(Baothanhhoa.vn) - Sau Hiệp định Giơnevơ, ba tôi bấy giờ là Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Gia Lai - Kon Tum được phân công tham gia làm Phó đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp quân sự hai bên đóng tại Quy Nhơn (bác Võ Đông Giang, Trưởng đoàn)... Vì vậy, trong chuyến vét vào tháng 3/1955, tôi theo ba lên tàu Ba Lan (xuất phát tại Cảng Quy Nhơn, Bình Định) tập kết ra Bắc.

Những năm tháng không thể nào quên

Sau Hiệp định Giơnevơ, ba tôi bấy giờ là Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Gia Lai - Kon Tum được phân công tham gia làm Phó đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp quân sự hai bên đóng tại Quy Nhơn (bác Võ Đông Giang, Trưởng đoàn)... Vì vậy, trong chuyến vét vào tháng 3/1955, tôi theo ba lên tàu Ba Lan (xuất phát tại Cảng Quy Nhơn, Bình Định) tập kết ra Bắc.

Những năm tháng không thể nào quênTàu Kilanhski (Ba Lan) chở cán bộ, bộ đội, học sinh từ miền Nam tập kết ra Bắc, năm 1954. Ảnh: Tư Liệu

Cùng đi với ba con chúng tôi trên chiếc tàu Ba Lan tập kết ra Bắc lúc bấy giờ có rất nhiều gia đình và trẻ con các lứa tuổi... Trong số trẻ con có một số bị ốm, có đứa chết ngay trên tàu đang ngoài biển. Ba tôi cũng bị ốm, nhưng tôi không bị sao cả. Nên có mấy cô, vừa khóc (do có con chết bệnh) vừa ôm ba tôi và nói: “Anh ơi, con chúng tôi có cha, có mẹ mà bị bịnh chết. Anh thì bị ốm, mà sao thằng nhỏ con anh nó không bị sao, thằng này có phước, ra đó anh nên đổi tên cho nó là Phước”.

Sau mấy ngày đi biển, ba tôi bị cảm, nên chúng tôi lên bờ và nghỉ tại Sầm Sơn, Thanh Hóa khoảng 1 tháng, sau đó hai cha con ra Hà Nội. Lúc đầu ở tại Khu cán bộ miền Nam tập kết trên địa bàn ấp Thái Hà gần kề gò Đống Đa. Ở đây, ba đổi cả họ và tên tôi: là Ksor Phước. Cũng từ đó, cuộc đời tôi sang trang...

Còn nhớ, tháng 5/1955, Khu đào tạo cán bộ dân tộc miền Nam được thành lập, đóng tại Ngọc Thụy (Gia Lâm, Hà Nội). Ngày 3/4/1959, Ủy ban Dân tộc Trung ương ra Quyết định số 349/TC-CB thành lập Khu đào tạo cán bộ dân tộc miền Nam trực thuộc Ủy ban Dân tộc. Đến năm 1959, Khu đào tạo cán bộ dân tộc miền Nam được tách thành 2 trường: Trường Cán bộ dân tộc miền Nam chuyển về xây dựng cơ sở tại Chi Nê, Lạc Thủy, Hòa Bình; Trường dân tộc Trung ương (chủ yếu các cháu học sinh và số cán bộ, chiến sĩ trẻ người DTTS ở miền Nam ra tập kết) về Mễ Trì, Thanh Xuân, Hà Nội. Thời kỳ này, trường có 3 khối chính: Khối văn hóa phổ thông, học từ lớp vỡ lòng đến hết cấp II (7/10) chuyển sang học tiếp cấp III tại các trường học sinh miền Nam khác; khối bổ túc văn hóa (Chương trình 2 năm 3 lớp hoạt động đến năm 1966) và khối sư phạm (7+3). Điểm đặc thù của trường là hầu hết số học sinh của trường là người các DTTS ở các tỉnh miền Nam; với hơn 20 dân tộc (theo cách quy định tộc danh mới tương ứng khoảng 17 dân tộc hiện nay), có 2 chị em gái người Lào (Tiến, Thịnh). Ở lớp 1, lớp 2... có rất nhiều người chưa nói thạo tiếng Kinh. Về độ tuổi của học sinh ở các lớp không giống nhau, nhưng đa số đều cao hơn từ 2 tuổi trở lên so với độ tuổi trung bình của các lớp phổ thông ở miền Bắc bấy giờ. Trường cũng là nơi tuyển chọn nhiều người được đưa đi huấn luyện rồi trở lại miền Nam công tác, chiến đấu.

