Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế
Không chỉ là nơi kết nối, giúp đỡ những thanh niên có ý chí và khát vọng lập thân, lập nghiệp vươn lên làm giàu, các câu lạc bộ (CLB) thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Như Thanh còn góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó lan tỏa, định hướng lối sống đẹp, cống hiến cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN).
Huyện đoàn Như Thanh luôn quan tâm đến với cơ sở để cùng đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp.
Ðồng hành cùng vượt khó
Sau khi tốt nghiệp Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2019, chàng trai trẻ người dân tộc Thái Đới Văn Tuấn (SN 1996) ở xã Xuân Khang trải qua nhiều công việc khác nhau tại Hà Nội trước khi quyết định “bỏ phố về rừng” vào năm 2023 với mong muốn lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, Tuấn cũng chưa có định hướng rõ ràng về công việc, lại thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tế, thiếu nguồn vốn khởi nghiệp... Thế nhưng, Tuấn không “cô đơn” trên hành trình khởi nghiệp mà có sự động viên của gia đình, chính quyền và tổ chức đoàn ở địa phương.
“Khi quyết tâm khởi nghiệp, tôi quyết định tham gia CLB thanh niên phát triển kinh tế của xã Xuân Khang. Vào đây tôi được giúp kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) hỗ trợ vay từ nguồn vốn khởi nghiệp 100 triệu đồng để xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm gắn với địa điểm hang Ngọc nằm trên địa bàn thôn Xuân Tiến. Bên cạnh đó, CLB giúp tôi có thêm nhiều kiến thức trong phát triển kinh tế, được học tập những cách làm sáng tạo của các mô hình khác và đặc biệt là giúp tôi tự tin, nuôi dưỡng những dự định lớn hơn trong tương lai", Tuấn chia sẻ.
Dù mới thành lập mô hình từ tháng 4/2024, nhưng đến nay mô hình du lịch trải nghiệm của Đới Văn Tuấn đã có những thành công bước đầu, giúp người dân, du khách trải nghiệm các dịch vụ như: Tham quan hang Ngọc, tổ chức sự kiện, phục vụ các hoạt động ăn uống, vui chơi ngoài trời... Mô hình mang lại doanh thu khoảng 30 triệu đồng/tháng, đồng thời giải quyết việc làm cho 3 lao động địa phương.
Phó Bí thư phụ trách Đoàn xã Xuân Khang Lê Kim Duẩn, cho biết: “Với 10 thành viên tham gia, thời gian qua CLB thanh niên phát triển kinh tế của xã đã có nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần tích cực XDNTM ở địa phương. CLB cũng tạo niềm tin, giúp đoàn cơ sở thu hút, tập hợp ĐVTN tham gia sinh hoạt Đoàn, “giữ lửa” phong trào tại địa phương”.
Học hết THCS, Vũ Đình Thắng ở xã Mậu Lâm đi làm công nhân, lái taxi để mưu sinh. Công việc vất vả nhưng thu nhập không đủ để chi phí cho cuộc sống khiến anh quyết tâm xây dựng mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng rừng để tăng thêm thu nhập. Bằng sự quyết tâm, chịu khó của bản thân cùng với sự giúp đỡ của các thành viên trong CLB thanh niên phát triển kinh tế xã Mậu Lâm, đến nay mô hình của anh có 300 con gà, 30 con dê, 50 con lợn thương phẩm kết hợp trồng rừng, cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng. Anh hiện là một trong 12 thành viên của CLB thanh niên phát triển kinh tế của xã Mậu Lâm.
Thành lập từ năm 2018, CLB hiện nay bao gồm các thanh niên từ 20 đến 38 tuổi đang phát triển các mô hình đa dạng trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ... Nét nổi bật là CLB đã kết nối với các tổ chức tín dụng để tiếp cận cho hội viên vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triền kinh tế. CLB cũng vận động mỗi hội viên đóng góp tiền vào quỹ chung để các thành viên vay khi cần. Bên cạnh đó các thành viên CLB được tham gia các lớp tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh, tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế giỏi trong và ngoài huyện; giúp đỡ nhau trong đời sống và đồng hành trong công việc như tạo nguồn quỹ tương thân, tương ái thăm hỏi nhau khi ốm đau, hỗ trợ làm không công cho các thành viên khi có việc cần tăng người lao động...
Tiếp sức, đồng hành cùng thanh niên
Đưa chúng tôi đi thăm một số CLB thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Như Thanh, Bí thư Huyện đoàn Trần Tiến Hưng phấn khởi cho biết: “Huyện đoàn đã thành lập được 14 CLB, với hơn 190 hội viên là thanh niên phát triển kinh tế. Các mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ mỗi năm cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Từ thành công này đã có sức lan tỏa, tác động đến phong trào thanh niên thi đua làm giàu, phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; hạn chế được tình trạng thanh niên rời quê đi làm ăn xa, góp phần phát triển kinh tế đối với bản thân, gia đình và xã hội”.
Cũng theo Bí thư Huyện đoàn Như Thanh, các cấp bộ đoàn trong huyện luôn định hướng cho tuổi trẻ về nghề nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp qua việc khuyến khích ĐVTN mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là thực hiện Đề án “Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp”. Trong 8 tháng năm 2024 Huyện đoàn phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tiến hành thẩm định và trao vốn ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cho 21 ĐVTN có mô hình phát triển kinh tế với số tiền gần 2 tỷ đồng. Đến nay, tổng số vốn do Đoàn quản lý là hơn 108 tỷ đồng.
Thời gian tới, Huyện đoàn Như Thanh sẽ tiếp tục tham mưu các chính sách, hỗ trợ các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp; kết nối giữa thanh niên có ý tưởng, mô hình khởi nghiệp với doanh nghiệp, doanh nhân và cơ quan quản lý Nhà nước. Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đầu ra sản phẩm của các mô hình thanh niên phát triển kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ cho thanh niên phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả cao; tổ chức cho ĐVTN tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng số, hướng dẫn thanh niên địa phương quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nông sản trên nền tảng mạng xã hội...
Bài và ảnh: Anh Tuân
{name} - {time}
-
2025-01-15 16:36:00
BMS Vina tham quan Đà Nẵng và Dentium cùng DANAGO
-
2025-01-15 16:22:00
Khẩn trương thi công tu bổ xung yếu hệ thống đê điều Thanh Hóa
-
2024-09-08 07:00:00
Bản tin Tài chính ngày 8/9: Vàng giảm mạnh, rời khỏi mức cao kỷ lục
TP Sầm Sơn thu ngân sách nhà nước vượt 162% dự toán
Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm chống khai thác IUU
Công ty Điện lực Thanh Hóa ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng xử lý các sự cố về điện do bão số 3
Những cánh đồng lúa - cá trên vùng đất chiêm trũng
Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững
Vận hành 7 trạm bơm tiêu úng chủ động để bảo vệ sản xuất nông nghiệp
Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành
Hậu Lộc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông
Người dân chủ động gia cố, bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản trước ảnh hưởng của bão số 3