Ông Phan Lê Quang, Giám đốc Sở Xây dựng: Nâng cao năng lực quản lý và chất lượng quy hoạch đô thị, hướng đến phát triển bền vững
Đô thị hóa (ĐTH) là tất yếu, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Những năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, sự nỗ lực, quyết tâm, linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, quá trình ĐTH của tỉnh Thanh Hóa đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ĐTH tỉnh Thanh Hóa cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Phan Lê Quang, Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa.
TP Thanh Hóa nhìn từ trên cao. Ảnh: Nam Nam
Phóng viên (PV): Quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển, thúc đẩy quá trình ĐTH một cách bài bản. Thanh Hóa là một trong những địa phương sớm được phê duyệt Quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị trong cả nước. Xin ông cho biết, sau hơn 1 năm triển khai Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 (sau đây gọi tắt là quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị) đã tác động như thế nào đến quá trình ĐTH của tỉnh?
Ông Phan Lê Quang: Trước hết, chúng ta nhận thấy rất rõ rằng, với sự ra đời của quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị theo phương pháp tích hợp đã cho thấy bước phát triển trong công tác quy hoạch ở nước ta. Thanh Hóa là một trong những địa phương sớm được phê duyệt Quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị trong cả nước. Đó là một trong những lợi thế, động lực to lớn cho sự phát triển chung của tỉnh, trong đó có quá trình ĐTH.
Hiện nay, hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa có 34 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại I; 2 đô thị loại III; 1 đô thị loại IV, 30 đô thị loại V. Tỷ lệ ĐTH đạt khoảng 39%. Quy hoạch đô thị từng bước được hoàn thiện, bảo đảm sự thống nhất, liên thông trong quy hoạch; việc tổ chức lập, quản lý quy hoạch đã được các địa phương quan tâm, chất lượng công tác quy hoạch đã được nâng cao hơn. Hệ thống đô thị phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng và quy mô. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm, đầu tư nâng cấp. Diện mạo đô thị ngày càng đẹp, văn minh, hiện đại, tạo lập được nhiều không gian đô thị mới với các công trình có điểm nhấn kiến trúc, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng. Đô thị đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở địa phương.
Định hướng phát triển chung không gian đô thị toàn tỉnh cơ bản được phát triển hợp lý trong các vùng ĐTH quan trọng gắn với 4 cực tăng trưởng của tỉnh. Có sự liên kết giữa miền núi, trung du và đồng bằng; giữa phía Đông và phía Tây; gắn với việc phát triển các cực tăng trưởng chủ đạo và thứ cấp, đồng thời bảo đảm phát triển theo mạng lưới, có sự liên kết tầng bậc theo cấp, loại đô thị.
Các đô thị lớn như TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn đã có nền tảng phát triển kinh tế vững chắc, số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại cũng tăng mạnh hơn. Các nơi có điều kiện tự nhiên đặc biệt như TP Sầm Sơn thì du lịch đã trở thành động lực phát triển chính. Hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật các đô thị loại III trở lên đã được tăng cường, đô thị loại V trở lên đã được nâng cấp, cải thiện điều kiện hạ tầng cơ sở (điện, đường, trường, trạm, môi trường, nước, rác...) nhờ các khoản đầu tư trong và ngoài nước. Các khu kinh tế cấp quốc gia như Khu Kinh tế Nghi Sơn là các khu kinh tế tổng hợp đa ngành có quy mô sản xuất lớn, có hạ tầng quan trọng là cảng biển có diện tích đất đai rất lớn là nền tảng để hình thành và phát triển các đô thị mới.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng các chương trình phát triển đô thị, hình thành các khu vực phát triển đô thị để quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; cơ bản hoàn thành việc rà soát, phân loại các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Một số khu đô thị mới ra đời với những công trình có kiến trúc hiện đại, trong đó nổi bật là khu đô thị mới phường Điện Biên, TP Thanh Hóa; khu đô thị mới phường Đông Hải, TP Thanh Hóa (VinGroup); khu đô thị Bình Minh; khu đô thị mới Đông Sơn, dự án FLC Samson Golf Links và khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn... đã làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị của tỉnh. Đồng thời, hạ tầng nhiều đô thị quy mô nhỏ và vừa trên địa bàn các huyện đã được đầu tư làm trung tâm đầu mối kết nối với các khu vực dân cư nông thôn lân cận; gắn kết các cụm công nghiệp, các điểm dịch vụ và du lịch theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Hệ thống giao thông đô thị, hệ thống thoát nước, cấp nước, cấp điện, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, viễn thông, công nghệ thông tin đang từng bước được hoàn thiện...
