(Baothanhhoa.vn) - Dù điều kiện làm việc luôn gắn liền với nắng gió, khói bụi, tiếng ồn... và nước thải, nhưng những quan trắc viên ở Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa vẫn ngày ngày cần mẫn đếm, đo để “bắt bệnh” môi trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện những bác sĩ “bắt mạch” môi trường

Dù điều kiện làm việc luôn gắn liền với nắng gió, khói bụi, tiếng ồn... và nước thải, nhưng những quan trắc viên ở Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa vẫn ngày ngày cần mẫn đếm, đo để “bắt bệnh” môi trường.

Chuyện những bác sĩ “bắt mạch” môi trường

Dù không phải đi hiện trường, nhưng công việc tại phòng thí nghiệm cũng rất độc hại vì thường xuyên tiếp xúc với hóa chất trong quá trình phân tích.

Chúng tôi đến đúng lúc đội hiện trường của Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường Thanh Hóa chuẩn bị “đồ nghề” để sẵn sàng lên đường đi công tác. Chuyến đi này các anh có 5 người, với nhiệm vụ tiến hành quan trắc chất lượng môi trường biển.

Vừa bỏ “đồ nghề” vào ba lô, anh Lê Văn Thế (sinh năm 1981), phòng quan trắc môi trường, chia sẻ: “Mỗi chuyến đi biển, chúng tôi phải thuê thuyền ra cách xa bờ khoảng 6 hải lý mới đến được địa điểm quan trắc. Mọi người vẫn nói vui với nhau rằng, người còn không lo bằng việc vận chuyển máy móc, trang thiết bị phục vụ công việc sao cho đến nơi an toàn”.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, chàng trai trẻ quyết định ôm tấm bằng về quê gắn với nghề quan trắc. Hơn 10 năm trong nghề, anh Lê Văn Thế đã trải qua bao khó khăn, vất vả nhưng cũng đầy kỷ niệm đáng nhớ.

Có lẽ với anh Lê Văn Thế, những chuyến đi quan trắc môi trường biển là những kỷ niệm không bao giờ quên được. Mỗi lần đi biển, đội của anh thường đi khoảng 4-5 người. Có những lần đã nghiên cứu dự báo thời tiết rất cẩn thận, trong đất liền thì trời quang, mây tạnh nhưng khi ra đến địa điểm quan trắc thì dông gió nổi lên. Vậy là anh em đành phải quay về để chờ hôm sau thời tiết ổn định lại đi tiếp. “Nhớ nhất khi mới chập chững vào nghề, lần đầu tiên tôi cùng đồng nghiệp đi quan trắc môi trường biển. Mới ra cách bờ không xa, tôi bắt đầu thấy chóng mặt, buồn nôn... và mong muốn lớn nhất chỉ là được lên bờ. Lúc đó, tôi hoàn toàn chưa có kinh nghiệm gì, chỉ mang trong mình chút kiến thức sách vở từ khi còn trên ghế giảng đường, thú thật là vô cùng bỡ ngỡ và lúng túng. Hay có lần đi lấy mẫu khí thải ở Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, chúng tôi phải leo lên ống khói với độ cao 80m. Ống khói tròn, trong khi chỉ có 40m thang bộ, vậy là anh em phải leo dây mới lên được nơi lấy mẫu. 22h đêm cũng là lúc công việc kết thúc... Nhưng chắc do có duyên với nghề, sau những chuyến đi như vậy, tôi càng cảm thấy yêu nghề và quyết tâm gắn bó với nghề hơn”, anh Thế bộc bạch.

Những chuyến công tác dài ngày đã trở thành một phần cuộc sống của anh và những người đồng nghiệp. Có những lần, kết thúc một dự án, chỉ kịp về bàn giao mẫu, rồi các anh lại tiếp tục hành trình. Vì thế, áp lực công việc đặt lên vai các anh là không hề nhỏ.

Cũng như anh Thế, anh Hắc Bá Thành (sinh năm 1981), trưởng nhóm quan trắc môi trường nước gắn bó với nghề quan trắc cũng đã được 10 năm. Anh không nhớ rõ đã bao lần mình đặt chân ra biển, nhưng đến giờ sóng biển vẫn luôn là nỗi kinh hoàng với anh. “Còn nhiều “hiện trường” mà chỉ cần nhắc tới thôi thì ai cũng lắc đầu, lè lưỡi: Đi lấy mẫu, đo đạc ở những bãi rác, những cống thải hôi thối đen ngòm, nước thải bệnh viện, kênh rác. Ở bãi rác, điểm đo chỉ cách bãi rác khoảng 50m và phải ở cuối hướng gió. Bao nhiêu mùi là mình được “hưởng” hết”, anh Thành kể.

Tất cả những khó khăn, vất vả ấy không làm cho các anh thấy nản lòng. Những năm qua, hầu hết các cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh đã in dấu bước chân của những quan trắc hiện trường. Từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tới các tuyến bệnh viện, các khu xử lý chất thải của các công ty, doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản... Với các anh, mỗi chuyến đi là một câu chuyện, một trải nghiệm, một kỷ niệm không thể nào quên được.

