Sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đối với học sinh miền Nam ở hậu phương miền Bắc
Sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Nhân dân miền Bắc với học sinh miền Nam là mang tầm chiến lược trong công cuộc chuẩn bị nguồn lực xây dựng miền Bắc và thống nhất nước nhà.
Bác Hồ đến thăm các em nhỏ tại Trại nhi đồng miền Nam trên đất Bắc. (Nguồn ảnh: VOV).
Sự quan tâm đó đã thể hiện thông qua chủ trương, đường lối bằng hàng loạt những nghị quyết, quyết định, chỉ thị, thông tư, thông tri, chương trình, kế hoạch, báo cáo, công văn của các cấp có thẩm quyền của Đảng, Chính phủ, các bộ, Ủy ban Thống nhất Trung ương, Phòng Giáo dục miền Nam thuộc Bộ Giáo dục.
I. Chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ về chuyển quân tập kết
Điều 2, Chương 1 của Hiệp định Giơnevơ quy định: Kỳ hạn cần thiết để thực hiện việc di chuyển hoàn toàn các lực lượng của hai bên về vùng tập hợp của họ ở hai bên giới tuyến quân sự tạm thời không được quá ba trăm (300) ngày, kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực (21/7/1954).
Ban Bí thư quyết định thành lập Ban đón tiếp Trung ương bao gồm 5 người do đồng chí Nguyễn Văn Tạo - Bộ trưởng Lao động làm Trưởng ban. Chỉ thị ũng nêu rõ: “Đồng chí Nguyễn Văn Tạo sẽ được quyền trực tiếp bộ và các địa phương để yêu cầu những sự giúp đỡ và ra những chỉ thị cần thiết”(1).
Khi đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ vào miền Nam để nắm tình hình chuyển quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “nhắc nhở các cấp, các ngành quân, dân, chính ở miền Nam thực hiện nghiêm túc và chuẩn bị chu đáo việc đưa thiếu nhi, học sinh miền Nam tập kết theo đúng tiêu chuẩn, chính sách, khẩn trương và bảo đảm an toàn”(2).
Công việc chuyển quân bắt đầu từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955. Phương tiện chuyển quân chủ yếu bằng đường thủy. Cán bộ, học sinh ở khu vực miền Trung và Nam Bộ đi tập kết bằng tàu của Liên Xô (Xtaprôpôn), và Ba Lan (Kilinsli). Tàu Liên Xô thường đón lực lượng tập kết tại cửa sông Ông Đốc - Cà Mau. Đến 16/ 5/ 1955 cuộc chuyển quân tập kết đã ra miền Bắc an toàn. Các điểm tập kết tại miền Nam là biển Ông Đốc - Cà Mau; Hàm Tân - Xuyên Mộc Bà Rịa - Vũng Tàu; Quy Nhơn - Bình Định; Đồng Tháp. Các điểm tập kết miền Bắc là Quý Cao (Thái Bình); Sầm Sơn (Thanh Hóa); Cửa Hội (Nghệ An). Cán bộ và học sinh miền Nam được đón về các tỉnh: Nghệ An, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Miền Bắc là cái nền, cái gốc của cuộc đấu tranh hòa bình giải phóng dân tộc, thực hiện thống nhất nước nhà. Cho nên mọi việc chúng ta phải làm ở miền Bắc đều nhằm tăng cường lực lượng của miền Bắc vì miền Nam”(3).
Trong “thư gửi các cháu và các cán bộ trường miền Nam” ngày 1/6/1955, Bác Hồ đã dạy: “Phải hiều rằng, không có công tác gì vẻ vang bằng việc chăm nom bồi dưỡng cho các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà”(4).
Ngày 31/8/1954, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị về việc đón tiếp bộ đội, thương binh, một số cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc. Chỉ thị nêu rõ "Số bộ đội, thương binh, cán bộ, nhân viên kỹ thuật, công nhân, một số gia đình cán bộ và số đồng bào định cư đưa từ miền Nam giới tuyến quân sự tạm thời ra miền Bắc ước độ khoảng 14 vạn... Việc tiếp đón, phân phối công tác, tìm nơi tạm ở, công ăn việc làm cho số người nói trên cần phải làm thật chu đáo và có kết quả thật tốt”(5). Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 5/9/1954 đã xác định “Chúng ta cần hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc trong hình thức đấu tranh mới”(6).
