(Baothanhhoa.vn) - Tháng 4, tháng của những sự kiện, ký ức lịch sử hào hùng đã trở thành niềm tự hào sâu sắc trong trái tim của mỗi người con đất Việt. Bản giao hưởng lịch sử ấy càng đến gần ngày 30/4 - Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước càng thêm phần rộn ràng, náo nức. Những vọng âm của lịch sử khiến mỗi người con đất Việt rưng rưng xúc động mỗi khi nghĩ về những hy sinh, đóng góp lớn lao của thế hệ cha ông cho hòa bình, độc lập hôm nay.

Những vọng âm lịch sử...

Tháng 4, tháng của những sự kiện, ký ức lịch sử hào hùng đã trở thành niềm tự hào sâu sắc trong trái tim của mỗi người con đất Việt. Bản giao hưởng lịch sử ấy càng đến gần ngày 30/4 - Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước càng thêm phần rộn ràng, náo nức. Những vọng âm của lịch sử khiến mỗi người con đất Việt rưng rưng xúc động mỗi khi nghĩ về những hy sinh, đóng góp lớn lao của thế hệ cha ông cho hòa bình, độc lập hôm nay.

Những vọng âm lịch sử...

Đài chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam (xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa).

Chung một cơ đồ...

Những ngày này, chuỗi hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) từ TP Hồ Chí Minh lan tỏa rộng khắp cả nước.

Ngược dòng lịch sử, về lại những tháng ngày “đỏ lửa” của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Từ trước đó, quân và dân ta liên tiếp giành thắng lợi trên các chiến trường. Bộ Chính trị trong các kỳ họp tháng 10/1974, tháng 12/1974 và tháng 1/1975, đã đi đến kết luận: Chúng ta đang đứng trước thời cơ lớn, có đầy đủ các điều kiện về quân sự và chính trị để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước. Bộ Chính trị quyết định mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976 và dự kiến nếu thời cơ đến sớm sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 về chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu, Quân ủy Trung ương quyết định dùng lực lượng chủ lực mạnh với vũ khí kỹ thuật hiện đại để mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên (từ 4/3 đến 24/3/1975) với trận then chốt mở màn tiến công Buôn Ma Thuột, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên. Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên như “phát súng lệnh” giòn giã, củng cố quyết tâm của Bộ Chính trị, cổ vũ tinh thần, ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Nhận diện tình hình, nắm chắc thời cơ, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị họp quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược, giải phóng miền Nam trong năm 1975. Đến ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trong tháng 4/1975.

Với lòng yêu nước nồng nàn, một khát vọng chung về hòa bình, độc lập, tự do, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, quân và dân ta đã anh dũng, kiên cường chiến đấu, không ngại gian khổ, hy sinh. 55 ngày đêm thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, từ “phát súng lệnh” chiến dịch Tây Nguyên, quân và dân ta nêu cao tinh thần “một ngày bằng 20 năm”, dốc toàn lực giải phóng Thừa Thiên Huế, góp phần quyết định vào thắng lợi chiến dịch Huế - Đà Nẵng.

Chiến công nối tiếp chiến công, trong đà tiến lên như vũ bão, ngày 6/4/1975, Bộ Chính trị công bố quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Sài Gòn - Gia Định. “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” - Bức điện mật của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp truyền đến các đơn vị trong buổi sáng ngày 7/4/1975 không chỉ là mệnh lệnh quân sự mà hơn hết đó là lời hiệu triệu, thúc giục lòng quân, thổi bừng lên ngọn lửa chiến đấu vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân. Từ ngày 26/4 đến 30/4, chiến dịch Hồ Chí Minh (tên ban đầu là chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định), đã diễn ra. Các cánh quân với sức mạnh của hàng chục sư đoàn đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn. Những khẩu hiệu “chậm trễ là có tội với lịch sử”, “thời cơ là mệnh lệnh”... cùng theo bước các đoàn binh và sự hưởng ứng nhiệt thành của quần chúng Nhân dân ngân vang trong chiến dịch.

Ngày 30/4/1975 đã tạc vào lịch sử dân tộc những sự kiện không thể nào quên. Ngay từ sáng sớm, quân đội ta ở các hướng ào ạt tiến vào, cả Sài Gòn rung chuyển. 10 giờ 45 phút cùng ngày, xe tăng của quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, đánh dấu giờ phút sụp đổ của chế độ Ngụy quyền. Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. 11 giờ 30 phút, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập gửi đi tuyên bố dõng dạc, hùng hồn: Toàn thắng đã về ta. Cả Sài Gòn như vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Quân, dân ôm chầm lấy nhau nghẹn ngào xúc động, biển người đồng thanh hát vang bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”...

Xứ Thanh anh hùng...

