Quan tâm điều tra, nghiên cứu khoa học về tài nguyên môi trường, biển và hải đảo
Để phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên biển cũng như nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về biển và hải đảo, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong đó có nhiệm vụ điều tra, quan trắc tài nguyên môi trường biển và hải đảo nhằm đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như hiện trạng tài nguyên và môi trường biển và hải đảo của tỉnh.
Cụm đảo Hòn Mê đã được phê duyệt hồ sơ tài nguyên đảo góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cũng như khai thác lợi thế từ biển.
Thanh Hóa có 102km bờ biển và vùng lãnh hải rộng 17.000km2, với trữ lượng hải sản lớn. Dọc bờ biển có 5 cửa lạch lớn, thuận lợi cho tàu, thuyền đánh cá ra vào. Ở vùng cửa lạch là những bãi bồi bùn cát rộng hàng ngàn ha, thuận lợi cho nuôi trồng hải sản, trồng cây chắn sóng và sản xuất muối... Từ năm 2017, các đơn vị, ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ thu thập dữ liệu nghề cá thương phẩm thuộc tiểu Dự án “Điều tra tổng thể hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản biển Việt Nam”. Qua đó, đánh giá hiện trạng nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của các loài thủy sản ở vùng biển ven bờ và vùng lộng tỉnh Thanh Hóa; xác định được các cơ sở khoa học cho việc cấp hạn ngạch và cơ cấu nghề khai thác phù hợp với tiềm năng nguồn lợi cũng như đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn lợi và khai thác bền vững. Đồng thời, thu thập sổ nhật ký khai thác thủy sản hàng tháng của ngư dân ở các địa phương ven biển phục vụ công tác dự báo ngư trường khai thác thủy sản tại 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển gồm Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn và TP Sầm Sơn.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2373/QĐ-UBND, ngày 4/7/2023 và Quyết định số 46/QĐ-UBND, ngày 3/1/2024 thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản vùng ven bờ và vùng lộng tỉnh Thanh Hóa. Hiện các nhiệm vụ theo quyết định của UBND tỉnh đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai theo kế hoạch.
Ông Trịnh Ngọc Dũng, Chi cục Trưởng Chi cục Biển, Hải đảo, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cho biết: Cùng với hoạt động trên, để kiểm soát chặt chẽ tài nguyên và môi trường biển, nhiều dự án, nhiệm vụ cũng đã được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Đơn cử như: Chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển tỉnh Thanh Hóa; Đề án “Xây dựng mô hình xâm nhập mặn vùng hạ lưu sông Mã, sông Yên tỉnh Thanh Hóa”; thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Thanh Hóa; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường biển và hải đảo; lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo...
Trong đó, thực hiện Chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển, mỗi năm có hàng trăm mẫu trầm tích đáy, nước biển ven bờ và sinh vật biển... thuộc các khu vực như cảng biển, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh được Sở TN&MT phối hợp với đơn vị chức năng lấy để phân tích, đánh giá. Ví như trong năm 2023, Sở TN&MT đã triển khai 3 đợt quan trắc tại các khu vực như, cảng Nghi Sơn, cảng Xi măng Nghi Sơn, Cảng cá Lạch Hới, Cảng cá Hòa Lộc, bến cá Quảng Nham, Cảng cá Lạch Bạng, khu neo đậu tránh trú bão Lạch Bạng... Đối với các khu du lịch biển, quan trắc tại Khu Du lịch biển Sầm Sơn, Khu Du lịch sinh thái biển Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn); Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa)... Trên cơ sở kết quả quan trắc, Sở TN&MT đã thông báo đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển để nắm bắt hiện trạng, xu hướng diễn biến chất lượng môi trường biển, kịp thời phát hiện, cảnh báo các sự cố ô nhiễm môi trường cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời.
Về dự án lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo, từ năm 2019, UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp với đơn vị chức năng triển khai thực hiện theo yêu cầu. Đến nay 24 hồ sơ tài nguyên đảo gồm cụm đảo Hòn Mê với 23 đảo lớn, nhỏ và đảo Hòn Nẹ đã được phê duyệt. “Việc lập hồ sơ tài nguyên đảo nhằm đánh giá sát hiện trạng tài nguyên hải đảo của tỉnh, qua đó đưa ra giải pháp, chiến lược khai thác nguồn tài nguyên này, góp phần nâng cao công tác quản lý và khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế biển của tỉnh” - ông Trịnh Ngọc Dũng, Chi cục Trưởng Chi cục Biển, Hải đảo, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở TN&MT cho biết thêm.
Tài nguyên biển và lợi thế do biển mang lại sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nếu khai thác và sử dụng hợp lý, khoa học, nhất là khi thiết lập được cơ sở dữ liệu, mạng lưới kiểm soát TN&MT biển. Việc làm này sẽ đánh giá sát hiện trạng chất lượng môi trường vùng biển, ven biển của tỉnh; xác định xu thế diễn biến chất lượng môi trường, nguồn tài nguyên vùng biển, ven biển; kịp thời phát hiện cũng như cảnh báo đối với những trường hợp, sự cố về TN&MT biển, từ đó đề xuất giải pháp, phương án, chiến lược phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những tác động xấu đến môi trường, tài nguyên biển, bảo đảm cho sự phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Phong Sắc
- 2024-11-08 14:02:00
Hàng không tổ chức trực 24/24 giờ nhằm ứng phó với bão Yinxing
- 2024-11-08 13:33:00
Liên hợp quốc cảnh báo 2024 là năm nóng nhất từ trước tới nay
- 2024-10-06 06:30:00
Dự báo thời tiết ngày 6/10: Thanh Hóa ngày nắng, sáng sớm có sương mù nhẹ
Dự báo thời tiết ngày 5/10: Thanh Hóa sáng sớm có sương mù nhẹ, ngày nắng
Triệu Sơn chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản
Dự báo thời tiết ngày 4/10: Thanh Hóa ngày nắng, nhiệt độ tăng nhẹ
Đông Sơn: Nhiều cách làm hay trong bảo vệ môi trường
Bão số 5 đã di chuyển ra ngoài Biển Đông, không có khả năng quay trở lại
Dự báo thời tiết ngày 3/10: Khu vực Thanh Hoá tiếp tục chịu ảnh hưởng của không khí lạnh
Tăng cường quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh
Dự báo thời tiết ngày 2/10: Thanh Hoá trời chuyển mát, nhiệt độ phổ biến 19-22 độ
Cả nước xảy ra 36 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 4.0 trong tháng 9