(Baothanhhoa.vn) - Du lịch là ngành kinh tế chủ lực của Sầm Sơn, song đây cũng là ngành có thể chịu tổn thương do nhiều tác nhân khách quan và chủ quan, trong đó phải kể đến biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Đứng trước thách thức lớn này, Sầm Sơn đã và đang đề ra nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Du lịch là ngành kinh tế chủ lực của Sầm Sơn, song đây cũng là ngành có thể chịu tổn thương do nhiều tác nhân khách quan và chủ quan, trong đó phải kể đến biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Đứng trước thách thức lớn này, Sầm Sơn đã và đang đề ra nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Thích ứng với biến đổi khí hậuĐoàn viên, thanh niên TP Sầm Sơn là một trong những lực lượng xung kích tham gia bảo vệ môi trường.

Cùng với sự thay đổi liên tục, khó lường và theo hướng ngày càng cực đoan của thời tiết, khí hậu những năm gần đây, nhiệt độ trên địa bàn TP Sầm Sơn cũng tăng cao và thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Nhiệt độ tăng cao đã gây ra hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất trên diện rộng và gây nguy cơ cháy rừng cao. Trong các năm từ 2015 đến 2019, thành phố liên tục hứng chịu các cơn bão và áp thấp nhiệt đới lớn, gây ngập lụt và thiệt hại cho cây trồng (ví như cơn bão số 10, tháng 9-2017; áp thấp nhiệt đới tháng 10-2017; cơn bão số 3-2019). Chưa hết, hiện tượng nước biển dâng cũng đã và đang gây ngập lụt làm mất đất trong sản xuất nông nghiệp; mặt khác làm gia tăng diện tích đất nhiễm mặn, gây ảnh hưởng tiêu cực và làm giảm năng suất, chất lượng các loại cây trồng. Ngoài ra, do nằm trong lưu vực sông Mã có dòng chảy lớn, nên vào mùa mưa lũ, nguy cơ sạt lở đất 2 bên bờ sông là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Các hoạt động sản xuất và tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng, nhất là trong sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, phát triển đô thị... đã và đang làm tăng lượng phát thải khí nhà kính, cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.

Biến đổi khí hậu đã và đang tác động tới tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội và tài nguyên - môi trường trên địa bàn thành phố. Do đó, tăng cường công tác quản lý tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền TP Sầm Sơn chú trọng. Những năm qua, thành phố đã tập trung thực hiện hiệu quả quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất hằng năm; xây dựng dữ liệu quản lý đất đai. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường. Quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước, nhất là sông Mã, sông Đơ và hệ thống nước ngầm. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác thải và nghĩa trang Nhân dân tại xã Quảng Minh, xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại phường Quảng Châu. Chú trọng bảo vệ nguồn lợi môi trường biển, gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai thực hiện các dự án kè chống sạt lở bờ biển, kiên quyết không chấp nhận các dự án gây ô nhiễm môi trường biển...

Đặc biệt, xác định rõ các thách thức do biến đổi khí hậu đối với quá trình phát triển các ngành, lĩnh vực của địa phương những năm tới, UBND TP Sầm Sơn đã xây dựng và ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của TP Sầm Sơn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Kế hoạch hành động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trên từng lĩnh vực, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, tránh và giảm thiểu những hiểm họa do biến đổi khí hậu gây ra, góp phần bảo đảm cuộc sống của người dân và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Trọng tâm phải kể đến nhóm giải pháp về quản lý Nhà nước và chính sách, như tăng cường năng lực về tổ chức, quản lý vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; rà soát, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật và chính sách liên quan đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về biến đổi khí hậu và thích nghi với biến đổi khí hậu cho người dân... Ngoài ra, có các nhóm giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực như nông nghiệp; công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, năng lượng; du lịch, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại; tài nguyên và môi trường... nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, kế hoạch hành động cũng đánh giá hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường của các giải pháp đã và đang được áp dụng. Chẳng hạn về kinh tế, các ngành, địa phương và cộng đồng dân cư chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn chế thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra; đồng thời, có cơ hội nâng cao được trình độ công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế những tác động xấu đến sức khỏe, lây lan bệnh tật, từ đó sẽ giảm chi phí cho công tác phòng và chữa trị bệnh tật; tiết kiệm đáng kể chi phí khắc phục hậu quả các tác động của biến đổi khí hậu đến các công trình kiến trúc, văn hóa, cuộc sống của người dân và các giá trị khác của thành phố...

Cùng với đó, hiệu quả về xã hội mà các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại phải kể đến như góp phần nâng cao chất lượng sống, an ninh và an toàn cho người dân; công bằng xã hội được nâng cao do có chính sách ưu tiên đầu tư cho các vùng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu và các chương trình dành cho các nhóm đối tượng ưu tiên như người nghèo, phụ nữ, trẻ em; an ninh xã hội cho các cộng đồng được bảo đảm; xây dựng nếp sống văn minh, có ý thức sẵn sàng ứng phó, tương thân, tương ái, hợp tác phòng ngừa, khắc phục khó khăn và hậu quả của biến đổi khí hậu... Đặc biệt, hiệu quả về môi trường là điều dễ nhận thấy khi thực hiện các giải pháp sẽ góp phần cùng cộng đồng trong thành phố bảo vệ môi trường, giảm nhẹ các tác hại do biến đổi khí hậu gây ra; đồng thời, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước mặt và nước ngầm, sản xuất nông nghiệp an toàn và sản xuất công nghiệp sạch hơn, giảm khả năng lây lan bệnh tật và ô nhiễm sau thiên tai...

Nhận thức đúng hệ quả từ sự tác động của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, từ đó có các giải pháp phù hợp và triển khai thực hiện dựa trên các nguồn lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó là điều TP Sầm Sơn đang triển khai thực hiện. Trong đó, thành phố xác định rõ các nguồn lực chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, đầu tiên và trước hết phải là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Cùng với đó là huy động mọi nguồn lực về tài chính, cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, các dự án triển khai thích ứng với biến đổi khí hậu... Có như vậy, việc ứng phó với biến đổi khí hậu mới trở nên chủ động, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả.

Bài và ảnh: Trường Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]