Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông huyện Quan Sơn
Đồng bào dân tộc Mông huyện Quan Sơn sinh sống chủ yếu ở 3 bản: Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy), Ché Lầu (xã Na Mèo), với tổng số hơn 200 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu. Những năm qua, nhờ thực hiện nếp sống văn hóa mới trong tang lễ đã giúp đồng bào Mông giảm bớt được các chi phí tốn kém trong tổ chức đám tang, giúp người dân bớt đi gánh nặng kinh tế, tạo điều kiện phát triển kinh tế của mỗi gia đình, mỗi bản, từ đó góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới trên bản Mông.
Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND huyện Quan Sơn tổ chức hội nghị tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông huyện Quan Sơn năm 2024.
Công tác tuyên truyền là then chốt...
Xã biên giới Na Mèo có 9 bản với hơn 895 hộ, 4.055 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Thái chiếm hơn 80% dân số. Toàn xã chỉ có một bản duy nhất có đồng bào dân tộc Mông sinh sống là Ché Lầu. Trước đây, từ trung tâm xã lên bản Ché Lầu khó khăn, đường đồi núi quanh co, hiểm trở, đi lại vất vả nhất là vào mùa mưa bão. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, con đường lên Ché Lầu đã được khắc phục, đổ bê tông giúp cho người dân đi lại, giao thương, các thầy, cô giáo cắm bản hay cán bộ, bộ đội biên phòng lên với bản đỡ vất vả hơn. Từ bản Ché Lầu cũng đã có cung đường thuận lợi để lên với bản Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy). Có đường lớn đi rồi, công tác tuyên truyền đến với bà con ở những bản Mông cũng dễ dàng hơn nhiều.
Ché Lầu hiện có 66 hộ, hơn 300 nhân khẩu. Đồng bào Mông bản Ché Lầu di cư từ huyện Mường Lát sang từ đầu những năm 1990. Ông Phạm Văn Thuật, Phó Chủ tịch UBND xã Na Mèo cho biết: Để thực hiện việc đưa người mất vào quan tài và thay đổi văn hóa tang lễ, xã đã thành lập ban vận động nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông cấp xã từ năm 2013. Đồng thời, phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng bản, người có uy tín, trưởng dòng họ trong bản. Qua quá trình tuyên truyền, vận động, Nhân dân bản Ché Lầu đã thực hiện tang lễ theo nếp sống mới. Tất cả người mất từ năm 2018 đến nay đều được đưa vào quan tài, không còn để ở nhà lâu ngày, không giết nhiều lợn gà, trâu, bò để làm tang. Đời sống của người dân đã từng bước được nâng cao, các điều kiện về giao thông được thuận tiện hơn, thông tin, truyền thông được đảm bảo.
Là những người gắn bó, gần gũi với bà con dân bản, những năm qua, song song với công tác bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tham gia nhiều hoạt động, chương trình góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự địa phương. Ở các bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đồn biên phòng đã cử cán bộ bám nắm địa bàn “cùng ăn, cùng ở với đồng bào”, góp phần thắt chặt tình quân dân nơi biên giới.
Thiếu tá Mai Chí Thức, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo cho biết: Năm 2024, đơn vị đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quan Sơn, UBND xã Na Mèo trồng thử nghiệm mô hình cây khoai mán lòng vàng tập trung trên diện tích 1ha ở bản Ché Lầu; phối hợp với UBND xã Sơn Thủy trồng và hướng dẫn chăm sóc 1.679 cây mận cho Nhân dân bản Mùa Xuân. Trong đồng bào Mông, bộ đội biên phòng không chỉ hỗ trợ, trao tặng cây, con giống, kêu gọi các chương trình từ thiện, đảm bảo an sinh xã hội mà còn tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang. Sự thay đổi trong nhận thức của người dân góp phần làm cho các thế lực phản động ít có cơ hội lợi dụng hủ tục, quan niệm lạc hậu của người dân để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc biên giới chủ quyền quốc gia.
Góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa mới
Phát huy những kết quả đạt được của những năm trước đây, đồng thời để nếp sống văn hóa trong tang lễ đạt hiệu quả bền vững, Huyện ủy Quan Sơn đã ban hành Quyết định số 724-QĐ/HU ngày 20/7/2022 về thành lập ban tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông giai đoạn 2021-2025; UBND huyện ban hành Công văn số 1405/UBND-DT ngày 18/7/2022 về thực hiện một số nội dung công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông giai đoạn 2021-2025.
Cây khoai mán lòng vàng được trồng tập trung tại bản Ché Lầu, xã Na Mèo.
Đồng chí Hà Văn Toản, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn, cho biết: Hàng năm, phòng đã tham mưu cho UBND huyện Quan Sơn xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông. Phát huy vai trò của bí thư chi bộ thôn bản, trưởng bản, người có uy tín, trưởng dòng họ trong công tác tuyên truyền; tiếp tục duy trì hoạt động của ban vận động nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông cấp xã; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thực hiện lồng ghép với các chương trình, đề án, chính sách được triển khai trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dự án phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc Mông.
Ngoài ra, thực hiện Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể, đã tổ chức 3 hội nghị cho cán bộ xã, thôn, bản vùng đồng bào Mông trên địa bàn các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Trong đó, tại huyện Quan Sơn, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền cho cán bộ xã, thôn bản có đồng bào Mông cư trú và người dân tộc Mông ở 3 bản: Xía Nọi, Mùa Xuân (xã Sơn Thủy), Ché Lầu (xã Na Mèo) với tổng số hơn 130 đại biểu tham dự.
Có thể khẳng định, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, của cấp ủy, chính quyền địa phương đã góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nếp sống văn hóa mới trong tang lễ vùng đồng bào Mông huyện Quan Sơn. Qua đó, giúp đồng bào Mông giảm bớt được các chi phí tốn kém trong tổ chức đám tang, góp phần thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, như: trồng cây khoai mán lòng vàng tập trung ở bản Ché Lầu; trồng cây đào ở các bản Mùa Xuân, Xía Nọi; trồng lúa nước 2 vụ ở bản Mùa Xuân; triển khai mô hình “Vườn rau xanh, nhà sạch đẹp, bếp ngăn nắp, chuồng xa nhà” tại 3 bản Mông của Hội LHPN huyện Quan Sơn...
Bài và ảnh: Ngọc Huấn
{name} - {time}
-
2024-12-15 13:34:00
Lịch sử thú vị về lá quốc kỳ có hình dáng “kỳ lạ” nhất trên thế giới
-
2024-12-15 13:30:00
Nhà sáng lập thương hiệu thời trang Mango tử nạn
-
2024-08-10 21:41:00
Giao Thiện gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Văn hóa và con người xứ Thanh: Nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững (Bài cuối) - Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc
[Podcast] Truyện ngắn: Sông chiều lấp loáng
Những lý do khiến du khách muốn trở lại Da Nang Downtown nhiều lần
Báo quốc tế trầm trồ trước “bảng màu” đầy mê hoặc của Sa Pa ngày thu
Văn hóa và con người xứ Thanh: Nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững (Bài 2) - Vẫn còn những rào cản...
[E-Magazine] – Hồi chuông vu lan tan giữa sóng
Chỉ cách Thủ đô 1 tiếng chạy xe, Hà Nam là “chân ái” cho các tín đồ du lịch văn hoá
Núi Bà Đen bước vào mùa Vu Lan với nhiều hoạt động văn hoá tâm linh ý nghĩa
LAMORI nơi “ươm mầm” tích cực