Dân tộc Việt Nam đã đi qua hành trình lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước mà Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những chiến công chói lọi, thắng lợi vĩ đại. Nếu ví hành trình ấy như thiên sử thi anh hùng thì đất và người Thanh Hóa đã góp phần không nhỏ làm nên những chương đặc sắc nhất. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ, quân và dân Thanh Hóa vừa làm tròn nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ quê hương, vừa làm tốt vai trò hậu phương lớn miền Bắc.

Với vị trí chiến lược, hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ chằng chịt, cửa ngõ “yết hầu” vào chiến trường, Thanh Hóa luôn là “tọa độ lửa” trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Từ năm 1965–1975, đế quốc Mỹ đã sử dụng 78.455 lượt máy bay và 6.229 lượt tàu chiến, đánh phá địa bàn Thanh Hóa 14.056 trận bằng không quân, 243 trận pháo kích từ các tàu chiến thuộc Hạm đội 7, thả 20 vạn tấn bom, bắn 35 ngàn quả đại bác, rốc két... 4.143 mục tiêu ở Thanh Hóa bị đánh phá, trong đó 60% là mục tiêu giao thông.

Giữa làn “mưa” bom, bão đạn khốc liệt của quân địch, đất và người xứ Thanh đã phát huy truyền thống cách mạng, bản lĩnh, hăng hái thi đua lao động sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, viết tiếp bản anh hùng ca của dân tộc.

Sau “cuộc đụng đầu lịch sử” tại cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa nở rộ phong trào bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh. Nơi cửa biển Lạch Trường, các cụ lão quân Hoằng Trường (Hoằng Hóa) hiên ngang bắn rơi máy bay của quân địch, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi: “... Tôi nhiệt liệt mừng chiến công vẻ vang của các cụ. Với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí căm thù giặc sâu sắc, các cụ đã nêu cao quyết tâm đánh giặc Mỹ xâm lược. Thật là: Tuổi cao trí càng cao, đây là một gương sáng cho đồng bào cả nước tiến lên đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của toàn dân ta đến thắng lợi hoàn toàn”.

Lúc bấy giờ có hàng chục trung đội, tiểu đội nữ dân quân tham gia chiến đấu và ghi dấu những chiến công, xứng danh là cháu con Bà Triệu, “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Đó là Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc (Hậu Lộc); Tiểu đội nữ dân quân xã Thanh Thủy (Tĩnh Gia); Trung đội nữ dân quân xã Hà Phú - Hà Toại (Hà Trung); Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải (Hoằng Hóa)...

Cùng với đó, nhiều phong trào thi đua như “3 sẵn sàng”, “3 đảm đang”, “3 giỏi”, “Tiếng hát át tiếng bom”... được tỉnh Thanh Hóa phát động và triển khai hiệu quả với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Thời kỳ 1965-1975, toàn tỉnh đã có 195.853 thanh niên lên đường nhập ngũ, bằng 10,15% dân số. Tính chung cả giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa có 250 nghìn thanh niên ưu tú, hàng vạn cán bộ, đảng viên, nam, nữ tham gia bộ đội và thanh niên xung phong. 17 vạn lá đơn tình nguyện xung phong tòng quân giết giặc trong phong trào “3 sẵn sàng”, trong đó có nhiều đơn viết bằng máu. Tháng 3/1975, tiểu đoàn Lam Sơn của Thanh Hóa tham gia chiến dịch Huế - Đà Nẵng, là đơn vị đặc công trực tiếp đánh chiếm các vị trí quan trọng và giải phóng Đà Nẵng...

Cảm động biết bao, tự hào biết mấy trước khí thế đoàn vận tải thuyền nan của Công ty thuyền nan chống Mỹ cứu nước hăng hái vào tuyến lửa. Những “binh đoàn tay ngai” tiếp tục kế thừa truyền thống trong những năm kháng chiến chống Pháp, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” để tiếp tục “vòng quay” lăn xả vào chiến trường chống Mỹ. Từ cụ già, đến em học sinh xã Hải Lĩnh đã cùng nhau “nhặt đá vá đường”, sau đó nhân rộng thành phong trào “Hòn đá chống Mỹ”. Chiến sự khốc liệt, cây luồng xứ Thanh cũng kiên cường “ra trận”...

Có thể nói, “Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất nhân tài, vật lực cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước toàn thắng”. Những di tích, những kỷ vật, hiện vật còn lưu giữ, những Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng chục nghìn thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng... đã và đang kể câu chuyện lịch sử hào hùng, đóng góp lớn lao của quân và dân Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, hát vang mãi lời ca: Xứ Thanh - Vạn thuở vẫn anh hùng.

*Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn sách “90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930 - 2020) - Những dấu ấn và thành tựu nổi bật” của Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, NXB Thanh Hóa ấn hành.

Đăng Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]