(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo, khuyến khích nông dân và HTX hợp tác với doanh nghiệp liên kết sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế, nhất là đối với một số cây trồng chủ lực.

Liên kết sản xuất - góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho cây trồng chủ lực

Những năm gần đây, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo, khuyến khích nông dân và HTX hợp tác với doanh nghiệp liên kết sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế, nhất là đối với một số cây trồng chủ lực.

Liên kết sản xuất - góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho cây trồng chủ lựcNgười dân xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) chăm sóc rau, quả tại vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Là một trong những vùng sản xuất rau, củ, quả trọng điểm, xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) luôn duy trì khoảng 40 ha chuyên canh cây rau màu. Để nâng cao giá trị kinh tế từ sản xuất rau, quả, người dân trên địa bàn xã đã và đang nỗ lực triển khai, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ. Theo đó, toàn xã có 17,8 ha rau, quả được cơ quan chuyên môn chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 80% diện tích sản xuất được áp dụng các tiêu chuẩn an toàn khác. Ông Cao Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Hoằng Giang, cho biết: Rau, quả chính là loại cây trồng chủ lực của xã, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Chính vì vậy, xã luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho nhóm cây trồng này. Theo đó, UBND xã giao HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Hoằng Giang tìm kiếm đối tác để liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Hiện đã hình thành được 2 chuỗi cung ứng ổn định, với sản lượng hơn 70kg rau, quả/ngày. Sau khi thực hiện liên kết, người sản xuất yên tâm về giá và thị trường tiêu thụ ổn định. Hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,5 - 1,7 lần so với sản xuất thông thường.

Theo Quyết định số 1638/QĐ-UBND ngày 10-5-2021 của UBND tỉnh, cây gai xanh là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu trồng mới cây gai xanh cho các huyện thực hiện. Huyện Cẩm Thủy là địa bàn trọng điểm trồng và phát triển cây gai xanh của tỉnh. Huyện đặt mục tiêu năm 2021 trồng mới 300 ha cây gai xanh. Chính vì vậy, huyện đã tăng cường mở rộng diện tích trồng cây gai xanh, giao chỉ tiêu phát triển cây trồng chủ lực này cho từng xã, thị trấn. Tính đến hết tháng 6-2021, huyện đã trồng mới được 132 ha cây gai xanh tại các xã Cẩm Tú, Cẩm Bình, Cẩm Châu... Cùng với đó, người dân trên địa bàn huyện đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với Nhà máy sợi dệt An Phước tại xã Cẩm Tú. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Cẩm Thủy, cây gai xanh có thể thu hoạch từ 4 - 5 lứa/năm, năng suất bình quân 25 tấn/ha cây tươi, tương đương 0,75 tấn sợi khô, lợi nhuận bình quân đạt từ 60 - 70 triệu đồng/ha/năm. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Cẩm Thủy, khẳng định: Trong sản xuất nông nghiệp, việc liên kết sản xuất đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ 15% đến 25% so với sản xuất truyền thống. Trên địa bàn huyện Cẩm Thủy có 8 loại cây trồng chủ lực, gồm: lúa, ngô, mía, rau quả, cây lấy gỗ, cây thức ăn chăn nuôi, tre luồng và cây gai xanh. Để nâng cao giá trị cho các cây trồng chủ lực, UBND huyện đã vận dụng và xây dựng những cơ chế, chính sách để khuyến khích sản xuất, hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực. Trên địa bàn huyện đã hình thành được những vùng nguyên liệu như 132 ha cây gai xanh liên kết với Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước; hơn 400 ha ngô làm thức ăn chăn nuôi liên kết với Công ty TNHH MTV bò sữa Thống Nhất, Công ty TNHH TH True milk; hơn 1.300 ha mía nguyên liệu liên kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan... góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 65.000 ha lúa, gần 10.000 ha rau quả, hơn 10.000 ha mía, 11.000 ha tre luồng, gần 200 ha cây gai xanh... được ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, cây lúa đạt doanh thu 47,8 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận 25,8 triệu đồng/ha/vụ; cây ngô doanh thu 30,5 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận 15,5 triệu đồng/ha/vụ; cây thức ăn chăn nuôi doanh thu 42,5 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận 21 triệu đồng/ha/vụ...

Để các loại cây trồng chủ lực của tỉnh Thanh Hóa phát triển bền vững, ổn định, tỉnh cần tập trung rà soát, quy hoạch quỹ đất lâu dài cho từng loại cây trồng; thực hiện lồng ghép các cơ chế, chính sách, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để tạo điều kiện cho người dân mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành những vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất và chế biến. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh hỗ trợ triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để những sản phẩm từ cây trồng chủ lực của tỉnh có cơ hội tiếp cận với thị trường mới. Các địa phương cần chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật sản xuất mới cho người dân. Đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng vào sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]