(Baothanhhoa.vn) - Nét mỏng mảnh, hoang dại cùng xuất thân còn lấm lem đất cát của cây rau má dễ khiến người ta liên tưởng đến cái đói cái nghèo. Tự trong ca dao, tục ngữ Việt Nam, hình ảnh cây rau má đã in đậm hình dung ấy: “Anh như con một nhà quan/ Em như con én lạc đàn ngẩn ngơ/ Anh như chỉ gấm thêu cờ/ Em như rau má lờ mờ giếng khơi/ Cho nên chẳng dám ngỏ lời/ Người chê rằng bạc, kẻ cười rằng khinh”. Một điệu hò giãi bày tình yêu, cũng thấy hình ảnh rau má hiện lên trong khốn khó: “Hò ơ... Thiếp nguyện với chàng một sàng rau má/ Chàng nguyện với thiếp một rá rau mưng/ Dù cho lên núi xuống bưng/ Chàng ăn thiếp nhịn xin đừng bơ nhau”.

Chuyện về cây rau má xứ Thanh

Nét mỏng mảnh, hoang dại cùng xuất thân còn lấm lem đất cát của cây rau má dễ khiến người ta liên tưởng đến cái đói cái nghèo. Tự trong ca dao, tục ngữ Việt Nam, hình ảnh cây rau má đã in đậm hình dung ấy: “Anh như con một nhà quan/ Em như con én lạc đàn ngẩn ngơ/ Anh như chỉ gấm thêu cờ/ Em như rau má lờ mờ giếng khơi/ Cho nên chẳng dám ngỏ lời/ Người chê rằng bạc, kẻ cười rằng khinh”. Một điệu hò giãi bày tình yêu, cũng thấy hình ảnh rau má hiện lên trong khốn khó: “Hò ơ... Thiếp nguyện với chàng một sàng rau má/ Chàng nguyện với thiếp một rá rau mưng/ Dù cho lên núi xuống bưng/ Chàng ăn thiếp nhịn xin đừng bơ nhau”.

Chuyện về cây rau má xứ ThanhAnh Trần Văn Tân dành nhiều tâm huyết, nỗ lực tìm tòi, xây dựng hướng đi, bước phát triển mới cho cây rau má xứ Thanh.

Trên mảnh đất xứ Thanh, theo một cách nào đó, cây rau má gợi lên hình dung về mảnh đất vùng Bắc Trung bộ lắm vất vả, nhiều nỗi gian khó, nhọc nhằn. Trong hồi ức của nhiều người, nhiều thế hệ người dân xứ Thanh làm sao có thể quên được hương vị rau má thanh đạm, ngọt bùi đã giúp họ đi qua những cơn đói mùa giáp hạt. Người xứ Thanh ăn rau má để nuôi lớn giấc mơ, hoài bão. Người xứ Thanh “ăn rau má phá đường tàu” để quyết tâm dành những gánh thóc, ngô, khoai, sắn phục vụ chiến trường, góp phần vào công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Hơn cả món ăn dân dã, thức ăn “cứu đói” một thời, rau má quyện vào đời sống, khảm vào tâm thức người xứ Thanh, thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa, trở thành mạch nguồn cảm xúc cho văn học nghệ thuật thăng hoa: “Mới nghe em chớ vội cười/ Cây rau má, “sâm” của người xứ Thanh/ Miền quê bão lụt nắng hanh/ Vươn lên để sống chỉ nhành má thôi/ Cứ xanh rười rượi với đời/ Cứ chia sẻ tất cho người cháo rau/ Dù ai lận đận nơi đâu/ Dù ai sống giữa nhà lầu xe hơi/ Riêng vị rau má em ơi/ Vẫn còn ngai ngái trong người xứ Thanh/ Bao giờ em về quê anh/ Mà xem dấu vết kinh thành xa xưa/ Vĩ nhân và các đời vua/ Cũng từ rau má ốc cua nên người/ Mới nghe em chớ vội cười/ Cây rau má, “sâm” của người xứ Thanh” (Rau má, Trịnh Anh Đạt).

Tự bao đời nay, cây rau má gần gũi với đời sống của người xứ Thanh. Tuy nhiên, người dân chỉ xem đây như loài cây mọc hoang, khai thác tự nhiên, chủ yếu dùng để chế biến món ăn, thức uống của bản thân, gia đình. Theo thời gian, cùng với nhu cầu thị trường ngày càng tăng, việc trồng rau má thương phẩm đã được một số địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện như: làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa), Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Ngọc Lặc... nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là bán rau má tươi và sản phẩm sơ chế, chưa có sự đầu tư vào chế biến sâu. Nhiều địa phương khác trong cả nước phát triển thành công mô hình trồng cây rau má thương phẩm, người dân “có của ăn của để” từ cây rau má. Trong khi đó, giống rau má bản địa xứ Thanh có 2 loại là rau má trắng và rau má tía với nhiều tiềm năng, lợi thế hơn so với các giống rau má ngoại nhập. “Sao không từ đồng đất quê hương - nơi cây rau má đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành biểu tượng, mà biến tiềm năng thành lợi thế, phát triển thành sản phẩm thương mại?” - đó là một trong những lí do để anh Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp an toàn hữu cơ tỉnh Thanh Hóa quyết tâm tìm tòi hướng đi mới, tạo ra bước ngoặt, hướng phát triển mới cho cây rau má bản địa xứ Thanh.

