Những cánh đồng lúa - cá trên vùng đất chiêm trũng
Không còn là những diện tích chỉ sản xuất được một vụ lúa không ăn chắc, bằng sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương cùng sự chủ động của người dân, nhiều mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa đã được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, biến khó khăn, thách thức thành lợi thế của nhiều địa phương.
Mô hình trồng lúa - cá kết hợp nuôi vịt ở xã Thiệu Long (Thiệu Hóa).
Hà Trung là một trong những địa phương có diện tích đất chiêm trũng lớn, tập trung tại các xã Hà Long, Hà Lĩnh, Hà Tân, Hoạt Giang, Hà Châu, Hà Yên... Đây là những địa phương thường xảy ra ngập úng nên sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn, chỉ sản xuất được một vụ lúa, hiệu quả kinh tế thấp. Thế nhưng, những năm gần đây, diện tích đất chiêm trũng này lại được coi là thế mạnh khi người dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng trũng trồng lúa sang mô hình sản xuất đa canh lúa - cá - ốc, lúa - cá kết hợp chăn nuôi vịt, được đánh giá là “một vốn... nhiều lời”. Ông Nguyễn Văn Thận, xã Hà Long là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi mô hình canh tác, cho biết: "Trước kia, gia đình tôi có gần 3ha nằm hoàn toàn trong vùng trũng, tuy cấy 2 vụ lúa nhưng cho thu nhập bấp bênh. Sau khi được cán bộ nông nghiệp xã Hà Long định hướng, hỗ trợ, tôi đã cải tạo mặt ruộng để đào đắp bờ, chuyển đổi sang mô hình đa canh cấy 1 vụ lúa xen canh với thả cá. Khi nuôi cá trong ruộng lúa, tôi đã lựa chọn các loại trắm, mè phù hợp với hệ sinh thái đồng ruộng; chọn nuôi các loại cá không cạnh tranh thức ăn với nhau; xây dựng hệ thống thoát nước để điều tiết lượng nước trong ruộng cho phù hợp với từng thời điểm, trong trường hợp mưa bão, nước lớn phải bơm nước chuyển cá sang khu ruộng cấy để tránh thất thoát cá. Mặt khác, tôi còn sử dụng chế phẩm vi sinh để cải tạo môi trường nước và nền đáy ruộng nuôi cá, giúp nâng cao sức đề kháng của cá, giảm thiểu ô nhiễm trong ruộng nuôi".
Ông Nguyễn Văn Hợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Long cho biết: Hiện nay, toàn xã có hơn 15ha sản xuất mô hình cá - lúa. Để khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi mô hình canh tác, phù hợp với điều kiện tự nhiên, vùng đồng trũng đã được chuyển đổi sang sản xuất đa canh, chủ yếu là mô hình lúa - cá - vịt. Bên cạnh đó, xã hỗ trợ người dân áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cá phù hợp, như: mè, trôi, trắm, chép, rô phi... và giao HTX dịch vụ nông nghiệp xã “cầm tay chỉ việc” cho người dân.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 8.700ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực trũng thấp, tập trung nhiều ở các huyện Nông Cống, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Thọ Xuân, Hoằng Hóa... Hầu hết những diện tích này đã được các địa phương chuyển đổi sang mô hình sản xuất đa canh lúa - cá kết hợp thả ốc, tôm, cua kết hợp nuôi vịt... do mô hình này dễ thực hiện, rủi ro thấp, chỉ cần đầu tư đắp bờ vùng, bờ thửa và tạo hệ thống kênh mương xung quanh thửa ruộng, nhất là mang lại hiệu quả kép do cá và lúa có quan hệ cộng sinh. Bên cạnh đó, mô hình còn góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, tạo thói quen sử dụng các chế phẩm sinh học nên an toàn cho con người và môi trường. Hiện nay, hiệu quả kinh tế của mô hình cao gấp 2,5 đến 3 lần so với trồng lúa, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Sau nhiều năm phát triển mô hình này, anh Hoàng Văn Tương, xã Thiệu Long (Thiệu Hóa), cho biết: “Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giúp cây lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi, hạn chế việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tiết kiệm chi phí thuê nhân công làm cỏ, làm đất sau mỗi vụ thu hoạch. Ngược lại, ruộng lúa cung cấp rơm rạ, sâu bọ làm thức ăn cho cá nên tiết kiệm được nhiều chi phí thức ăn; cá sẽ ăn trứng ốc bươu vàng, hạn chế ốc sinh sôi, phát triển phá hoại đồng ruộng. Cá nuôi từ ruộng lúa do sử dụng thức ăn tự nhiên là chính nên chất lượng thịt cá thơm ngon”.
Hiện nay, tại các địa phương, mô hình lúa - cá được nhân rộng theo phương thức xen canh và luân canh. Mỗi phương thức đều có ưu, nhược điểm riêng nhưng đều không làm thay đổi lớn về kết cấu hiện trạng mặt ruộng, các hộ dân chỉ cần cải tạo khoảng 20% diện tích mặt ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa là có thể sản xuất mà không cần nhiều chi phí đầu tư, độ rủi ro thấp, hiệu quả kinh tế cao... Để khai thác tối đa tiềm năng vùng đất trũng, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển các mô hình phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho người dân, định hướng các loại con nuôi phù hợp với các vùng chiêm trũng...
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
NGÔ THỊ THỬ - 23:44 30/10/24
-
2025-01-12 16:38:00
Doanh nghiệp Thanh Hóa với danh hiệu “Sao Vàng Đất Việt”
-
2025-01-12 14:45:00
“Chìa khóa” đưa Thanh Hóa tiến nhanh, tiến mạnh
-
2024-09-07 15:53:00
Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững
Vận hành 7 trạm bơm tiêu úng chủ động để bảo vệ sản xuất nông nghiệp
Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành
Hậu Lộc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông
Người dân chủ động gia cố, bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản trước ảnh hưởng của bão số 3
Siêu khuyến mãi ngày đôi 9/9, ngập tràn ưu đãi 99% từ Vietjet
Bản tin Tài chính 7/9: Vàng trong nước đứng giá, vàng thế giới giảm
Thị xã Nghi Sơn: Phấn đấu xử lý dứt điểm việc nuôi trồng thủy sản tự phát trong năm 2024
Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 3
Khoảng 9.838,6 ha cây trồng có nguy cơ ngập úng do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi