(Baothanhhoa.vn) - Sau đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế thế giới, ngành may mặc, da giày Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng mất nhiều thị trường, nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc sản xuất cầm chừng. Sang năm 2024 hai ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động bậc nhất này đang dần phục hồi, vì thế nguồn lao động phục vụ phát triển lại trở thành vấn đề “nóng”.

Nguy cơ thiếu lao động ngành may, da giày

Sau đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế thế giới, ngành may mặc, da giày Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng mất nhiều thị trường, nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc sản xuất cầm chừng. Sang năm 2024 hai ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động bậc nhất này đang dần phục hồi, vì thế nguồn lao động phục vụ phát triển lại trở thành vấn đề “nóng”.

Nguy cơ thiếu lao động ngành may, da giày6 tháng đầu năm 2024 Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (TP Thanh Hóa) tuyển thêm 1.267 công nhân để mở rộng sản xuất. Ảnh: Lê Đồng

Nhiều dấu hiệu phục hồi

Tại xã Công Liêm (Nông Cống), Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ và thương mại Trường Phát vẫn duy trì hơn 300 công nhân. Nhiều thời điểm gần đây doanh nghiệp phải tổ chức cho người lao động tăng ca, làm thêm giờ để bảo đảm đơn hàng. Năm 2024 công ty đã có thêm những hợp đồng và các đơn hàng xuất khẩu quần áo đi thị trường Nga, nên người lao động có đủ giờ làm và tăng thu nhập. Doanh nghiệp cũng đang xây dựng thêm nhà máy mới để mở rộng quy mô, nâng năng lực sản xuất lên 5 triệu sản phẩm mỗi năm, dự kiến sẽ tuyển dụng thêm khoảng 1.000 lao động trong thời gian tới.

Hai doanh nghiệp da giày và may mặc tầm cỡ đến từ Nhật Bản có trụ sở tại KCN Lễ Môn (TP Thanh Hóa) đều tuyển thêm công nhân để khôi phục lại và mở rộng sản xuất. Trong đó, Công ty TNHH Sakurai VN (lĩnh vực may mặc) đã tuyển thêm 1.267 công nhân; Công ty TNHH Giầy SunJade Việt Nam (sản xuất giày da) tuyển thêm 874 công nhân trong 6 tháng đầu năm.

Đại diện Công ty TNHH Sakurai VN cho biết: “Nhà máy cũ của công ty ở KCN Lễ Môn có 12.000 lao động, đã cơ bản ổn định, thỉnh thoảng tuyển thêm khoảng 5% do biến động lao động thường xuyên. Với sự phục hồi của ngành may mặc, công ty mới xây dựng nhà máy mới tại CCN Bắc Hoằng Hóa với 2 dây chuyền, trong đó chuyền 1 tuyển 500 lao động đã đủ, chuyền 2 đang tuyển thêm 500 công nhân trong khoảng từ nay đến cuối năm”.

Không chỉ với những doanh nghiệp đang hoạt động, nhiều tháng qua Thanh Hóa đã cấp phép và ghi nhận nhiều doanh nghiệp may mặc mới đang xây dựng. Điển hình trong số đó là Dự án Nhà máy dệt may Nam Ích Thái Thắng đang được gấp rút xây dựng tại CCN Thái Thắng (Hoằng Hóa). Đây là dự án may mặc lớn của Công ty TNHH South Asia Knitwer Limited, thuộc Tập đoàn Nam Ích (Hồng Kông) làm chủ đầu tư với tổng mức 1.090 tỷ đồng. Mục đích chính là sản xuất các sản phẩm dệt len, may mặc chất lượng cao phục vụ thị trường Việt Nam và xuất khẩu, hệ thống nhà xưởng gồm 2 khu chính: xưởng dệt rộng trên 33.000m2 và khu xưởng may có diện tích trên 22.000m2 cùng các công trình phụ trợ đang được đóng cọc, dựng khung. Theo kế hoạch của chủ đầu tư, đến tháng 1/2025 sẽ đưa các dây chuyền sản xuất hiện đại vào vận hành, giải quyết việc làm ổn định cho trên 5.000 lao động.