Anh Thành nói: “Để đảm bảo chất lượng công việc, mỗi chuyến quan trắc, quan trọng nhất là khâu chuẩn bị máy móc, thiết bị, từ các loại máy đo phù hợp cho đến những thứ rất dễ quên như pin, chai, lọ, túi ni-lông, dây điện... Các điểm quan trắc đều ở vùng biển, vùng sâu, vùng xa đa phần cách xa khu dân cư nên nếu “lỡ quên” thiết bị nào, dù nhỏ cũng khó bổ sung được. Vì vậy, ai ai cũng rất cẩn trọng trong việc này”.

Trong suốt quá trình quan trắc, người quan trắc viên lại tất bật với công tác lắp đặt máy móc cho đúng vị trí, phải “canh” giờ cho chuẩn để ghi kết quả quan trắc, nhiều khi vừa hít bụi cùng máy móc, vừa phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong quá trình quan trắc... Nghề của các anh lắm khi phải lấy đêm làm ngày. Những nhà máy cao su, lò tái chế phế liệu kim loại, sử dụng điện nhiều nên các doanh nghiệp thường hay hoạt động vào ban đêm, cũng phải đi đêm mới “bắt đúng bệnh”. Nhiều hôm bữa ăn chính chỉ là bát mì tôm hay suất cơm hộp, thậm chí là miếng lương khô.

Tai nạn khi “tác nghiệp” với quan trắc viên hiện trường thì có vô vàn. Quan trắc viên phải leo lên mái nhà làm bằng fibro xi-măng do ống khói không có sàn thao tác hay thang leo, mái đã lâu năm nên rất giòn, có khi cả người và tấm fibro bị rớt xuống. Có người leo xuống lấy mẫu ở khu xử lý nước thải tập trung rất độc hại của khu công nghiệp, bị rớt mắt kính bảo hộ, bùn văng vào mắt phải vào viện cấp cứu...

Từng là một quan trắc hiện trường, chị Đỗ Thị Lê (sinh năm 1983), phó phòng thí nghiệm lại có những trải nghiệm khác. Không đi thực địa nhiều như đội hiện trường, nhưng công việc tại phòng thí nghiệm cũng rất độc hại vì thường xuyên tiếp xúc với hóa chất trong quá trình phân tích.

Nhắc đến chuyện nghề, chị Lê chia sẻ: “Năm 2016, khi Nhà máy đường ở Hòa Bình xả thải làm cá sông Bưởi chết hàng loạt. Phòng thí nghiệm nhận được chỉ đạo của ban giám đốc trung tâm phải làm thật nhanh để có kết quả sớm nhất. Sau khi tiếp nhận mẫu, chúng tôi tiến hành phân tích trong phòng thí nghiệm. Kết thúc công việc đã hơn 12h đêm... Mỗi lần phân tích mẫu, chúng tôi chỉ nghỉ khi đã hoàn thành quá trình phân tích. Đặc biệt, để kết quả phân tích mẫu được chính xác nhất, trong suốt quá trình làm việc, người quan trắc viên cần có sự tập trung cao độ ngay từ khâu chuẩn bị, chưng cất mẫu; đồng thời, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, nắm vững toàn bộ quá trình phân tích”.

Nhưng theo những cán bộ ở đây, nghề quan trắc dù ở vị trí nào cũng có những gian nan, vất vả riêng. Dù vậy, họ vẫn lạc quan mà nói rằng, công việc tuy vất cả, nhưng qua những chuyến đi, qua những trải nghiệm lại cảm thấy yêu, gắn bó với nghề.

Ông Trần Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường Thanh Hóa, tâm sự: “Khi bước vào nghề quan trắc viên môi trường phải xác định đây là công việc đầy những khó khăn, vất vả bởi phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, nhất là các quan trắc viên nữ. Nếu không có lòng yêu nghề, có sức khỏe, sự bền bỉ, nhẫn nại thì rất khó theo nghề. Môi trường hiện nay đang là vấn đề nóng. Để đánh giá chất lượng môi trường phải qua kết quả quan trắc, phân tích môi trường. Do đó, các cán bộ ở đây luôn nỗ lực học tập, nâng cao trình độ của bản thân để cung cấp số liệu, kết quả quan trắc phân tích môi trường đúng nhất. Từ đó, có căn cứ để các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra những nhận định chính xác nhất về hiện trạng, chất lượng môi trường”.

Theo ông Hùng, quan trắc hiện trường dù công việc rất vất vả, phải thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, nắng gió, tiếng ồn và nước thải, đó là chưa kể phải đến những nơi nguy hiểm như: Sông, biển, leo ống khói... nhưng vẫn chưa được đưa vào ngành nghề đặc thù, chưa có chính sách hỗ trợ độc hại.

Chia tay những quan trắc viên nơi đây, chúng tôi chợt nhớ đến câu nói của ông Hùng: “Chỉ mong Nhà nước có những chính sách phù hợp để những người làm quan trắc hiện trường đỡ chịu thiệt thòi”.

Bài và ảnh: Hoài Thu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]