Và trên chuyến tàu tập kết áp chót ở sông Ông Đốc - Cà Mau, khi chia tay kẻ ở người đi, đồng chí Lê Duẩn nói với đồng chí Lê Đức Thọ: “Anh ra thưa với Bác Hồ là tất cả đồng bào, đồng chí trong này đều mong Bác sống lâu, mạnh khỏe. Cho tôi gởi lời thăm Bác, anh Trường Chinh và tất cả các anh em ngoài đó. Tình thế này thì dễ đến mười tám, hai mươi năm nữa anh em ta mới lại gặp nhau”. Lịch sử chứng minh lời dự báo của đồng chí Lê Duẩn bởi tính từ đầu năm 1955 đến ngày 30/4/1975 là hơn 20 năm(7).
II. Sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ, Nhân dân miền Bắc với học sinh miền Nam
1. Thanh Hóa - 70 năm sâu nặng nghĩa tình, là nơi đón tiếp đồng bào, chiến sĩ, học sinh miền Nam, là nơi xây dựng Khu lưu niệm Tượng đài “Con tàu tập kết 1954”
Ngày 6/9/1954, Bộ Giáo dục thành lập Ban Đón tiếp học sinh miền Nam tập kết tại hai điểm Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Cửa Hội (Nghệ An).
Bến Sầm Sơn xưa, nay là Cảng cá Lạch Hới, thuộc phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn. Cảng Cá Lạch Hới, hiện có chỗ đậu cho 450 đến 500 tàu, thuyền đánh cá các loại. Tại cảng Lạch Hới, UBND thành phố Sầm Sơn xây dựng một bức tường có gắn bảng ghi dòng chữ: “Nơi đây, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sầm Sơn từ ngày 15/10/1954 đến 1/5/1955 đã đón 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ tiền Nam tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam”.
Tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương như: Quảng Xương, Nga Sơn, Đông Sơn, Hoằng Hóa, Nông Cống, Thiệu Hóa, Yên Định, Thọ Xuân, Như Xuân, Cẩm Thủy, cung cấp hàng ngàn con trâu, bò, lợn; hàng vạn con gà, vịt, hàng chục ngàn bộ quần, áo, màn, chăn, áo ấm, hàng ngàn cây luồng, nứa, bương, gỗ để xây dựng nhà cửa, lán trại. Ngành Y tế đã xây dựng một trạm cấp cứu tại Sầm Sơn, 2 trạm y tế ở 2 xã Hoằng Quang và Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), xây bệnh xá ở xã Thiệu Đô để kiểm tra sức khỏe cho đồng bào và học sinh miền Nam. Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ty thương binh thành lập 12 trạm đón tiếp, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, chăn màn, quần áo và mượn nhà dân cho cán bộ, đồng bào và các cháu học sinh miền Nam ăn, ở, sinh hoạt.
Trong lúc Nhân dân Thanh Hóa, Nhân dân Sầm Sơn còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, học sinh, đồng bào miền Nam đã đươc đón tiếp chu đáo, thấm đượm tình cảm. Nhân dân Sầm Sơn đã lập hàng trăm lán trại, đặc biệt học sinh và người lớn tuổi được nhân dân đón đưa về nhà ở, mượn gạo nấu cơm cho người già, trẻ em ăn.
Tàu Thủy lớn của Liên Xô và Ba Lan không cập bến được, chính quyền Sầm Sơn đã huy động Nhân dân dùng các tàu thuyền đánh cá áp mạn, trung chuyển đưa cán bộ, đồng bào, học sinh vào bờ. Trên bờ, rất đông Nhân dân mang theo băng rôn, khẩu hiệu đứng đón cán bộ, đồng bào, học sinh. Người dìu, người cõng những người say sóng, trẻ em vào khu lán trên bờ kịp thời chăm sóc.
