(Baothanhhoa.vn) - Giải pháp cho ô nhiễm nhựa là chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới 5-6 năm nay. Chủ đề này cho thấy tính cấp thiết của việc bảo vệ môi trường (BVMT) trước tác hại của ô nhiễm nhựa đối với cuộc sống; đồng thời, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và loại bỏ chất thải nhựa...

Nhân Ngày Môi trường thế giới 5-6: Giải pháp cho ô nhiễm nhựa

Giải pháp cho ô nhiễm nhựa là chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới 5-6 năm nay. Chủ đề này cho thấy tính cấp thiết của việc bảo vệ môi trường (BVMT) trước tác hại của ô nhiễm nhựa đối với cuộc sống; đồng thời, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và loại bỏ chất thải nhựa...

Nhân Ngày Môi trường thế giới 5-6: Giải pháp cho ô nhiễm nhựaLực lượng vũ trang và đoàn viên, thanh niên TP Sầm Sơn ra quân dọn vệ sinh môi trường biển hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2023.

Theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10% được tái chế. Ước tính hàng năm, có khoảng 19 - 23 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra hồ, sông và biển; đồng thời, mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt cháy gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái, từ đỉnh núi đến đáy đại dương. Cũng theo ước tính, với tốc độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm hàng chục tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương, nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi nilon, hộp đựng đồ ăn, cốc...) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội và sức khỏe con người, trở thành thách thức lớn đối với môi trường.

Những năm qua, Việt Nam đã, đang thực thi nhiều cơ chế, chiến lược, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, BVMT. Điển hình như Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Tuy nhiên, sự tiện dụng của túi nilon tạo nên thói quen khó bỏ của người tiêu dùng trong việc sử dụng. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã từng khảo sát và cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng hơn 200 túi nilon các loại/tháng. Điều này cũng đồng nghĩa, nếu không có giải pháp thiết thực trong việc hạn chế dùng túi nilon thì không bao lâu nữa túi nilon sẽ tràn ngập khắp các đường phố, kênh rạch, ruộng đồng..., môi trường sẽ bị hủy hoại nặng nề và khó có thể khắc phục được.

Từ thực tế trên, Bộ TN&MT đã kêu gọi các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố; các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường” và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới trên cả nước với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”. Trong đó, tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.

Với chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm nay, Bộ TN&MT cũng đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động, tổ chức tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật BVMT năm 2020 và các cơ chế, chính sách, pháp luật về BVMT. Các cơ quan, đơn vị cần thực hiện hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025”; Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam”... Đồng thời xây dựng ban hành quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp tái chế; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải nhựa trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa; thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn.

Tại Thanh Hóa, qua khảo sát của ngành chức năng cho thấy, lượng phát sinh rác thải nhựa năm 2022 ở các địa phương trên địa bàn tỉnh dao động lớn. Trong đó, cao nhất là TP Thanh Hóa với tổng lượng phát thải là 54,27 tấn/ngày, tương đương gần 19.809 tấn/năm (chiếm 15,49% toàn tỉnh), riêng khu vực đô thị là 8.709,38 tấn/năm. TP Sầm Sơn có lượng phát thải xếp thứ hai với tổng lượng rác thải nhựa 20,44 tấn/ngày, tương đương gần 7.461 tấn/năm... Với khối lượng chất thải nhựa và túi nilon được sử dụng và thải ra lớn như vậy, song việc quản lý lượng chất thải này vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn. Để hạn chế việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nilon, những năm gần đây, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền đến người dân về những tác hại của thói quen sử dụng túi nilon. Đồng thời, đưa ra những giải pháp áp dụng cụ thể trong thực tiễn như phân loại rác túi nilon, khuyến khích sử dụng nhiều lần tại các siêu thị, trung tâm thương mại... Hỗ trợ hội phụ nữ thành lập câu lạc bộ hạn chế sử dụng túi nilon... tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn.

Thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay, ngày 30-5-2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND với nhiều nội dung, nhiệm vụ quan trọng được giao cho các ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện như: tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cấp, ban, ngành, tổ chức và các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng trong công tác BVMT, tác hại của ô nhiễm nhựa, túi nilon đối với cuộc sống; in ấn băng rôn làm từ các vật liệu thân thiện môi trường tuyên truyền hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2023 và treo tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp. Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, rác thải nhựa, đặc biệt tại các vùng ven biển và trên các đảo; tổ chức các hoạt động ra quân làm sạch bờ biển, dọn vệ sinh môi trường tại các khu vực bờ kè biển, khu du lịch biển, khu neo đậu, cảng cá, chợ đầu mối ven biển; tổ chức trồng cây xanh chống xói lở bờ biển...

Ngày Môi trường thế giới không chỉ là dịp để mỗi người tham gia các hoạt động BVMT, mà còn nâng cao hơn nữa nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng trong công tác BVMT. Hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta hãy lên tiếng vì môi trường, nhận ra những thách thức mà con người đang phải đối mặt, qua đó, nêu cao tinh thần, trách nhiệm và bằng những hành động nhỏ hàng ngày như, phân loại, xử lý rác hữu cơ tại nơi phát sinh, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy hướng tới mục tiêu chung vì cuộc sống người dân, vì sự phát triển bền vững của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]