(Baothanhhoa.vn) - Trong ngôi nhà bên chân núi Hàm Hương, thôn Đồng Lão, xã Cẩm Ngọc (huyện Cẩm Thủy), cụ Quách Văn Thư say sưa kể cho chúng tôi nghe về những giá trị truyền thống mà tiếng cồng chiêng của người Mường mang lại. Trong câu chuyện ấy, vẫn còn biết bao những băn khoăn, trăn trở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để tiếng cồng vang xa

Trong ngôi nhà bên chân núi Hàm Hương, thôn Đồng Lão, xã Cẩm Ngọc (huyện Cẩm Thủy), cụ Quách Văn Thư say sưa kể cho chúng tôi nghe về những giá trị truyền thống mà tiếng cồng chiêng của người Mường mang lại. Trong câu chuyện ấy, vẫn còn biết bao những băn khoăn, trăn trở.

Để tiếng cồng vang xa

Nuôi dưỡng đam mê

Dù đã qua 80 mùa nương rẫy, nhưng nghệ nhân ưu tú (NNƯT) bộ môn cồng chiêng Quách Văn Thư, dân tộc Mường vẫn gắn bó với từng nốt thăng trầm của tiếng chiêng Mường. Biết bao biến cố đi qua, nhưng tình yêu ấy chưa bao giờ phai mờ trong tâm hồn người nghệ nhân ấy.

Được lớn lên và nuôi dưỡng trong tiếng cồng chiêng, tiếng hát Séc-bùa của xứ Mường này, vì vậy, cụ say mê lối diễn, lối hát của các bậc thầy, thế hệ đàn anh, đàn chị. Khi chỉ khoảng 7 - 8 tuổi, cậu bé Thư ngày ấy đã có thể thuộc và chơi được cả 4 voong (tức 4 vòng) của bài cồng truyền thống.

Cụ bộc bạch: “Mỗi lần xem biểu diễn về, mỗi lúc rảnh rỗi, tôi thường tìm lấy cành cây, gõ vào những đồ vật bằng kim loại khiến cho chúng phát ra âm thanh nghe vui tai, rồi đứng lên nhảy múa như đang được đứng trong đội hình biểu diễn. Cảm được tình yêu của tôi với bộ môn cồng chiêng, cha tôi đã xin cho tập luyện trong đội cồng chiêng của làng. Vì vậy, mỗi khi làng có hội, tôi lại được tham gia biểu diễn cùng mọi người”.

Theo chia sẻ của cụ Thư, cồng chiêng là nhạc cụ truyền thống đặc sắc gắn bó với người Mường từ khi lọt lòng mẹ đến khi qua đời. Mỗi dàn cồng hoàn chỉnh gồm có 12 cái, ngoài ý nghĩa âm nhạc, 12 chiếc cồng còn biểu hiện cho 12 tháng trong năm... Trong dàn cồng 12 cái, cồng cái là chiếc cồng số 1, có kích thước nhỏ nhất nhưng lại có âm thanh cao nhất, vang xa nhất, đóng vai trò "quản ca" cho tất cả những chiếc cồng còn lại. Những chiếc cồng được đánh số từ 1 đến 12 sẽ có kích thước lớn dần. Chiếc thứ 12 có kích thước lớn nhất, tiếng trầm nhất, thường được gọi bằng một cái tên khác là "khùm". Vì đây là một chiếc cồng rất lớn, to và nặng cho nên người chơi thường phải có một sức khỏe thật tốt, một thân hình cao lớn vạm vỡ nếu không sẽ không chịu nổi sức nặng của nó. Cụ Thư cho biết thêm, “ngoài 12 chiếc cồng, người ta còn dùng thêm 2 chiếc Mèn, nhỏ, phẳng cũng bằng đồng cổ, gần giống như chiếc đĩa lớn để phụ họa thêm trong khi biểu diễn”.

Từ xa xưa cho đến tận bây giờ, tiếng cồng chiêng luôn có một ý nghĩa tâm linh và một giá trị văn hóa vô cùng to lớn trong đời sống của người Mường. Mọi thông điệp vui, buồn đều được thể hiện trong tiếng cồng chiêng theo những quy định đã được thỏa hiệp trước như một thứ mật mã âm thanh riêng đầy bí ẩn không phải ai cũng có thể hiểu được. Người Mường tin rằng, không thứ âm thanh nào có thể hay và vang xa được như tiếng cồng chiêng của họ. Mỗi tiếng có thể vang xa cả nghìn dặm, có thể khiến trẻ con ngừng khóc, gió ngừng thổi, cây ngừng lay, sông suối ngừng chảy, chim chóc ngừng hát ca… Dàn nhạc cồng chiêng có một vị trí quan trọng trong sinh hoạt văn hoá và đời sống của người Mường, gần như tất cả các nghi lễ ở đình và cầu mùa, chúc tết, mừng nhà mới, đám cưới, đám tang, lễ hội làng, xuống đồng sản xuất, bảo vệ bản Mường... đều không thể thiếu.