Thời gian gần đây có nhiều tín hiệu vui, thị trường truyền thống của da giày, dệt may Thanh Hóa là các nước châu Âu và Hoa Kỳ dần được chuyển hướng sang Nga, khu vực châu Á - nhất là các nước Trung Đông và một số thị trường mới trên thế giới. Từ sự chủ động thay đổi và những tín hiệu phục hồi, năm 2023 riêng các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa đã sản xuất đạt hơn 508 triệu sản phẩm. Cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 rất nhiều đơn hàng mới được ký kết, là cơ sở để ngành may Thanh Hóa phấn đấu sản xuất 530 triệu sản phẩm. Hiện nay nhiều doanh nghiệp tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường trao đổi kinh nghiệm cũng như xúc tiến hợp tác để có thêm các hợp đồng.

Liên tục tuyển dụng lao động

Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024 Công ty TNHH Công nghiệp SAB Việt Nam (KCN Bỉm Sơn, thị xã Bỉm Sơn) tiếp tục đăng tải thông tin tuyển dụng thêm 30 công nhân nữ. Doanh nghiệp sản xuất phụ liệu ngành may này đưa ra con số thu nhập khá cao với mức 7 đến 9 triệu đồng mỗi tháng. Sau hoàn thiện hồ sơ và phỏng vấn, chỉ cần ứng viên không bị cận thị, sẽ được bố trí đi làm ngay.

Việc tuyển dụng này đã trở thành “định kỳ” của doanh nghiệp FDI này bởi nhiều năm qua công ty liên tục phải bổ sung cho những thiếu hụt và sự biến động của người lao động. Được biết trong 6 tháng đầu năm, công ty đã tuyển dụng thêm 44 lao động để bổ sung cho quá trình sản xuất. Với những đơn hàng và sự phát triển thêm thị trường mới, trong những tháng cuối năm, công ty có kế hoạch tuyển dụng thêm 230 lao động.

Thông tin từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp (KKTNS & CKCN) tỉnh Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giày da, may mặc trên địa bàn đơn vị quản lý đều tuyển dụng thêm công nhân. Tại KCN Bỉm Sơn, Công ty TNHH May mặc Leading Star Việt Nam đã tuyển dụng thành công 696 công nhân, người lao động. Với những yêu cầu cho phát triển sản xuất giai đoạn mới, doanh nghiệp có kế hoạch và đang tuyển dụng thêm 820 công nhân may mặc trong khoảng từ nay đến cuối năm. Cách đó không xa, Công ty TNHH Oceanus Outwear cũng mới hoàn thành tuyển dụng thêm 100 lao động trong 6 tháng đầu năm, đang có kế hoạch tuyển thêm 22 người tiếp theo để hoàn thiện việc bổ sung cho dây chuyền sản xuất các sản phẩm quần áo xuất khẩu. Một doanh nghiệp may mặc khác tại KCN Bỉm Sơn là Công ty TNHH KH ViNa cũng đang tuyển dụng thêm khoảng 100 công nhân trong những tháng cuối năm. Trong các tháng đầu năm công ty đã tuyển thành công 58 công nhân.

Ở KCN Hoàng Long (TP Thanh Hóa), hai công ty giày da lớn cũng đồng loạt tuyển dụng thêm lao động. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty TNHH Giầy Rollsport Việt Nam tuyển dụng thêm 770 lao động và có kế hoạch tuyến dụng tiếp khoảng 1.430 lao động trong khoảng từ nay đến cuối năm. Tương tự, Công ty TNHH Giầy Aleron Việt Nam cũng đã tuyển dụng thành công 625 lao động, đang tiếp tục tuyển thêm khoảng hơn 1.000 lao động những tháng cuối năm.

Từ đầu năm đến nay, tại các KCN của tỉnh và KKTNS có tới 11 công ty da giày, may mặc tuyển dụng hơn 6.000 lao động. 10 doanh nghiệp trong số đó vẫn đang triển khai tuyển dụng thêm hơn 8.000 người trong những tháng cuối năm. Như vậy, nhu cầu lao động cho ngành may, da giày trên địa bàn toàn tỉnh còn rất lớn, chưa kể một số dự án mới đang được triển khai xây dựng.

Cần nhiều giải pháp chống thiếu hụt

Thống kê của Sở Công Thương, đến nay Thanh Hóa đang có gần 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, tạo việc làm cho khoảng 150.000 lao động. Với các doanh nghiệp da giày, đến hết năm 2023 đã có 27 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 133.000 người.

7 tháng năm 2024 tình hình thu hút đầu tư và triển khai các dự án đầu tư hạ tầng công nghiệp của tỉnh có nhiều khởi sắc. Điển hình KCN Giang Quang Thịnh (Thiệu Hóa) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công; KCN phía Tây TP Thanh Hóa đã được HĐND tỉnh ban hành nghị quyết để thông qua đồ án quy hoạch, triển khai các bước tiếp theo. Các cụm công nghiệp như: Đông Bắc TP Thanh Hóa, Thọ Nguyên (Thọ Xuân), Minh Tiến (Ngọc Lặc)... được thành lập hoặc đi vào hoạt động đã thu hút các dự án sản xuất công nghiệp, trong đó phần lớn là các nhà máy may mặc. Dự kiến trong những tháng tới, một số nhà máy sẽ khánh thành đi vào hoạt động như: Nhà máy giày tại xã Thiệu Phú (Thiệu Hóa) nhà máy giày tại xã Xuân Dương (Thường Xuân)...

Thanh Hóa là tỉnh có số dân đứng thứ 3 cả nước, lại đang trong thời kỳ “dân số vàng” với hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, với việc phát triển thêm nhiều dự án và sự phục hồi của ngành may mặc, da giày, thời gian tới cần rất nhiều lao động. Nếu không có sự nhìn nhận để có giải pháp kịp thời, đó thực sự là vấn đề đáng lo ngại.

Tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVIII mới đây Quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Nguyễn Mạnh Hiệp đã trăn trở: “Trước dấu hiệu thiếu lao động ở một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất, kinh doanh, mỗi doanh nghiệp và các địa phương ngoài thu hút lao động tại chỗ, cần có giải pháp thu hút lao động ở ngoài tỉnh, nhất là lao động người Thanh Hóa đang làm ăn xa quê về làm việc tại địa phương. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần đổi mới quy trình, công nghệ sản xuất, nâng cao thu nhập mới thu hút được người lao động vào làm việc".

Cũng theo ông Hiệp, việc thu hút các nhà máy may và da giày cần chú ý đến địa bàn cho hài hòa, phân bổ nhiều nơi trong tỉnh.

Trên thực tế, vấn đề này cũng đã được tỉnh và một số địa phương nhìn nhận. Đơn cử như, thay vì muốn đầu tư tại các đô thị hoặc khu vực các huyện đồng bằng, Công ty TNHH South Fame Garments Llimitted về tận huyện miền núi Thường Xuân để đầu tư nhà máy bởi dư địa nguồn lao động ở đây rất lớn. Vượt qua giai đoạn khó khăn của ngành may, công ty có thêm các đơn hàng. Nguồn lao động luôn dồi dào, bảo đảm tiến độ sản xuất nên năm 2023 doanh nghiệp sản xuất tới 5 triệu sản phẩm, giao đúng tiến độ theo ký kết với các đối tác ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu. Với hơn 1.800 công nhân hiện có, công ty tự tin ký và chủ động được các đơn hàng trong những tháng cuối năm 2024.

Theo đại diện Sở Công Thương, tỉnh đã khuyến khích các doanh nghiệp may chuyển hướng đầu tư dần từ hình thức gia công sang sản xuất sản phẩm cuối cùng, xây dựng thương hiệu riêng để nâng giá trị gia tăng của sản phẩm. Đồng thời, ưu tiên bố trí các doanh nghiệp may tại các khu, cụm công nghiệp, chuyển dịch dần về các khu vực thị trấn, thị tứ, vùng xa để thu hút lao động tại chỗ và cung cấp sản phẩm ngay trên địa bàn. Giai đoạn 2021-2025 các dự án may mặc, da giày nên thu hút đầu tư có chọn lọc tại huyện đồng bằng, ven biển. Đồng thời khuyến khích thu hút đầu tư các dự án may mặc, da giày ở khu vực trung du, miền núi để thu hút lao động tại chỗ và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các huyện miền núi. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh Thanh Hóa sẽ hạn chế thu hút đầu tư mới các dự án may mặc, da giày sản xuất còn tính chất thủ công, nhiều lao động. Khuyến khích các doanh nghiệp này đổi mới công nghệ, quy trình quản lý để nâng cao công suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm.

Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]