Tìm những “câu chuyện riêng” của sản phẩm OCOP
Chương trình OCOP được kỳ vọng đánh thức, phát huy tối đa tiềm năng trong những sản phẩm đặc trưng của các địa phương. Đồng thời, thông qua chương trình, các chủ thể sản xuất cũng vun trồng, bồi đắp để mỗi sản phẩm mang những dấu ấn riêng, không bị hòa lẫn trong các sản phẩm OCOP hiện có. Những nét riêng ấy chính là sức hút để sản phẩm có sức tiêu thụ, phản hồi tốt khi lưu thông trên thị trường.
Với sự khác biệt trong quy trình sản xuất và chất lượng, sản phẩm chè lam dẻo Huynh Dung (Thiệu Hóa) trở thành một trong những sản phẩm có lượng tiêu thụ lớn.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, tính đến hết tháng 7/2024, tỉnh Thanh Hóa đã có 517 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Đồng thời, có 4 sản phẩm đang đề xuất Hội đồng thẩm định Trung ương đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao. Hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh đều chú trọng đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nên có sức cạnh tranh tốt trên thị trường, người tiêu dùng đón nhận... Tuy nhiên, hiện nay bài toán đang đặt ra trong phát triển bền vững sản phẩm OCOP chính là “nét riêng - tính đặc trưng riêng - câu chuyện riêng” của từng sản phẩm.
Tại nhiều hội nghị, các đại biểu đại diện các sở, ngành, địa phương đều nhận định, tỉnh Thanh Hóa phát triển được hệ thống sản phẩm đa dạng, có chất lượng tốt, có khả năng phát triển ở quy mô hàng hóa nhưng lại có quá nhiều sự trùng lắp. Trong khi, mục tiêu của phát triển OCOP là kích hoạt được tính cộng đồng của địa phương, sản phẩm phải được kiến tạo từ chính cộng đồng cư dân ở đó - để mang lại việc làm, thu nhập cho người dân. Và hơn hết, mỗi sản phẩm OCOP phải là một sứ giả để chuyển tải bản sắc văn hóa, đặc trưng trong sản xuất, sinh hoạt của người dân các dân tộc địa phương, là dấu ấn riêng của vùng đất đó. Dựa trên những quy định đó, các địa phương đã chú trọng tìm kiếm những nét riêng, khác biệt trong các sản phẩm của địa phương để phát triển sản phẩm OCOP mới. Do đó, ngày càng có nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh chinh phục được người tiêu dùng thông qua dấu ấn riêng của sản phẩm.
Tham gia Chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và ẩm thực xứ Thanh năm 2024 với vai trò là một “tân binh” song sản phẩm bánh bi Gia Khánh - sản phẩm OCOP mới được công nhận tháng 6/2024 của xã Yên Ninh (Yên Định) đã trở thành một trong những sản phẩm được người tiêu dùng tìm kiếm, lựa chọn và đánh giá cao về nét riêng có. Ông Lê Tuấn Anh, chủ cơ sở sản xuất cho biết: Cũng là sản phẩm làm từ bột gạo nếp, đường, trứng gà... đem chiên giòn nhưng ở sản phẩm đã có nét riêng biệt khi chúng tôi dùng chính than đốt từ vỏ bưởi phơi khô để tạo màu đen cho sản phẩm. Qua tìm hiểu, phân tích trong vỏ bưởi có nhiều vitamin tốt cho sức khỏe mà khi phơi khô, đốt vẫn không bị mất đi. Do đó, thông qua việc tạo màu, chúng tôi vừa tạo sự độc đáo trong sản phẩm vừa giới thiệu với người tiêu dùng, thị trường về sản phẩm nổi bật của vùng quê Yên Ninh là bưởi Diễn.
Với câu chuyện độc đáo và dấu ấn riêng trong sản phẩm nên bánh bi Gia Khánh đã thành công ở ngay sự kiện thương mại đầu tiên khi được khách hàng và người tiêu dùng lựa chọn, đánh giá cao về chất lượng.
Hiện nay, không chỉ các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, về tạo dấu ấn riêng khi phát triển sản phẩm OCOP, mà chính bản thân các chủ thể sản xuất cũng tự tìm tòi, sáng tạo để đưa những nét độc đáo, riêng biệt cho những sản phẩm OCOP.
Bà Trần Thị Kim Dung, chủ cơ sở sản xuất chè lam dẻo Huynh Dung, xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa), cho biết: Tỉnh Thanh Hóa được biết đến với sản phẩm chè lam Phủ Quảng nổi tiếng và nhiều vùng quê cũng làm sản phẩm này như một thức quà quê, dân dã. Song, khi lựa chọn để phát triển thành sản phẩm OCOP, chúng tôi đã sáng tạo trong khâu lựa chọn nguyên liệu, quy trình sản xuất... để tạo nét riêng. Trong đó, sản phẩm chè lam dẻo Huynh Dung khác những sản phẩm cùng loại như sử dụng mạch nha thay vì đường, mật mía; làm dạng dẻo phù hợp với nhiều đối tượng người tiêu dùng. Và cuối cùng, thay vì bột gạo thông thường, chúng tôi sử dụng bột dừa nghiền mịn, vừa bảo quản được lâu, vừa tạo độ thơm ngon cho sản phẩm.
Được biết, với những bí quyết riêng, chè lam dẻo Huynh Dung đã chinh phục được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh; là một trong những sản phẩm được phân phối mạnh thông qua các đại lý và trên các nền tảng thương mại số như: tik tok, shopee, facebook...
Hiện nay, một trong những tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP là phải có câu chuyện sản phẩm riêng, cuốn hút, có giá trị và gợi nhớ về dấu ấn của vùng đất đó. Bởi, đây là giá trị mềm mà các sản phẩm công nghiệp, sản phẩm được sản xuất ở những vùng đất khác không thể có được. Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Bùi Công Anh, khẳng định: Để giảm bớt sự na ná, tạo những nét riêng có và xây dựng được câu chuyện thú vị cho sản phẩm OCOP đòi hỏi không chỉ các chủ thể, mà cả chính quyền các địa phương cùng vào cuộc. Trước hết, cần tập huấn, nâng cao nhận thức của chủ thể sản xuất về nét riêng, giá trị văn hóa, kinh tế của sản phẩm khi được gắn sao OCOP. Đồng thời, hỗ trợ, đầu tư nguồn lực để chủ thể tìm tòi, nghiên cứu, tạo ra nét độc đáo, dấu ấn riêng trong sản phẩm. Từ đó nâng cao tính lan tỏa và chỗ đứng vững chắc của sản phẩm trên thị trường.
Bài và ảnh: Lê Hòa
{name} - {time}
-
2024-12-12 07:30:00
[REVIEW OCOP] Đông trùng hạ thảo Thiên Thảo Việt: Sản phẩm vàng cho sức khỏe Việt
-
2024-12-10 07:30:00
[REVIEW OCOP] Tấn Lộc Tài: Tinh hoa dao rèn Tiến Lộc
-
2024-08-13 07:00:00
[REVIEW OCOP] Giải mã sức hút lâu bền của món kẹo lạc truyền thống
[REVIEW OCOP] Thanh mát bột rau má Đồng Ngâu
[REVIEW OCOP] Nét đẹp văn hóa trên chiếc nón lá Ngọc Thơm
Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản địa phương
[REVIEW OCOP] Đông trùng hạ thảo Đăng Khoa - Dược liệu quý vì sức khỏe người Việt
[REVIEW OCOP] Giò lụa - Món ăn truyền thống của người Việt
[REVIEW OCOP] Nước mắm Lê Gia - Nâng tầm ẩm thực Việt
[ REVIEW OCOP] Mật ong hoa rừng Bình Sơn - Món quà từ thiên nhiên
Kẹo gạo lức Đức Giang - Món ăn vặt lành mạnh cho sức khoẻ
[REVIEW OCOP] Mật mía Đồng Hương - Ngọt ngào hương vị truyền thống