Từ đầu tháng Một đến nay, Hà Nội và một số tỉnh lân cận liên tục ô nhiễm không khí khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức trên 200 đến dưới 300, tương ứng với thang màu tím - mức rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cộng đồng.

“Tuyên chiến” với ô nhiễm không khí: Hành động vì bầu trời xanh, không khí sạch

Từ đầu tháng Một đến nay, Hà Nội và một số tỉnh lân cận liên tục ô nhiễm không khí khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức trên 200 đến dưới 300, tương ứng với thang màu tím - mức rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cộng đồng.

Tuyên chiến với ô nhiễm không khí: Hành động vì bầu trời xanh, không khí sạchCác tòa nhà tại quận Long Biên (Hà Nội) chìm trong làn sương mù và bụi do ô nhiễm, sáng 2/1 vừa qua. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Mặc dù ô nhiễm không khí có chu kỳ theo mùa và chịu ảnh hưởng từ điều kiện khí hậu, thời tiết nhưng dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mức độ ô nhiễm đang gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.

Trước thực trạng trên, ngành Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để “tuyên chiến” với ô nhiễm không khí, hành động vì bầu trời xanh, không khí sạch.

“Sát thủ” vô hình

Ngày 7/1, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí VN AIR (thông tin được công bố từ nguồn dữ liệu quan trắc do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện) tiếp tục ghi nhận chất lượng không khí tại một số điểm của Hà Nội, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên và Thái Bình đều ở mức rất xấu. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm không khí ở Thái Nguyên vượt xa cả Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Bốn điểm đo tại thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công đều ở ngưỡng tím.

Cũng trong ngày 7/1, tại Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên đã cho ý kiến về kế hoạch và đề cương của Đoàn giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Khắc Định yêu cầu đề cương đối với mỗi tỉnh, thành phải được thiết kế riêng để đảm bảo tính đặc thù. Với Thủ đô Hà Nội, đề cương cần tập trung nhiều vào tình trạng ô nhiễm không khí.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra rằng ô nhiễm không khí cả ở ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu; trong đó, Việt Nam ghi nhận ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm.

Tiếp xúc lâu dài với các chất ô nhiễm trong không khí có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch và đột quỵ. Ô nhiễm không khí cũng có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động xấu đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch và sức khỏe tâm thần.

Vì vậy, các chuyên gia y tế ví ô nhiễm không khí là “sát thủ vô hình” đối với sức khỏe của con người. Theo kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khung thời gian từ 5 đến 11 giờ là thời điểm không khí ô nhiễm nhất.

Những ngày qua, chênh lệch về nhiệt độ lớn giữa ngày-đêm tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận gây ra hiện tượng nghịch nhiệt, hạn chế khuếch tán chất ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi PM 10 và PM 2.5.

Tuyên chiến với ô nhiễm không khí: Hành động vì bầu trời xanh, không khí sạchMột người dân tập thể dục tại hồ Thiền Quang, Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Một tuần nay, ông Trần Văn Khả (75 tuổi, ở Tổ 25, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã không đến Công viên Nghĩa Đô tập thể dục từ 5-7 giờ. Là người luyện tập Việt Võ đạo (Vovinam), hơn 50 năm nay khung giờ trên đã gắn bó với ông kể cả những ngày nắng gắt, mưa dầm. Thế nhưng qua các phương tiện truyền thông, biết những thông tin về ô nhiễm không khí, ông đã chuyển sang tập luyện trong nhà. “7 giờ mà trời vẫn mù mịt, không khí đặc quánh, hít thở cũng thấy rất nặng nề,” ông Khả chia sẻ.

Anh Lê Quang Trung (35 tuổi, ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) làm tài xế xe máy công nghệ mỗi ngày hoạt động trên đường từ 9-10 tiếng cảm nhận rất rõ những thay đổi của chất lượng không khí. Theo anh Trung, đến trưa khi nắng lên, nhiệt độ tăng, hiện tượng mù giảm hẳn, anh di chuyển cũng dễ dàng hơn. Với đặc thù nghề nghiệp, anh Trung cho biết “không ra đường, không được, ra đường nếu quên kính là mắt cay xè, tối về sẽ đỏ ngay.”

Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nhận định trong 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, mùa Đông là mùa có nhiều yếu tố làm gia tăng ô nhiễm như gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa, độ ẩm cao... làm giảm khuếch tán của không khí các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp, không thoát lên cao hoặc ra các vùng khác được khiến nồng độ PM2.5 (bụi mịn) ngày càng tăng. Khi không giảm được các nguồn gây ô nhiễm không khí, lại vào đúng thời điểm mùa Đông Hà Nội gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ làm tăng chỉ số AQI.

Theo Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng, thời tiết không phải là nguyên nhân mà là tác nhân làm tăng giảm chỉ số AQI gây ô nhiễm không khí. Người dân thường nghĩ tập thể dục buổi sáng là thời điểm không khí trong lành nhưng đây chính là thời điểm ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe.

Từ góc độ nghiên cứu khoa học, Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Anh Lê (Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng người dân Việt Nam chưa chú ý đến ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe bởi ô nhiễm không ảnh hưởng lập tức mà “ăn mòn” sức khỏe con người theo thời gian.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết thành phố hiện có khoảng 1,1 triệu ôtô, 6,9 triệu xe máy, 10 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp, 1.370 làng nghề đang hoạt động. Đây là những cơ sở có hoạt động ảnh hưởng đến chất lượng không khí của Hà Nội.

Đến nay, thành phố Hà Nội chưa tiến hành kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tổng hợp từ các nghiên cứu kiểm kê khác nhau của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới và các nghiên cứu khác cho thấy đóng góp của các nguồn thải vào nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 tại 11 điểm trên địa bàn Thủ đô tùy vào từng điểm chiếm tỷ lệ khác nhau.

Tuyên chiến với ô nhiễm không khí: Hành động vì bầu trời xanh, không khí sạchCác tuyến đường đều mù mịt trong làn sương và bụi mịn, gây khó khăn cho việc di chuyển. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn có đóng góp mức cao nhất từ 58-74%, tiếp đến là nguồn công nghiệp từ 14-23%, nguồn nông nghiệp từ 3,4-18,9% và nguồn dân sinh và nguồn đốt rác có mức đóng góp thấp nhất.

Ông Nguyễn Minh Tấn nhấn mạnh vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô nổi bật nhất là ô nhiễm bụi PM 2.5 và PM 10. Cụ thể, theo Báo cáo hiện trạng bụi PM2.5 giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia. Giữa các quận, huyện, thị xã cũng có sự chênh lệch nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm, trong đó nồng độ bụi cao hơn ở các quận nội thành và thấp hơn ở các huyện ngoại thành (trừ các huyện Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì).

Kết quả quan trắc giai đoạn 2022-2023 cũng cho thấy bụi mịn PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên đều vượt quy chuẩn. Riêng Hà Nội bụi PM 2.5 dao động 26- 52μg/Nm3, vượt giới hạn 1,1-2,1 lần. Bụi mịn PM2.5 hay PM10 rất nhỏ, chỉ chiếm 1/30 hoặc 1/50 của một sợi tóc nên có thể xuyên qua hệ thống phòng ngừa trong mũi, trong phế quản, vào thẳng trong phế nang, nơi trao đổi chất và vào trong máu gây rối loạn trao đổi chất, các chức năng cơ thể, kể cả hệ thống gene.

Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2023 cũng nhìn nhận ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm do bụi PM2.5 đang trở thành một trong những vấn đề tác động tiêu cực đối với sức khỏe toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Hợp tác liên vùng liên ngành

Trước tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhất là tại các thành phố lớn, ngày 2/1, tại cuộc họp với một số bộ, ngành, nghe báo cáo về Đề xuất chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng xe điện tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần có giải pháp tổng thể để giảm các nguồn gây ô nhiễm, trong đó có các phương tiện giao thông sử dụng xăng, dầu. Đây là trách nhiệm của Nhà nước đối với người dân và phải có những hành động cụ thể, kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cũng khẳng định tại Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” tổ chức tháng 11/2024, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí đòi hỏi sự đoàn kết vì mục tiêu chung, bởi ô nhiễm không khí không theo địa giới hành chính; cần có sự phối hợp liên ngành, liên vùng, liên tỉnh.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã huy động các nguồn lực và tiếp cận các phương pháp dự báo chất lượng môi trường không khí tiên tiến trên thế giới, như mô hình dự báo chất lượng không khí CMAQ (Mỹ), SILAM (châu Âu, Phần Lan).

Đến nay, Cục đã xây dựng và công bố bản tin nội bộ dự báo chất lượng môi trường không khí ngắn hạn trong 24-48 giờ trên phạm vi toàn quốc và theo 6 vùng kinh tế-xã hội; xây dựng bản tin Dự báo nội bộ chất lượng không khí cho 2 ngày tiếp theo tại 6 vùng kinh tế và các tỉnh thành phố trên toàn quốc.

Cục sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tích hợp để tăng dày các nguồn dữ liệu phục vụ công tác dự báo chất lượng không khí, hướng tới hoàn thiện Hệ thống dự báo chất lượng môi trường có độ chính xác cao và công bố kết quả dự báo chất lượng môi trường trên các phương tiện truyền thông.

Tuyên chiến với ô nhiễm không khí: Hành động vì bầu trời xanh, không khí sạchNhân viên kiểm tra khí thải tại một cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa xe máy. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất một số giải pháp bao gồm kiểm soát khí thải thông qua việc áp dụng mức Tiêu chuẩn khí thải nhằm kiểm soát phát thải tại nguồn đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu trước khi đưa vào lưu hành cũng như các loại xe cơ giới đang lưu hành; kiểm soát phát thải thông qua các giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển phương tiện giao thông ít phát thải.

Ngành Y tế đã xây dựng “Khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng” nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản thực hiện các biện pháp dự phòng bảo vệ sức khỏe; xây dựng “Sổ tay hướng dẫn phòng, chống tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe” bao gồm hướng dẫn chung và hướng dẫn cho người cao tuổi, trẻ em, những người có bệnh lý nền, người tham gia giao thông; xây dựng “Sổ tay hướng dẫn đánh giá nguy cơ sức khỏe do ô nhiễm không khí” (do Bệnh viện Nhi Trung ương, Cục Quản lý môi trường y tế và tổ chức Live & Learn phối hợp thực hiện) hỗ trợ cán bộ y tế đánh giá nguy cơ sức khỏe do ô nhiễm không khí dựa trên các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Với quyết tâm kiểm soát nguồn gây ô nhiễm, tiến tới hạn chế ô nhiễm không khí cũng để thực hiện đồng bộ Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, ngày 12/12/2024, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Dự thảo nghị quyết xây dựng “Vùng phát thải thấp” (LEZ).

Căn cứ vào một trong các tiêu chí quy định và các điều kiện xây dựng “Vùng LEZ” được nêu ra tại Nghị quyết, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ giao từng quận huyện lập đề án “Vùng phát thải thấp” phù hợp với đặc thù và năng lực của địa phương mình để trình thành phố phê duyệt, thực hiện. Lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp được Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo và cơ quan thẩm tra đồng thuận là theo 2 giai đoạn.

Cụ thể, từ năm 2025 đến 2030, thành phố thực hiện thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một số khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Ba Đình; cùng với đó, khuyến khích các quận trong khu vực nội đô lịch sử lập vùng phát thải thấp.

Từ năm 2031, các khu vực trên địa bàn thành phố đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 4 Nghị quyết sẽ thực hiện vùng phát thải thấp. Vùng phát thải thấp là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.

Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng và Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Anh Lê đều thống nhất cho rằng, cần có những giải pháp từ dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, quản lý từng nguồn thải gây ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, muốn thực hiện hiệu quả các biện pháp chống ô nhiễm không khí, việc nâng cao nhận thức của người dân cần được đặt lên hàng đầu.

“Đây là phương án “thoát hiểm” hiệu quả nhất đối với vấn đề bảo vệ sức khỏe khỏi các tác hại của ô nhiễm không khí,” Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Anh Lê nói.

Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Anh Lê cũng đề xuất ý tưởng có một đường dây nóng để người dân liên hệ khi gặp vấn đề về ô nhiễm không khí./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]