Kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng Phát xít (9/5/1945 - 9/5/2025): Thiên anh hùng ca chói lọi của thế kỷ XX
Chiến thắng của các lực lượng dân chủ và tiến bộ trước thế lực phát xít, với ngọn cờ đầu vĩ đại là Nhân dân và Hồng quân Liên Xô, đã đưa nhân loại bước vào một kỷ nguyên phát triển mới. Để rồi, tròn 80 năm kể từ ngày Hồng quân cắm lá cờ thắm đỏ màu máu xương và nước mắt trên tòa nhà Quốc hội Đức, ngày 9/5 đã trở thành “Ngày chiến thắng” - ngày để thế giới tôn vinh các giá trị cao đẹp của tự do và hòa bình, của lương tri và phẩm giá con người.
Đi qua chiến tranh, dân tộc Việt Nam càng trân trọng lịch sử và giá trị của hòa bình. (Trong anh: Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại tỉnh Quảng Nam).
Thắng lợi vĩ đại
Thế giới bước vào thập niên 30 của thế kỷ XX, với một “dấu mốc” không mấy sáng sủa: Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội (những năm 1929-1933), khởi đầu từ phương Tây và nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới. “Cuộc khủng hoảng thừa” đã tạo ra một “di sản” tồi tệ cho nền kinh tế thế giới, với sản lượng công nghiệp giảm sút, nhà máy đóng cửa, lao động thất nghiệp, đói nghèo gia tăng, mâu thuẫn xã hội gay gắt... Nhiều học giả cho rằng, chính cuộc đại suy thoái này đã khơi nguồn cho sự hình thành xu hướng chính trị bạo lực cực đoan. Bởi, với các nước như Mỹ, Anh, Pháp... những đế quốc, thực dân vốn có nhiều thuộc địa, vốn và thị trường, có thể thoát khỏi tình trạng khủng hoảng nhờ những chính sách có phần “ôn hòa” và mong muốn giữ vững trật tự thế giới như hiện tại. Ngược lại, một số nước tư bản như Đức, Ý, Nhật lại không có được cái “dư địa” phát triển lớn như vậy để xoay sở với cuộc đại suy thoái. Do đó, phát xít hóa chế độ chính trị đã trở thành con đường được các quốc gia này lựa chọn. Từ đây, mâu thuẫn giữa các nước đế quốc ngày càng gia tăng, đồng thời với cuộc chạy đua vũ trang, hiện đại hóa quân đội, đã châm ngòi nổ cho thế chiến thứ II.
Chủ nghĩa phát xít được xem là hiện thân của sự cực đoan, hiếu chiến, với các chính sách khủng bố, đàn áp dã man nhằm triệt tiêu nền dân chủ. Hơn nữa, với mục đích “chia lại thế giới”, Đức, Ý và Nhật đã liên kết thành một “phe trục” để vận hành “cỗ máy chiến tranh” khổng lồ, gây ra cái chết của hàng triệu sinh mạng và tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới; đồng thời, đe dọa đến hòa bình, thịnh vượng của các quốc gia cũng như làm lu mờ lương tri và phẩm giá con người. Và thực tế, với sự kiện phát xít Đức tấn công Ba Lan (ngày 1/9/1939), “lò lửa” chiến tranh thế giới lần thứ II chính thức bùng phát. Chỉ trong vòng 1 năm, châu Âu đã gần như nằm gọn dưới gót giày Đức Quốc xã. Trong khi đó, phát xít Ý, Nhật cũng nhanh chóng phát động cuộc chiến nhằm chiếm cứ các khu vực châu Á, châu Phi, Trung Đông (vốn là thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan).
