Văn hóa, phong cảnh Việt Nam đẹp ngỡ ngàng trong “Bond Live in Việt Nam”
Tại “Good Morning Vietnam” mùa 2 với “Bond Live in Vietnam”, hiệu ứng âm thanh, hình ảnh, ánh sáng sân khấu đã làm âm nhạc của Bond thăng hoa và bùng nổ. Những tràng pháo tay liên tục vang lên trong khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia khi văn hóa truyền thống và phong cảnh Việt Nam hòa quyện trong các nhạc phẩm nổi tiếng thế giới.
Tứ tấu Bond trong tà áo dài lụa Việt.
Bất ngờ với “Tố nữ” Bond
Đêm nhạc được mở đầu bằng hình ảnh 4 cô gái mặc áo dài mang vĩ cầm trên sân khấu, với nền đằng sau là bộ tranh Tố nữ Hàng Trống. Khán giả như vỡ òa khi lần lượt sau Tố nữ là Tứ bình, rồi hình ảnh 4 ngọn tháp của các công trình kiến trúc tiêu biểu ở Việt Nam, 4 con sông tiêu biểu, 4 danh lam thắng cảnh tiêu biểu.
Những hình ảnh Việt Nam được thể hiện trong không gian tràn ngập những giai điệu sôi động của những bản nhạc nổi tiếng nhất mà Bond từng trình diễn ở khắp thế giới, mở đầu với “Ellyssium” và “Duel”. Điều này đem lại sự xúc động và cảm giác phấn khích đặc biệt đối với khán giả.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam trao đổi với báo chí sau đêm diễn.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho biết, ban đầu, anh khá bối rối vì không biết nên lựa chọn ý tưởng nào cho phù hợp với âm nhạc của Bond, khi ban nhạc quá nổi tiếng và âm nhạc của họ quá quen thuộc trong cuộc sống đời thường của người Việt, ở nhiều sự kiện, lễ hội...
“Ý tưởng lớn nhất của chúng tôi là hình ảnh 4 cô gái mặc áo dài xuất hiện với màn hình led tranh Tố nữ. Ý tưởng hay nhưng không dễ thuyết phục họ, bởi với những nghệ sĩ vĩ cầm, trang phục biểu diễn luôn ưu tiên sự thoải mái đối với phần tay” - đạo diễn Hoàng Nam nói.
Quảng bá văn hóa Việt thông qua âm nhạc thế giới đỉnh cao là định hướng xuyên suốt dự án Good Morning Vietnam.
Với bộ tranh Tố nữ, ê-kíp không chỉ thuyết phục, mà còn phải kể cho nhóm nhạc hiểu câu chuyện dài gắn liền với bức tranh. Rất may là họ hiểu và ủng hộ ngay ý tưởng này. “Sát giờ diễn, họ còn mặc thử áo dài và tập lại xem có bảo đảm đẹp đúng như ý tưởng hay không. Cuối cùng họ rất hạnh phúc với việc phối hợp với từng hình ảnh một” - đạo diễn Phạm Hoàng Nam kể.
Bộ áo dài mở màn cho đêm diễn cũng là vấn đề phải đắn đo, cân nhắc nhiều đối với ê-kíp. Đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho biết, trên thị trường có nhiều loại vải phù hợp với yêu cầu thoải mái khi biểu diễn của ban nhạc, thậm chí có nhiều loại vải nhập khẩu co giãn rất phù hợp. Nhưng ê-kíp muốn chọn một loại vải đặc trưng của Việt Nam, mang theo tầng sâu văn hóa Việt và hình ảnh Việt, và không có gì phù hợp hơn là lụa tơ tằm.
Tuy nhiên, lụa tơ tằm lại là loại vải rất khó xử lý, đặc biệt đối với người mặc cần phải có nhiều hoạt động. Chính vì thế, giải pháp của nhà thiết kế là may áo form rộng, thoải mái, nhưng vừa đủ để tôn lên vẻ đẹp của các cô gái, đồng thời tạo sự thoải mái cho các thành viên nhóm nhạc khi biểu diễn.
