Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử vùng biển xứ Thanh
Từ những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống đến cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đã và đang góp phần đưa du lịch vùng biển xứ Thanh ngày càng phát triển, là điểm đến hấp dẫn du khách thập phương.
Lễ hội Cầu Ngư, xã Ngư Lộc - một trong những lễ hội đặc sắc của ngư dân vùng biển xứ Thanh.
Lễ hội đặc sắc nơi cửa biển
Có dịp về miền biển Ngư Lộc (Hậu Lộc) vào những ngày cuối tháng 2 âm lịch, dọc con đê biển dòng người chen chân tham dự lễ hội Cầu Ngư - lễ hội đặc trưng của người dân miền biển được tổ chức hằng năm từ ngày 22 - 24/2 âm lịch. Lễ hội thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương về tham dự, khám phá nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân miền biển. Lễ hội Cầu Ngư với mong ước mưa thuận, gió hòa, sóng yên biển lặng, ngư dân ra khơi thu được nhiều tôm, cá.
Nét độc đáo trong lễ hội phải nhắc đến màn rước kiệu, rước thuyền Long Châu dọc bờ biển. Long Châu được làm bằng vật liệu như luồng, nứa, giấy màu, xốp và phẩm màu, dưới bàn tay khéo léo của người dân đã tạo nên một chiếc thuyền rồng linh thiêng. Vào ngày chính hội, thuyền Long Châu được rước di dọc bờ biển với hàng nghìn người tham dự, bày tỏ lòng ngưỡng vọng với các vị thần đã có công lập làng, che chở cho ngư dân vươn khơi bám biển bình an, tôm cá đầy thuyền.
Ở vùng biển xứ Thanh, ngư dân ở các địa phương như Quảng Tiến (Sầm Sơn), Quảng Nham (Quảng Xương), các phường Hải Thanh, Hải Bình (thị xã Nghi Sơn)... cũng diễn ra lễ hội Cầu Ngư vào dịp đầu năm nhằm tạ ơn các vị thần linh, cầu cho một năm ngư dân đi biển bình an, tôm cá đầy thuyền. Nhiều lễ hội đặc sắc vùng biển đã và đang được người dân gìn giữ, phát huy như: Lễ hội Mai An Tiêm (Nga Sơn) - lễ hội tri ân, bày tỏ lòng ngưỡng vọng, tôn vinh công lao to lớn, tinh thần anh dũng, cần cù trong lao động sản xuất của đức thánh Mai An Tiêm, người có công chinh phục đảo xa và tìm ra giống dưa quý; lễ hội bánh chưng – bánh dày dâng thần Độc Cước và các vị thần linh vùng biển (Sầm Sơn); lễ hội tưởng nhớ Bà Triệu - Bà Tổ nghề dệt xăm súc làng Triều Dương, phường Quảng Tiến (Sầm Sơn)...
Phát huy giá trị di tích, danh thắng và những nghề truyền thống
Tỉnh Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Ở vùng biển xứ Thanh, những di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như dãy núi Trường Lệ, đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Thờ Tô Hiến Thành (TP Sầm Sơn); đền Đức Thánh Cả (xã Đa Lộc, Hậu Lộc); chùa Diên Phúc, xã Quảng Thái, đền Phúc, xã Quảng Nham (Quảng Xương)... đã và đang được quản lý bảo vệ di tích với phát huy giá trị di tích trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và khai thác phát triển du lịch tâm linh, khám phá tìm hiểu lịch sử, văn hóa.
Về vùng biển Minh Lộc, Ngư Lộc (Hậu Lộc); Quảng Nham (Quảng Xương); Quảng Tiến (Sầm Sơn); xã đảo Nghi Sơn (Nghi Sơn)... cảm nhận vị mặn mòi của biển chúng ta còn tìm hiểu thêm về nghề biển. Nguồn lợi từ hải sản đã và đang được người dân miền biển tạo ra những sản phẩm hàng hóa đặc trưng gắn với phát triển làng nghề như nghề làm mắm ở Hoằng Phụ (Hoằng Hóa); Ba Làng (Nghi Sơn); Quảng Nham (Quảng Xương); Sầm Sơn... Nhiều sản phẩm người dân vùng biển trở thành đặc sản, sản phẩm OCOP như nước mắm Quảng Nham (Quảng Xương), nước mắm Vị Thanh (Nghi Sơn); nước mắm Ba Làng (Nghi Sơn); nước mắm Khúc Phụ (Hoằng Hóa); nước mắm Bông Sen (Sầm Sơn); tôm nõn khô Mai Hường và cá thu nướng Quân Thủy (Ngư Lộc, Hậu Lộc); nước mắm ông Náo (Minh Lộc, Hậu Lộc); mắm tôm Lê Gia (Hoằng Phụ, Hoằng Hóa). Đó còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân miền biển đã được phát triển, trở thành sản phẩm hàng hóa, đặc sản mang nét văn hóa vùng miền được du khách, người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Biển hát khúc tình ca
Vùng biển Thanh Hóa có chiều dài 102km qua các huyện, thị xã, thành phố: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương, Nghi Sơn. Ngoài biển có các hòn đảo nổi tiếng như hòn Nẹ, hòn Mê và bán đảo Nghi Sơn. Từ đất liền có 5 cửa Lạch đổ ra biển là Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép, Lạch Bạng. Cùng với các lễ hội truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống thì vùng biển xứ Thanh còn có điểm nhấn quan trọng, góp phần thu hút du khách về với địa phương đó là “biển xanh cát trắng, nắng vàng” gắn với các khu du lịch trọng điểm như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Tiên Trang... Về với biển xứ Thanh được hòa mình vào làn nước mát, trong xanh, bước thong thả trên bãi cát vàng trải dài... là những trải nghiệm tuyệt vời đối với mỗi du khách.