Đầu tiên là 500 học sinh cấp III trường Lê Khiết Khu V và số học sinh đang học ban tú tài của khu IV và Nam Bộ được gửi vào trường phổ thông cấp III Hà Nội. Một số học sinh lớn tuổi được phân về học tại các trường Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên), Chu Văn An (Hà Nội), Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), và Lam Sơn (Thanh Hóa)(8).
Năm học 1958-1959, hệ thống 28 trường học sinh miền Nam nội trú đã được thành lập, tại tỉnh Thanh Hóa có 3 trường cấp I (số 25, 26, 27).
Năm học 1974-1975, trong tổng số học sinh miền Nam là 7.820 em; thì tỉnh Thanh Hóa có trường số 16 (cấp III) gồm 811 em, đóng tại Bỉm Sơn (9).
Trong năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã thông qua quyết định thực hiện Công trình Khu du lịch Văn hóa tại thành phố Sầm Sơn. Trong các hạng mục của Khu du lịch văn hóa Sầm Sơn có Khu lưu niệm Tượng đài "Con tàu tập kết năm 1954” và điểm nhấn của tượng đài này chính là “Bảo tàng tập kết” được thiết kế trong lòng tượng đài.
“Bảo tàng tập kết năm 1954” sẽ trưng bày một cách hệ thống những tài liệu, hình ảnh, kỷ vật được các cá nhân, tổ chức lưu giữ từ năm 1954 đến năm 1975 nhằm giúp người tham quan hiểu rõ và cảm nhận đầy đủ nhất có thể về sự kiện tập kết, về cuộc chuyển quân chiến lược toàn diện lớn nhất trong lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX, về những giá trị nhân văn gắn liền với sự kiện tập kết - con người tập kết.
Sáng ngày 28/8/2022, tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ khởi công xây dựng khu lưu niệm tượng đài “Con tàu tập kết năm 1954”. Công trình này Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và Ban liên lạc học sinh miền Nam Trung ương dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 7 năm 2024 để kỷ niệm “Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình”. Học sinh miền Nam đã tổ chức thành công kỷ niệm 40, 50, 60, 65 năm sống trên đất Bắc. Năm 2024, Ban tổ chức dự kiến sẽ tổ chức kỷ niệm 70 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình tại Thủ đô Hà Nội.
2. Chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ về xây dựng các trường Học sinh miền Nam nội trú gần Thủ đô Hà Nội thuận tiện cho sự chỉ đạo của Bác Hồ và Chính phủ
Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương: Cần phải đào tạo và bồi dưỡng thế hệ cán bộ kế cận phục vụ cách mạng miền Nam nói riêng và cho cách mạng Việt Nam nói chung. Đào tạo học sinh miền Nam không những do yêu cầu trước mắt của cách mạng miền Nam mà còn là lợi ích lâu dài cho Tổ quốc, của dân tộc Việt Nam(10).
Theo kế hoạch, Ty Giáo dục Thanh Hóa chọn huyện Quảng Xương; Ty Giáo dục Nghệ An chọn huyện Diễn Châu, nơi có cơ sở Nhân dân tốt, có trường lớp để tổ chức cho học sinh học tập thời kỳ đầu.
Đến tháng 1/1955, tỉnh Nghệ An đã tổ chức được 5 trường, tỉnh Thanh Hóa tổ chức được 11 trường, tỉnh Thái Bình tổ chức được 6 trường(11).
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ đạo cho Bộ Giáo dục và các bộ, ngành có liên quan khẩn trương bắt tay vào việc xây dựng hệ thống các trường nội trú dành riêng cho các cháu nhi đồng và học sinh miền Nam trên địa bàn các tỉnh miền Bắc. Các trường dành riêng cho học sinh miền Nam phải gần Hà Nội để thuận tiện cho việc nuôi dưỡng và dạy dỗ các cháu được chu đáo hơn.