Bước ngoặt của cuộc chiến tranh, cũng đồng thời là giai đoạn ác liệt nhất của thế chiến thứ II, là khi Đức xé bỏ “Hiệp ước không xâm phạm Xô - Đức”, nổ súng xâm lược Liên Xô (tháng 6/1941). Với kế hoạch chiến tranh chớp nhoáng, đánh nhanh thắng nhanh, quân Đức đã tạo được bất ngờ và giành nhiều thắng lợi. Thậm chí, có thời điểm Liên Xô tưởng chừng đã đứng bên bờ vực đại bại khi quân Đức đã tiến sát thủ đô Mátxcơva. Tình thế bắt đầu xoay chuyển với trận Stalingrat (từ tháng 7/1942 đến tháng 2/1943) - trận đánh được đánh giá là có quy mô lớn, ác liệt và đẫm máu nhất trong lịch sử quân sự thế giới. Mặc dù giai đoạn đầu bị quân Đức vây ép và gây thương vong rất lớn, nhưng với tinh thần chiến đấu vô cùng kiên cường “quyết không lùi một bước” và tính chính nghĩa trong cuộc chiến, Hồng quân đã đứng vững để chuyển từ cầm cự sang phản công. Thắng lợi ngoạn mục của trận Stalingrat đã mở đầu cho thời kỳ thắng lợi của toàn bộ thế chiến thứ II.
Với thế tạo được từ trận Stalingrat, năm 1943, Hồng quân Liên Xô chuyển sang phản công, đánh đuổi hoàn toàn quân Đức Quốc xã, giải phóng đất nước. Đồng thời, mở các đợt tấn công dồn dập quân Đức trên khắp các mặt trận, giải phóng nhiều quốc gia. Ngày 30/4/1945, lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đã tung bay trên tòa nhà Quốc hội Đức. Đúng 0h43 phút, ngày 9/5/1945, thay mặt Đức Quốc xã, Thống soái Wihelm Keitel đã ký biên bản xác nhận sự đầu hàng vô điều kiện của phát xít Đức.
Vì một nền hòa bình đích thực
Thắng lợi của nhân loại tiến bộ thế giới trước thế lực phát xít, với “linh hồn” là Nhân dân và Hồng quân Liên Xô, là thắng lợi vĩ đại bậc nhất - một thiên anh hùng ca chói lọi của thế kỷ XX. Thắng lợi này đã nhấn chìm tư tưởng cực đoan, phản động, hiếu chiến, bành trướng của thế lực phát xít vào chính cái “lò lửa” chiến tranh mà chúng phát động. Song, đó là thắng lợi phải đánh đổi bằng máu và nước mắt của vô vàn sinh mạng, mà chỉ riêng đất nước Liên Xô đã có tới hơn 27 triệu người hy sinh trong cuộc chiến. Đó là sự hy sinh cao cả, vì lương tri và phẩm giá nhân loại tiến bộ, vì hòa bình và thịnh vượng cho các quốc gia - dân tộc trên thế giới.
Đi qua chiến tranh, dân tộc Việt Nam càng trân trọng lịch sử và giá trị của hòa bình. (Trong ảnh: Nhân dân vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Tròn 8 thập kỷ đã qua đi kể từ “Ngày chiến thắng” 9/5 ấy. Đó là “lăng kính” thời gian để nhân loại tiến bộ có cái nhìn khách quan, trung thực về lịch sử, để càng thêm trân trọng quá khứ, để biết hàm ơn những người đã lấy máu tô đậm lá cờ chiến thắng, lấy tuổi trẻ vẽ nên màu xanh hòa bình, lấy sự kiên cường và chính nghĩa để tranh đấu với sức mạnh của sắt thép lạnh lùng, cùng những toan tính vô nhân đạo... Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và nhiều cuộc xung đột đang diễn ra trên khắp thế giới, thì sự kiện lịch sử ngày 9/5 nói riêng và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ nền tự chủ, hòa bình cách đây 80 năm, càng trở thành bài học vô giá và càng phải như một hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhân loại tiến bộ. Rằng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa tân phát xít không còn là nguy cơ, mà đang thực sự hiện hữu. Và rằng, nếu nhân loại tiến bộ không lên tiếng để tranh đấu cho lẽ phải, thì cái thứ chủ nghĩa cực đoan ấy sẽ như “vết dầu loang”, có thể biến đổi màu xanh hòa bình thành màu đỏ của máu tươi; biến những giá trị của hòa bình, tự do, dân chủ, độc lập và tiến bộ đích thực, trở thành “tấm bình phong” cho những toan tính lợi ích, những mưu đồ bất chính có thể hủy hoại thế giới này.
