Nhiệt độ Trái Đất có nguy cơ tăng thêm 2,9 độ C trong thế kỷ 21
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cảnh báo hành tinh đang trên đà nóng lên một cách thảm khốc từ 2,5 độ C đến 2,9 độ C trong giai đoạn từ nay đến năm 2100.
Trời nắng gắt tại Bucharest, Romania ngày 18/7/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 20/11, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã công bố báo cáo về khoảng cách phát thải hằng năm, trong đó cảnh báo rằng cam kết của các nước về cắt giảm khí thải nhà kính đang khiến nhiệt độ Trái Đất có nguy cơ tăng thêm 2,9 độ C trong thế kỷ này, vượt xa các giới hạn then chốt.
Trong bối cảnh năm nay được dự báo là năm nóng nhất trong lịch sử loài người, UNEP cho rằng thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về số lượng, tốc độ và quy mô của các kỷ lục khí hậu bị phá vỡ.
Sau khi đánh giá kế hoạch cắt giảm carbon của các quốc gia, UNEP cảnh báo rằng hành tinh đang trên đà nóng lên một cách thảm khốc từ 2,5 độ C đến 2,9 độ C trong giai đoạn từ nay đến năm 2100. Nếu chỉ dựa vào chính sách và nỗ lực cắt giảm khí thải hiện nay, Trái Đất sẽ nóng thêm tới 3 độ C.
Tuy nhiên, UNEP cho biết thế giới vẫn tiếp tục thải lượng khí nhà kính kỷ lục vào khí quyển, với lượng khí thải tăng 1,2% từ năm 2021 đến năm 2022, mức tăng này chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch và các quy trình công nghiệp.
Giám đốc UNEP Inger Andersen cho rằng Nhóm các Nền Kinh tế Mới nổi và Phát triển Hàng đầu Thế giới (G20) - chiếm tới khoảng 80% lượng khí thải toàn cầu - cần đi đầu trong việc cắt giảm.
Với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước đã nhất trí giữ mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Cho đến nay, việc nhiệt độ toàn cầu tăng thêm gần 1,2 độ C đã làm gia tăng các tác động chết người trên khắp hành tinh.
Theo UNEP, trên thực tế, nhiệt độ đã tăng trên 1,5 độ C trong hơn 80 ngày trong năm nay, mặc dù ngưỡng tăng này sẽ được đo ở mức trung bình trong vài thập kỷ.
Trước tình hình này, báo cáo kêu gọi "những nỗ lực đầy tham vọng và khẩn cấp từ tất cả các quốc gia nhằm giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng."
UNEP nhấn mạnh đến năm 2030, lượng khí thải toàn cầu sẽ phải thấp hơn 28% so với mục tiêu của các chính sách hiện hành để duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C và thấp hơn 42% đối với giới hạn đầy tham vọng hơn là 1,5 độ C.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các cuộc thảo luận tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) tập trung vào các hành động tham vọng về khí hậu, đồng thời cảnh báo rằng thế giới đang chậm chân trong việc ngăn Trái Đất ấm lên.
Trong tuyên bố, ông Guterres nhấn mạnh các xu hướng hiện nay đang khiến hành tinh đối mặt với mức tăng nhiệt độ lên tới 3 độ C.
Theo ông, để giải quyết tình trạng này, các kế hoạch quốc gia cần phải có mục tiêu rõ ràng cho năm 2030 và 2035, có thể đáp ứng được mục tiêu về giới hạn mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5 độ C, bao trùm cho toàn bộ nền kinh tế và vạch ra lộ trình cho việc chấm dứt nhiên liệu hóa thạch.
Theo kế hoạch, Hội nghị COP28 sẽ diễn ra từ ngày ngày 30/11-12/12 tới tại thành phố Dubai của Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE)./.
Theo TTXVN
- 2024-11-02 06:30:00
Dự báo thời tiết 2/11: Khu vực Thanh Hóa không mưa, ngày nắng nhẹ
- 2024-11-01 19:01:00
Tuổi trẻ làng biển cùng nhau giữ cho biển xanh
- 2023-11-21 07:15:00
Khu vực Bắc Bộ ngày nắng, rét về đêm, vùng núi cao có nơi dưới 12 độ C
Miền Bắc lại sắp đón không khí lạnh tăng cường
Miền Bắc nắng hanh, chênh lệch nhiệt độ trong ngày hơn 10 độ C
Cuối tuần, khu vực Thanh Hoá ngày nắng, rét về đêm và sáng
Vùng núi cao Bắc Bộ xuống dưới 10 độ C, Trung Bộ giảm mưa
Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục rét, nhiệt độ có nơi dưới 10 độ C
Thanh Hóa đêm và sáng trời rét, có mưa vài nơi
Hiệu quả từ phân loại rác thải tại nguồn
Bảo vệ môi trường - nhìn từ hoạt động và những mô hình ở cơ sở
Thạch Thành tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản