Tăng trưởng ấn tượng, tạo đà cán đích các mục tiêu phát triển năm 2024 (Bài 1): Nhiều dấu mốc mới
Quá trình thực hiện nhiệm vụ 2 quý đầu của năm 2024 vừa khép lại, Thanh Hóa ghi nhận những thành công trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Những dấu mốc mới chưa từng có được xác lập, góp phần quan trọng cho phát triển toàn diện của tỉnh, đồng thời tạo nền tảng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân cán đích các mục tiêu phát triển năm 2024 và cả nhiệm kỳ.
Diện mạo mới của biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) tạo tiền đề thu hút du khách và phát triển du lịch biển của tỉnh Thanh Hóa.
Điểm nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa nửa đầu năm 2024 chính là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11,5%, đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau các tỉnh Bắc Giang và Khánh Hòa. Phải thừa nhận rằng, trong quá trình thực hiện các giải pháp phát triển, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn trở ngại. Từ sự cạnh tranh chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, xu hướng liên kết mới trên thế giới, chiến tranh thương mại và xung đột vũ trang... đều dẫn đến kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế chung. Ở trong nước và trong tỉnh, kinh tế vẫn còn ảnh hưởng sau dịch COVID-19, mới đang trong quá trình phục hồi, thị trường xuất khẩu nhiều hàng hóa gặp khó...
Khắc phục những thách thức ấy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành đã bám sát thực tiễn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực ngay từ đầu năm. Còn nhớ hàng chục chuyến công tác kiểm tra và làm việc của các đồng chí lãnh đạo tỉnh với các địa phương và các ngành, đơn vị để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, cho đến những hội nghị triển khai hàng loạt giải pháp với tinh thần “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển”. Từ đó, tạo được sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.
Tốc độ tăng trưởng GRDP cao cũng nói lên sự tăng trưởng và phát triển của tổng hòa nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế. Bởi 6 tháng qua, riêng lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã vượt khó để cán tốc độ tăng trưởng tới 21,1%. Thời gian này, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh như giày thể thao, quần áo may sẵn, sắt thép các loại, điện sản xuất, điện thương phẩm, xăng động cơ, dầu nhiên liệu... đều có tốc độ tăng trưởng gấp hàng chục % so cùng kỳ.
Ấn tượng nhất trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa 6 tháng đầu năm phải kể đến kết quả thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt ngưỡng kỷ lục với 29.670 tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán cả năm. Thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, đây chính là con số thu ngân sách cao nhất trong 2 quý đầu của một năm, tính từ trước đến nay. Trong tương quan so sánh chung, kết quả 29.670 tỷ đồng cũng là mức thu cao nhất ở khu vực Bắc Trung bộ, và nằm trong nhóm các tỉnh có số thu ngân sách cao nhất cả nước.
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện không mấy thuận lợi từ tình hình chung, nhưng công tác nuôi dưỡng nguồn thu cũng như sự cố gắng của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã đem lại kết quả ngoài mong đợi. Ngay từ đầu năm, tiến độ thu NSNN đã được tỉnh theo dõi và đánh giá chặt chẽ. Các ngành và đơn vị liên quan được giao rà soát xác định những nguồn thu còn tiềm năng, các sắc thuế còn dư địa để đề xuất tỉnh có các giải pháp thu hiệu quả, thích hợp. Đây cũng là thời điểm mà chính sách tài khóa được thực hiện linh hoạt, tỉnh cũng có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh để ngân sách có thêm nguồn thu.
Trong kết quả chung ấy, thu nội địa đạt mức rất cao với 16.673 tỷ đồng, bằng 75,7% dự toán, tăng 36,9% cùng kỳ. Một số khoản thu có tỷ trọng lớn và đạt cao so với dự toán như: thu tiền sử dụng đất đạt 5.786 tỷ đồng, bằng 76,1% dự toán, tăng 65,7%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.478 tỷ đồng, bằng 93% dự toán, tăng 23%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 1.961 tỷ đồng, bằng 72,6% dự toán, tăng 14,5%... Cùng với đó, nguồn thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu cũng góp phần quan trọng vào kết quả thu NSNN nói chung với mức 10.675 tỷ đồng, bằng 78,8% dự toán, tăng 19,7% cùng kỳ. Trong đó, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn có 21 chuyến tàu dầu thô nhập về Nghi Sơn, nộp thuế nhập khẩu vào ngân sách tới 8.796 tỷ đồng.
Những ngày đầu tháng 7 này, các đơn vị liên quan của tỉnh đang chuẩn bị cho sự kiện đón chuyến tàu dầu thứ 22 cập Cảng Nghi Sơn. Cùng với đó, những giải pháp vĩ mô của tỉnh đã được triển khai, đem theo nhiều kỳ vọng cho thu thuế NSNN của tỉnh những tháng cuối năm.
Hàng hóa xuất, nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn đem lại nguồn thu thuế lớn cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa trong 6 tháng đầu năm 2024.
Trong lĩnh vực du lịch nửa đầu năm 2024, Thanh Hóa đón lượng khách với dấu mốc gần 7,8 triệu lượt khách, bằng gần 71% kế hoạch mà ngành du lịch đề ra cho cả năm. Sự “bùng nổ” ấy đã đưa lượng du khách đến với xứ Thanh vượt Đà Nẵng, vươn lên cao nhất ở khu vực miền Trung. Đó là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có sự kiện khánh thành và đưa vào sử dụng quần thể du lịch Flamingo Ibiza Hải Tiến, sự lớn mạnh của nhiều khu, điểm du lịch trong tỉnh. Theo phân tích của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tại Phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 6 vừa qua, kết quả ấy còn do Thanh Hóa đã “thoát vỏ kén” du lịch cũ, thay đổi từ tư duy làm du lịch đến việc đa dạng hóa hạ tầng và loại hình du lịch. Gần 19.850 tỷ đồng doanh thu du lịch trong 6 tháng qua cũng là con số bất ngờ với chính những người làm công tác quản lý Nhà nước về du lịch xứ Thanh.
Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 này, sự kiện công viên nước Sun World Sầm Sơn được khai trương đã gây tiếng vang lớn trong hoạt động du lịch ở miền Bắc. Đó là kết quả của quá trình kêu gọi thu hút đầu tư của tỉnh, những nỗ lực xây dựng của Tập đoàn Sun Group và hành trình đồng hành của TP Sầm Sơn cũng như các sở, ngành trong tỉnh. Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng nhiều người tỉnh ngoài đã tìm đến quần thể vui chơi này, bước đầu cho thấy những tín hiệu vui trong thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Sầm Sơn. Chị Bùi Thị Thủy, đến từ TP Nam Định, chia sẻ: “Tôi biết được thông tin công viên nước lớn nhất miền Bắc ở Sầm Sơn đi vào hoạt động qua các kênh thông tin báo chí. Nhân dịp các cháu còn nghỉ hè nên tôi cho cả gia đình vào trải nghiệm ngay. Chi phí ăn ở tại Sầm Sơn cũng vừa phải, dịch vụ phong phú. Tôi tin nơi đây sẽ là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách ở phía Bắc”.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển, nửa năm qua, Thanh Hóa còn gặt hái những thành công ở nhiều lĩnh vực khác. Ngành nông nghiệp ghi nhận năng suất lúa vụ chiêm xuân đạt 67,5 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Cùng thời gian, tỉnh cũng thu hút thành công 12 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) và 47 dự án đầu tư trực tiếp trong nước. Từ công tác ngoại giao và kêu gọi đầu tư, tỉnh cũng tiếp nhận 18 chương trình, dự án, phi dự án, với tổng vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 9 triệu USD để đầu tư phát triển hạ tầng và kinh tế - xã hội. Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội, ngành giáo dục tỉnh nhà cũng ghi nhận thành tích dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thí sinh dự thi đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024 là 84/90 học sinh (chiếm 93%) và xếp thứ 4 toàn quốc về số lượng thí sinh đạt giải nhất. Cùng thời điểm, tỉnh cũng có 4 học sinh đoạt giải tại các kỳ thi Olympic.
Bài và ảnh: Lê Đồng
Bài 2: Công nghiệp liên tục chuyển động.
{name} - {time}
-
2024-12-11 20:12:00
Chú trọng khai thác thị trường xuất khẩu
-
2024-12-11 16:34:00
Từ chăn kiến đến doanh thu trăm triệu
-
2024-07-13 06:54:00
Bản tin Tài chính ngày 13/7: Vàng tiếp đà tăng mạnh
Nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính vi mô
Chỉ thị số 40-CT/TW - khẳng định vai trò “trụ đỡ” trong công cuộc giảm nghèo bền vững (Bài 1): Chính sách của Đảng - điểm tựa của dân
Chợ OCOP và ẩm thực xứ Thanh sẽ được tổ chức tại Quảng trường biển Sầm Sơn từ 21/7 đến 3/8
Bảo đảm thực hiện đúng tiến độ dự án hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1
Nhiệt điện Nghi Sơn hoàn thành chỉ tiêu 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024
Hội Nông dân tỉnh đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động
Bản tin Tài chính ngày 12/7: Giá vàng thế giới “phi mã”, trong nước vẫn ổn định
Kiểm soát lạm phát để thực hiện “mục tiêu kép”