Chính vì thế, hình ảnh bốn cô gái trong bộ áo dài lụa tơ tằm Việt trên nền tranh Tố nữ đã tạo ấn tượng khó quên ngay từ ban đầu cho những ai tham dự đêm diễn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Kết hợp văn hóa phương Đông và phương Tây
Điều làm khán giả bất ngờ nhất, cũng là điều mà Ban tổ chức muốn giấu tới cùng, chính là những yếu tố khiến cho sân khấu của đêm diễn “Bond Live in Việt Nam” như được “phù phép”, với sự hòa quyện đến khó tin giữa các yếu tố văn hóa Việt cùng âm nhạc của Bond. Ý tưởng độc đáo của những con người tâm huyết mang văn hóa Việt Nam ra thế giới khiến khán giả đi từ sự ngỡ ngàng này sang thú vị khác. Sân khấu là một bức tranh sống động của sự kết nối hai nền văn hóa, giữa âm nhạc châu Âu và nghệ thuật cổ truyền Việt Nam.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho biết, phần lớn ý tưởng của ê kíp đã được thể hiện vượt mong đợi trên sân khấu. Nếu như không bị quá hạn chế về thời gian, mọi thứ còn có thể được làm tốt hơn.
“Thời gian làm việc giữa ê kíp chúng tôi với ban nhạc Bond vô cùng hạn hẹp. Chúng tôi chạy chương trình chỉ trong vỏn vẹn 2 tiếng đồng hồ. Việc chạy thử chương trình chỉ kết thúc vỏn vẹn 1 tiếng trước khi chương trình diễn ra. Những thành quả có được trên sân khấu là do họ vô cùng chuyên nghiệp. Họ có ê-kíp không đông nhưng thiện chiến. Tôi làm nhiều với ban nhạc nước ngoài nên cũng quen với cách làm việc của họ”.
Sân khấu mang hình ảnh cây đàn và đường cong quyến rũ của một cô gái.
Sân khấu đêm diễn cũng là nơi đạo diễn Phạm Hoàng Nam đưa những ý tưởng độc đáo nhất dành cho âm nhạc của Bond. Hai bên là ánh sáng được tạo hình cách điệu, với đường cong của thân cây đàn vĩ cầm, lại giống đường cong của một cô gái đầy vẻ quyến rũ. Bên trong đường cong ấy là hình ảnh nữ nghệ sĩ kéo đàn, thả cảm xúc vào âm nhạc.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho biết, ê-kíp mang hình ảnh tứ bình, cảnh đẹp Việt Nam, bốn mùa hoa với mai, lan, cúc, trúc, 4 cô gái, rồi hình ảnh kiến trúc Việt Nam, tách màn hình ra và ghép màn hình vào.
Phong cảnh Việt Nam được thể hiện theo phong cách “tứ bình”.
“Chúng tôi phải nghĩ cách biến đổi, lúc con sông, lúc là 4 con ngựa phi, lúc là những chùm pháo hoa nổ tung... Chúng tôi đã tìm kiếm những biểu tượng phù hợp với con số 4 trong văn hóa phương Đông để tạo sự đa sắc màu cho chương trình” - đạo diễn nói. Đó chính là lý do để những hình ảnh mang đầy tính liên kết xuất hiện lần lượt như những bức tứ bình hiện đại dẫn dắt cảm xúc của khán giả xuyên suốt những bản trình diễn đầu tiên của Bond.
Những hình ảnh gợi tính kết nối giữa văn hóa phương Đông và phương Tây tạo sự gắn kết, hòa quyện với các bản nhạc Bond trình diễn. Ở phần trình diễn bản nhạc “Shine”, xuất hiện những nét kiến trúc cổ kính của Tháp Chàm.
“Chúng tôi phải đọc rất nhiều, nghe rất nhiều về Bond và âm nhạc của Bond để tìm ra ý tưởng. Nghe và hiểu nhạc kỹ nên người làm âm thanh của ê-kíp Bond bảo ‘Các bạn rất hiểu âm nhạc Việt Nam’. Chúng tôi chưa biết hiệu quả như thế nào nhưng có thể thấy được một phần qua những cảm nhận và thể hiện của khán giả” - đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho biết.
Hợp tác thành công lớn nhất chương trình là lần đầu tiên Bond diễn tại một đất nước mà lại đi theo câu chuyện văn hóa của đất nước đó, đó là điều chưa từng có với Bond.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho biết, anh “bắt” được ý tưởng này chính là từ ý nghĩa kết hợp văn hóa Á - Âu, quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam thông qua âm nhạc đỉnh cao thế giới của dự án Good Morning Vietnam do Báo Nhân Dân và IB Group tổ chức. Từ đó, anh nghĩ đến việc làm sân khấu có sự kết hợp giữa Á Đông và phương Tây, Việt Nam và quốc tế.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho rằng, hợp tác thành công lớn nhất chương trình là lần đầu tiên Bond diễn tại một đất nước mà lại đi theo câu chuyện văn hóa của đất nước đó, đó là điều chưa từng có với Bond.
