(Baothanhhoa.vn) - Lấy sức dân để lo cho dân là “kim chỉ nam” xuyên suốt quá trình XDNTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu ở xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa). Lòng dân, sức dân là nguồn lực to lớn để đưa vùng quê thuần nông này vươn mình trở thành xã NTM kiểu mẫu vào năm 2023.

Từ vùng quê thuần nông đến nông thôn mới kiểu mẫu

Lấy sức dân để lo cho dân là “kim chỉ nam” xuyên suốt quá trình XDNTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu ở xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa). Lòng dân, sức dân là nguồn lực to lớn để đưa vùng quê thuần nông này vươn mình trở thành xã NTM kiểu mẫu vào năm 2023.

Từ vùng quê thuần nông đến nông thôn mới kiểu mẫuDiện mạo nông thôn mới kiểu mẫu khang trang, hiện đại của xã Thiệu Nguyên.

Về Thiệu Nguyên hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự “thay da, đổi thịt” của vùng quê NTM kiểu mẫu, với những tuyến đường bê tông, thảm nhựa được kết nối liên hoàn và các công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang. Có lẽ lòng dân, sức dân là nguồn lực to lớn để đưa Thiệu Nguyên về đích NTM kiểu mẫu vào năm 2023. Nói về hành trình ấy, Chủ tịch UBND xã Ngô Minh Thư chia sẻ: “Với mục tiêu xây dựng Thiệu Nguyên trở thành vùng quê có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và nông dân giàu có, cấp ủy, chính quyền xã thống nhất quan điểm lấy sức dân để lo cho dân. Đó cũng là “kim chỉ nam” xuyên suốt quá trình XDNTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu ở địa phương. Kết quả đạt được trong XDNTM, NTM nâng cao vừa là nền tảng, vừa là động lực để cán bộ và Nhân dân xã Thiệu Nguyên quyết tâm thực hiện thành công xã NTM kiểu mẫu, với tiêu chí nổi trội về chuyển đổi số”.

Với tinh thần không nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó, đầu năm 2023, xã Thiệu Nguyên đã lựa chọn 2 thôn Nguyên Lý và Nguyên Hưng để triển khai xây dựng mô hình “Thôn thông minh”. Theo đó, xã đã thành lập Tổ công tác về chuyển đổi số và chỉ đạo 2 thôn Nguyên Lý và Nguyên Hưng tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung của mô hình “Thôn thông minh”. Đồng thời với việc tổ chức tập huấn, phổ cập kiến thức về chuyển đổi số, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, lập tài khoản thanh toán điện tử cho cán bộ, người dân 2 thôn, Tổ công tác còn tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử. Bên cạnh đó, xã Thiệu Nguyên đã đấu mối với các doanh nghiệp viễn thông lắp đặt hạ tầng internet, cáp quang đồng bộ sẵn sàng cung cấp dịch vụ đến 100% hộ gia đình của 2 thôn Nguyên Hưng và Nguyên Lý. Hiện nay, trên địa bàn 2 thôn có 3 trạm 4G của VNPT và Viettel cung cấp dịch vụ di động băng thông rộng 3G, 4G đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Trước những tiện ích và tầm quan trọng của các nền tảng số, các ứng dụng số với những tính năng tương tác tích cực của mạng xã hội facebook, zalo, cán bộ 2 thôn Nguyên Hưng, Nguyên Lý đã tạo lập các nhóm zalo, trang facebook để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân. Các nhóm zalo của 2 thôn là kênh thông tin quan trọng được cán bộ và người dân sử dụng để cung cấp, trao đổi thông tin hoạt động của thôn thông qua điện thoại di động.

Để xây dựng vùng quê yên bình, xã Thiệu Nguyên xác định công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) phải đặt lên hàng đầu. Nhận thức được tầm quan trọng đó, xã đã triển khai phần mềm giám sát ANTT, trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn an giao thông được kết nối với hệ thống camera an ninh. Hiện nay, toàn xã đã lặp đặt 60 mắt camera an ninh. Đây là ứng dụng hiệu quả hỗ trợ chính quyền, công an xã trong quản lý trật tự xã hội. Khi hệ thống camera được đưa vào hoạt động, từ trụ sở làm việc, công an xã có thể theo dõi được địa bàn rộng, những điểm nóng, kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp về ANTT. Mô hình “Camera ANTT” trên địa bàn xã được ví như “tai mắt” của chính quyền, công an xã trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật từ cơ sở.

Hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao và giải quyết bài toán thu nhập cho người dân, xã đã triển khai mô hình “Tưới tự động trong nhà màng” tại thôn Nguyên Lý, với diện tích 3.000m2. Nông dân Nguyễn Công Quát là người tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại sản xuất rau, củ, quả an toàn trong nhà màng. Nhằm nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp và được sự động viên, khuyến khích của chính quyền địa phương, anh Quát đã đầu tư xây dựng nhà màng với hơn 1.000m2. Đồng thời, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt được điều khiển qua phần mềm trên điện thoại thông minh. Việc ứng dụng công nghệ trong tưới tự động không chỉ đảm bảo lượng nước phù hợp cho cây trồng sinh trưởng tốt, hạn chế ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh, mà còn giúp gia đình anh giảm thời gian, công sức chăm sóc hàng ngày. Nhờ vậy, năng suất và hiệu quả kinh tế của cây trồng vượt trội so với sản xuất truyền thống. Hiện nay, lợi nhuận từ trồng rau, củ, quả trong nhà màng của gia đình anh đã mang lại lợi nhuận từ 80 đến 100 triệu đồng/năm.

Từ hiệu quả của mô hình “Tưới tự động trong nhà màng” tại thôn Nguyên Lý, năm 2024 xã khuyến khích nông dân địa phương xây thêm 1.000m2 nhà màng, nâng tổng diện tích nhà màng trên địa bàn lên 4.000m2.

Như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, đi liền với huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chung sức XDNTM kiểu mẫu, xã Thiệu Nguyên có cách làm sáng tạo trong khơi dậy sức dân bằng chính sách kích cầu riêng cho các thôn. Cụ thể, HĐND xã đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-HĐND ngày 23/12/2022 về việc hỗ trợ xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, với kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng khi có quyết định công nhận của Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa; Đảng ủy xã có Nghị quyết số 57-NQ/ĐU ngày 24/3/2023 về tăng cường lãnh đạo của cấp ủy đảng, huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số, xây dựng xã NTM kiểu mẫu năm 2023.

Trên tinh thần người dân là “chủ thể” trong XDNTM kiểu mẫu, xã đã triển khai nghiêm túc chủ trương, chính sách về XDNTM kiểu mẫu đồng bộ đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đồng thời, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân nhận thức được trách nhiệm của mình trong XDNTM kiểu mẫu, tránh tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Theo đó, từ năm 2019 đến 2023 xã Thiệu Nguyên đã huy động nguồn kinh phí trên 621 tỷ đồng cho việc XDNTM kiểu mẫu; trong đó, Nhân dân đóng góp xây dựng công trình phúc lợi và tự xây dựng, sửa chữa nhà ở 498,968 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn huy động được, xã đã đầu tư nâng cấp 11,3km đường giao thông, hơn 12km rãnh thoát nước có nắp đậy, 21km tường rào, trồng đường hoa, tu sửa nhà văn hóa và hỗ trợ các thôn xây dựng mô hình “Thôn thông minh”. Trong năm 2024, xã có thêm 2 thôn Nguyên Tiến và Nguyên Tân được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Điều này đã giúp Thiệu Nguyên trở thành xã đầu tiên của huyện Thiệu Hóa có 100% số thôn đạt NTM kiểu mẫu.

Thiệu Nguyên hôm nay đã khoác lên mình “tấm áo mới” với kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang theo hướng “sáng - xanh - sạch - đẹp”, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; và nguồn lực từ Nhân dân và xã hội là yếu tố quyết định cho hành trình từ vùng quê thuần nông đến xã NTM kiểu mẫu của Thiệu Nguyên.

Bài và ảnh: Trần Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]