Phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà
Phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) là xu hướng tất yếu nhằm hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế phát triển ĐMTMN hiện nay vẫn đang “ngóng” cơ chế, chính sách phù hợp để năng lượng tái tạo, năng lượng xanh phát triển rộng rãi hơn.
Hệ thống ĐMTMN được lắp đặt tại Nhà máy nước sạch xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa).
Gia đình bà Lương Thị Hoa ở đường Võ Nguyên Lượng, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa là một trong những hộ gia đình đầu tiên trong khu dân cư lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Nhà bà sử dụng nhiều thiết bị điện nên tiền điện phải trả ở mức hơn 2 triệu đồng/tháng. Sau khi tìm hiểu về ĐMTMN, năm 2020 gia đình bà đầu tư hơn 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống này ngay tại nhà mình. Bà Hoa chia sẻ: “Mặc dù chi phí ban đầu lớn, song nếu tính bài toán kinh tế, chỉ cần đầu tư mua máy móc, thiết bị một lần sẽ được sử dụng điện miễn phí trong thời gian dài và chỉ cần vài năm là có thể thu hồi vốn đầu tư. Từ khi lắp đặt hệ thống này, bình quân gia đình tôi tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng tiền điện/tháng”.
Nhà máy nước sạch xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) có công suất thiết kế 6.500m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho khoảng 8.000 khách hàng thuộc 10 xã khu vực phía Bắc của huyện Hoằng Hóa. Với mong muốn tự cung cấp một phần lượng điện năng phục vụ vận hành, năm 2021 nhà máy đã tận dụng khoảng không gian của mái nhà xưởng đầu tư gần 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống ĐMTMN với công suất 81 kWh. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc điều hành nhà máy, từ sau khi lắp đặt ĐMTMN, trung bình mỗi tháng nhà máy tiết kiệm được khoảng 15 triệu đồng tiền điện. Theo tính toán, đơn vị sẽ thu hồi vốn đầu tư trong vòng 7 năm; khấu hao công trình kéo dài trong vòng khoảng 30 năm. Dự kiến trong năm 2024 đơn vị sẽ lắp đặt mở rộng thêm hệ thống ĐMTMN, phấn đấu tự cung cấp điện vận hành tại nhà máy vào ban ngày.
Ông Dũng cho biết thêm: Hệ thống ĐMTMN tại nhà máy hiện nay chỉ phục vụ hoạt động của nhà máy và chưa được đấu nối với lưới điện. Do vậy, vào mùa hè, nhiều khung giờ trong ngày, lượng điện năng sản xuất ra không sử dụng hết, hệ thống inverter tự động tiêu hủy lượng điện năng dư thừa, điều này vô tình gây lãng phí. Vì vậy, nếu không có cơ chế bán điện lên lưới như trước đây thì cũng cần tính tới cơ chế khuyến khích tiêu thụ trong khu vực dân cư lân cận để tránh lãng phí nguồn điện sạch đã sản xuất ra nhưng lại bỏ đi, không được sử dụng.
Theo thống kê của Điện lực Hoằng Hóa, tính đến hết năm 2022 đơn vị đang thực hiện ký kết hợp đồng mua ĐMTMN của 51 khách hàng với công suất 3,158 MWp. Sản lượng điện mua từ ĐMTMN năm 2022 đạt 2,4 triệu kWh, chi phí mua điện 6,07 tỷ đồng. Từ ngày 31/12/2020 đơn vị đã dừng tiếp nhận yêu cầu về đấu nối ĐMTMN theo quy định. Nhiều khách hàng trên địa bàn tiếp tục đến hỏi về việc đấu nối điện ĐMTMN lên lưới điện, tuy nhiên do chính sách thay đổi, đơn vị đã phải tuyên truyền, giải thích để khách hàng hiểu về các quy định hiện hành.
Việc sử dụng ĐMTMN giúp tạo ra nguồn năng lượng sạch, mang lại lợi ích về kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường. Trên thực tế, nhiều hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư vốn ban đầu để lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Theo thống kê từ Sở Công Thương, đến ngày 31/12/2020 Công ty Điện lực Thanh Hóa đã thực hiện ký hợp đồng mua ĐMTMN với 619 hệ thống có tổng công suất là 67.126,6 kWp. Trong đó, hộ cá thể với mục đích sinh hoạt có 446 khách hàng (tổng công suất là 4.231,3 kWp); khách hàng có mục đích ngoài sinh hoạt là 173 khách hàng (tổng công suất là 62.895,3 kWp). Số lượng khách hàng ĐMTMN có công suất từ 100 kWp trở lên là 96 khách hàng, trong đó có 89 khách hàng là doanh nghiệp. ĐMTMN chủ yếu được lắp đặt trên mái các trang trại nông nghiệp, mái các công trình công nghiệp, công trình dân dụng và một số các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Theo đánh giá của Công ty Điện lực Thanh Hóa, sau khi các hệ thống ĐMTMN đi vào hoạt động đã giúp giảm tải từ 0,5% đến 2,1% cho các đường dây 35 KV, 22 KV, 10 KV và lưới điện hạ áp 0,4 KV được đấu nối vào, góp phần giảm tải cho các trạm 110 KV và các trạm biến áp phụ tải.
Ở thời điểm năm 2020, nhu cầu lắp đặt ĐMTMN có xu hướng tăng do được hỗ trợ một phần kinh phí và được nối lưới, bán phần điện dư thừa cho ngành điện. Tuy nhiên, từ sau thời điểm ngày 31/12/2020, khi Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời hết hiệu lực, ngành điện dừng đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống ĐMTMN.
Ngày 15/5/2023, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg. Với mục tiêu hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Phương án phát triển đã nêu rõ: Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển ĐMTMN của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.
Với những định hướng từ quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang chờ đợi các chính sách khuyến khích phù hợp cũng như quy định hướng dẫn cụ thể từ phía các bộ, ngành để thúc đẩy phát triển ĐMTMN. Bên cạnh đó, cũng cần ban hành quy định để có thể kiểm soát các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật, đảm bảo điều kiện phòng, chống cháy nổ để hệ thống ĐMTMN vận hành an toàn, bền vững.
Bài và ảnh: Minh Hiền
- 2024-09-13 07:00:00
Bản tin Tài chính ngày 13/9: Kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất, vàng bất ngờ tăng mạnh
- 2024-09-12 16:25:00
“Sống mòn” vì dự án kéo dài
- 2023-11-18 11:12:00
Giải ngân vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Liệu có kịp về đích? (Bài cuối): Khơi “điểm nghẽn” để “chạy nước rút”
Công bố, trao chứng nhận nhà phân phối chè Thái Nguyên tại TP Thanh Hóa
Thời gian điều hành giá xăng dầu vào thứ năm hàng tuần
Đảm bảo bình ổn nguồn cung các mặt hàng lúa gạo
Hoằng Hóa gặp nhiều khó khăn trong xây dựng mã số vùng trồng
Giữ vững chất lượng những vùng trọng điểm sản xuất rau màu
Giải ngân vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Liệu có kịp về đích? (Bài 2): “Lỗi” chính sách hay do con người?
Giải ngân vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Liệu có kịp về đích? (Bài 1): Vốn có, nhưng khó tiêu
Chủ động chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ đông
Điện lực Quan Hóa tăng cường công tác kiểm tra giám sát mua bán điện