Quản lý chất thải nhựa - sự thay đổi đến từ thói quen hành vi
Thanh Hóa là một trong những tỉnh ven biển đang nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát và giảm thiểu chất thải nhựa. Để đạt được hiệu quả bền vững, không chỉ cần chính sách mạnh mẽ từ chính quyền mà sự thay đổi hành vi và thói quen của người dân chính là chìa khóa để quản lý chất thải nhựa một cách hiệu quả.
Nhiều quán cafe trong thành phố đã có ý thức đổi từ cốc nhựa sang ly giấy dùng 1 lần hoặc cốc thủy tinh cho khách hàng sử dụng.
Cũng như nhiều tỉnh, thành khác ở Việt Nam, Thanh Hóa đang phải đối mặt với khối lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng. Các khu vực ven biển, bãi sông và đô thị của tỉnh đều ghi nhận tình trạng ô nhiễm lan rộng, đặc biệt từ bao bì dùng một lần, chai nhựa và túi nilon. Theo thống kê, mỗi ngày Thanh Hóa có hàng chục tấn chất thải nhựa, phần lớn trong số đó không được tái chế mà bị chôn lấp hoặc thải ra môi trường tự nhiên. Các dòng sông và hệ thống bờ biển cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, làm gia tăng nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái và gây thiệt hại kinh tế đối với ngành thủy sản và du lịch của địa phương.
Không chỉ vậy, tình trạng lạm dụng túi nilon còn phổ biến trong sinh hoạt của người dân và đang đặt ra những thách thức lớn cho công tác quản lý môi trường. Túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần như ly, hộp, ống hút nhựa... vẫn được sử dụng rộng rãi vì tính tiện lợi và chi phí thấp, đặc biệt tại các chợ dân sinh, siêu thị và cửa hàng nhỏ lẻ. Người bán lẫn người mua đều chưa có thói quen hạn chế sử dụng, dẫn đến việc lượng rác thải nhựa không ngừng gia tăng. Theo dự báo, đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ phát sinh trên 125 nghìn tấn rác thải nhựa, con số này có thể vượt 150 nghìn tấn vào năm 2030. Tuy nhiên, khối lượng rác thải nhựa được thu gom, xử lý và tái chế hiện nay chỉ đạt gần 10%, cho thấy một khoảng trống lớn trong hệ thống quản lý chất thải. Tại các chợ dân sinh, túi nilon được sử dụng tràn lan và hầu hết đều không được tái sử dụng mà vứt bỏ sau một lần dùng. Tương tự, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn cung cấp bao bì nhựa miễn phí, khiến người tiêu dùng chưa có động lực thay đổi hành vi tiêu dùng.
Một tiểu thương kinh doanh tại chợ Vườn Hoa (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Khách mua ít hay nhiều chúng tôi đều phải cho vào túi riêng, vì nếu không có túi thì người mua sẽ không tiện mang đi. Có khi mỗi món hàng được đựng trong 1 túi”. Thói quen này khiến lượng túi nilon tiêu thụ tăng lên theo cấp số nhân, đặc biệt vào những giờ cao điểm buổi sáng và chiều.
Tại các sạp bán thịt và cá, tình hình càng nghiêm trọng hơn. Nhiều người bán dùng tới hai hoặc ba lớp túi nilon để bọc thực phẩm sống, vừa để tránh rỉ nước, vừa ngăn mùi khi khách di chuyển. Chị Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương bán thịt tại chợ Đông Thọ (TP Thanh Hóa), thừa nhận: “Chúng tôi vẫn quen dùng túi nilon vì nó rẻ và tiện dụng, mỗi cân thịt chỉ thêm vài túi là xong. Khách hàng cũng không mấy ai muốn mang theo hộp đựng riêng vì phiền phức”.