Thời gian từ 1960 đến 1962, có hai lần Bác Hồ đã đến thăm trường. Có lần đến trường, Bác đến khu vệ sinh, rồi nhà bếp trước. Có mấy đứa học sinh phát hiện ra Bác đến, háo hức chạy vào lớp nói: Bác Hồ đến... Thế là cả trường bỏ học chạy ra đón Bác ngay tại sân trường. Trong câu chuyện Bác nói với học sinh dân tộc miền núi mà trong chúng tôi (học sinh) thường kể lại với nhau lưu truyền, hồi đó là: “Bác hỏi các cháu ăn có no không?”. Nhóm người lớn nói ăn no, nhưng nhóm cấp I thì nói không no. Nghe vậy Bác cười và nói: “Không no là phải, vì Bác và các cháu ăn hạt gạo do đồng bào miền Bắc làm ra. Hạt gạo miền Bắc phải cắn ra làm ba phần, một phần cho miền Bắc trong đó có Bác, cháu ta ăn; một phần cho cán bộ chiến sĩ đang chiến đấu ở miền Nam và một phần giúp đỡ cách mạng Lào. Vì vậy Bác cháu ta chưa thể ăn no được”. Có một số anh lớn nói muốn được vào Nam trực tiếp chiến đấu. Bác nói: “Cha mẹ các cháu hiện đang cùng đồng bào miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, đã gởi các cháu ra cho đồng bào miền Bắc nuôi, dạy để sau này lớn khôn thành cán bộ, các cháu sẽ trở về phục vụ quê hương mình. Các cháu là những hạt giống đỏ của đồng bào miền Nam”.

...Khoảng sau Tết Nguyên đán năm 1962, má Chín và các em H’Nhan, Nham của tôi chuyển về Trường Cán bộ dân tộc miền Nam. Cuối năm 1962 ba tôi bàn giao công việc nhà trường cho bác Hoàng Đạo Thúy, đi học ở Trường Văn hóa của Bộ Giáo dục. Đến qua sau tết năm 1964, ba tôi vào Nam (đi B). Từ khi sống tập thể (1962), trong lớp đa số là hơn tôi 2, 3 tuổi trở lên, tuy nhiên vẫn có cô bảo mẫu lo cho việc giặt giũ quần áo, chăn, màn... chung cho những đứa nhỏ, cho đến khi đi sơ tán lên Chi Nê, Hòa Bình thì không còn chế độ cô bảo mẫu nữa. Cũng như bao bạn cùng học khác, tôi phải tự xử lý những vấn đề rất nhỏ trong cuộc sống mà chẳng ai giúp bao giờ. Chúng tôi cứ nhìn các anh lớn mà làm theo. Năm lớp 3, cứ mỗi sáng dậy sau tập thể dục chúng tôi xuống ruộng lúa kề nhà, lấy hai tay xấp xấp nhẹ vào lá lúa có đầy sương rồi xấp xấp nhẹ lên mặt... thế là xong việc rửa mặt đầu ngày. Mãi đến năm học lớp 4 tôi mới biết sử dụng xà phòng để giặt quần áo (sau cả biết tự bơi). Sang Quế Lâm (Trung Quốc) tôi mới biết đánh răng và dùng khăn để tắm, rửa. Thật khó tin phải không?. Nhưng đó là một trang đời rất thật của tôi và nhiều bạn thời ấy.

