(Baothanhhoa.vn) - Sáng 22-7, Đại hội (ĐH) đại biểu Đảng bộ TP Sầm Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc. Báo Thanh Hoá trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tại đại hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài phát biểu của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Sầm Sơn

Sáng 22-7, Đại hội (ĐH) đại biểu Đảng bộ TP Sầm Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc. Báo Thanh Hoá trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tại đại hội.

Bài phát biểu của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Sầm Sơn

Kính thưa đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các đồng chí đại biểu các cơ quan Trung ương!

Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh!

Thưa Đoàn Chủ tịch đại hội!

Thưa các đồng chí lãnh đạo thành phố Sầm Sơn qua các thời kỳ !

Thưa các đồng chí đại biểu! Thưa toàn thể đại hội!

Trong không khí phấn khởi, tự hào, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930-29/7/2020); hôm nay, tôi cùng các đồng chí đại biểu các cơ quan Trung ương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất vui mừng về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Sầm Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, mở ra thời kỳ mới trên con đường phát triển đi lên của thành phố.

Tại diễn đàn trọng thể của đại hội, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi tới các vị khách quý, cùng 205 đại biểu ưu tú đại diện cho gần 5.400 đảng viên đang sinh hoạt tại 40 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ thành phố lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Chúc các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố Sầm Sơn mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp!

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể đại hội!

Sầm Sơn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, nơi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, nhiều địa danh như: Núi Trường Lệ, hòn Cổ Giải, hòn Trống mái, đền Độc Cước, đền Cô Tiên,… thấm đẫm những truyền thuyết lung linh huyền thoại, thể hiện khát vọng ngàn đời về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nhận thấy Sầm Sơn là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương, ngay từ năm 1907, người Pháp đã bắt đầu khai thác giá trị du lịch của Sầm Sơn, xây dựng nơi đây trở thành nơi nghỉ dưỡng phục vụ người Pháp và vua quan triều Nguyễn. Trải qua quá trình lịch sử hơn 110 năm, bằng tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, các thế hệ người dân Sầm Sơn đã bám trụ nơi “đầu sóng ngọn gió”, đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng Nhân dân các dân tộc trong tỉnh lập nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng biển Sầm Sơn còn vang dội mãi chiến công của nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi trong trận đánh đắm chiến hạm A-mi-ô-đanh-vin vào ngày 27/9/1950, tiêu diệt 200 sĩ quan và binh lính Pháp. Với vai trò hậu phương lớn, vùng đất thẫm đẫm giá trị nhân văn, có truyền thống văn hóa, tình đất, tình người tốt đẹp, Sầm Sơn - Thanh Hóa có vinh dự lớn khi được chọn làm nơi đón tiếp và là một trong những địa phương của tỉnh trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che hàng vạn thương binh, bệnh binh, học sinh và gia đình cách mạng Miền Nam tập kết ra Bắc trong những năm 1954 - 1955. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây ghi dấu nhiều chiến công hiển hách của Hải quân nhân dân Việt Nam trong những trận đối đấu lịch sử khi đế quốc Mỹ leo thang, mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đặc biệt, trong 4 lần về thăm Thanh Hóa, tháng 7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã về Sầm Sơn; nói chuyện với cán bộ và nhân dân Sầm Sơn, Bác căn dặn: “Sầm Sơn phải tận dụng lợi thế của mình để phát triển du lịch mà thu lấy tiền”.

Trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, Sầm Sơn luôn được xác định là đô thị du lịch quan trọng cần ưu tiên tập trung đầu tư phát triển. Khát vọng xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia từ lâu đã trở thành nỗi niềm đau đáu của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sầm Sơn. Năm 1989, tỉnh đã đề ra chủ trương phát triển du lịch theo tiêu chí “Sầm Sơn – sức khoẻ – kinh tế – bạn bè”, tạo bước ngoặt lớn, đánh thức tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của Sầm Sơn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị của Sầm Sơn được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại; nhiều dự án lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhất là Quần thể du lịch nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao FLC hiện đại, sang trọng, văn minh; việc cải tạo, nâng cấp quốc lộ 47, đại lộ Nam sông Mã, đường từ ngã ba Voi đi Sầm Sơn; đồng thời quy hoạch, sắp xếp lại bến neo đậu thuyền, bè, mủng khai thác hải sản của ngư dân, đã làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị du lịch, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, cải thiện hình ảnh khu du lịch, hướng tới mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành một trong những bãi biển đẹp nhất trong cả nước. Việc Sầm Sơn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 ban hành Nghị quyết mở rộng và công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh, đô thị loại III, vào năm 2017, chính là sự ghi nhận và phần thưởng xứng đáng dành cho những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố.

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể Đại hội!

Năm năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu rất cao của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Sầm Sơn đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, huy động khá tốt các nguồn lực, khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Trong 30 chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 đã quyết nghị, có 27 chỉ tiêu nhiệm kỳ hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu đại hội. Nổi bật là:

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm ước đạt 17,8%, vượt mục tiêu Đại hội và cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của các huyện, thị xã. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt gần 58 triệu đồng, gấp 1,6 lần năm 2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Ngành dịch vụ, thương mại phát triển; tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 17,4%. Kinh tế du lịch giữ vững vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần xây dựng và phát triển Sầm Sơn thành một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của cả nước. Trong điều kiện khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, nhưng Sầm Sơn đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa khống chế thành công dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Ngay sau khi hết giãn cách xã hội, thành phố đã tổ chức thành công Lễ hội Carnival đường phố năm 2020 nhằm kích cầu du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp với đông đảo du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng trưởng cao; tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 26,7%, giá trị sản xuất gấp 4,89 lần giai đoạn trước. Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá; giá trị sản xuất tăng gấp hơn 2 lần giai đoạn trước. Sản xuất thủy sản phát triển cả khai thác, nuôi trồng và dịch vụ hậu cần. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư. Trong nhiệm kỳ, nhiều dự án, công trình quy mô lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhất là Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn giai đoạn 2, Khu đô thị sinh thái dọc hai bờ Sông Đơ giai đoạn 2, đường Hồ Xuân Hương và không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương,... đã làm thay đổi diện mạo đô thị du lịch và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá - xã hội cũng có chuyển biến tiến bộ; hình thành văn hóa giao tiếp, ứng xử chuyên nghiệp, xây dựng hình ảnh tốt đẹp về du lịch Sầm Sơn với bạn bè trong và ngoài nước. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống Nhân dân được cải thiện; trong 5 năm, đã giải quyết được việc làm cho trên 9.100 lao động, xuất khẩu lao động gần 1.100 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 75%, tăng 23% so với năm 2015. Thành phố đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và du khách; phòng, chống kịp thời, không để dịch COVID-19 lây lan vào địa bàn.

Quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tình hình an ninh cơ sở ổn định; công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm chỉ đạo.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền; vai trò hoạt động của MTTQ và các đoàn thể được nâng lên.

Những thành tích, kết quả thành phố Sầm Sơn đạt được trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào thành công chung của tỉnh, là tiền đề để thành phố phát triển. Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Sầm Sơn đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể đại hội!

Phấn khởi trước những thành tích đã đạt được; song, so với tiềm năng, thế mạnh và mục tiêu, yêu cầu đề ra, Sầm Sơn vẫn còn những hạn chế, yếu kém: Vẫn còn 03 chỉ tiêu không đạt mục tiêu Đại hội, đó là: Thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chí kiểu mẫu và phát triển đảng viên. Kinh tế phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của Thành phố và kỳ vọng của tỉnh; chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách, hoạt động còn mang tính mùa vụ. Việc nghiên cứu, tìm giải pháp để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Sầm Sơn chuyển biến chưa mạnh, nhất là những thời cơ, vận hội mới mà tỉnh tạo ra cho Thành phố. Việc quy hoạch, triển khai xây dựng cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề chưa được quan tâm đúng mức; chưa tạo được những sản phẩm mang thương hiệu nhằm thu hút du khách đến với Sầm Sơn. Công tác quản lý nhà nước về đô thị còn nhiều bất cập; vấn đề quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng còn hạn chế. Việc giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị trong các khu dân cư và phục vụ du lịch chưa thật tốt. Văn hoá giao tiếp, ứng xử trong du lịch chuyển biến chậm. Công tác giải quyết việc làm cho người dân chưa đáp ứng yêu cầu; đời sống của một bộ phận Nhân dân còn khó khăn, nhất là những ngư dân đánh bắt hải sản nhỏ gần bờ, người bị ảnh hưởng của các dự án đầu tư trên địa bàn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi, có thời điểm còn diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới; hoạt động của các đoàn thể ở cơ sở chưa thật sự đổi mới, tính hình thức, hành chính trong vận động quần chúng chưa được khắc phục...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém nêu trên là do tư duy, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một bộ phận cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở chưa đổi mới theo kịp với sự phát triển nhanh chóng, có mặt đột phá của Thành phố; năng lực quản lý, điều hành của một bộ phận cán bộ, công chức lãnh đạo còn hạn chế; tính tiền phong, gương mẫu, sáng tạo, quyết liệt, trách nhiệm chưa cao. Những hạn chế, yếu kém nêu trên đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện kế hoạch nhiệm kỳ và sự phát triển của Thành phố.

Tại Đại hội lần này, tôi đề nghị các đồng chí đại biểu đề cao ý thức trách nhiệm, thảo luận, phân tích kỹ càng, làm rõ thêm những hạn chế, yếu kém, tìm ra nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra những giải pháp rốt ráo, khả thi để sớm khắc phục những hạn chế nêu trên, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội sẽ quyết nghị.

Thưa các đồng chí! Thưa toàn thể đại hội!

Chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Qua gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, đất nước ta đã đạt được những thành tích thật đáng tự hào. Đối với tỉnh ta, có thể khẳng định rằng, tỉnh Thanh Hóa chưa bao giờ có được tiềm lực và vị thế như ngày nay. Đặc biệt, ngày 17/7/2020 vừa qua, Bộ Chính trị đã chính thức thông qua Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và lần đầu tiên đồng ý ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, mở đường cho tỉnh Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Bên cạnh những thời cơ, vận hội mới và đà phát triển mạnh mẽ của đất nước, của tỉnh mang lại; những năm qua, Sầm Sơn luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư lớn đầu tư vào địa bàn, làm thay đổi căn bản diện mạo của Thành phố theo hướng hiện đại, văn minh, thân thiện. Mặt khác, đây cũng là vùng đất “Sơn kỳ, thủy tú”, có “biển xanh, mây trắng, nắng vàng”, có nhiều di tích lịch sử, danh kỳ, thắng tích, quê hương của nhiều lễ hội văn hóa. Việc mở rộng không gian phát triển của Thành phố từ 5 phường, xã lên 11 phường, xã như hiện nay; cùng với việc trong thời gian tới sẽ triển khai nhiều dự án lớn, có tính chất động lực đối với sự phát triển của thành phố và của tỉnh, như: Dự án đường bộ ven biển, Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội và Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn giai đoạn 1... sẽ là điều kiện rất quan trọng để Sầm Sơn tiếp tục bứt phá đi lên.

Tuy nhiên, Sầm Sơn cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực, tình hình Biển Đông; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động du lịch. Hơn thế nữa, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút khách giữa các đô thị du lịch lớn trong cả nước và các nước ngày càng gia tăng, đòi hỏi Sầm Sơn phải không ngừng vươn lên mạnh mẽ hơn nữa để không bị bỏ lại phía sau.

Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã đề cập khá toàn diện những vấn đề thuộc phương hướng, mục tiêu và những giải pháp đối với nhiệm vụ phát triển Thành phố trong giai đoạn tới. Tại Đại hội này, tôi xin gợi mở thêm một số định hướng lớn, cơ bản để các đồng chí thảo luận, từ đó quyết nghị phương hướng, mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ tới.

Thứ nhất, trong định hướng phát triển chung không gian phát triển của tỉnh về 04 trung tâm kinh tế động lực, 05 trụ cột tăng trưởng, 06 hành lang kinh tế, Sầm Sơn giữ vai trò, vị trí rất quan trọng. Thành phố cần định vị lại vị trí phát triển của mình, cùng với thành phố Thanh Hóa, trở thành trung tâm kinh tế động lực phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, du lịch biển, du lịch văn hóa; phát triển công nghiệp sạch, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, thành phố cũng có vai trò rất quan trọng trong hành lang kinh tế ven biển, kết nối Thanh Hóa với các tỉnh phía Bắc và tỉnh Nghệ An, thông qua tuyến đường bộ ven biển; hành lang kinh tế trung tâm, kết nối với thành phố Thanh Hóa, các huyện, thị trong tỉnh…, góp phần xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Để trở thành đô thị du lịch thông minh, hấp dẫn, thân thiện và đạt tiêu chí đô thị loại II; trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực trong tương lai; Sầm Sơn cần phải có một quy hoạch tốt. Thành phố cần có tư duy mới, đột phá trong việc thực hiện công tác quy hoạch, đảm bảo khoa học, bài bản, có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng yêu cầu đô thị loại II, có tiêu chí phải đảm bảo yêu cầu của đô thị loại I, nhất là về đất đai, các công trình kiến trúc xây dựng, quy hoạch không gian và các tiêu chí để Sầm Sơn phát triển thành đô thị du lịch 4 mùa trong năm; đồng thời kết nối hài hòa với tổng thể phát triển chung của tỉnh, với thành phố Thanh Hóa và các địa phương trong vùng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước.

Thứ hai, tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, phát huy tối đa năng lực sản xuất của các ngành, lĩnh vực và các thành phần kinh tế. Trước mắt, cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có trên địa bàn để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục quan tâm phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo hướng hỗ trợ, cung cấp phục vụ trực tiếp cho hoạt động du lịch; phát triển các ngành hậu cần phục vụ kinh tế biển; tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp có sản phẩm chất lượng tốt phục vụ du lịch và đảm bảo môi trường. Tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đối với các xã ngoại thành, để ngay sau Đại hội Đảng bộ Thành phố phải trình cấp có thẩm quyền công nhận thành phố hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.

Thứ ba, phát huy tối đa thế mạnh dựa vào biển, bám biển và làm giàu từ biển, để phát triển đô thị du lịch biển Sầm Sơn xứng tầm. Thành phố cần triển khai thực hiện có hiệu quả 03 chương trình trọng tâm, 03 khâu đột phá, trọng tâm là Chương trình phát triển du lich, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của dịch vụ du lịch, xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn văn minh, thân thiện.

Du lịch là con gà đẻ trứng vàng, câu nói quen thuộc này rất đúng nhưng cần lưu ý thêm rằng, để ra được trứng vàng từ thiên nhiên và lịch sử ban cho, chúng ta cần đầu tư rất nhiều về tư duy, tầm nhìn, nguồn lực và cách làm. Sầm Sơn chúng ta có đủ tiền đề, điều kiện khách quan để có nhiều thành quả to lớn hơn nữa từ ngành kinh tế du lịch ! Vấn đề còn là chỉ là ở đội ngũ chúng ta. Muốn vậy, Sầm Sơn phải tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo bản sắc riêng, tính chuyên nghiệp và phong cách ứng xử văn hoá, văn minh trong du lịch, không chạy theo cái lợi trước mắt mà đánh mất lâu dài, để mỗi du khách khi chia tay Sầm Sơn đều muốn sớm quay trở lại. Bên cạnh đó, để du lịch phát triển bền vững, cần phải hài hoà giữa phát triển kinh tế du lịch với bảo tồn thiên nhiên; không đánh đổi tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch bằng mọi giá.