Nhận thức được những tác động tiêu cực này, nhiều địa phương đã đề ra biện pháp cụ thể, nhằm kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Theo ông Trần Văn Xuân, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Thanh Hóa, cho biết: “UBND thành phố đang tích cực đề nghị các cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt là giảm thiểu sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Chúng tôi khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, như túi vải, túi giấy và các vật dụng có khả năng tái sử dụng. Thành phố đã triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường, trong thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình này ở nhiều khu dân cư, chợ dân sinh và trường học”.
Theo ông Trần Văn Xuân, các mô hình cộng đồng hiện đang được triển khai khá hiệu quả, như chương trình “Ngày không túi nilon” hay các hoạt động phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả bền vững, thành phố không chỉ dựa vào tuyên truyền mà còn cần những chế tài cụ thể. Chúng tôi đã đề xuất với tỉnh việc ban hành các quy định và chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các cá nhân và tổ chức vi phạm, nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Những biện pháp này sẽ giúp tạo ra sự răn đe cần thiết, thúc đẩy các doanh nghiệp và người dân thay đổi thói quen tiêu dùng.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, người dân cũng cần thay đổi nhận thức, thói quen và hành vi tiêu dùng để chung tay giảm thiểu chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch và bền vững. Nhiều hộ gia đình ở Thanh Hóa đã chủ động thay đổi thói quen sinh hoạt để giảm thiểu rác thải nhựa, như dùng túi vải đi chợ, mua thực phẩm không bao bì nhựa, hoặc tự làm túi giấy, hộp đựng thân thiện với môi trường. Những thay đổi nhỏ này, nếu được nhân rộng sẽ tạo ra tác động lớn cho cả cộng đồng.
Tuy nhiên, để thay đổi thói quen này được duy trì lâu dài và lan tỏa rộng rãi, rất cần có sự đồng hành của các tổ chức đoàn thể và cơ quan truyền thông. Các chiến dịch tuyên truyền cần được thực hiện liên tục, sáng tạo và gần gũi với đời sống người dân để khuyến khích họ hành động. Ví dụ, những cuộc thi sáng tạo về tái chế rác thải, hay các chương trình cộng đồng như “Đổi rác lấy quà” đều có thể tạo hiệu ứng tích cực, thúc đẩy người dân tham gia. Như vậy, giảm thiểu rác thải nhựa không chỉ phụ thuộc vào chính sách và biện pháp từ các cơ quan quản lý, mà còn cần sự tham gia tích cực từ mỗi cá nhân. Chỉ khi cả cộng đồng cùng chung tay thay đổi nhận thức và hành vi, môi trường sống mới được cải thiện, mang lại không gian trong lành và bền vững cho hôm nay và tương lai.
Bài và ảnh: Chi Phạm
{name} - {time}
-
2024-11-23 12:38:00
Như Thanh: Đưa nước sinh hoạt về với đồng bào dân tộc thiểu số
-
2024-11-23 06:30:00
Dự báo thời tiết 23/11: Thanh hóa trưa chiều nắng hanh, sáng sớm se lạnh
-
2024-10-27 10:21:00
Bão số 6 sẽ chuyển hướng, gây mưa lớn từ Quảng Bình đến Đà Nẵng
Dự báo thời tiết ngày 27 / 10 : Thanh Hoá mây thay đổi, mưa rào và dông vài nơi
Đêm 26/10, bão số 6 ảnh hưởng tới vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi
Dự báo thời tiết ngày 26/10: Ảnh hưởng bão Trà Mi, Thanh Hóa có mưa dông vài nơi
Bão số 6 tiếp tục mạnh lên, hướng đi phức tạp
Dự báo thời tiết ngày 25/10: Miền Bắc đêm và sáng trời lạnh, miền Nam có mưa
Bão Trami liên tục đổi hướng với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 11-15
Vĩnh Lộc bảo vệ tài nguyên khoáng sản phục vụ sự phát triển
Dự báo thời tiết ngày 24/10: Thanh Hoá trời mát, nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C
Ngày 24/10, bão Trami có khả năng đổi hướng và đi vào Biển Đông