Nghĩ là làm, anh Tân cùng đội ngũ lãnh đạo, nhân viên công ty tập trung xây dựng ý tưởng, kế hoạch, tìm hướng đi mới cho cây rau má. Dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Rau má xứ Thanh” cho các sản phẩm từ rau má bản địa của tỉnh Thanh Hóa gắn với Chương trình OCOP ra đời trong nỗ lực, tâm huyết, quyết tâm cùng tình yêu quê hương, yêu nông nghiệp công nghệ cao, yêu cây rau má quê nhà. Định hướng, mục tiêu của dự án hướng đến là: Nghiên cứu hoàn thiện được bản hướng dẫn kỹ thuật nhân giống rau má bản địa đạt tiêu chuẩn cơ sở, bản hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch rau má theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng được nhãn hiệu tập thể “Rau má xứ Thanh” và xây dựng, hoàn thiện, đưa vào khai thác có hiệu quả hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể “Rau má xứ Thanh”: Mô hình quản lý, điều kiện, phương tiện quản lý, phương án sản xuất và kinh doanh, quy trình truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn, bao bì đóng gói...

Để làm được điều đó, anh Tân đi khắp vùng quê xứ Thanh, thu thập các mẫu cây rau má mọc tự nhiên về nghiên cứu, chọn lọc, bảo tồn giống bản địa. Từ năm 2020 đến nay, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới đã phát triển khoảng 0,5 ha rau má bản địa tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm (tổ dân phố Dục Tú, thị trấn Tân Phong, Quảng Xương) vừa để nhân giống, thử nghiệm với quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ vừa làm cơ sở để nhiều đơn vị trong, ngoài tỉnh đến tham quan, chuyển giao công nghệ.

Công ty đã tổ chức liên kết sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với bà con, một số HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng vùng nguyên liệu rau má theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng đến hữu cơ, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, hướng tới tham gia Chương trình OCOP. Đến nay, công ty đã liên kết với khoảng 10 địa phương, đơn vị như: phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), HTX Hải Long (Như Thanh), HTX nông nghiệp Quảng Văn (Quảng Xương), huyện Triệu Sơn, Cẩm Thủy, Nông Cống... Tổng diện tích liên kết đạt khoảng 30 - 35 ha. Tại các vùng nguyên liệu, công ty phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hội nghị, các lớp tập huấn, chuyển giao quy trình, kỹ thuật chăm sóc, sản xuất cây rau má bản địa theo hướng VietGAP cho bà con, các HTX tham gia.

Hiện nay, công ty đang trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện lắp đặt dây chuyền sản xuất chế biến sâu các sản phẩm từ cây rau má. Đặc biệt, một số sản phẩm chế biến từ cây rau má đã được công ty nghiên cứu và thử nghiệm thành công như: bột rau má mịn, nước uống rau má đóng chai, thạch rau má, trà túi lọc rau má...

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng sự táo bạo, quyết tâm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của công ty góp phần khẳng định, nâng tầm giá trị, mở ra bước ngoặt, bước phát triển mới cho cây rau má bản địa xứ Thanh. Việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, đổi mới cơ cấu cây trồng, tạo công ăn việc làm, mang lại giá trị kinh tế, thu nhập cho bà con Nhân dân, HTX, doanh nghiệp. Anh Tân cho biết: Với 10 – 11 vụ/năm, nếu tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc, năng suất cây rau má đạt từ 45 – 50 tấn/ha, doanh thu bình quân dao động khoảng 400 - 450 triệu đồng/năm. Sau khi trừ các loại chi phí, người dân thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/ha/năm. Rau má có vòng sinh trưởng, phát triển dài, khoảng 10 năm mới phải trồng mới một lần. Như vậy, có thể thấy, rau má cho năng suất gấp 3 – 4 lần, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa và các cây rau màu khác. Thành công của dự án không chỉ đánh dấu bước phát triển, đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cho công ty. Hơn hết, đây là thành quả chung, “trái ngọt” từ quá trình liên kết giữa nhà nông – Nhà nước – doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đa dạng các sản phẩm OCOP, phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương, tỉnh.

“Không ngủ quên trên chiến thắng”, “không dễ dàng hài lòng với những gì mình có”, “hãy nỗ lực, phấn đấu hết mình với niềm đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn” – đó là tâm niệm, là điều mà anh Tân luôn ấp ủ kể từ khi “dấn thân” vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Anh Tân chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là thị trường trong nước mà phấn đấu đưa các sản phẩm chế biến từ cây rau má bản địa xứ Thanh hướng đến xuất khẩu, vươn ra thị trường quốc tế như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh và một số nước châu Phi...

Nếu cứ hoang dại mọc loang dài trên những bờ mương, bờ kênh, bãi hoang thì đến bao giờ cây rau má xứ Thanh mới có thể vươn tầm, “lọt top” những cây trồng lợi thế, tham gia phát triển kinh tế? Và nếu không có những cá nhân, doanh nghiệp nhận lấy vai trò tiên phong như anh Tân, như Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới thì làm sao cây rau má xứ Thanh có thể mơ giấc mơ vươn tới trời Tây. Những ý tưởng, những định hướng, mục tiêu đang từng bước được hiện thực hóa để cùng viết nên những chặng đường phát triển mới cho cây rau má bản địa xứ Thanh.

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]