Thứ tư, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà đại hội sẽ quyết nghị, Thành phố cần có nguồn lực đầu tư rất lớn và phải sử dụng thực sự có hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Ngoài nguồn lực đầu tư của tỉnh, thành phố cần tăng cường đấu mối với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế; có giải pháp để huy động nguồn lực từ những doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh, nhất là nguồn lực tại chỗ của Nhân dân và từ lợi thế của vị trí địa lý, từ khai thác quỹ đất để có nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, khắc phục tình trạng du lịch thời vụ, một mùa. Đồng thời, chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, để từng bước xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị thông minh.

Thứ năm, song song với phát triển kinh tế, thành phố phải nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hoá - xã hội. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, những người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp khi thực hiện các dự án cho phát triển. Chú trọng bảo vệ nguồn lợi, môi trường biển, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; bảo vệ an toàn, an ninh chủ quyền biển đảo; xây dựng môi trường chính trị và xã hội lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của tỉnh. Chủ động giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự ngay tại địa bàn dân cư.

Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ nêu trên, Đảng bộ cần quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII có được tổ chức thực hiện thắng lợi hay không? Thành phố Sầm Sơn có trở thành đô thị du lịch thông minh, hấp dẫn, thân thiện và đạt tiêu chí đô thị loại II hay không? là trách nhiệm của toàn Đảng bộ Thành phố, mà trực tiếp là Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, của Thường trực Thành ủy.

Trước hết, phải giữ cho được và nâng cao sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; “phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” như Bác Hồ đã căn dặn. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực sự dân chủ, biết lắng nghe, có cách ứng xử tinh tế, hợp lý và nhân văn để giữ cho được sự đoàn kết, nhất trí cao trong tập thể lãnh đạo, trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Nếu giữ vững được sự đoàn kết, thống nhất, chúng ta sẽ nâng cao được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng; chung sức đồng lòng cùng nhau giải quyết được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, làm được những việc lớn, việc khó trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố.

Muốn vậy, Đảng bộ cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng Đảng; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khóa XII và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh; có trình độ chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn tốt, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có phương pháp làm việc khoa học; có khả năng quy tụ, biết huy động tối đa và sử dụng hiệu quả sức mạnh tổng hợp của mọi cán bộ; toàn tâm, toàn ý và dành tối đa thời gian cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, vì sự phát triển đi lên của Thành phố.

Cùng với đó, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là ở chính quyền các cấp; đổi mới tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức đi đôi với xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, việc thực hiện nhiệm vụ của UBND các cấp; thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức của từng cơ quan, đơn vị, nhất là trong hệ thống chính quyền các cấp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, không đáp ứng được yêu cầu công việc, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, mở rộng dân chủ và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Thưa toàn thể Đại hội!

Cùng với nhiệm vụ đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Đại hội có nhiệm vụ hết sức quan trọng là bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa mới. Tôi đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, nắm vững các tiêu chuẩn cấp ủy viên theo quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy và các quy định về bầu cử trong Đảng, lấy tiêu chuẩn là chính kết hợp với cơ cấu hợp lý, chú ý quan tâm tới cơ cấu cấp ủy viên là nữ, cán bộ trẻ, cán bộ ở cơ sở, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy trên các lĩnh vực, bằng lá phiếu của mình, sáng suốt lựa chọn bầu ra những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc, có uy tín, trách nhiệm cao, đủ phẩm chất, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tham gia vào Ban Chấp hành khóa mới; đồng thời lựa chọn những đồng chí xứng đáng, đủ tiêu chuẩn để bầu vào Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và những thành tích đạt được trong những năm qua, với tiềm năng, thế mạnh của mình và nhiệt huyết vươn lên của thành phố trẻ, tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ và nhân dân thành phố Sầm Sơn sẽ khắc phục mọi khó khăn, chung sức, đồng lòng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu sớm đạt được mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch thông minh, hấp dẫn, thân thiện, trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực.

Với niềm tin tưởng sâu sắc đó, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi chúc các đồng chí đại biểu khách quý, cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố Sầm Sơn sức khỏe, hạnh phúc, quyết tâm giành được nhiều thành tựu to lớn trên bước đường phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh!

Xin trân trọng cảm ơn!



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]