(Baothanhhoa.vn) - Từ khắp các nẻo đường miền tây xứ Thanh - nơi sinh động, rực rỡ sắc thái văn hóa dân tộc thiểu số, “những bông hoa rừng” xuống phố để học tập, rèn luyện, tìm kiếm cơ hội cho tương lai tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh (TP Thanh Hóa). Trên hành trình “mở rộng bán kính cuộc đời” ấy, chính tình yêu mến, trân trọng, tự hào về bản sắc dân tộc mình đã trở thành điểm tựa, động lực thôi thúc các em không ngừng nỗ lực, cố gắng, đồng thời càng thêm nhận thức, trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa quê hương.

Nét đẹp văn hóa dân tộc của học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh

Từ khắp các nẻo đường miền tây xứ Thanh - nơi sinh động, rực rỡ sắc thái văn hóa dân tộc thiểu số, “những bông hoa rừng” xuống phố để học tập, rèn luyện, tìm kiếm cơ hội cho tương lai tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh (TP Thanh Hóa). Trên hành trình “mở rộng bán kính cuộc đời” ấy, chính tình yêu mến, trân trọng, tự hào về bản sắc dân tộc mình đã trở thành điểm tựa, động lực thôi thúc các em không ngừng nỗ lực, cố gắng, đồng thời càng thêm nhận thức, trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa quê hương.

Nét đẹp văn hóa dân tộc của học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnhHọc sinh Trường THPT Dân tộc nội trú rạng rỡ, tự tin trong trang phục truyền thống.

Lê Hà Chinh (17 tuổi, dân tộc Thái, Như Xuân) gây ấn tượng với người đối diện qua gương mặt xinh xắn, dễ thương, nụ cười rạng rỡ. Nét thanh xuân mơn mởn, tràn đầy sức sống của cô gái 17 tuổi như càng được tôn lên trong bộ trang phục truyền thống của đồng bào Thái. Để theo đuổi ước mơ, hoài bão, cũng như nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, Lê Hà Chinh xa gia đình, xa quê bước chân xuống phố. Hành trang xuống phố, Lê Hà Chinh nâng niu dành một góc nhỏ cho bộ trang phục truyền thống của đồng bào mình. Đó cũng là cách mà em bày tỏ tình cảm yêu mến, niềm trân trọng, tự hào với nét đẹp văn hóa của quê hương.

Tự tin giới thiệu về trang phục của người phụ nữ Thái, Lê Hà Chinh cho biết: “Đây là sản phẩm được dệt nên từ những đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái quê em. Trang phục của người phụ nữ Thái không đơn thuần là chuyện mặc mà có giá trị thẩm mỹ, văn hóa cao”. Bộ trang phục nổi bật với áo cóm - thân áo ngắn ngang lưng, tay áo vừa chớm cổ tay như càng tôn lên nét mảnh mai, duyên dáng, kín đáo của người phụ nữ. Váy được trang trí hoa văn tinh tế theo mô típ tả thực và cách điệu, màu sắc hài hòa, bước chân người phụ nữ Thái càng thêm uyển chuyển, nhịp nhàng. Giữa đông đúc, ồn ào phố thị, trong những dịp tham dự các sự kiện, hoạt động văn hóa, Chinh luôn thích thú, tự hào khi được diện trang phục truyền thống của dân tộc mình. Chinh bộc bạch: “Em tin rằng, không phải chỉ riêng em mà tất cả các bạn đang theo học tại Trường THPT Dân tộc nội trú đều có chung cảm nghĩ giống em. Mỗi lần trường em tổ chức các hoạt động ngoại khóa thực sự như một bức tranh rực rỡ sắc màu dân tộc được vẽ nên từ trang phục truyền thống, ai cũng hào hứng, tươi vui”.

Không chỉ có niềm yêu thích với trang phục truyền thống, Lê Hà Chinh say sưa kể về những nét văn hóa đặc sắc trên mảnh đất Như Xuân. Nào là múa cát sa, khua luống, hát khặp, nhảy sạp, tung còn... Một số lễ hội tiêu biểu gắn với các di tích được bảo tồn và phát huy như: Lễ hội dâng trâu tế trời - đền Chín Gian, Lễ cúng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái, Lễ hội Đình Thi (đồng bào dân tộc Thổ)...

Đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh núi Pú Pỏm, kiến trúc cũ theo lối nhà sàn gồm 9 gian, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Nhắc đến đền Chín Gian gắn với Lễ hội dâng trâu tế trời - hoạt động văn hóa, tâm linh tiêu biểu của đồng bào Thái nơi đây. Theo các tư liệu lịch sử ghi chép lại: Trước đây, Lễ hội dâng trâu tế trời được tổ chức quy mô vào cuối tháng 6 âm lịch, với sự tham gia của 9 mường thuộc các huyện: Như Xuân, Thường Xuân, Qùy Châu (Nghệ An). Tuy nhiên, cùng với những thăng trầm thời gian, biến động lịch sử, suốt trong một thời gian dài, lễ hội không được tổ chức, đền Chín Gian ngày càng xuống cấp.

Nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, góp phần gìn giữ, phát huy văn hóa - tín ngưỡng dân tộc, đền Chín Gian đã được phục dựng lại trên nền cũ. Sau đằng đẵng thời gian mai một, vắng bóng, Lễ hội dâng trâu tế trời được phục dựng trong sự háo hức, mừng vui của đông đảo Nhân dân. Trong khí xuân, tiết xuân nồng đượm của Giêng, Hai, khắp các bản mường lại rộn rã thanh âm, rực rỡ sắc màu...

Đến với Lễ hội dâng trâu tế trời - đền Chín Gian, du khách không chỉ được hiểu biết thêm về các nghi lễ tắm trâu, lễ hiến trâu, cúng thần... Họ được hòa mình trong không gian lễ hội với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo như: nhảy sạp, khua luống, ném còn, các môn thể thao dân tộc và thưởng thức ẩm thực núi rừng... Lễ hội là dịp để đồng bào các dân tộc huyện Như Xuân bày tỏ lòng biết ơn, thành kính đến các đấng thần linh đã che chở, phù hộ, gợi nhớ về cội nguồn, tri ân các thế hệ cha ông đã có công tạo bản, lập mường, từ đó càng nêu cao tinh thần nỗ lực, ý chí phấn đấu, rèn luyện, cống hiến sức mình xây dựng quê hương, đất nước.

Mỗi khi nghe ai đó hỏi chuyện về vùng đất Cẩm Thủy, em Hà Ngọc Mai hào hứng giới thiệu về cảnh sắc, di tích, nét đẹp văn hóa độc đáo của quê hương, của đồng bào Mường. Cẩm Thủy là huyện miền núi có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Mường chiếm gần 60% dân số. Người Mường ở Cẩm Thủy hiện vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc.

Cũng như Chinh và nhiều bạn khác, Hà Ngọc Mai dành sự yêu thích đặc biệt với trang phục truyền thống của dân tộc. Mai nói: “So với các dân tộc thiểu số khác, trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường ở Cẩm Thủy vừa giản dị, thanh nhã nhưng không kém phần tinh tế, hấp dẫn với áo cóm, váy thổ cẩm, khăn đội đầu”.

Từ câu chuyện về trang phục truyền thống đồng bào Mường, Mai nhiệt tình giới thiệu về Cẩm Thủy với nét độc đáo, thu hút của Suối cá Cẩm Lương gắn với Lễ hội khai hạ, chùa Chặng (Ngọc Châu tự), đền Cùng...

Suối cá Cẩm Lương có chiều dài khoảng 2km, chảy từ hang đá ở chân núi. Xoay quanh suối cá và sự tồn tại của “đàn cá lạ có đuôi, vây đỏ, mắt như chiếc nhẫn vàng lấp lánh” là những câu chuyện nhuốm màu sắc tâm linh. Đó là câu chuyện về chàng rắn đã hóa thân mình để bảo vệ cuộc sống yên bình cho bản làng; chuyện về sự linh thiêng của đàn cá thần nơi suối Ngọc, lý do vì sao người dân nơi đây không bao giờ xâm phạm vào đàn cá ngay cả khi thiếu khó nhất... Nơi đây cũng gắn liền với nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Mường làng Lương Ngọc, Cẩm Lương - Lễ hội khai hạ suối cá thần. Theo lễ tục cổ truyền, từ ngày 7 đến mùng 9 tháng Giêng hằng năm, người dân làng Lương Ngọc và bà con trong vùng tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ vị thần rắn đã cứu dân làng khỏi hiểm họa, ban cho dòng suối mát, dân có nguồn nước trong sạch để sinh hoạt, mùa màng tươi tốt.

Độc đáo nhất của lễ hội là nghi thức rước kiệu từ đền thờ Thủy Phủ Long Vương đến nhà văn hóa thôn Lương Ngọc để báo công với thành hoàng làng về một năm lao động sản xuất của người dân địa phương và gửi gắm những ước nguyện của năm mới. Trong bài viết “Lễ hội khai hạ của đồng bào Mường, làng Ngọc, Cẩm Lương” (Hoàng Minh Tường, Về miền du lịch xứ Thanh, NXB Thanh Hóa) miêu tả chi tiết: “Đi đầu đám rước là cờ, biển dẫn đường, tiếp đó là phường bùa. Phường bùa diễn tấu cồng chiêng, ông chủ phường bùa vừa đi vừa hát chúc “khoát rác” cầu cho nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt; theo sau là phường bát âm, đội chấp kích; tiếp đó là kiệu long đình có lọng che; các thiếu nữ rước cỗ; các vị chức sắc, người cao tuổi, quan khách và đông đảo bà con dân làng, khách thập phương. Đám rước như một con rắn khổng lồ, nhiều màu sắc từ mái nhà sàn thân yêu năm nào đang luồn lách qua từng ngõ nhỏ tiến dần ra suối Ngọc”. Cùng với phần lễ, phần hội diễn ra với nhiều trò chơi, trò diễn: hát sắc bùa, hát múa pồn pôông, diễn tấu cồng chiêng, đánh đáo, tung còn, bắn nỏ, chơi đu...

Là những người trẻ, học tập ở Trường THPT Dân tộc nội trú giữa lòng phố, điều đáng quý nhất ở Lê Hà Chinh, Hà Ngọc Mai và các bạn học sinh khác ở đây, đó là tình yêu, niềm tự hào, ý thức trân trọng, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Các em không phải là những người hiểu biết tường tận về gốc gác, văn hóa dân tộc mình; tiếng phổ thông là ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày chứ không phải tiếng nói, chữ viết của đồng bào; cũng không chắc rằng mình sẽ ăn đời ở kiếp với mảnh đất quê hương... Dù ở giữa lòng phố thị hay đi đến góc bể chân trời nào, hành trang mang theo vẫn luôn dành chỗ cho bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, trong tâm khảm vẫn không thôi nhớ về không gian lễ hội, tập tục, hương vị ẩm thực quê hương...

Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]