Những năm qua, Thanh Hóa xác định phát triển du lịch là một trong những chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Sản phẩm mũi nhọn du lịch của tỉnh là phát triển du lịch biển gắn với phát triển du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch tâm linh. Những địa phương như Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Nghi Sơn, Quảng Xương... đã và đang thu hút đầu tư trong phát triển du lịch; nỗ lực đa dạng các sản phẩm du lịch địa phương. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch ngày càng được đầu tư, đáp ứng nhu cầu du khách về tham quan, nghỉ dưỡng. Các di tích danh thắng được đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, là điểm du lịch tâm linh khi du khách về với biển.
Nếu như Sầm Sơn được biết đến là bãi biển lâu đời nổi tiếng của xứ Thanh thì biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) mới được khai thác, hấp dẫn du khách khoảng hơn một thập kỷ nay. Từ khi Khu Du lịch biển Hải Tiến ra đời là minh chứng một tầm nhìn, một mô hình đổi mới tăng trưởng của huyện Hoằng Hóa, đồng thời đây cũng là sự đóng góp tâm huyết của các nhà đầu tư trong và ngoài huyện, trong đó có những người là con em địa phương. Khu Du lịch biển Hải Tiến đã hiện lên lộng lẫy hoành tráng trong bức tranh sơn thủy của miền biển, chạy dài qua các xã từ Hoằng Trường, Hoằng Hải đến Hoằng Tiến, Hoằng Thanh... là điểm đến hấp dẫn du khách thập phương.
Những ngày đầu tháng 4/2024, các địa phương miền biển đang tích cực chuẩn bị cho khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024. Trong đó, lễ hội du lịch Hải Tiến (Hoằng Hóa) dự kiến sẽ tổ chức vào tối 29/4 tại Khu Du lịch biển Hải Tiến với chủ đề: Hải Tiến - Biển hát khúc tình ca. Một trong những điểm nhấn của mùa du lịch biển Hải Tiến năm 2024 là Tập đoàn Flamingo dự kiến khai trương toàn bộ dự án vào dịp 30/4 và tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí tại Khu Du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường, tại xã Hoằng Trường.
Tại thành phố biển Sầm Sơn, chương trình khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 và khánh thành Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn dự kiến sẽ diễn ra vào tối 27/4/2024; trọng tâm của lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sầm Sơn rực rỡ sắc màu” và màn bắn pháo hoa tầm thấp. Chương trình khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 và khánh thành Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn là sự kiện văn hóa quan trọng, mở đầu cho mùa cao điểm du lịch biển hè 2024 của tỉnh Thanh Hóa và TP Sầm Sơn. Năm 2023, Sầm Sơn đón gần 8 triệu lượt khách và là một trong những đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố đón lượng khách du lịch đông nhất cả nước. Với mục tiêu xây dựng đô thị du lịch biển thông minh, thân thiện, trung tâm vui chơi, giải trí cao cấp và là địa điểm du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ, TP Sầm Sơn đang nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó phấn đấu năm 2024 sẽ đón hơn 8,5 triệu lượt khách, doanh thu hơn 15,7 nghìn tỷ đồng.
Đến với vùng biển Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Nghi Sơn... ngoài việc được tận hưởng khí trời tự nhiên, nơi có những con sóng vỗ rì rào như một bản nhạc trữ tình, những bãi cát trải dài vô tận, du khách còn được thưởng thức ẩm thực là đặc sản của vùng biển, trải nghiệm những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn; tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng... để rồi lưu luyến mãi không quên.
Thảo Nguyên
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-03-20 10:43:00
Những bông hồng nở hoa
Chung sức xây dựng quê hương giàu mạnh
Du lịch Yên Định những điểm đến hấp dẫn
Khát vọng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
Phụ nữ Thanh Hóa: Khẳng định vị thế trong thời đại mới
Tháng 3 mùa xuân biên cương
Hội làng Xuân Phả
Khát vọng tuổi trẻ - khát vọng cống hiến
Bản Yên mùa xuân này
Giọt người ở mấy vũng mây: Đi để trở về