Ngày 18/5/1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng họp bàn về công tác giáo dục và đưa ra chủ trương thành lập các trường nội trú dành riêng cho con em cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết - gọi chung là trường học sinh miền Nam. Các trường này là loại trường nội trú đặc biệt, dành riêng cho học sinh miền Nam tập kết. Các địa phương như Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Yên, Thái Nguyên nằm trong diện tiến hành xây dựng(12).
Ngày 14/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết số 550-TTg về việc thành lập Ban quan hệ Bắc Nam do đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng ban(13).
Năm học 1956-1957, tại Hải Phòng có 7 trường học sinh miền Nam, gồm 4 trường nữ sinh (số 4, 6, 7, 13); và 3 trường nam sinh (số 19, 21, 24). Tất cả là cấp I và II. Tại Hà Đông có 6 trường học sinh miền Nam, gồm 2 trường nữ sinh (số 1, 9); 4 trường nam sinh (số 10, 11, 12, 16).
Năm học 1958-1959, hệ thống 28 trường học sinh miền Nam nội trú đã được thành lập ở các địa phương như sau: Hải Phòng 12 trường (8 trường cấp I: 2, 4, 9, 13, 14, 18, 19, 21); 2 trường cấp II (số 6, 24); 1 trường cấp I người Hoa (số 17); 1 trường bổ túc văn hóa (số 17). Hà Đông 11 trường: 7 trường cấp I (số 1, 3, 10, 12, 16, 22, 23,); 2 trường cấp II (số 7, 8); 2 trường bổ túc văn hóa (số 15, 20). Thanh Hóa có 3 trường cấp I (số 25, 26, 27). Hà Nội có 2 trường: 1 trường Mẫu giáo nhi đồng (số 11); 1 trường dân tộc miền Nam ở Gia Thụy (số 5).
Trong năm 1957, trường cấp III đầu tiên cho học sinh miền Nam được xây dựng ở Hải Phòng (trường 24) và bắt đầu khai giảng từ niên khóa 1958-1959 với 9 lớp 8, cho cả học sinh nam và nữ.
Cuối năm 1955, Bác Hồ chỉ thị cho Bộ Giáo dục đưa toàn bộ nữ sinh học sinh miền Nam về Hải Phòng, đồng thời điện cho đồng chí Đỗ Mười, Bí thư Thành ủy chọn những nhà đủ điều kiện nhất để làm lớp học(14).
Ngày 17/7/1965, Bộ Giáo dục ra Quyết định số 495/QĐ sát nhập trường học sinh miền Nam số 4, số 24 và số 26 ở Hà Đông, số 6, số 28 ở Hà Nam vào với nhau mang tên gọi chung là Trường Phổ thông cấp III Nam Đông Triều.
Ngày 21/10/1968, các trường học sinh miền Nam tổ chức học tập thư của Bác Hồ gửi cho ngành giáo dục. Ngày 29/9/1969, các trường học sinh miềnNam phát động đợt học tập chính trị: Học tập và làm theo Di chúc của Bác Hồ với khẩu hiệu: "Biến đau thương thành hành động”, “Vì Tổ quốc thân yêu, Vì miền Nam ruột thịt, học tập tốt, lao động tốt và công tác tốt”.
Tháng 5/1969, đồng chí Lê Duẩn thay mặt Trung ương Đảng điều chỉnh bổ sung và giao Ban Thống nhất 4 nhiệm vụ cơ bản, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu chính sách đối với học sinh miền Nam tập kết (15).
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Có thể nói, đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và Nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khổ ấy, nay đã mang lại kết quả rất to lớn cho đất nước”(16).
Thủ tướng Phan Văn Khải nói: "Tôi thiết tha mong rằng tất cả các bạn, các em, em trai, em gái học sinh miền Nam đã và sẽ không bao giờ quên tình cảm lớn lao của Bác Hổ đối với miền Nam, đặc biệt là đối với học sinh miền Nam; của Đảng và Nhà nước ta, của chính quyền các cấp, của Nhân dân miền Bắc đối với học sinh miền Nam chúng ta”(17).
