. “Thế nhưng, từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi những chiếc nồi nhôm xuất hiện và được nhiều người ưa chuộng, cũng là lúc thị trường đồ gốm dần mai một. Cũng từ đây, người thợ gốm bắt đầu ái ngại, khói những chiếc lò nung cũng tắt dần. Những người như tôi, cụ Chơn là thế hệ cuối cùng của những người làm nghề gốm. Nhiều lúc thấy nuối tiếc cho một làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm tuổi nhưng cũng đành bất lực”, cụ Huỳnh bộc bạch.

Từng được biết đến với làng nghề gốm nổi tiếng cả nước, nơi tấp nập “trên bến dưới thuyền” để qua những chuyến lướt sông, vượt biển đưa sản phẩm gốm Vồm đi đến muôn phương. Đến ngày hôm nay, những khói lò nung chỉ còn trong ký ức, song có vài bức tường được xây dựng bằng những sản phẩm gốm bị lỗi như: Tiểu sành vỡ, méo, mảnh chum, vại vỡ... còn sót lại, tất cả cứ ánh lên niềm tự hào của một thưở xa xưa.

Nhắc đến nghề gốm Vồm, ông Lê Văn Ước, công chức văn hóa xã Thiệu Khánh, chia sẻ: “Do xã hội ngày càng phát triển nên đồ gốm “Vồm” dường như không còn phù hợp nữa. Vì vậy, hàng chục năm nay nghề gốm của làng Chành chỉ còn lại trong ký ức. Mấy năm trước, TP Thanh Hóa có chủ trương khôi phục lại làng nghề, nhưng để làm được điều này là rất khó. Bởi ngoài kinh phí, thị trường đầu ra lại không có, vả lại, ngoài thế hệ người cao tuổi, thế hệ trẻ cũng không mấy mặn mà”.

Dù lò gốm đã tắt lửa từ lâu, nhưng với những người dân trên vùng đất Dinh Xá, ký ức về một thời hưng thịnh của nghề gốm “Vồm” sẽ trường tồn mãi với thời gian.

Hoài Thu


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]