(Baothanhhoa.vn) - Ngay từ đầu năm 2022, huyện Nông Cống đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) với phương châm “4 tại chỗ”, lấy phòng là chính; đồng thời, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện chủ động ứng phó phù hợp với mọi tình huống.

Huyện Nông Cống chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Ngay từ đầu năm 2022, huyện Nông Cống đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) với phương châm “4 tại chỗ”, lấy phòng là chính; đồng thời, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện chủ động ứng phó phù hợp với mọi tình huống.

Huyện Nông Cống chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạnXã Minh Khôi chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.

Mỗi khi mùa mưa lũ về, người dân xã Minh Khôi luôn trong tâm thế sẵn sàng di dời để bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Năm nay, xã đã xây dựng, triển khai phương án PCTT & TKCN, trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền Luật PCTT, Luật Đê điều, nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân về bảo vệ đê, không lấn chiếm hành lang đê, không vứt rác thải dưới thân đê. Tại tuyến đê tả sông Yên, đoạn qua xã Minh Khôi có chiều dài hơn 1,2 km, hiện có 3 điểm xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ cao trong mùa mưa bão. Để bảo vệ đê, địa phương đã huy động người dân tu bổ những điểm sạt, tập kết đất trên đê để phòng, chống nước tràn qua đê, đê vỡ. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ huy PCTT & TKCN xã phụ trách thôn, xóm; thành lập đội xung kích theo quy định và chuẩn bị đầy đủ vật tư hộ đê tại chỗ, như: 180m3 đất, 200m lưới thép, 50 con rồng rào, 3.000 bao bì, 300 cây tre, 15m3 đá dăm, 5 xe ô tô vận tải... để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Với yếu tố địa hình sâu trũng đặc trưng, toàn bộ diện tích của huyện lấy nước từ 4 con sông thuộc hệ thống sông Yên. Mặt khác, trên địa bàn huyện có 29 hồ chứa với dung tích vừa và nhỏ do các địa phương quản lý nhưng có tới 11 hồ đang xuống cấp. Với tinh thần “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, lấy phòng là chính”, huyện Nông Cống đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự (PTDS) huyện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Sông Chu - Chi Nhánh Nông Cống kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình PCTT đê, kè, cống trên địa bàn trước mùa mưa lũ. Trên cơ sở đó xác định các vị trí xung yếu, các hư hỏng cần phải sửa chữa, khắc phục trước mùa mưa lũ. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng lực lượng đội xung kích PCTT; lực lượng tuần tra, canh gác và được tập huấn kỹ thuật tuần tra, canh gác, hộ đê giờ đầu. Đối với những điểm có nguy cơ bị ngập lụt cao, huyện chỉ đạo các xã cắm biển cảnh báo, thông báo cho Nhân dân biết phạm vi ảnh hưởng để chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn, nhất là tại các xã nằm trong vùng 3 của huyện – thường xuyên chịu ngập, lụt trong mùa mưa bão, như: Tượng Sơn, Tượng Văn, Trường Giang... và chuẩn bị các phương án di dời Nhân dân đến các nhà kiên cố, nhà sinh hoạt cộng đồng. Về vật tư dự trữ, huyện đã chuẩn bị xe ô tô tải, xe ô tô khách, tàu, xuồng máy, nhà bạt và 8.500m3 đất, 250m3 đá hộc, hơn 12.000 cây tre, cọc tre, hơn 2.000 rọ thép, 21.500 bao tải... để bảo đảm công tác PCTT & TKCN kịp thời. Đồng thời, chuẩn bị hàng hóa dự trữ như gạo, mì tôm, lương khô, xăng dầu, khí đốt và các nhu yếu phẩm khác; vận động Nhân dân có kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết bảo đảm 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.

Chia sẻ về kinh nghiệm PCTT & TKCN của địa phương, đồng chí Đồng Minh Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho rằng, cần phải tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng phương án, chuẩn bị vật tư và thực hiện đúng phương châm “phòng là chính”. Trong đó, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để lập kế hoạch PCTT & TKCN chi tiết, cụ thể cho từng vùng miền, từng khu vực; phân công nhiệm vụ cụ thể và giám sát các thành viên phụ trách. Vật tư dự phòng phải bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng và được tập kết sẵn ở những vị trí cần thiết, ở gần những điểm có nguy cơ xảy ra sự cố, khi cần là huy động được ngay. Trước mùa mưa lũ cần phải sửa chữa ngay những đoạn đê đã phát hiện thẩm lậu, rò rỉ ở mùa lũ năm trước; tổ chức phát quang mái đê; vận động Nhân dân địa phương tham gia kiểm tra, phát hiện các hư hỏng của công trình chống lụt bão để có biện pháp gia cố ngay. Đồng thời, khẩn trương khôi phục sau bão lũ, sớm ổn định sản xuất và đời sống của Nhân dân.

Bài và ảnh: Khánh Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]