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, trong bài phát biểu kỷ niệm 50 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc đã nói: “Trong hơn 20 năm, từ năm 1954 đến năm 1975, 28 trường học sinh miền Nam đã được thành lập và hơn 30.000 học sinh đã được học tập, rèn luyện và trưởng thành từ đây. Phần lớn học sinh các trường miền Nam đã được tiếp tục đi học tập tại các trường đại học, Trung cấp chuyên nghiệp ở miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa(18).
3.Bác Hồ thăm các trường HSMN
Sự quan tâm, chăm lo của Bác Hồ với học sinh miền Nam ở hậu phương miền Bắc là vô bờ bến, Người đã nhiều lần thăm các trường, đó là:
Năm 1956, Bác Hồ đến thăm trường học sinh miền Nam số 16 ở Chương Mỹ - Hà Đông.
Năm 1957, Bác Hồ đến thăm các trường học sinh miền Nam số 8, 14, 24 ở Hải Phòng.
Năm 1957, Bác Hồ trên đường đi dự lễ 40 năm Cách mạng tháng Mười ở Matxcơva đã ghé thăm trường học sinh miền Nam ở Khu học xá trung ương ở Nam Ninh - Trung Quốc.
Năm 1957, Bác Hồ đến thăm trại nhi đồng miền Nam nhân dịp Tết Nguyên đán. Bác Hồ tặng 300 đồng tiền nhuận bút của Bác viết báo và 3 thùng cá rô phi giống.
Năm 1960, Bác Hồ đến thăm trường học sinh miền Nam số 12 ở Hải Phòng.
Năm 1963, Bác Hồ thăm trường học sinh miền Nam số 4 ở Hải Phòng.
Năm 1964, Bác Hồ thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nơi có nhiều sinh viên là học sinh miền Nam được đào tạo làm thầy cô giáo cho cách mạng miền Nam...
Năm 1969, Bác Hồ gặp ông Nguyễn Phú Soại Phó trưởng đoàn và bà Nguyễn Khánh Phương ủy viên đoàn đại diện đặc biệt Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hà Nội dặn dò phải cùng với các ban, ngành, cơ quan, đoàn thể ở miền Bắc chăm sóc, nuôi dạy học sinh miền Nam chu đáo(19).
4. Phòng miền Nam
Tháng 2/1955, Bộ Giáo dục thành lập Phòng quản lý học sinh miền Nam (gọi tắt là Phòng miền Nam) để trực tiếp quản lý, chỉ đạo các trường học sinh miền Nam. Phòng quản lý học sinh miền Nam có nhiệm vụ:
a) Xây dựng và quản lý các quy chế, chế độ, chính sách đối với học sinh miền Nam (trong đó có hướng dẫn các địa phương thực hiện);
b) Quản lý học sinh miền Nam nội và ngoại trú về số lượng, danh sách, nghiên cứu kế hoạch điều chỉnh học sinh miền Nam hằng năm;
c) Theo dõi về tình hình nuôi dưỡng học sinh miền Nam ở các trường nội trú.
Ngày 31/11/1956, Bộ Giáo dục ra Nghị quyết số 1224-NQ đổi Phòng quản lý học sinh miền Nam thành Khu giáo dục học sinh miền Nam, gồm có 40 cán bộ công nhân viên. Giám đốc là đồng chí Lê Văn Cẩm, từ năm 1958 là đồng chí Nguyễn Duy Khâm, từ 1961 là đồng chí Lê Huyền, Phó Giám đốc là Nguyễn Anh và các ông Tài, Diệp, Đoàn Tánh.
Ngày 12/7/1964, Bộ Giáo dục ra Nghị định số 231-NĐ chuyển Khu Giáo dục học sinh miền Nam thành Phòng học sinh miền Nam (21).
5. Khu học xá Trung ương Nam Ninh Trung Quốc (1951-1958), Khu Quế Lâm từ 1966 đến 1975
Tại Khu học xá Trung ương Nam Ninh, Bác Hồ và Nhà nước Trung Quốc nhất trí làm nơi dạy học và đào tạo cán bộ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Từ 1951 đến 1955 ở Tam Hư, từ 1955 đến 1958 ở Nam Ninh. Tháng 7/1956, Phòng miền Nam đã chọn 1.950 học sinh miền Nam đưa sang Khu học xá Trung ương ở Nam Ninh Trung Quốc để học tập.