Trên bàn cờ chính trị thời cuộc, Việt Nam tuy là quốc gia nhỏ bé nhưng chưa khi nào nằm ngoài sự toan tính của các nước lớn. Song, với tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn và tự hào dân tộc mạnh mẽ, Việt Nam quyết không tự biến mình thành con cờ và cũng không cam chịu trở thành con cờ của bất kỳ thế lực nào. Năm 1945, khi phát xít đầu hàng quân đồng minh, Đảng ta đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ “ngàn năm có một” để thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám và tuyên bố nền độc lập. Có thể khẳng định, thắng lợi to lớn này được tạo tiền đề từ “Ngày chiến thắng” 9/5/1945 và được hun đúc, cổ vũ từ tinh thần quả cảm, sẵn sàng hy sinh, quyết chiến và quyết thắng của Nhân dân và Hồng quân Liên Xô. Được tiếp thêm sức mạnh từ đất nước vĩ đại - tấm gương của tinh thần quốc tế cao cả, của chính nghĩa và lòng nhân ái cao đẹp, dân tộc Việt Nam đã kiên cường tiến hành cuộc trường chinh 30 năm đi đến ngày toàn thắng 30/4/1975 lịch sử.
Đi lên từ đau thương chiến tranh, hơn ai hết, Việt Nam hiểu và càng thêm trân trọng tình đồng chí thắm thiết, tình bạn thủy chung, tình hữu nghị bền chặt với Liên Xô trước đây và ngày nay là nước Nga- hiện thân của linh hồn, cốt cách và các giá trị cao đẹp của đất nước Xô Viết. Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm ngày chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, có lẽ là minh chứng thuyết phục nhất về mối quan hệ Việt - Nga hiện nay. Chuyến thăm của Tổng Bí thư và đặc biệt là sự có mặt của người đứng đầu Đảng ta tại Quảng trường Đỏ - trái tim của nước Nga, nơi chứng kiến những thời khắc lịch sử vĩ đại nhất của xứ sở bạch dương- là một thông điệp vô cùng ý nghĩa mà Việt Nam muốn gửi đến Nhân dân Nga và thế giới. Đó là thông điệp về sự trân trọng, hàm ơn của dân tộc Việt Nam trước sự hy sinh lớn lao của nhân loại tiến bộ cho nền hòa bình, trong đó có sự hy sinh cao cả Nhân dân và đất nước Xô Viết. Đó là thông điệp về sự thủy chung, trong sáng, trước sau như một của dân tộc Việt Nam gửi đến người bạn lớn chí tình, chí nghĩa Liên bang Nga. Đó là thông điệp về một Việt Nam tự lực, tự cường, độc lập, quyết không chịu sự chi phối của bất kỳ thế lực nào trên bàn cờ chính trị toàn cầu vốn đang đầy bất ổn và toan tính. Và rằng, Việt Nam sẵn sàng làm bạn chân thành, làm đối tác tin cậy với tất cả các nước, làm thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, song phải dựa trên nguyên tắc cốt lõi là tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam!
Bài và ảnh: Khôi Nguyên
{name} - {time}
-
2025-05-09 18:21:00
Thị xã Nghi Sơn phấn đấu hoàn thành xây dựng mới và sửa chữa nhà theo Chỉ thị số 22-CT/TU trước ngày 30/6
-
2025-05-09 18:09:00
Thanh Hóa cam kết trách nhiệm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh
-
2025-05-09 08:00:00
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 9/5/2025
Quốc hội Thảo Luận Dự Thảo Luật Thuế Tiêu Thụ Đặc Biệt
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 9/5
Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Liên bang Nga
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 8/5/2025
[Bản tin 18h] Bộ trưởng Nội vụ: Sẽ đánh giá công chức theo KPI
Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tham gia góp ý về các dự án Luật
Đoàn đại biểu Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Hủa Phăn tham quan, tìm hiểu tại tỉnh Thanh Hóa
LĐLĐ huyện Như Xuân tổ chức nhiều hoạt động nhân Tháng công nhân
Tên các xã sau sắp xếp tại huyện Thiệu Hóa