Dự án âm nhạc mang nhiều ý nghĩa
Good Morning Vietnam là dự án âm nhạc quốc tế mang nhiều ý nghĩa của Báo Nhân Dân và IB Group khi không chỉ đưa âm nhạc đỉnh cao của quốc tế đến Việt Nam mà còn thông qua đó để quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam, trước hết là kết hợp với việc quay MV quảng bá du lịch, đồng thời dành lợi nhuận cho các hoạt động thiện nguyện, phụng sự xã hội.
Bond nhận hoa từ Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh và Chủ tịch IB Group Nguyễn Thùy Dương.
Chị Thu Hường, một khán giả từ quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ sau đêm diễn: “Tôi rất bất ngờ khi thấy ban nhạc xuất hiện trên nền những hình ảnh đặc trưng của văn hóa Việt Nam như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, cũng như những hình ảnh phong cảnh, đền tháp, chùa chiền nổi tiếng của Việt Nam. Tôi cũng rất thích thú với ý tưởng các cô gái trong nhóm nhạc mặc áo dài. Đêm nhạc thật tuyệt vời, mãn nhãn cả về mặt hình ảnh và âm thanh”.
Khán giả trong đêm nhạc.
Chị Nguyễn Thị Hương, giảng viên âm nhạc một trường quốc tế nhận xét: “Tiết mục nổi bật nhất trong buổi diễn chính là “Winter - Mùa Đông” trong tập “Bốn mùa - Four Seasons” của Vivaldi. Phiên bản này đã mang đến một làn gió mới, hoàn toàn khác biệt so với những gì mà tôi thường thấy trong nhạc cổ điển. Âm nhạc của Bond không chỉ kỹ thuật điêu luyện mà còn tràn đầy cảm xúc, khiến người nghe như được lạc vào một không gian đầy nghệ thuật và sáng tạo”.
Nghệ sĩ violon Trịnh Minh Hiền, người cũng theo đuổi giấc mơ đem văn hóa Việt ra thế giới theo âm nhạc nhận xét: "Đây là lần thứ 3 Bond tới Việt Nam, show diễn lần này của Bond với tôi là sự gặp lại đầy thân thương hơn là đi nghe nhạc, hay học hỏi. Là dân trong nghề, tôi nhìn nhận Bond vẫn giữ được đẳng cấp của mình, dù đã nổi tiếng từ rất lâu. Điểm nhấn thú vị của chương trình là tà áo dài và tranh Tố nữ...".
"Cám ơn Báo Nhân Dân và IB Group đã có một ý tưởng lớn, là tổ chức show âm nhạc tôn vinh các nghệ sĩ chơi nhạc cụ trên thế giới. Những sự kiện dành cho nhạc ca khúc đã quá nhiều, nhưng sự kiện dành cho nghệ sĩ chơi nhạc cụ thì quá hiếm, nghệ sĩ chơi nhạc giống như Bond lại càng hiếm", nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền bày tỏ.
Đối với người làm nghề như đạo diễn Phạm Hoàng Nam, chương trình Good Morning Vietnam không chỉ mang những ý nghĩa tốt đẹp cho cộng đồng về quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam, đem nghệ thuật đỉnh cao của thế giới đến với khán giả Việt, mà còn góp phần nâng tầm tổ chức các sự kiện âm nhạc đẳng cấp, nâng tính chuyên nghiệp và chỉn chu của Việt Nam.
“Lần đầu tiên tôi tham gia chương trình Good Morning Vietnam với vai trò đạo diễn chứ không phải khán giả. Tôi nghĩ, chúng ta cần nhiều những chương trình như thế này. Bên cạnh ý nghĩa lớn lao mang lại cho khán giả, cho du lịch văn hóa Việt Nam, đây còn là dịp nâng tầm tổ chức và thậm chí nâng tầm thưởng thức của khán giả ”, đạo diễn khẳng định.
Theo Báo Nhân Dân
{name} - {time}
-
2025-01-15 14:19:00
Chuyến từ thiện đầu tiên của Hoa hậu Kiều Duy tại quê nhà hậu đăng quang
-
2025-01-15 14:17:00
“Hòa nhạc ánh sáng”: Lần đầu tiên drone trình diễn trên nền nhạc sống
-
2024-10-05 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Người đàn bà hát
Vang tiếng hát chèo trên quê hương Hậu Lộc
Hồn làng Đắc Châu
[E-Magazine] – Trời lại xanh, hoa lại nở
Thị xã Bỉm Sơn xây dựng nếp sống văn minh đô thị
[Podcast] - Tản văn: Món quê đẫm vị heo may
Điểm sáng trong phát triển văn hóa đọc
Thanh Hóa sẽ bùng nổ với chuỗi sự kiện âm nhạc Sound Freedom by VinaPhone
Sắc màu ẩm thực LAMORI
Hai ngôi đền Đồng Cổ ở xứ Thanh