(Baothanhhoa.vn) - Cách đây 70 năm (1954 - 2024) sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954). Đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Sau 2 năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong cả nước, cán bộ, chiến sĩ miền Nam đã tham gia kháng chiến chống Pháp được tập kết ra Bắc. Được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, tại cảng Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn) là điểm tập kết đón đồng bào miền Nam.

Vai trò của ngành LĐ-TB&XH trong việc ổn định đời sống đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc

Cách đây 70 năm (1954 - 2024) sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954). Đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Sau 2 năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong cả nước, cán bộ, chiến sĩ miền Nam đã tham gia kháng chiến chống Pháp được tập kết ra Bắc. Được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, tại cảng Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn) là điểm tập kết đón đồng bào miền Nam.

Vai trò của ngành LĐ-TB&XH trong việc ổn định đời sống đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc

Đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại Cảng Hới năm 1954. Ảnh: tư liệu

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất đón đoàn cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh, học sinh, sinh viên miền Nam tập kết ra Bắc. Trong đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có vai trò rất lớn trong việc ổn định đời sống, thực hiện các chế độ, chính sách đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam.

Cùng với các đơn vị, địa phương trong tỉnh, ngành LĐ-TB&XH đã thành lập bộ máy đón tiếp; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ; vận động Nhân dân xây dựng cơ sở; thực hiện chăm sóc thương bệnh binh... để giúp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc sớm ổn định cuộc sống.

Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, Ty Thương binh, Cựu binh (nay là Sở LĐ-TB&XH) đã thành lập bộ phận công tác miền Nam do Trưởng Ty đứng đầu và 3/5 cán bộ của Ty là thành viên. Bên cạnh đó, Trung ương và Ủy ban hành chính tỉnh cử tăng cường 7 cán bộ tham gia cùng Ty để chuyên trách đảm nhiệm công tác mới. Bộ phận này phân công thành các ban gồm: Ban Công tác chính trị, Ban Đón tiếp; Ban Cung cấp; Bộ phận nghiệp vụ,... Các bộ phận đều được tăng cường cán bộ, bồi dưỡng kiến thức và xây dựng kế hoạch hoạt động. Ban Đón tiếp thường xuyên liên hệ với Trung ương, với các ngành, cơ quan để kịp thời có kế hoạch tiếp đón thương bệnh binh miền Nam.

Ngoài những công nhân viên chính thức, Ty còn điều động 120 thương bệnh binh đi phục vụ làm cán bộ hội đồng, thư ký văn phòng, liên lạc viên quản trị, cấp dưỡng tiếp phẩm, y tá, hướng dẫn viên về phong tục tập quán, cán bộ xây dựng cơ sở và phục vụ trong các bộ phận đón tiếp.

Trước khi cử cán bộ về địa phương để xây dựng cơ sở, Ty đã họp, xây dựng kế hoạch thống nhất, trong đó nêu lên những điều kiện căn bản, cần thiết chuẩn bị cho mỗi trại. Triệu tập cán bộ học tập về công tác đón tiếp, thành phần mở rộng đến cán bộ Hội đồng trại và phát động các phong trào thi đua trong toàn Ty. Lấy công tác đón tiếp để nâng cao tinh thần đoàn kết, phục vụ đón đồng bào miền Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa, căn cứ vào số lượng thương bệnh binh dự kiến tiếp nhận, Ty đã cử cán bộ khảo sát các địa điểm dự kiến đặt các trại đón tiếp. Kết quả, đã thành lập 12 trại đón tiếp gồm: 2 trại dự trữ tại xã Hoằng Quang (Hoằng Hóa) và xã Ái Sơn (Đông Sơn); 10 trại chính thức tại các xã Đông Thanh, Đông Tiến, Đông Khê, Đông Thịnh, Đông Xuân, Đông Anh, Đông Hòa (Đông Sơn),... Mỗi trại đều bố trí đầy đủ chỗ nằm, chỗ vệ sinh, chỗ tắm giặt, nơi nấu nướng, vận động, làm việc, hội trường tập hợp. Đường sá trong thôn được tổng vệ sinh và dựng cổng chào, căng khẩu hiệu... Các gia đình chuẩn bị từ cái tăm, đôi đũa, cái đèn và sẵn sàng hỗ trợ đồng bào miền Nam những gì trại chưa có.

Ty cũng đã phối hợp với các huyện chuẩn bị lương thực, thực phẩm, chăn màn, quần áo, bảo đảm cho đồng bào,chiến sĩ, cán bộ miền Nam có điều kiện sinh hoạt bình thường ngay khi vừa đặt chân đến Thanh Hóa.

Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, ngày 15/10/1954, đợt thương, bệnh binh đầu tiên với 285 người được đón về 2 trại A1 và A2. Sau đó, liên tiếp các đợt ngày 23/10/1954 đón 114 thương, bệnh binh về trại A3; ngày 2/11/1954 đón 156 thương bệnh binh về trại A4; ngày 8/11/1954 đón 196 người về trại A5; ngày 27/11/1954 đón 752 thương, bệnh binh miền Tây về các trại A6, A7, A8, A9; ngày 2/3/1955 đón 182 thương, bệnh binh Liên khu 5 về trại A8 và ngày 1/5/1955 đón 157 thương, bệnh binh về trại A8, cùng một số đợt lẻ và ở các đơn vị chuyển qua.

Từ giữa tháng 10/1954 đến tháng 5/1955, Ty đã đón tiếp 1.869 thương, bệnh binh (gồm 1.416 thương bệnh binh Nam bộ; 453 chuyển từ Ty Nam Định; trong đó có 35 thương bệnh binh an dưỡng; 1.834 thuộc thành phần huấn luyện; có 24 vợ thương bệnh binh và 36 con đi cùng) ở miền Nam tập kết ra Bắc như đón những người thân, với tình cảm ruột thịt “Nam Bắc một nhà”.

Sau khi đón tiếp gần 2.000 thương, bệnh binh tập kết, Ty đã quan tâm tổ chức tuyên truyền, phổ biến và thực hiện chính sách đối với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tập trung trọng tâm vào các nội dung: các chế độ, chính sách đối với cán bộ và gia đình miền Nam tập kết ở miền Bắc; chính sách đối với bộ đội chuyển ngành và cán bộ bị bắt trong dịp thi hành Hiệp định đình chiến... Qua đó, nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa chính trị quan trọng của việc đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, giúp đồng bào ổn định tư tưởng, đời sống ở nơi mới.

Để sớm ổn định tình hình tại các trại, sau khi thương, bệnh binh về Hoằng Lộc, cán bộ của Ty đã phân công thành các tiểu đội, trung đội, đại đội. Theo quy định, mỗi trại quản lý tối đa 150 người. Tuy nhiên đa số các trại đều vượt chỉ tiêu, có những trại lên đến 180 người. Ty đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ huy Đại đội, đồng thời cử 1 cán bộ chính trị chịu trách nhiệm hướng dẫn Ban Chỉ huy Đại đội.

Công tác cung ứng cũng được Ty triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Ty đã đề nghị Ủy ban Hành chính xin củi thông, vận động Nhân dân ủng hộ củi, vận động thương, bệnh binh miền Bắc hỗ trợ. Triển khai phong trào sản xuất “Tiết kiệm mùa Xuân”, kết quả có trên 30 mẫu lúa, 9 mẫu khoai lang và 5 mẫu rau màu được đưa vào sản xuất.

Vấn đề cung cấp thuốc men, dầu đèn, giấy tờ gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề cấp bách trên, Ty đã làm văn bản xin thuốc của Ban Đón tiếp, của Ty Thương binh Nam Bộ, bố trí kinh phí mua để phục vụ thương bệnh binh, từ đó giúp cho đời sống của thương bệnh binh miền Nam dần ổn định.

Suốt những năm tháng sinh sống tại Thanh Hóa, sức khỏe, tinh thần của đồng bào miền Nam được ổn định, phục hồi. Tình cảm giữa cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc với đồng bào, đồng chí Thanh Hóa ngày thêm gắn bó, hỗ trợ nhau cùng phát triển góp phần xây dựng quê hương, đất nước, thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.

Sau thời gian tập kết ra Bắc, Chính phủ chủ trương đưa thương bệnh binh về xã, do số lượng cán bộ của Ty hạn chế. Ty đã kịp thời bổ khuyết bằng cách lựa chọn 58 thương, bệnh binh ở các trại miền Nam và miền Bắc có khả năng để đào tạo, bồi dưỡng và phân bổ về các huyện: Quảng Xương, Nông Cống, Yên Định, Hà Trung, Cẩm Thủy, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Hậu Lộc.

Ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành khác lựa chọn, bố trí cán bộ, đồng bào miền Nam vào công tác, đưa vào biên chế của các nông trường, xí nghiệp, doanh nghiệp, các đội công trình chuyên nghiệp...

Với sự nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH, cùng với các sở, ngành trong tỉnh, những năm tháng sống tại Thanh Hóa, hàng ngàn con em người miền Nam đã sát cánh cùng Nhân dân miền Bắc đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hàng trăm trẻ em gốc người miền Nam được sinh ra và nuôi dưỡng trên đất Thanh Hóa. Nhiều người miền Nam đã cùng với các lực lượng vũ trang Thanh Hóa tiến vào Nam giải phóng quê hương.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “Những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong những năm qua, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã tích cực hưởng ứng, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua do Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Trung ương, Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh phát động. Đặc biệt, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã phát động phong trào thi đua hướng đến kỷ niệm 80 năm ngày thành lập ngành, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước và chào mừng 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, qua đó tạo khí thế thi đua sôi nổi trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa


Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]