Những người phụ nữ tôi kính trọng
Đầu tiên là bà Trần Tuyết Nga. Đấy là người đàn bà rất lạ. Ai gặp rồi thì sẽ ngay lập tức bị thu hút như thôi miên. Hồi tôi gặp và làm nhân viên của bà, bà đã gần 80 tuổi nhưng luôn hừng hực, một thứ năng lượng kỳ lạ.
Chị Tố Nga nhận danh hiệu Công dân Danh dự của thành phố Villejuif (Pháp).
Mẹ bà là nhà cách mạng tên tuổi, có tên đường và tên trường học ở TP Hồ Chí Minh. Là nhân vật thấp thoáng trong tiểu thuyết “Bất khuất” của Nguyễn Đức Thuận, trong nhóm tù Côn Đảo đấu tranh kiên cường nhất, đồng nghĩa với việc bị tra tấn “kỹ” nhất. Đến Côn Đảo, nhắc tên bà Nguyễn Thị Tú nhiều người còn nhớ.
Bà Nguyễn Thị Tú sinh 3 người con, đặt cùng tên là Nga, chỉ khác nhau tên lót: Tố, Tuyết và Quế. Bà Tố Nga hiện đang sống ở Pháp. Người phụ nữ hiền lành, nhỏ nhắn, và đặc biệt là khá cao tuổi này sống một mình đơn độc ở Paris. Bà đã dành nhiều thời gian đâm đơn kiện các công ty Mỹ đã sản xuất chất dioxin làm hại rất nhiều người Việt Nam, trong đấy có mẹ con bà.
Có lần tôi nói với bạn bè văn chương của tôi rằng, chuyện về gia đình các bà Tố Nga, Tuyết Nga và Quế Nga có thể viết tới dăm tập tiểu thuyết. Lịch sử gia đình bà, nếu dựng lại, nó chính là hiện thân của cuộc chiến tranh đau khổ và bi tráng của nước ta. Bản thân bà Tố Nga cũng đã viết một cuốn sách, nửa như hồi ký nửa như ghi chép, ngồn ngộn tư liệu về bản thân, gia đình và đất nước, gắn quện với nhau. Dẫu tuổi cao lại mang trong mình chất độc dioxin và ung thư nữa, nhưng bà lạc quan lắm.
À nói thêm, bà Tố Nga chính là nguyên mẫu của bài thơ “Cuộc chia li màu đỏ” nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Mỹ. Và bà vừa được trao danh hiệu Công dân Danh dự của thành phố Villejuif (Pháp).
Bà Quế Nga cũng là... tù chính trị ở Côn Đảo. Sau năm 1975, bà là hiệu trưởng một trường THPT ở Sài Gòn.
Bà Trần Thị Tuyết Nga, Tổng Giám đốc Khu du lịch Một thoáng Việt Nam.
Còn bà Tuyết Nga, xinh đẹp và thông minh. Bà sống và lớn lên trong rừng Củ Chi nên hơn ai hết, bà hiểu từng tấc đất ngọn cỏ nơi đây. Tôi được xem cái ảnh thời bà ở Củ Chi, có khắt khe tới mấy cũng phải thốt lên: đẹp quá. Đẹp thế mà lặn lội ở Củ Chi, bưng biền đầy năn lác và bom đạn, phèn và vắt và muỗi...
Và tuổi trẻ của bà đã đi qua cuộc chiến tranh ấy, cùng với dân tộc này, với vai trò là cán bộ tuyên huấn, rồi nhà báo. Được sang nước ngoài học tiếp báo chí, rồi... bỏ.
Là bởi cứ đau đáu sự trả ơn. Ơn cái mảnh đất mình đã chui nhủi ở đấy suốt thời tuổi trẻ.
Là bởi cứ đau đáu tương lai văn hóa của dân tộc. Đau đớn vì thấy những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt mai một.
Thế là tập trung vào làm văn hóa.
Lầm lũi suốt mấy chục năm nay, bà luôn khát khao làm và xây dựng một thứ văn hóa Việt nguyên bản, trong veo, vì con người, vì sự sống, muốn đất cũng phải thở như người. Ở cái khu du lịch do chị làm chủ, đến viên gạch lát đường cũng phải có lỗ, cho đất thở, cho cỏ mọc.
Có thời gian bà Tuyết Nga mời tôi làm giám đốc văn hóa - truyền thông cho khu du lịch “Một thoáng Việt Nam”. Làm chuyên gia văn hóa cho bà nhưng tôi thấy vốn của mình so với bà chỉ bằng một góc. Những điều bà nghĩ, bà làm đều vượt quá kiến thức của tôi, nên đa phần là tôi thực hiện ý tưởng của bà. Chưa kể vài lần đi cùng bà ra nước ngoài, tôi đã rất xấu hổ khi phải để sếp... phiên dịch cho mình.
Và tại đây tôi gặp thêm nhiều người phụ nữ đáng kính khác.
Là một ngày của tháng 3/2020, bà Trần Tuyết Nga nói với tôi: Trưa nay em trai và các con chị Nguyễn Thị Ngọc Toản sẽ xuống Một thoáng Việt Nam tổ chức sinh nhật cho chị ấy, em và chị tiếp nhé. Năm ấy bà Toản vừa tròn 90 tuổi.
Bà Toản là đại tá, giáo sư bác sĩ sản phụ khoa đầu ngành của cả nước, lừng danh một thời, con một vị quan đại thần rất nổi tiếng ở Huế, bỏ nhà theo kháng chiến. Bà là vợ tướng Cao Văn Khánh, trước khi mất ông là Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Nhân dân Việt Nam. Và ông cũng là người xuất thân từ một gia đình quý tộc trí thức triều Nguyễn ở Huế.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Toản đón sinh nhật tuổi 90.
Hai ông bà cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là chỉ huy, là đại đoàn phó, bà là y tá. Và cái đám cưới ngay tại hầm viên chỉ huy Đờ Cát sau chiến thắng Điện Biên Phủ ít ngày (ngày 22/5), đã làm đẹp lên rất nhiều hình tượng người chiến sĩ quân đội.
Trước đó tôi có đọc và biết một ít về ông bà, nhưng thực sự hết sức bất ngờ khi gặp bà, khi bà chỉ còn 10 năm nữa là tròn trăm tuổi, khi tíu tít giữa các anh chị con bà, họ trêu bà vì vội mà quên... răng nên cương quyết chỉ... múm mím cười khi chụp ảnh chứ không hở môi.
Và năm nay, rất thú vị là, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các con bà đã “bí mật” đưa bà, lúc này đã 94 tuổi, đi thăm lại “chiến trường xưa”, thăm lại nơi ông bà đã tổ chức cưới 70 năm trước, thăm lại nơi ông bà chụp bức ảnh nổi tiếng trên chiếc xe tăng trong ngày cưới.
Nói bí mật bởi, PGS.TS Cao Bảo Vân, con gái bà Toản kể, cụ rất thích đi chơi, đi du lịch, thế là mấy anh em mua vé rồi đưa cụ đi, xuống tới sân bay Điện Biên cụ mới biết...
Bà Toản còn là một trong những người miệt mài nghiên cứu và tìm cách xoa dịu nỗi đau da cam cho hàng triệu người Việt, từng là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, là người đầu tiên vận động thành lập tổ chức này. Bản thân Trung tướng Cao Văn Khánh chồng bà và một người con trai của bà cũng mất vì di chứng chất độc da cam.
Một người đàn bà nữa, cũng rất nổi tiếng, cũng rất đáng khâm phục về khả năng làm việc, cống hiến và sống, là nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, năm nay vừa tròn 95 tuổi.
Lần ấy tôi đang ở nhà thì bà Tuyết Nga gọi điện: Chị đang ở nhà chị Xuân Phượng, mua 10 cuốn “Gánh gánh gồng gồng”, có 1 cuốn tặng em, nhưng khi chị đọc tên em cho chị Phượng ký thì chị ấy bảo, cuốn này chị tặng Hùng, không lấy tiền, rồi đưa điện thoại tôi nói chuyện với bà Phượng. Khỏi nói là tôi đã xúc động thế nào, bởi trước đấy, tôi đã nghe nói về bà, về cuốn sách vừa ra đã rất nổi tiếng này.
Tác giả tặng hoa nhà văn Xuân Phượng tại buổi ra sách “Khắc đi... khắc đến”.
Mãi cách đây nửa tháng tôi mới chính thức gặp bà, ở cuộc ra mắt cuốn sách thứ 3, cuốn “Khắc đi khắc đến”.
Cũng là người Huế, cũng con quan “lá ngọc cành vàng”, cũng theo kháng chiến khi vừa 16 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của người con gái. Từ Huế bà ngược ra chiến khu Việt Bắc và sống lăn lộn với cuộc kháng chiến đói khổ bộn bề, nguyên chuyện đi chân không trèo đèo lội suối đã là vượt sức rồi, huống gì còn làm việc, còn một gia đình với những đứa con nhỏ, đi đâu bỏ vào thúng gánh đi đấy.
Người đàn bà giờ đã 95 tuổi ấy, đã trải qua rất nhiều nghề: bộ đội quân khí, bác sĩ, thuyết minh, phiên dịch, nhà báo, đạo diễn, nhà sưu tập, chủ phòng tranh... đã trải qua những tháng ngày đói khổ nhất của một công dân ở một đất nước chiến tranh bom đạn bủa vây, và để rồi cũng vươn lên với rất nhiều thành công, cả trong nước và nước ngoài...
Cuốn “Gánh gánh gồng gồng” ấy, vừa xuất bản đã được Hội Nhà Văn Việt Nam và Hội Nhà Văn TP Hồ Chí Minh trao giải thưởng, và đưa “nhà văn trẻ” Xuân Phượng thành hội viên của cả hai hội này. Cuốn “Khắc đi khắc đến” vừa phát hành cũng đã được đón chào nồng nhiệt. Mà trước khi là nhà văn, gia tài điện ảnh của bà cũng rất đồ sộ, với nhiều giải thưởng quốc tế và trong nước.
Với tôi, trong đời gặp được những phụ nữ vừa bình dị vừa phi thường như thế quả là may mắn.
VĂN CÔNG HÙNG
{name} - {time}
-
2024-11-22 10:04:00
Những người giữ hồn di sản
-
2024-11-22 09:59:00
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 3): Nới lỏng và quản lý
-
2024-09-21 15:36:00
Phát huy nội lực, xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao Quan Sơn
Lớn lên từ những mảnh vườn
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn: Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, giữ vững thương hiệu “cánh chim đầu đàn” của giáo dục tỉnh Thanh Hóa
Dấu chân người khổng lồ trên đất Thanh
Văn hóa làng và làng văn hóa trên vùng đất Trung Chính
Mùa linh cảm: Viết ra để “không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên”
Khát vọng từ mùa thu cách mạng
Phát huy giá trị văn hóa phục vụ yêu cầu đổi mới và phát triển quê hương, đất nước
Dấu xưa kinh thành Vạn Lại - Yên Trường
Chàng Mo Ậu