Năm 1966, trước sự bắn phá điên cuồng của đế quốc Mỹ, để đảm bảo an toàn tính mạng cho thầy cô giáo và học sinh, được sự nhất trí của Chính phủ Trung Quốc, Đảng và Bác Hồ đã quyết định gửi một bộ phận học sinh miền Nam sang Quế Lâm - Trung Quốc để học tập. Tại đây đã thành lập một số trường dành riêng cho học sinh miền Nam. Ngày 14/2/1967, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 34-TTg/Vg chuyển các trường Nhi đồng miền Nam, học sinh miền Nam, học sinh là người dân tộc miền Nam và Trường Nguyễn Văn Trỗi với tổng số 2.137 học sinh, cán bộ, giáo viên sang Trung Quốc để học tập (22).
Ngày 18/12/1966, Tại Quế Lâm - Trung Quốc đã thành lập một số trường dành riêng cho học sinh miền Nam. Ngày 11/2/1967, Bộ Giáo dục đã Quyết định số 68-PMN quy định về tiêu chuẩn và chế độ sinh hoạt phí đối với học sinh miền Nam học tập ở Quế Lâm - Trung Quốc.
Năm học 1966-1967, Khu giáo dục học sinh miền Nam trong nước có 7 trường: trường Thất Khê (Lạng Sơn), Trường Đông Triều (Quảng Ninh), Ký túc xá Tùng Thiện (Hà Tây), Ký túc xá Bến Tre (Vĩnh Phú), Ký túc xá Võ Thị Sáu (Vĩnh Phú), Ký túc xá Ninh Giang (Hải Hưng), Ký túc xá Thuận Thành (Hà Bắc). Khu giáo dục học sinh miền Nam ở Quế Lâm - Trung Quốc, có 3 trường là: Trường Nguyễn Văn Trỗi, Trường Nguyễn Văn Bé, Trường Võ Thị Sáu.
Năm 1974-1975, Phòng quản lý học sinh miền Nam thuộc Bộ Giáo dục còn quản lý 5 trường là: Trường số 1 Đông Triều, trường số 2 Vĩnh Yên, trường số 3 Bắc Thái, trường số 4 Thái Bình, trường số 5 Hòa Bình.
6. Bài học về đào tạo học sinh miền Nam trên đất Bắc
1. Bài học về tầm nhìn chiến lược đến mục tiêu đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau.
2. Bài học thực hiện nguyên lý giáo dục toàn diện, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội.
3. Từ tình thương xây nên tình thầy trò sâu nặng - nhân tố hàng đầu để dạy tốt, học tốt.
4. Tất cả vì học sinh miền Nam thân yêu.
5. Những nhân tố thắng lợi và đóng góp của các trường học sinh miền Nam:
a) Sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ là nhân tố quyết định quá trình hình thành, phát triển của trường học sinh miền Nam.
b) Được Nhân dân miền Bắc với tình cảm ruột thịt Bắc - Nam đùm bọc, cưu mang, nuôi dưỡng chăm sóc chu đáo.
c) Tinh thần đoàn kết, ý thức tự quản và sự nỗ lực cố gắng học tập, rèn luyện. vươt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên của chính học sinh.