Trong thời gian vừa qua, tỉnh cũng đã có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ thực hiện các đô thị động lực tại TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và huyện Thọ Xuân, từ đó góp phần thúc đẩy tiến trình ĐTH trên địa bàn tỉnh theo các quy hoạch đã được phê duyệt.
PV: Kết quả cho thấy quá trình ĐTH tỉnh Thanh Hóa đã tiến một bước dài so với thời điểm cách đây 10, 15 năm. Tuy nhiên, thực tế cần phải nhìn nhận, đến nay, tỷ lệ ĐTH của tỉnh Thanh Hóa vẫn thấp hơn trung bình cả nước. Ông nhận định như thế nào về những khó khăn, thách thức trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị trong bối cảnh, tình hình mới?
Ông Phan Lê Quang: Thời gian qua, quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch có nhiều thay đổi, đặc biệt là giai đoạn khi Luật Quy hoạch năm 2017 ra đời, đặt ra yêu cầu các tỉnh phải lập quy hoạch theo hướng tích hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới với nhiều thay đổi không thể dự báo trước, tình hình kinh tế - xã hội sẽ có những biến chuyển theo sự vận động và phát triển chung của tỉnh, đất nước. Điều đó sẽ dẫn đến những thay đổi về phát triển ngành, lĩnh vực tương ứng, cần thiết phải điều chỉnh những định hướng trong quy hoạch đã công bố trước đó. Trong khi, việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị không phải là điều đơn giản, liên quan đến nhiều bộ, ngành Trung ương... Những điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị.
Các quy định liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn hiện được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, ngoài ra nội dung của quy hoạch xây dựng còn được quy định rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như: Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... và nhiều văn bản (nghị định, thông tư) liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn. Thực tế này khiến cho việc theo dõi thực hiện các vấn đề liên quan đến quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị theo các quy định của pháp luật bị hạn chế, dễ chồng chéo.
Việc tập trung nguồn lực trong công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị còn hạn chế, chưa được chú trọng đúng mức dẫn đến có những quy hoạch cần lập, đã có chủ trương lập quy hoạch nhưng lại chưa được bố trí nguồn vốn để thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ một số đồ án quy hoạch chưa được đảm bảo. Ngoài ra, cá biệt có địa phương khó khăn về nguồn vốn ngân sách cho công tác quy hoạch xây dựng nên đến nay vẫn chưa thể có các quy hoạch chung xây dựng xã, làm công cụ để quản lý quy hoạch xây dựng.
Công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch còn khó khăn, vướng mắc, nhất là tại các khu vực có mồ mả, khu dân cư, những khu có bố trí đất cho các công trình dịch vụ - công cộng... dẫn đến phải xem xét đến việc điều chỉnh quy hoạch, làm phát sinh các vấn đề liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, nghĩa vụ tài chính.
Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch đang được hoàn thiện; nhằm phục vụ công tác lập quy hoạch, lấy ý kiến về quy hoạch, công bố, cung cấp thông tin về quy hoạch; giám sát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch.
Năng lực hoạt động của một số đơn vị tư vấn quy hoạch vừa và nhỏ còn chưa cao, chưa có tính chuyên nghiệp, nhân sự trực tiếp làm công tác quy hoạch còn hạn chế, thiếu các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực quy hoạch đô thị; dẫn đến chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa cao, tiến độ còn chậm.
PV: Một trong những nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới theo tinh thần Nghị quyết số 58 là “thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, quy hoạch các ngành và lĩnh vực, quy hoạch phát triển các vùng, miền”. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ ĐTH đạt 40%, đến năm 2030 tỷ lệ ĐTH đạt 50%. Để thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đạt được mục tiêu đề ra về tỷ lệ ĐTH, đóng góp của kinh tế khu vực đô thị vào GDP..., thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần tập trung vào các giải pháp cụ thể gì, thưa ông?
Ông Phan Lê Quang: Quy hoạch là một quá trình với những hoạch định - dự báo - tầm nhìn - tổ chức thực hiện, không thể “một sớm một chiều”. Vì vậy, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phải cùng được quan tâm thực hiện đồng thời, không thể tách rời. Để thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị, hướng tới phát triển bền vững, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Bên cạnh các giải pháp như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhận thức trách nhiệm về tổ chức lập, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị; tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, hệ thống cơ sở pháp lý để thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị... Tỉnh Thanh Hóa cần tập trung nguồn lực đầu tư và phát triển có hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với hạ tầng xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đồng thời phát huy sức mạnh của toàn thể Nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”...
Quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, gắn kết với nhu cầu thực tế của thị trường, phù hợp với xu thế ĐTH; hài hòa lợi ích nhà đầu tư trên nền tảng lợi ích cộng đồng với sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước. Đổi mới công tác quy hoạch và phát triển đô thị để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của xã hội và người dân, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh chuyển đổi số và kinh tế số trong quy hoạch và phát triển đô thị, giúp nâng cao tính chính xác, hiệu quả, minh bạch và dự báo tốt hơn về xu hướng phát triển đô thị.
Quá trình thực hiện, quy hoạch đô thị cần được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo định hướng phát triển chung của tỉnh, đất nước được xác định trong từng thời kỳ. Phương pháp triển khai quy hoạch trong thực tiễn cần phù hợp bối cảnh địa phương, có sự tham gia xuyên suốt, hiệu quả của các bên liên quan trong việc nhận diện, giải quyết vấn đề đô thị, đặc biệt đang ngày một gia tăng như tắc nghẽn giao thông, ngập lụt, ô nhiễm môi trường..., thiếu hụt hạ tầng xã hội như công viên cây xanh, thể dục thể thao hoặc các vấn đề thiết thực trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo sinh kế, an sinh xã hội, nhà ở xã hội; lồng ghép yêu cầu nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống rủi ro; tăng trưởng xanh, thông minh.
Tỉnh cần tập trung nguồn lực thích đáng cho quy hoạch và phát triển đô thị trong kế hoạch đầu tư, đầu tư công trung hạn và hằng năm; tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào các đô thị thuộc “4 trung tâm kinh tế động lực, 6 hành lang kinh tế”, đặc biệt là các đô thị trung tâm có vai trò thúc đẩy mạnh mẽ như: TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn, đô thị Lam Sơn - Sao Vàng, các đô thị mới Quảng Xương, Hoằng Hóa, các đô thị có vai trò là hạt nhân tiểu vùng phát triển tại khu vực miền núi... Chú trọng chỉnh trang, tái thiết tại các đô thị lớn và hạ tầng giao thông liên vùng, kết nối, tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp, dịch vụ gắn với đô thị hóa và XDNTM.
Phát triển hệ thống đô thị theo hướng phân bổ hợp lý giữa các vùng, kết nối thuận lợi với các đô thị Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng miền, các cực tăng trưởng, là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa phát huy vai trò là một cực tăng trưởng mới theo tinh thần của Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hương Thảo (thực hiện)
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-07-20 13:22:00
Chiếc xe thồ của cha tôi
Những ngôi nhà ấm tình đồng đội
Giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần cống hiến vì sự phát triển của quê hương, đất nước
Lưu giữ nét đẹp văn hóa - tâm linh trên mảnh đất Bình Minh
Kiên định
Âm vang ngày hội văn hóa gắn với phát triển du lịch thác Mây
Huyền bí thác Trai Gái
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa
Viết lên hy vọng - Cuốn nhật ký đã làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ
Thanh Hóa chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát”