(Baothanhhoa.vn) - Tình trạng vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi, chất thải, nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm xen lẫn trong khu dân cư chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề gây bức xúc ở một số khu dân cư.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong khu dân cư

Tình trạng vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi, chất thải, nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm xen lẫn trong khu dân cư chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề gây bức xúc ở một số khu dân cư.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong khu dân cư

Khu chăn nuôi của gia đình ông Lê Văn Luận, xã Đông Minh (Đông Sơn).

Xã Đông Minh (Đông Sơn) được công nhận xã nông thôn mới (NTM) vào năm 2017. Hiện nay, xã đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xây dựng NTM nâng cao vào năm 2020. Trong số rất nhiều phần việc phải thực hiện, tiêu chí về môi trường được đặt lên hàng đầu. Xã Đông Minh đã tập trung vận động nhân dân hiến đất, xây lùi bờ rào, mở rộng vỉa hè, đường giao thông, xây dựng hệ thống thoát nước thải có nắp đậy hai bên với chiều dài khoảng 10km để giải quyết tình trạng nước thải trong khu dân cư. Kinh phí thực hiện khoảng hơn 4 tỷ đồng, trong đó có 50% là vốn nhân dân đóng góp. Đến nay, 80% hệ thống thoát nước ở khu dân cư đã có nắp đậy. Địa phương đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng 2 bãi tập kết rác thải thuộc thôn 3 và 4 nằm cách xa khu vực dân cư để cho đơn vị thu gom rác thải tập kết, vận chuyển rác sinh hoạt của 6 thôn trong xã về đúng nơi quy định... Đó là những kết quả tích cực mà xã Đông Minh đã thực hiện được để bảo vệ môi trường trong khu dân cư, thực hiện tiêu chí của NTM nâng cao. Thế nhưng, theo một số người dân ở đây, địa phương vẫn còn những “điểm trừ” về môi trường chưa được giải quyết dứt điểm.

Từ tháng 5-2019, một số người dân ở thôn 3, xã Đông Minh đã thường xuyên phản ánh, kiến nghị đến chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm từ khu chăn nuôi gia cầm của gia đình ông Lê Văn Luận. Hộ ông Luận vốn có diện tích đất ở trong khu dân cư thôn 3, giáp Quốc lộ 47 cũ. Khu đất rộng rãi, có ao phía sau nên từ xưa đến nay, gia đình kết hợp làm lò ấp trứng và chăn nuôi gia cầm các loại với số lượng hàng trăm con. Mặc dù gia đình thường xuyên dọn dẹp, đổ cao đất nền, áp dụng các biện pháp xử lý vệ sinh bằng đệm lót sinh học, nhưng vẫn không xử lý hết được mùi hôi thối bốc lên từ khu chăn nuôi, bởi số lượng con nuôi quá lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của một số hộ dân xung quanh. Tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, ngày 22-5-2019, UBND xã Đông Minh đã phân công đoàn kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu gia đình ông Luận cam kết khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường bằng các biện pháp, như: Giảm đàn, chuyển đàn nuôi ra xa khỏi khu dân cư... Thế nhưng, sau hơn 3 tháng lập biên bản, cam kết giao trách nhiệm, thì dường như mọi việc vẫn “dậm chân tại chỗ”. Ngày 3-9-2019, có mặt tại gia đình ông Luận, số gia cầm đang được nuôi tại đây ước tính hơn 400 con, mùi phân ngan, vịt vẫn bốc lên khó chịu...

Ông Lê Đình Năng, Chủ tịch UBND xã Đông Minh thừa nhận: Tình trạng ô nhiễm tại khu vực chăn nuôi của gia đình ông Lê Văn Luận là có cơ sở, địa phương đã kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu cam kết khắc phục ô nhiễm bằng cách giảm đàn nuôi... thế nhưng người dân vẫn không chấp hành bởi còn liên quan đến sinh kế của họ!? Tới đây, nếu gia đình ông Luận vẫn không khắc phục tình trạng ô nhiễm, UBND xã Đông Minh sẽ căn cứ quy định của pháp luật để xử lý theo quy định...

Không chỉ ở xã Đông Minh mà tình trạng ô nhiễm môi trường từ sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi nhỏ lẻ, xen lẫn trong khu dân cư vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh và chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do người sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi chưa hiểu biết về Luật Bảo vệ môi trường, xem nhẹ vấn đề môi trường sống, nhiều nơi chính quyền cơ sở còn buông lỏng trong vấn đề quản lý, ngại va chạm, thiếu xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm. Hậu quả là, môi trường không khí bị ảnh hưởng, người dân một số khu dân cư vẫn phải hứng chịu mùi xả thải do chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm; mùi xả thải từ cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Những dòng nước thải chưa được xử lý “lặng lẽ” theo các con đường khác nhau ngấm vào lòng đất hoặc đổ ra sông, hồ... ảnh hưởng đến môi trường nước – một yếu tố quan trọng đối với sự sống của con người.

Theo Báo cáo số 43/BC-UBND của UBND tỉnh ngày 25-3-2019 về công tác bảo vệ môi trường năm 2018 tỉnh Thanh Hóa, chất lượng mặt nước ở khu vực thượng lưu các con sông lớn còn tương đối tốt, tuy nhiên ở vùng trung và hạ lưu đã có dấu hiệu ô nhiễm. Hàm lượng clorua vượt giới hạn cho phép mức A2, B1 từ 2,02 – 15,9 lần; tổng chất rắn lơ lửng vượt giới hạn cho phép mức B1 từ 1,24 - 6,46 lần; hàm lượng amoni, dầu mỡ, NH4+, SS, coliform... đều vượt giới hạn cho phép. Đối với môi trường nước ngầm, một số khu vực có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi hàm lượng COD vượt giới hạn cho phép 1,16 - 1,84 lần khi so sánh với QCVN 09-MT:2015/BTNMT; NH4+ vượt giới hạn cho phép từ 1,96 - 7,86 lần; độ cứng vượt giới hạn cho phép từ 1,16-1,84 lần. Đặc biệt, khu vực làng nghề tơ tằm Thiệu Đô hàm lượng amoni có giá trị cao nhất và vượt giới hạn cho phép trong cả 2 đợt quan trắc lần lượt 6,44 và 7,86 lần. Nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng nước ngầm là do đặc điểm địa chất của từng vùng, hơn nữa, do điều kiện vệ sinh môi trường kém, chuồng trại chăn nuôi bố trí chưa hợp lý, chưa có công trình xử lý chất thải triệt để. Một phần, còn do nhân dân khai thác nước ngầm bừa bãi, cùng với công tác xử lý nước thải sinh hoạt tại các hộ gia đình, nước thải từ các cơ sở sản xuất chưa được xử lý triệt để nên nước thải ngấm dần theo thời gian vào mạch nước ngầm và gây ô nhiễm...

Mặc dù, trong quá trình xây dựng NTM, môi trường sống ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn đạt 76,3%. Tuy nhiên, những con số quan trắc nêu trên là vấn đề mà mỗi người dân cần biết để tự nâng cao ý thức, tinh thần tự giác, điều chỉnh hành vi của mình trong việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường trong khu dân cư nói riêng. Bởi, bảo vệ môi trường không phải là vấn đề xa xôi mà bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất, thiết thực nhất. Đó cũng là những con số “nhắc nhở” để chính quyền mỗi địa phương nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm đối với những trường hợp vi phạm. Có như vậy mới có thể chung tay giữ gìn môi trường sống trong lành cho chúng ta và cho thế hệ mai sau!

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]