Danh sách các thầy cô công tác tại các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là: 242 thầy, cô; 293 học sinh miền Nam thành đạt, tiêu biểu; 65 học sinh miền Nam tham gia lực lượng vũ trang; 120 học sinh miền Nam hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật; 17 học sinh miền Nam hoạt động trong lĩnh vực doanh nghiệp; 14 học sinh miền Nam là văn nghệ sỹ; 76 học sinh miền Nam là liệt sỹ. Học sinh tham gia lao động ở các nông trường như: Sao Vàng, Thanh Hóa, Cửu Long, Vân Du, Sông Bôi, Sông Âm, Thống Nhất, 1-5, Hà Trung, Quý Cao, 19-5, Rạng Đông, Lam Sơn, Yên Định. Nhiều học sinh miền Nam tham gia các cấp chính quyền Nhà nước từ cấp Trung ương cho đến cấp cơ sở. Nhiều anh chị đã ngã xuống trên chiến trường bảo vệ Tổ quốc khi còn rất trẻ. Đáng tự hào là trong đội ngũ tập kết và học sinh miền Nam đã có các đồng chí được Đảng và Nhà nước giao trọng trách là Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, tướng lĩnh trong các lực lượng vũ trang, Bí thư và Chủ tịch các tỉnh (23)...
Sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Nhân dân miền Bắc với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết là chủ trương đúng đắn, vô cùng sáng suốt, mang tầm chiến lược trong sự nghiệp chuẩn bị nguồn lực cán bộ cho miền Nam và cho cả nước.
Phan Đình Nham
Nguyên Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
—
Tài liệu tham khảo:
1) Đảng cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn lập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, Tập 15.
2) Trường HSMN trên đất Bắc. NxB chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. tr.55
3) Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002. Tập 8. tr.189.
4) Truyền thống học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-1975), Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009
5) Đảng công sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 15, tr.259
6) Đảng cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập, nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 15, tr.287
7) Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Nxb Chính trị quốc gia. 2009. tr.254.
8) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1996, tr. 356
9) TTLTQGIII, Phông Ủy ban Thống nhất chính phủ. Hồ sơ 1125, năm 1975, tr.9
10) Cục lưu trữ Trung ương Đảng. Hồ sơ 0045, năm 1954-1956, tr.13.
11) TTLTQGIII, Phông Bộ Giáo dục. Hồ sơ 98a, năm 1955, tr.2
12) TTLTQGIII, Phông Bộ Giáo dục. Hồ sơ 49a, năm 1955, tr.4
13) TTLTQGIII, Phông Phủ Thủ tướng. Hồ sơ. 567, tr.7
14) Học sinh miền Nam ngày ấy, hôm nay. Nxb Chinh trị quốc gia, Hà Nội. 2002, tr.16.
15) Lịch sử trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-1975; Phần Phụ lục - Biên niên sự kiện, từ trang 268 đến 279, Tháng 7/2008.
16) Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.11.
17) Xem bài phát biểu xuân Quý Mão, tại Bến Nhà Rồng, TP Hồ Chí Minh
18) Bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, ngày 14/11/2004.
19) Biên niên sự kiện. Lịch sử học sinh miền Nam trên đất Bắc 1954-1975 tr.265-274
20) Bộ Giáo dục. Vấn đề cải tiến tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục, Trung tâm lưu trữ quốc gia III, Phông Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2741, năm 1962, tr.5.
21) TTLTQGIII, Phông Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2741, tr.33.
22) TTLTQGIII, Phông uỷ ban thống nhất của Chính phủ, Hồ sơ 18054, năm 1965. tr.22.
23) Lưu Văn Quyết. Trường học sinh miền Nam ở hậu phương miền Bắc (1954-1975) lịch sử và bài học, Nxb Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2019. tr.282.
{name} - {time}
-
2024-10-28 14:51:00
Truyền thống lịch sử là nền tảng để dựng xây quê hương
-
2024-10-28 13:48:00
Sầm Sơn đổi mới
-
2024-10-16 09:21:00
Trường học sinh miền Nam trên miền Bắc 1954-1975 là hình ảnh của nước Việt Nam thống nhất
Kỷ niệm của tôi với Đoàn văn công Liên khu V cách đây 70 năm
Công tác chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP Sầm Sơn cơ bản hoàn thành
Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình
Hội thảo khoa học "Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình”
Cầu truyền hình trực tiếp “Niềm tin và Khát vọng” Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024)
Họp báo về các hoạt động Kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc
Chuẩn bị chu đáo các hoạt động kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP Sầm Sơn
Tượng đài “Con tàu tập kết” dần hoàn thiện