...Tôi vẫn còn lưu lại trong tâm trí mình biết bao kỷ niệm dưới mái trường dân tộc Trung ương ở Thanh Xuân, Hà Nội. Tôi nhớ lại lần đầu tiên chứng kiến cảnh máy bay Mỹ bay quần đảo trên bầu trời Hà Nội; ngày được kết nạp vào Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam... Khoảng tháng 2/1967, trường sang Quế Lâm (Trung Quốc). Trường đóng ở cơ sở cũ trước đây (những năm kháng chiến chống Pháp) là Khu học xá học sinh Việt Nam. Phía sau trường là dãy núi đá xanh cao trải dài (rất lạ là vào năm 2007 khi đến thăm khu trường cũ ở Quế Lâm (Trung Quốc) tôi không thấy 11 núi đá đâu nữa, người Trung Quốc đã san bạt núi để mở rộng và xây dựng thành phố Quế Lâm).

Tôi đi qua mọi cung bậc của cuộc đời mà tâm trí luôn khắc sâu tình yêu thương, quý trọng dành cho Bác Hồ. Ngày Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin Bác Hồ ốm nặng, trái tim tôi trào dâng xúc động. Bác là thiên tài, là lãnh tụ vĩ đại, là nhà văn hóa lớn, là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhưng vô cùng bình dị, khiêm tốn, luôn luôn gần gũi với Nhân dân. Bác không có gì riêng cho mình, Bác đã hiến dâng tất cả trọn đời mình cho Tổ quốc, cho Nhân dân... Và tôi vẫn rất nhớ một câu tuyệt hay trong bài “Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III”, do đồng chí Lê Duẩn Bí thư Thứ nhất đọc tại Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch ngày 9/9/1969, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội: “Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta, đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Đối với toàn thể học sinh miền Nam nói chung, học sinh dân tộc miền Nam nói riêng Bác Hồ luôn là người ông, người cha yêu quý nhất trên đời. Chúng con yêu, thương, kính trọng Bác vô cùng Bác Hồ ơi!...

Trong thời gian làm việc ở Trung ương tôi đã đến hầu hết các tỉnh phía Nam từ Quảng Trị trở vào. Đến đâu tôi cũng có dịp gặp gỡ tiếp xúc với các anh, chị, em đã từng sống và học tập ở các trường dân tộc miền Nam ở miền Bắc trước 1976. Bây giờ nhìn lại số cán bộ và học sinh đã làm việc, học tập ở các trường dân tộc miền Nam trên đất Bắc chỉ khoảng hơn 2.000 người thôi (trong tổng số hơn 32.000 học sinh miền Nam); nhưng chúng ta có thể tự hào nói rằng: Khoảng gần 90% đã trưởng thành, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trên rất nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và lực lượng vũ trang Nhân dân ở các cấp từ cấp xã, huyện, tỉnh đến trung ương. Phải nói rằng, dù gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ nhưng kết quả sự nghiệp trồng người của các trường dân tộc miền Nam trước 1976 như vậy là cao.

...Những năm tháng ở miền Bắc (trước 1975) là những năm tháng chúng tôi được sống trong tình yêu thương vô bờ bến của đồng bào miền Bắc ở những nơi trường đứng chân... Chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và Nhân dân miền Bắc đã luôn luôn quan tâm chăm lo cho chúng tôi được sống, học tập và rèn luyện trong suốt 20 năm khó khăn nhất của đất nước. Chúng tôi mãi mãi ghi nhớ và biết ơn các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý và phục vụ trong các trường dân tộc miền Nam đã làm rất tốt việc trực tiếp nuôi, dạy và rèn luyện chúng tôi nên người. Nhờ có tâm - đức trong sáng cùng với tri thức và kỹ năng sư phạm của các thầy cô giáo những năm, tháng đó đã từng ngày một dệt nên phẩm chất đạo đức, ý chí sống tự chủ vươn lên cho mỗi chúng tôi trong những năm sau này. Những năm tháng đó đẹp vô cùng và sẽ mãi mãi theo suốt cuộc đời của mỗi chúng tôi. Không có những năm tháng đó, chắc chắn chúng tôi không thể trưởng thành nên người sống có ích cho Tổ quốc và Nhân dân như ngày nay.

KSOR PHƯỚC

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,

nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Quốc hội



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]