(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, quần áo may sẵn đang chiếm ưu thế trong thị trường may mặc do kiểu dáng đa dạng, phong phú, giá cả lại phù hợp. Tuy nhiên, nghề may đo vẫn có một chỗ đứng nhất định, bởi vẫn có một bộ phận khách hàng giữ thói quen chọn vải, đem đến các cửa hàng cắt may, để may theo sở thích, chuẩn số đo, hợp dáng vóc... và đặc biệt là “không đụng hàng”, đó là lý do để hàng may đo vẫn tồn tại giữa “làn sóng” đồ hiệu đang chiếm lĩnh.

Sức sống của nghề may đo

Những năm gần đây, quần áo may sẵn đang chiếm ưu thế trong thị trường may mặc do kiểu dáng đa dạng, phong phú, giá cả lại phù hợp. Tuy nhiên, nghề may đo vẫn có một chỗ đứng nhất định, bởi vẫn có một bộ phận khách hàng giữ thói quen chọn vải, đem đến các cửa hàng cắt may, để may theo sở thích, chuẩn số đo, hợp dáng vóc... và đặc biệt là “không đụng hàng”, đó là lý do để hàng may đo vẫn tồn tại giữa “làn sóng” đồ hiệu đang chiếm lĩnh.

Sức sống của nghề may đoMột cửa hàng may đo tại phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa).

Chị Nguyễn Thị Yến, một nhân viên công ty đóng trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, cho biết: Người mình thấp, vòng 2 lại quá khổ, dáng không cân đối nên khó chọn được trang phục thích hợp ở các cửa hàng bán đồ may sẵn. Mình phải tìm đến các tiệm may đo hay những cửa hàng thời trang thiết kế có nhận đặt may để có bộ đồ vừa vặn. Và, khi trở thành khách quen, nhiều khi không cần đến cửa hàng, chỉ sưu tập những mẫu mã mình thích, điện thoại hoặc gửi zalo cho cửa hàng là bảo đảm họ may chuẩn mẫu mình thích dựa trên những số đo có sẵn.

Cách đây nửa tháng, chị Lê Thị Hà (TP Thanh Hóa) đã chọn sẵn 5 mảnh vải, với nhiều màu sắc khác nhau để mang tới tiệm may quen thuộc để may váy và áo sơ mi. Chị Hà chia sẻ: Tôi thường hay lựa chọn quần áo may đo vì có những kiểu dáng thời trang trên phim ảnh hay của các “sao” mà tôi yêu thích thường không được bày bán tại các cửa hàng, hoặc nếu có cũng không phù hợp dáng người của mình nên tôi cứ sưu tầm mẫu và đem đi may... Thói quen này đã được tôi duy trì hơn 10 năm nay.

Ngoài việc may theo mẫu, may cho hợp dáng, với một số người, chuyện đi may đơn giản chỉ là sở thích. Bà Phan Thị Trang, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) bộc bạch: Dù quần áo may sẵn có rất nhiều trên thị trường với mẫu mã đa dạng, hợp thời trang, nhưng tôi vẫn thích cảm giác được tự lựa chọn những mảnh vải có hoa văn, màu sắc trang phục và thiết kế theo đúng sở thích của mình. Chính vì vậy, đã 20 năm nay tôi vẫn giữ thói quen may đo. Chỉ cần đi chợ thấy vải đẹp là phải mua bằng được, sau đó tìm kiểu dáng để may. Được mặc bộ quần áo may đo theo đúng sở thích của mình, tôi cảm thấy yêu đời hơn..., bà Trang chia sẻ thêm.

Đó là một vài trong số những lý do để nghề may đo duy trì được cho đến ngày nay. Để có thể may được một bộ quần áo hoàn chỉnh, phù hợp với mỗi người, đòi hỏi thợ may phải tính toán kỹ lưỡng từng công đoạn vẽ, cắt vải, lắp ghép các chi tiết trang phục. Nếu chủ tiệm có tay nghề cao, kỹ thuật cắt may khéo léo thì vẫn có lượng khách hàng ổn định, không phụ thuộc nhiều vào các mùa cao điểm. Là một trong những nhà may tồn tại khá lâu tại đường Chu Văn An, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa), ngoài sự khéo léo, sáng tạo của người thợ, nhà may Thắng Mai có những cách “giữ chân” khách hàng khá độc đáo. Cùng với việc liên tục cập nhật mẫu mới, chủ cửa hàng dành thời gian tham khảo nhiều mẫu áo, váy trên mạng để cắt may. Bên cạnh đó, nhà may còn nhập về nhiều loại vải chất lượng, đáp ứng yêu cầu về mẫu mã, kiểu dáng của khách hàng. Đặc biệt, ngoài việc đa dạng các mẫu mã, từ quần áo, váy vóc, quần đùi, bộ đồ mặc nhà, đồ đầm, đồ kiểu, thậm chí áo dài... nhà may còn có cả những trang phục bán sẵn, các chị em nếu vừa vặn không cần chờ đợi có thể mua ngay (thậm chí chật hay rộng, thợ may sẵn sàng chỉnh sửa ngay tại chỗ, tạo điều kiện cho khách không phải đi lại nhiều lần). Đối với những khách hàng “thân thiết”, nếu cần may nhanh, nhà may luôn sẵn sàng đáp ứng, chỉ 3 giờ là các thượng đế có thể diện bộ “cánh” ưng ý mà không cần chờ đợi lâu. Với khách hàng ở tuyến huyện, nếu đã có số đo, chỉ cần nhắn tin, gọi điện, gửi mẫu, khi có yêu cầu còn giao đồ tận nhà hoặc gửi xe buýt về tận các huyện, xã trong tỉnh cho khách hàng...

Bên cạnh những tiệm có thể may được hầu hết các kiểu dáng thời trang thì vẫn có những cửa tiệm chỉ chuyên sâu vào một kiểu trang phục. Chị Lê Quỳnh Nga, chủ tiệm may đo áo dài Quỳnh Nga, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) đã có thâm niên hơn 30 năm trong nghề cho biết: “Tôi nghĩ có những sản phẩm mà hàng may sẵn rất khó lấn sân hàng may đo, chẳng hạn như chiếc áo dài. Điều này sẽ giúp những tiệm may đo như tôi duy trì được lượng khách hàng riêng của mình”... Trong số khách hàng của chị, ngoài những khách lẻ là mối ruột nhiều năm, gần đây cũng có một số cơ quan, doanh nghiệp tìm đến đặt may áo dài đồng phục cho cán bộ, nhân viên đơn vị với số lượng vài chục tới cả trăm bộ/năm.

Với chị Nga, để “giữ chân” khách hàng thì làm nghề cắt may hay bất cứ nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề may đo cũng không có gì nằm ngoài việc phải khó tính với chính mình. Khi thấy đường cắt, may không đẹp, thì phải biết tháo ra may lại cho đến khi nào đạt đến độ chuẩn. “Chuẩn” ở đây nghĩa là đường cắt ôm sát thân, đường may nét, các phần ráp của các đường cắt khít, không xô lệch. Ngoài ra, việc lựa vải, chỉ, phụ kiện đều phải đạt chuẩn, nếu không đạt những tiêu chí nêu trên thì tự tay “cắt cơm” của mình thôi.

Theo một số thợ may, để có thể may lành nghề đòi hỏi người thợ may phải thật sự cần cù, tỉ mỉ, thận trọng trong từng chi tiết dù là nhỏ nhất. Nghề này không dành cho những người dễ nóng giận, không chịu được áp lực. Thời gian học việc của mỗi người có thể khác nhau, phụ thuộc vào năng khiếu của từng người. Trở thành thợ lành nghề có người mất 3 tháng, có người 5 tháng và cơ bản nhất là 1 năm thì sẽ hoàn toàn có tay nghề trong ngành may mặc này. Để may một sản phẩm hoàn chỉnh, khách hàng sẽ lựa mua vải, rồi đến đo; tùy vào số lượng khách đặt hàng, người may sẽ hẹn thời gian nhận đồ đặt may. Tiền công may một sản phẩm tùy thuộc vào loại vải, kiểu dáng khách hàng lựa chọn. Trung bình tiền công may từ 100 nghìn - 500 nghìn đồng, tùy từng sản phẩm; giá may áo dài từ 350 nghìn - 500 nghìn/bộ, đầm từ 300 nghìn - 450 nghìn đồng, chân váy 150 nghìn - 250 nghìn đồng, áo sơ mi nữ 200 nghìn - 300 nghìn đồng, áo vét nữ từ 600 nghìn - 800 nghìn đồng, quần âu 200 nghìn - 250 nghìn đồng... Thời gian trung bình hoàn thiện một sản phẩm từ 2 đến 10 ngày, tùy thuộc vào từng loại vải cũng như mẫu mã khách hàng lựa chọn. Để tồn tại được với nghề, nhiều nhà may cố gắng không ngừng nâng cao chất lượng đường kim mũi chỉ, thiết kế kiểu dáng đẹp, tinh tế, đáp ứng sự hài lòng của khách hàng.

Có thể nói, những sản phẩm cắt may truyền thống khi được các tiệm may cắt may tinh tế với chất liệu tốt, giá cả phải chăng lại mang dấu ấn riêng của nhà thiết kế hay thợ may “nhà nghề” chính là chìa khóa để nghề may truyền thống ngày càng phát triển, đem lại thu nhập đáng kể cho những người thợ lành nghề.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]