Bao nhiêu năm qua, cụ Quách Văn Thư đã từng tham gia tập luyện cho nhiều chương trình trình tấu cồng chiêng có tầm quy mô lớn cả ở huyện và biểu diễn tại các ngày lễ trọng đại của huyện, của tỉnh... Đặc biệt, năm 2006 cụ đã đạt giải A trong Hội diễn Văn hóa văn nghệ các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tại Sầm Sơn. “Tôi tham gia hội diễn không vì danh hiệu hay tiền bạc mà với mong muốn tiếng cồng chiêng của xứ Mường Cẩm Thủy được ngân mãi”, cụ Thư bộc bạch.

Kiến thức mà cụ Thư tích lũy được qua thời gian về chiêng Mường không hề nhỏ. Bên cạnh đó, bằng tài cảm thụ âm nhạc dân tộc vốn có, cụ đã có nhiều cách pha, cách nhấn riêng tạo bản sắc đặc trưng của vùng đất Mường Cẩm Thủy.

Mong không bị mai một

Để tiếng cồng vang xa

Bằng một giọng trầm ngâm, cụ Thư bảo: “Bản làng mình giờ đã đổi thay nhiều, nhưng tiếng cồng chiêng bao đời nay không thể mai một. Tết đến, xuân về là dịp để người Mường tổ chức các lễ hội truyền thống, cùng với người Kinh và các dân tộc khác làm cho mùa xuân thêm vui tươi, thêm no đủ. Thế hệ trẻ giờ không còn mặn mà với những giá trị truyền thống của ông cha, những hoạt động văn hóa, văn nghệ có vẻ như trầm xuống. Nay tuổi cao, sức yếu tôi vẫn canh cánh một điều phải làm gì để giữ mãi được tiếng cồng chiêng của dân tộc mình”.

Chính tâm nguyện đó, những năm gần đây mặc dù sức khỏe đã giảm sút nhiều nhưng cụ vẫn hăng say truyền dạy lại cho các thế hệ con cháu biết cách sử dụng thành thạo loại nhạc cụ này. Mỗi khi biểu diễn cùng Phường bùa hay khi dạy các bà, các anh, các chị hay các cháu học sinh, đặc biệt mỗi khi có những đoàn khách đến làng tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng dù có đang mệt hoặc bận công việc gia đình cụ cũng sẵn sàng tiếp đón và giới thiệu tỉ mỉ bằng vốn kiến thức tích lũy của mình. Tính đến nay, cụ đã tham gia truyền bá văn hóa cồng chiêng cho hàng trăm lượt người (bao gồm cả học sinh các trường học và nhân dân trong và ngoài địa bàn), trong đó có khoảng trên dưới 30 người sử dụng thành thạo nhạc cụ cồng chiêng.

Nghệ nhân Quách Văn Thư, chia sẻ: “Có những lần đoàn đi biểu diễn dài ngày ở tỉnh bạn, tuổi già, sức yếu nhiều lúc cũng chẳng muốn đi, nhưng nghĩ đến vẫn còn nhiều người muốn được thưởng thức âm sắc tiếng chiêng của dân tộc mình nên phải vượt qua tất cả. Bởi tôi chỉ mong, tiếng chiêng ấy sẽ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó sẽ là một “nốt nhạc” không thể thiếu trong dòng chảy văn hóa đất Việt”.

Điều mà cụ luôn trăn trở rằng, “Lớp trẻ ngày càng ít quan tâm đến các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Hơn nữa, thế hệ nghệ nhân am hiểu về cồng chiêng giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, tôi chỉ mong các cấp, các ngành có những chính sách khuyến khích, đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng tài năng ngay từ cấp cơ sở. Đồng thời, tăng cường các lớp tập huấn, đào tạo cho cộng đồng dân cư – nơi có di sản để người dân hiểu, yêu quý và có ý thức bảo vệ.”, ông Thư bộc bạch.

Khi vào mùa lễ hội, tiếng cồng chiêng lại thôi thúc mọi người hòa mình vào không khí sôi động, náo nức của những lễ chúc tết, lễ mừng nhà mới, đám cưới, lễ hội làng, xuống đồng sản xuất, bảo vệ bản Mường… Bên chén rượu cần, những làn điệu dân ca cất lên đưa con người vào cõi mênh mông, sâu lắng. Đâu đó, tiếng cồng chiêng vẫn trầm lắng, vang vọng…

Với những người như nghệ nhân Quách Văn Thư, dù ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng vẫn luôn canh cánh một điều rằng: Chỉ mong tiếng cồng chiêng của dân tộc mình được ngân mãi!.

Hoài Thu


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]